Một lòng với nghề
Một ngày làm việc của bác sĩ Trần Quang Dũng bắt đầu từ 6 giờ 30 phút sáng. Công việc tại Khoa truyền nhiễm bộn bề, nhất là vào thời điểm xảy ra dịch bệnh, nhưng sáng nào cũng vậy, anh dành thời gian đầu giờ tới tận giường bệnh khám, lắng nghe và trấn an người bệnh. Khoa truyền nhiễm, hằng ngày đón nhận nhiều bệnh nhân nhiễm căn bệnh nan y. Anh tâm sự: Nghề y là một trong những nghề khó nhọc vì luôn đối diện với sự đau đớn của con người. Do đó, mỗi y, bác sĩ phải biết chia sẻ và thấu hiểu, giúp người bệnh giảm bớt cơn đau thể xác lẫn tinh thần, mau chóng bình phục. Sau mỗi lần cùng đồng nghiệp 'đưa' người bệnh vượt qua cửa tử, nhìn thấy họ nhẹ nhàng hơn trong giấc ngủ hoặc mỗi khi tiễn một người bệnh ra viện, lòng tôi thật nhẹ nhõm. Bằng sự thấu hiểu, anh đã dành tâm huyết nghiên cứu đề tài: 'Tìm hiểu quá trình nhận thức và phản ứng tâm lý của bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS'. Ðề tài đưa vào ứng dụng thực tế giúp tập thể y, bác sĩ có cách tiếp cận phù hợp hơn, giúp người bệnh thoát khỏi trạng thái tiêu cực, hợp tác tốt trong điều trị và ý thức tránh việc lây lan trong cộng đồng. Nhiều người không giấu nổi sự ngạc nhiên khi biết anh còn là tác giả của nhiều ca khúc về ngành y: Áo hồng ngành y, Giọt nước mắt khô, Phiên trực đêm Xuân, Tình thương của Bác, Hành khúc Bệnh viện Cà Mau... Những bài hát và cả các phóng sự được bác sĩ Dũng tự mày mò, sáng tạo trình chiếu trong các chiến dịch truyền thông, hội nghị, hội thảo đã góp phần đắc lực trong tuyên truyền cho cộng đồng tránh kỳ thị đối với bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Nhờ vậy, công tác điều trị bệnh tại Khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Ða khoa Cà Mau không ngừng được cải tiến. Nhờ đó, từ năm 2005 đến nay, một số bệnh như uốn ván, AIDS, viêm màng não giảm tỷ lệ tử vong.
Ðể công tác quản lý và điều trị bệnh đạt kết quả tối ưu, bác sĩ Dũng còn soạn thảo hai phần mềm quản lý bệnh nội trú ở khoa và quản lý điều trị ngoại trú bệnh nhân HIV/AIDS. Ngoài ra, anh thường xuyên cùng với đồng nghiệp tổ chức những buổi thảo luận chuyên môn để trau dồi kiến thức, kinh nghiệm, thực hiện tốt công tác đi buồng bệnh theo quy định của bệnh viện; tích cực tham gia vận động mọi người phòng, chống dịch bệnh.
Ðảm trách một khối lượng công việc khá lớn, ngoài việc phải biết sắp xếp hợp lý, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, bác sĩ Dũng còn được giao làm bí thư chi bộ, đòi hỏi chi ủy, người lãnh đạo phải biết gắn kết tập thể trong khoa thành một khối vững chắc phát huy hoàn thành nhiệm vụ chính trị. Bảy năm qua, dưới sự điều hành của một trưởng khoa gương mẫu, hết lòng vì công việc, Khoa truyền nhiễm đều vượt chỉ tiêu của Ban giám đốc giao cho, 5 năm đạt hạng nhất trong khối thi đua, được nhận Bằng khen của UBND tỉnh. Có được kết quả đó, theo bác sĩ Trần Quang Dũng, là tâm sức của mọi người trong khoa, trong đó trưởng khoa là người biết tập hợp để tạo thành sức mạnh tập thể.
Nói về bác sĩ Dũng, các đồng nghiệp đều có chung một nhận xét: Ðó là một thầy thuốc có lối sống giản dị, luôn đề cao vai trò đoàn kết nội bộ, tôn trọng đồng nghiệp, được cấp trên tin tưởng, tập thể tín nhiệm. Hưởng ứng Cuộc vận động 'Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh', bác sĩ Trần Quang Dũng là một trong 127 tấm gương tập thể, cá nhân xuất sắc được xét chọn từ 13 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy và Liên đoàn Lao động tỉnh Cà Mau. Chính vì có nhiều thành tích trong công tác, liên tiếp từ năm 2002 đến năm 2007, bác sĩ Dũng đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và cấp tỉnh. Tháng 12 vừa qua, anh là đại biểu duy nhất đại diện cho đội ngũ thầy thuốc tỉnh Cà Mau tham dự Ðại hội Chiến sĩ thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII.