Một nông dân chế tạo máy diệt muỗi, côn trùng
Từng tốt nghiệp Đại học Bách khoa ngành điện, nhưng vì lý do sức khoẻ, anh chỉ làm ở bưu điện được vài năm rồi nghỉ việc về quê mở tiệm sửa chữa điện tử, làm ăngten truyền hình.
Xuất phát từ ý nghĩ "ghét nhất là con muỗi vì nó đã làm bao em bé phải ra đi vì bệnh sốt xuất huyết cùng với nỗi lo sợ bị muỗi cắn của người dân quê tôi mỗi khi trời chập choạng tối", anh Trung bắt tay vào chiếc máy độc đáo này.
5 năm nghiên cứu, sau cùng, anh đã tìm ra một giải pháp để diệt muỗi và cả côn trùng. Đó là chiếc máy nhỏ gọn vừa làm quạt mát trong gia đình vừa diệt muỗi. Còn nếu đem ra ngoài ruộng vận hành thì nó lại có chức năng diệt các loại côn trùng hại lúa và hoa màu.
Giải thích về nguyên lý vận hành của máy, anh cho biết: Nó dựa trên nguyên tắc điện cực đặt xen kẽ với nhau, đặt trong một điện trường một chiều tần số cao, có điện thế khá cao cỡ một vài nghìn vol. Cánh quạt phía trước hút gió vào máy từ cửa ở phía sau. Khi luồng gió đi qua lưới điện cực sẽ xảy ra quá trình tổng hợp ozôn (O 3) và nhiều ion âm sau đó thổi ra phía trước. Con muỗi nào bị lọt vào máy từ cửa phía sau sẽ bị nổ tung. Còn con muỗi nào bay lạng quạng ở phía trước cánh quạt thì cũng bị luồng gió mang nhiều ion âm và ôzôn làm cho tê liệt mà chết. "Số muỗi còn lại may mắn hơn bị "say ozôn" nhưng đã có đám thằn lằn đang chực sẵn ăn mồi".
Được hỏi nếu ai đó vô tình chạm tay vào hai điện cực đặt trong môi trường điện tích khá cao như vậy sẽ chết thì sao? Anh cười bảo rằng vì là điện một chiều nên nếu lỡ chạm tay vào sẽ bị giật tê tê chứ không làm chết người.
Đây là chiếc máy tiêu hao năng lượng rất thấp, công suất chỉ 40-50W. Khó khăn nhất trong việc chế tạo là mạch điện tử tạo ion, chế tạo bảng điện cực bằng kim loại rồi phải tìm cho được giá nhựa đặc biệt chịu được điện trường cao để làm giá đỡ cho các bảng điện cực. Sau đó là tìm mua bóng đèn cực tím để dụ muỗi vào máy khi sử dụng vào ban đêm.
Để làm ra chiếc máy này phải có tính kiên trì. Cứ trời chập choạng tối là người ta lại thấy anh ngồi thu mình cùng với chiếc máy sau vườn mặc cho muỗi chích để thử nghiệm, để rồi hôm sau đem máy ra cân chỉnh lại, cải tiến cho hoàn hảo. Công việc "tự nguyện cho muỗi cắn" này đã ngốn hết của anh bốn năm trời.
Sau khi đã hoàn tất giải pháp diệt muỗi, anh ôm máy về Long An đặt tại ruộng của một người quen thử tìm giải pháp diệt côn trùng. Lạ thay, trời mới chập choạng tối, đèn cực tím được bật lên, một lúc sau máy đã đầy ắp các loại côn trùng như phù du, rầy nâu, bọ xít, bọ cánh cứng và nhiều nhất là dế nhũi hại rễ lúa.
Nhiều nông dân nghe tiếng tìm đến đặt anh làm và anh đã bán cho họ được gần chục chiếc.
Được hỏi có dự tính gì cho tương lai, anh bảo sắp tới sẽ nghiên cứu làm ra cái bẫy muỗi tiện dụng trong gia đình và chăn nuôi gia súc. Hằng ngày, các loại quần áo bẩn là nơi muỗi đậu nhiều nhất, vì thế anh nghĩ nếu kết hợp làm cái thùng đựng quần áo bẩn và diệt muỗi luôn thì rất tiện. Anh cũng dự định làm ra thêm nhiều chiếc máy diệt côn trùng chuyên phục vụ cho sản xuất lúa sạch. Nhưng đó mới chỉ là dự tính, cái khó bây giờ là tiền.
Anh than: "Để đăng ký sở hữu chiếc máy diệt muỗi và côn trùng này, cơ quan chức năng đòi phải đóng lệ phí 7-8 triệu đồng rồi chờ 18 tháng sau mới có kết quả. Khoản tiền này đối với tôi là quá cao, chịu không nổi".