Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 14/03/2011 18:19 (GMT+7)

“Một con người mất đi, một thế giới mất đi”

Tôi dám chắc một điều, không một sinh viên, một nhà nghiên cứu hay một giáo sư Việt Nam nào dù học trong nước hay ngoài nước về ngành Ngôn ngữ mà không đọc, không tham khảo sách của Thầy Nguyễn Tài Cẩn.

Thầy là một pho Bách khoa Từ điển của nước Đại Việt. Có thể nói, không một điều gì tự cổ chí kim trong lịch sử dân tộc, đạo học và tri thức Việt Nam mà Thầy không am tường.

Không kể chúng tôi, lớp hậu sinh chỉ võ vẽ viết dăm ba quyển sách giáo trình, chuyên luận, mà ngay đến những bậc cao minh như Giáo sư Đinh Văn Đức, Nguyễn Đức Dân, Nguyễn Cao Đàm, Đoàn Thiện Thuật, Nguyễn Hàm Dương, Hoàng Trọng Phiến… lên lớp cho sinh viên, mỗi khi khẳng định một vấn đề đều nói : “Như Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đã viết… ”, hoặc : "Điều này, ông Nguyễn Tài Cẩn đã kết luận”… để khẳng định một vấn đề.

Ấy thế mà cả cuộc đời viết sách, nghiên cứu của mình, chưa bao giờ Thầy đề trên bìa sách hoặc tự viết chức danh của mình là Giáo sư, Tiến sỹ, Giải thưởng Hồ Chí Minh, mà chỉ đơn thuần tên họ là Nguyễn Tài Cẩn!

Những quyển sách mang tính kinh điển bao nhiêu năm nay của ngành ngôn ngữ do thầy viết, tên của nó đều là "Sơ thảo". Sơ thảo là khởi đầu, là chưa chính thức, ấy thế mà hơn nửa thế kỷ qua, những quyển "Sơ thảo" về Ngữ pháp tiếng Việt, Ngữ pháp Hán Việt, Phát âm tiếng Hán… đó lại là những tài liệu nghiên cứu giảng dạy chính thống trong hệ thống các trường đại học Việt Nam.

Sinh ra trong một gia đình nhà nho nổi tiếng xứ Nghệ, Thầy sang học ở Liên Xô đầu những năm 50, là thế hệ sinh viên Việt Nam đầu tiên được đào tạo một cách chính thống, làm nòng cốt cho nền khoa học nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Là một nhà Tây học, nhưng Thầy cũng là một nhà Phương Đông học bởi cốt cách, sự uyên bác và tư tưởng.

Ai đã từng đến thăm nhà Thầy ở Hà Nội đều thấy trước bàn làm việc, ngoài sách vở ngút trời còn có một chiếc chổi. Đó là một chiếc chổi tre, một đầu là một cây sào dài buộc chặt vào một chiếc chổi loại lao công dùng quét đường phố. Xin thưa, đó là dụng cụ thể dục - một chiếc bút lông cách điệu. Giữa hai giờ làm việc, Thầy đưa chổi ra sân viết chữ Hán như một động tác thể dục và tu luyện. Có người bảo, vốn kiến thức chữ Hán ở Việt Nam có hai bồ, một bồ là của Thầy Nguyễn Tài Cẩn và một bồ là của những người khác, nói như thế chắc cũng không ngoa!

Thầy đã từng được mời giảng dạy ở hầu hết các trường đại học lớn trên thế giới, từ Berlin, Matxcơva, Leningrat, Paris, Tokio, Wasington, New York. Những chuyến đi của Thầy không một ai tháp tùng, không một người làm thư ký. Thầy đi một mình, không làm phiền ai cả. Với một va-ly nhỏ quần áo, một chiếc cặp, hành trang giản dị, phục sức giản dị. Hầu như chưa bao giờ Thầy mang một bộ áo quần sang trọng, thế nhưng không vì thế mà các bậc trí thức, chính khách khắp thế giới giảm đi sự kính trọng đối với Thầy. Được gặp Thầy, được ngồi nghe Thầy giảng, đó là một niềm vinh hạnh đối với nhiều người.

Chục năm trước, Giáo sư Phạm Xuân Hằng, Hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia cùng với Giáo sư Bùi Thanh Quất và tôi đến thăm Thầy ở St. Peterburg. Thầy sống trong một căn hộ hai buồng đơn sơ của khu nhà năm tầng kiểu Khrutsov. Trên bàn của Thầy đầy các loại phong bì thư gửi từ khắp các châu lục đến, ngoài chỉ đề vẻn vẹn : Roussia – Leningrat – Nguyen Tai Can. Thế mà tất cả những bức thư đó mang địa chỉ một thành phố ngót nghét bảy triệu dân vẫn đều đến tận tay Thầy -một ông già ngoại quốc nhỏ bé sống lặng lẽ tại một khu phố bình thường!

Sự thật đó đã nói lên một điều rằng, Thầy vô cùng nổi tiếng trong trong giới trí thức Nga. Thầy nổi tiếng vì sự thông tuệ và đức khiêm nhường, không hề tô vẽ. Không ai thấy Thầy trong các buổi lễ tiệc tùng, yến ẩm, đăng đàn, phỏng vấn. Nhưng người ta thấy Thầy hiển hiện trong các tập bản thảo, các báo cáo khoa học, các nghiên cứu, chuyên luận.

Dù rất bận, mỗi phút, mỗi giờ của Thầy đều hiếm hoi và quý báu, nhưng Thầy vẫn dành ra hàng giờ để tiếp khách, để mạn đàm, trao đổi. Khi tôi đến thăm Thầy, ngồi chừng mươi phút, giữ ý, tôi xin cáo ra về, thì Thầy giữ lại  với một lý do : "Em ngồi thêm một lát nữa, lâu rồi mình không được nghe tiếng Nghệ". Xưng hô với ai, Thầy cũng dùng đại từ ngôi thứ nhất là "mình".

Khi về hưu - hưu theo nghĩa tuổi tác, chứ đối với một người lao động như Thầy thì không bao giờ có khái niệm nghỉ ngơi - Thầy sang Nga làm việc. Các giáo sư, các học sinh cũ của Thầy qua Matxcova, ai cũng muốn ghé thăm Thầy. Dạo tháng 6, ông Vũ Đức Nghiệu, Hiệu phó Trường ĐHKHXH&NV Hà Nội sang Matxcơva, coi việc ghé thăm tôi và làm việc không có gì đáng nói, "mục đích chính là thăm Thầy Cẩn"! Gặp được Thầy Cẩn, đối với ông là toại nguyện lắm rồi.

Tôi về Hà Nội, gặp ai, câu đầu tiên là lời hỏi thăm Thầy Cẩn. Tôi đến Giáo sư Đinh Thanh Huệ, ông đang ốm liệt giường, nhưng lại quan tâm tới sức khoẻ của Thầy hơn là kể về hiện trạng của chính mình. Tết vừa rồi, tôi gọi điện cho các Giáo sư Nguyễn Kim Đính, Hoàng Trọng Phiến, Đinh Văn Đức. Trước khi đặt ống nghe, các ông đều nhắn gửi : "Cho mình chuyển lời thăm Thầy và cô Nonna nhé!".

Nói đến Thầy, không thể không nói đến cô Nonna Xtankevits. Là một nữ sinh dòng dõi Xtankevits, bà gắn bó với anh sinh viên, nhà khoa học Việt Nam Nguyễn Tài Cẩn. Khi nên gia thất, bà theo chồng về Việt Nam và trở thành giáo viên Ngôn ngữ Đại học Tổng hợp Hà Nội. Bà nghiên cứu ngôn ngữ phương Đông, nghiên cứu tiếng Việt và giảng dạy tiếng Việt cho sinh viên Việt Nam.

Những năm chiến tranh chống Mỹ, cũng như một giáo viên bình thường, bà sơ tán cùng nhà trường lên Thái Nguyên, sau đó về Hà Bắc, cùng đồng cam cộng khổ, ăn cơm độn sắn, bo bo và ở trong lều tranh vách nứa. Hàng ngày, bà vẫn đến lớp đều đặn, giảng dạy trong những lán học tối om và ẩm thấp.

Khi về Hà Nội, hàng ngày, bà thường phải dậy thật sớm, đi tàu điện từ cuối phố Huế đến Bờ Hồ, sau đó chờ ô-tô buýt vào Mễ Trì gần Hà Đông để dạy. Tính ra mỗi ngày, bà mất khoảng 5 giờ cho quãng đường đến lớp.

Về nhà, bà vừa là nhà khoa học, vừa là nội trợ, vừa làm lao công. Nhà Thầy giữa thành phố, tiện đường, khách xứ Nghệ ra vào nườm nượp. Người ra chữa bệnh, người đưa con nhập học, có người tiện thể tham quan Lăng Bác, ở lại vài ngày! Cảnh nhà quê ra, chân đất, hút thuốc lào, thậm chí sử dụng bồn vệ sinh chưa biết, bao nhiêu hậu quả, cuối cùng chỉ một tay bà Giáo sư Liên Xô đảm nhận!

Bà về quê Nghệ Tĩnh, dân làng xúm xít đến xem. Ai cũng ngạc nhiên về một bà đầm ăn mặc như phụ nữ Việt Nam bình thường, nói tiếng trọ trẹ như người xứ Nghệ, cái gì cũng làm, việc gì cũng biết.

Toàn bộ những năm tháng tốt đẹp nhất của bà, thời thanh niên sôi nổi, thời sung sức và tràn trề năng lực sáng tạo nhất, bà đã gắn mình với nước Việt gian lao. Những cống hiến của bà trong bao năm tháng giảng dạy, với bao công trình nghiên cứu, các thế hệ sinh viên, giới khoa học và nhà nước Việt Nam ghi nhận. Bà để lại một dấu ấn sâu sắc nhất về hình ảnh một người con dâu Việt Nam tài năng, chung thuỷ vẹn toàn.

Trở lại Nga, bà cùng Thầy sống ở St. Peterburg, và sáu năm qua, bà lại theo Thầy về Matxcơva. Cuộc đời của bà là cuộc đời một con người lao động, tận tuỵ vì chồng con, là chỗ dựa tinh thần cho một bậc Thầy lớn nhất Việt Nam. Tin chắc rằng, mọi người sẽ đồng ý với tôi khi nói rằng, những gì Thầy Nguyễn Tài Cẩn làm được một phần chính là nhờ bà Nonna Xtankevits.

Đêm qua, tối thứ bảy ngày 25/2/2011, trái tim của Thầy ngừng đập giữa thành phố Matxcơva, cách Tổ quốc Việt Nam gần 10.000 km.

Trong phút giây này, tôi không biết nói gì hơn với bà Nonna Xtankevits, với các bạn. Tôi chỉ biết rằng sự ra đi của Thầy là một mất mát rất lớn đối với gia đình, là sự đau xót của cộng đồng người Việt tại nước Nga, là sự tổn thất rất lớn của ngành Ngôn ngữ học Việt Nam. Tôi xin lấy mấy dòng thơ của nhà thơ Nga vĩ đại Evtusenko để trang trải nỗi lòng :

Mỗi con người mất đi, một thế giới mất đi

Một thế giới mất đi, không thể gì tái tạo

Tôi muốn kêu lên, kêu to lên điều ấy

Trước đời người lần lượt tựa thoi đưa.

Xem Thêm

Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.
Phú Yên: Những nữ trí thức góp phần cải thiện đời sống người dân
Trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển của khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nữ trí thức không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo, nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra những ứng dụng thực tiễn giúp cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế.
Tấm gương sáng trong nghiên cứu và bảo tồn di sản lịch sử
Ông sinh năm1948 tại Phường Hồng Hà, thị Yên Bái, là nhà khoa học tâm huyết, là tấm gương sáng về lòng kiên trì, sự đam mê nhiên cứu và cống hiến hết mình cho sử học của tỉnh Yên Bái. Những đóng góp của Nguyễn Văn Quang đối với ngành sử học đã để lại những dấu ấn sâu sắc và có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn di sản lịch sử địa phương nơi có nhiều di tích lịch sử và văn hóa dân tộc vùng cao.

Tin mới

Phú Thọ: Đề xuất xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
Sáng 26/11, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội thảo “Nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đề xuất khâu đột phá và một số nhiệm vụ trọng tâm phục vụ xây dựng dự thảo Văn kiện ĐH Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030” đối với đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà KH thuộc các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Bộ TT&TT làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết việc thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTG
Chiều ngày 27/11, tại trụ sở LHHVN, Đoàn công tác của Bộ TT&TT đã có buổi làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết Quyết định số 362/QĐ-TTG ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương và Phó Chủ tịch LHHVN Phạm Ngọc Linh chủ trì buổi làm việc.
Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Phú Yên: Giải thể 03 tổ chức Hội thành viên
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành các Quyết định số 1471, 1472, 1473/ QĐ-UBND về việc giải thể 03 tổ chức Hội là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú gồm: Hội Kế hoạch hoá gia đình, Hội Phụ sản và Hội Y tế thôn bản. Đây là các Hội không còn hoạt động liên tục mười hai tháng theo quy định.
Cụm thi đua số 3 tổng kết công tác năm 2024
Ngày 22/11, tại thị xã Sa Pa, Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024, triển khai phương hướng nghiệm vụ năm 2025 của Cụm thi đua số 3 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai làm cụm trưởng đã được tổ chức.