Một người đi tiên phong trong khoa học Việt Nam
Hồi ấy, ở Hà thành, ông còn được nhiều người biết do ông là một đối tượng giễu cợt của báo Phong Hoá: họ vẽ tranh châm biếm ông là Tiểu Rùa (chậm như rùa), Tiễu làm “quan” khuyến nông đội mũ áo cánh chuồn, Tiểu trồng thuỷ tiên lại hoá ra hành. Tội cho ông Tiễu đem một giống thuỷ tiên ở Ai Cập về, định trồng cho ra hoa để dân Hà Nội khỏi phụ thuộc “người Tàu”, nhưng không nắm được giống.
Nhưng dù sao, Nguyễn Công Tiễu cũng có những đóng góp cụ thể vào nền khoa học hiện đại Việt Nam phôi thai. Vào thế kỷ 17, đã bắt đầu tiếp xúc với khoa học phương Tây, nói cho đúng hơn là những thành qủa của kỹ thuật và khoa học ứng dụng (đồng hồ, ống nhòm, tàu thuỷ, súng, thuốc Tây) do các nhà truyền giáo và lái buôn Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh, Hà Lan, Pháp… mang đến cho các vua chúa. Mãi cho đến mấp thập niên đầu thế kỷ 20, khái niệm “khoa học” vẫn còn là lơ mơ đối với ta. Ngay Từ điển Đào Duy Anhra vào thập niên 30 là thời điểm trí thức của ta bắt đầu có ý thức thật sự về khoa học, định nghĩa Khoa họcchưa thật rõ: “cái học thuật có hệ thống, có tổ chức, trái với huyền học”. Còn “huyền học” là thứ học thuật trái với khoa học, như học thuyết Lão Tử, Đạo Giáo, Trạng Tử”. Đa số nhân dân quan niệm khoa học là máy móc, thuốc Tây, chống mê tín dị đoan, vệ sinh… Ngay Phan Thanh Giản đã đi sứ ở Pháp về, là người có học, còn nhận xét là tuy Pháp văn minh, nhưng vẫn “dã man” vì thiếu cơ sở văn hoá (tức là Khổng học). Quan niệm này kéo dài sang thế kỷ 20 trong trí thức còn dính với nho học. Mặt khác, chính sách thuộc địa của Pháp khác với Anh ở Ấn Độ, Pháp chủ trương chỉ phát triển buôn bán, không công nghiệp hoá ở Việt Nam do đó chỉ phát triển khoa học ứng dụng phần nào không phát triển khoa học cơ sở.
Mãi đến những năm 30, trí thức Việt Nam mới thật bắt đầu có ý thức thực sự về tầm quan trọng của khoa học đối với đất nước. Nguyễn Công Tiễu thuộc về đội ngũ tiên phong trong phong trào, mặc dù ông không tốt nghiệp đại học ở Pháp về.
Ông sinh năm 1888 (bốn năm sau khi thực dân chiếm nước ta) ở một làng tận Hưng Yên, ông bắt đầu học chữ Nho, mãi đến năm 18 tuổi mới chuyển sang học theo hệ thống Pháp - Việt. Tốt nghiệp kỹ sư canh nông, ông sớm gửi công trình bèo hoa dâu của mình cho “Hội nghị khoa học Thái Bình Dương”. Ông trở thành uỷ viên Hội đồng khoa học Đông Dương năm 1931. Ông cố gắng phổ biến khoa học và dành nhiều thời giờ giới thiệu những kỹ thuật công nghiệp đơn giản và thiết thực cho những nghề thủ công, như thuộc da rắn, nhuộm thuỷ tinh, cất nước hoa…
“ Khoa học tạp chí” của ông được xuất bản trong mười năm, từ 1931 đến 1940, gồm 232 số. Hồi đầu kháng chiến chống Pháp, quân Pháp phá hoại nhà ông đã đốt sạch toàn bộ báo riêng của ông. Một người thợ bạc ở Thái Bình đã thường xuyên đọc báo của ông, để áp dụng kiến thức kiếm ăn, như làm xà – phòng… Hết chiến tranh, ông ta đào phuy xăng chôn giấu toàn bộ 232 số báo và tặng lại cho ông Tiễu. Đến năm 50 tuổi, ông Tiễu bị mù vì đọc quá nhiều và sử dụng kính hiểu vi quá nhiều. Ông trở thành Chủ tịch Hội người mù Việt Nam và ra sức phổ biến cho người mù cách dùng chữ nổi Braille. Ông vẫn tiếp tục nghiên cứu với sự giúp đỡ của thư ký và xuất bản một cuốn sách dạy xem cây dại mà biết được chất đất.
Nguyễn Công Tiễu có hai công trình đáng tự hào.
Thứ nhất là “ Khoa học tạp chí” đã đóng góp đưa khoa học vào một xã hội Khổng học: Trong số đầu, để tránh những cuộc bút chiến có thể nổ ra, ông đã tuyên bố mục đích của tạp chí là kết hợp khoa học với Khổng học. Tạp chí bước đầu tạo ra các danh từ khoa học mà mười năm sau Hoàng Xuân Hãn đã thực hiện hoàn hảo.
Thứ hai là ông có công nghiên cứu bèo hoa dâu và phổ biến loại phân xanh giàu đạm này, giúp vào việc tăng năng suất lúa