Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 31/08/2009 18:14 (GMT+7)

Một nhà khoa học năng động

Trong căn nhà một tầng mà TS. Bùi Văn Luận thuê ở tạm tại TP. Long Xuyên, ngóc ngách nào cũng có thùng, can, chai lọ chứa dung dịch lỏng, mỗi cái đựng một loại vi sinh vật. Ông bảo: “Thế giới này đã có nhiều thứ thay đổi từ những con vi sinh vật nhỏ bé đó”. Khoảng năm 2000, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tập thể rộ lên ở TP.HCM, ông nghĩ đến chuyện làm rau an toàn, lúc Việt Nam chưa có quy định, tiêu chuẩn về sản xuất rau sạch. Ông tìm tài liệu, biên soạn lại, loại bỏ những tiêu chuẩn không phù hợp với Việt Nam rồi xây dựng quy trình sản xuất. Hồ sơ đăng ký tiêu chuẩn và quy trình sản xuất rau sạch ở Sở nông nghiệp - phát triển nông thôn TP.HCM của ông mang mã số 01! Công ty TNHH rau an toàn Bảo Long ở TP.HCM mà ông là giám đốc kỹ thuật sau này nhập về nhiều giống rau ngoại mới lạ như củ cải đỏ nhỏ và tròn như trái cà chua, bí Nhật màu vàng, xanh, tím (lớn hơn trái dưa leo một chút), bắp cải tím, xanh, xà lách corol, khoai tây hồng... Cùng với các loại rau củ truyền thống, các loại rau này được công ty hợp tác với nông dân sản xuất theo mô hình khép kín, không sử dụng phân hóa học và thuốc kích thích tăng trưởng. Bảo Long phối hợp với hệ thống Coop Mart mở những chợ rau an toàn cuối tuần, hợp đồng cung cấp cho các trường mẫu giáo, bếp ăn tập thể của công nhân các nhà máy. Tổng cộng có tới hơn 40 chủng loại rau củ được bán với giá mềm - một sự kiện ở TP.HCM lúc bấy giờ.

Ông cũng phối hợp với Công ty công trình đô thị TP.HCM trong việc phân loại rác thải đô thị làm phân compost bằng công nghệ ủ yếm khí và háo khí cưỡng bức rác thải hữu cơ theo đơn đặt hàng. Công nghệ này sau đó được ông đưa về An Giang thực hiện theo hai quy trình 7 ngày và 14 ngày với nguyên liệu là nguồn rác thải đã phân loại. Phần rác hữu cơ cho ủ yếm khí và hóa khí cưỡng bức được hòa với chất phối trộn sinh học (gồm chế phẩm sinh học, cặn bánh dầu khô, bùn sinh học, máu cá, bùn khô...) cho ra phân compost, khi được phối trộn với NPK và các chất vi lượng tạo ra phân bón theo tỷ lệ phù hợp với từng loại cây trồng. Điểm thành công của công nghệ này là quy trình ủ không phát sinh nước rỉ rác, ít ruồi, hiệu quả cao, mùi hôi không đáng kể, đặc biệt có thể sử dụng bùn thải sinh học và máu cá, góp phần giải quyết chất thải của các nhà máy chế biến thủy sản.

Có ý tưởng nuôi cá tra sạch theo mô hình khép kín, nhưng chi phí cao và tính công nghiệp của nó không phù hợp với tập quán nuôi cá của ngư dân đồng bằng sông Cửu Long. Ông đi khảo sát và phát hiện có thể xử lý nguồn nước ao nuôi cá ô nhiễm bằng hệ thống ozon rồi cho hoàn lưu trở lại ao nuôi, không thải thứ gì ra môi trường. Lớp bùn đáy ao là “sào huyệt” tích trữ nguồn ô nhiễm, nhưng cũng chứa đựng nguồn dinh dưỡng cho cây trồng, nếu được xử lý sẽ trở thành phân bón hữu cơ rất tốt. Từ trước đến nay người ta chỉ mải miết tìm cách khắc phục chất gây ô nhiễm, chứ ít ai nghĩ đến việc sử dụng nó. Lấy bùn từ đáy ao lên không khó nhưng hút bùn bằng loại máy thông thường rất tốn kém. Máy lại đặt cố định một chỗ, mỗi lần dời chuyển là khuấy động cả một góc ao làm lũ cá bị sốc. Tiến sĩ Luận quyết định hút bùn bằng công nghệ ozon và cải tiến cho máy hoạt động lưu động, có thể đặt bất cứ nơi nào trong ao nuôi. Khi máy hoạt động, ozon còn làm tăng nồng độ oxy hòa tan và lũ cá kéo đến vẫy vùng rất đông. Độ pH được nâng cao, làm kết tủa chất phèn. Lượng cá chết hàng ngày giảm 35 - 50% so với ao đối chứng. Chi phí cũng giảm đáng kể vì không phải sử dụng vôi và muối lúc trời mưa. Với công nghệ này, ở những nơi thiếu nước cũng có thể nuôi cá vì nước được hoàn lưu, chỉ phải bổ sung lượng nước bốc hơi bằng nước giếng. Ông đặt tên cho công nghệ này là Bio.Eco.Tech.

Bùn đưa lên được chắt lọc, phơi khô rồi đem về xưởng xử lý, pha trộn, biến thành phân bón vi sinh. Bùn ao nuôi nhiễm vi sinh có hại từ chất thải của cá đã từng khiến nhiều lô hàng cá tra, ba sa xuất đi bị trả lại trong năm 2008 khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng, nhưng qua cái đầu phù thủy của ông nó biến thành một loại phân sạch. Bón phân vi sinh này, người trồng không cần tốn thêm chi phí mua phân vô cơ vì trong thành phần của nó có 70% là hữu cơ, còn 30% là vô cơ. Ông đặt tên cho nó là phân “Biocatra”! Dốc hết tiền tài, TS. Luận đầu tư 1,2 tỷ đồng xây dựng phân xưởng sản xuất phân. Khi sản phẩm ra đời ông đem đi thử nghiệm trên nhiều loại cây trồng, kể cả cây cao su và các hộ trồng rừng ở Tây Nguyên, Lào... Kết quả phản hồi từ nông dân rất lạc quan. Nhiều doanh nghiệp và các hộ trồng rừng, cao su, lúa, hoa màu đã đặt hàng nhưng thời gian thử nghiệm đến tháng 6/2009 mới kết thúc, mặt khác phân xưởng của ông còn quá bé nhỏ. TS. Luận cho biết, ông sẵn sàng chuyển giao công nghệ, nhưng với điều kiện là việc phục vụ nông dân là chính, lợi nhuận chỉ là phụ.

Hiện ông cũng đang hợp tác với các nông dân huyện Chợ Mới (An Giang) và Cờ Đỏ (Cần Thơ) trồng lúa Jasmine sạch. Nghe tin loại lúa Một Bụi Đỏ ở tỉnh bạn xay ra gạo bán hơn 20.000 đ/kg, ông háo hức chuẩn bị tìm đến nghiên cứu phát triển đại trà theo hướng lúa sạch.

Ở khu vực Vườn quốc gia Nam Cát Tiên, ông đã biến trái quýt của một chủ vườn từ chua thành ngọt, có vỏ đẹp và sai trĩu quả, 1 ha quýt năm đó bán được 1,2 tỷ đồng!

Trên bàn của ông có một lọ bột trắng, ông cho biết đó là “phân ngậm nước”. Ông lấy ly nước, bỏ vào đó 1/3 muỗng cà phê bột trắng, chỉ 15 phút nó nở đầy ly như một loại “sương sáo” màu pha lê. Ông bảo 1 kg bột này có thể tích từ 5 đến 50 lít nước. Với loại phân này, những vùng khô hạn như miền Trung cũng có thể trồng hoa màu và cây ăn trái trong mùa nắng mà không cần tưới.

Ở tuổi 61, TS.KH. Bùi Văn Luận trông vẫn còn tráng kiện và luôn háo hức khám phá. Ông nói: “Mình còn một kho những dự định, dự án. Tiếc rằng, quỹ thời gian không còn nhiều”.

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.