"Mời trầu" giọng điệu nào đây
Nhiều người thấy ở bài thơ có giọng diễu cợt châm chọc những kẻ đến làm quen (theo nghĩa “tìm hiểu” ngày nay) với mình mà đó là những kẻ hoặc không xứng đứng hoặc có thái độ “kẻ cả”, “trên trướng”. Ai cũng biết Hồ Xuân Hương không may trong đường tình duyên nên nhiều kẻ không biết trọng tài, không có tấm lòng trân trọng, có thể còn thiếu chân tình, còn cười cợt đến làm phiền về nhiều mặt và đã nhiều lần Hồ Xuân Hương ngạo mạn châm chọc bọn người kiểu đó. Do vậy, việc Hồ Xuân Hương có những bài thơ như thế này, châm chọc đáo để bọn khách không mời mà đến cũng là điều dễ hiểu (1).
Tuy vậy, cách hiểu đó bị phản bác. Phái không thừa nhận giọng điệu xỏ xiên mai mỉa (như cách hiểu trên) cho rằng bài thơ có một giọng điệu chân tình thiết tha với lời “mời” theo đúng nghĩa từ điển là “mong muốn, yêu cầu một cách trân trọng lịch sự” (2). Sự khiêm nhường cáo lỗi cũng như mời gọi thiết tha ấy (thể hiện ở chữ “này”) đã bị hiểu lầm “quá nhấn mạnh vào lớp nghĩa bên ngoài (gọi là lớp nghĩa “lôgic – sự vật”) mà thôi. Và như vậy người ta đã “vô tình làm mất đi mong muốn tốt đẹp” của nữ sĩ họ Hồ, và mất đi vẻ đẹp của nữ sĩ trong văn hóa ứng xử. Đó là lời trách cứ của những người thấy ở bài thơ này “lời mời giao duyên, kết duyên chân thành nồng thắm thiết tha” và thấy ở đấy “một nốt nhạc trong bản hợp xướng thơ, một nốt cảm trong cái tâm hồn phong phú với nhiều cảm xúc, trạng thái của tình cảm của con người Hồ Xuân Hương” (3).
Những cách tiếp nhận khác nhau đó cho thấy cái giọng điệu của một bài thơ có thể là thứ không dễ tiếp nhận dù ở ngay cả những người bản ngữ có một trình độ khá cao về ngôn ngữ, về văn chương. Có cái gì đó cần làm rõ trong cơ chế tiếp nhận giọng điệu, cần được quan tâm lí giải. Trước hết, phải nói rằng dù có thiếu đi cái ngữ điệu cùng những cử chỉ kèm theo (một cái nháy mắt, một cái chề môi, một cái nhấn giọng khác lạ…) thì văn thơ vẫn có những phương tiện để thể hiện trạng thái tình cảm của người viết, vẫn có những cách thức chọn lựa chữ nghĩa để “tải” cái nội dung tình cảm thực của tác giả. Hãy nói cái từ “hôi” ở miếng trầu hôi. Có thể ở vùng nào đó phân biệt trầu cayvới trầu hôithật. Nhưng khi đã có một từ hôichỉ cái mùi vị không hay ho thì người ta không dễ dãi dùng “trầu hôi” trong nói năng mời mọc, nhất là khi cần lịch sự, khi không được gây hiểu lầm (4). Người thường còn thế huống gì “Bà chúa thơ Nôm”! Lẽ nào nữ sĩ họ Hồ không có cách diễn đạt khác để thể hiện sự cáo lỗi nều nàng muốn? Một thứ “miếng trầu xoàng”, chẳng hạn? Cái chữ “của” nữa. Một cô nàng hay chơi trò nói lái với những cái “sở chỉ” luôn cần tránh né sao lại có thể nói ỡm ờ như thế khi cần phải biểu lộ tối đa lòng chân thành? Và với loại khách chưa quen quý nữa như cách người ta muốn hiểu! Khó mà thật thà khi cho rằng đó là chữ “của” chỉ quan hệ sở hữu rất hiền lành! Cái có thể “quệt” chỉ có thể là một chất lỏng hay một chất có chứa nước như vôi tôi… Nếu chân thành, nghiêm túc chắc không chơi trò tỉnh lược để lỡm người ta vì có thể “vôi của” hay “Vôi mặn vào đây đã quệt rồi”. Còn bỏ lửng thì bao nhiêu thứ “chất lỏng” có thể điền vào chỗ tỉnh lược! Ngôn từ ấy ở người thường có thể là vô ý. Với nhà thơ không thể là không dụng ý. Với một phong cách thích nói tục, nói lỡm thì không thể ngây thơ, dại dột tin vào câu chữ cho là bề mặt! Lại phải nói thêm về chữ này. Sao lại hiểu đó là lời mời gọi níu kéo? Ngay cứ lấy nghĩa của từ điển cũng đã thấy bất bình thường, cần “hiểu lại” rồi. Bê đĩa trầu ra trước mặt khách là hai bên đã có sự chú ý rồi, sao còn phải “gọi người đối thoại bảo hãy chú ý”? Chữ “này” hẳn là một cách đưa dúi vào tay như kiểu thí cho? Và cuối cùng thì cái màu “xanh” màu “bạc” được gán cho ý nghĩa “biểu trưng cho tình yêu” thì có lẽ ít dựa vào cái nền văn hoá dân tộc quá. Sau lời kêu gọi “thắm lại” đầy khiêu khích (nghi ngờ nên mới đặt vấn đề “có phải duyên nhau”? chứ)? Cái “xanh như lá” – “bạc như vôi” là cái màu xanh bệnh hoạn ở người (xanh như tàu lá) và màu bạc của bội bạc (5)! Nghĩa là cái chữ cái nghĩa chọn lựa thế nào trên cái nền văn hoá dân tộc (một thứ tiền giả định bách khoa) là một thứ cơ sở để xác định nội dung ngữ nghĩa trong đó có giọng điệu của bài thơ. Đó không phải là thứ có thể vi phạm bừa bãi để gán nghĩa lung tung. Cùng với nó còn là tiền giả định khác cái phong cách gần như đã định hình ở thơ nôm Hồ Xuân Hương với sự châm chích, chua chát với cách ăn nói rất gần với ngôn từ tục tĩu dân dã tuy có ý che dấu bằng cái kiểu nói là – cái mặc cảm đầy phẫn uất của nữ nhân bị số phận đem làm trò đùa với rất nhiều kẻ nam nhi không xứng đáng về tài năng nhân cách được để ý đến.
Có một điều kiện quan trọng nữa rất cần biết khi đi tìm giọng điệu đích thực của bài thơ mà không hiểu sao có nhiều người vẫn không chú ý. Đó là ngữ cảnh giao tiếp - một hoàn cảnh sáng tác theo nghĩa hẹp hoặc theo nghĩa rộng. Trong bài Mời trầu, đúng ra cần phải biết đến các đối ngôn (nhân vật tham gia đối thoại) và mối quan hệ của họ. Hiểu như nhiều người khẳng định bài thơ này chỉ là diễu cợt, châm chọc đầy ác cảm, khinh khi với đối ngôn cụ thể (những kẻ bất tài, những kẻ đánh giá thấp Hồ Xuân Hương khi thấy số phận long đong của nàng…) là đúng. Nhưng nếu chỉ khẳng định như thế một cách “tuyệt đối” lại không đúng. Nếu như một đối ngôn khác, có quan hệ khác của Hồ Xuân Hương?
Với Chiêu Hổ, người đã có quan hệ có lẽ trên mức tình bạn, và có lúc đi xa hơn Kim Trọng khi “Xem trong âu yếm có chiều lả lơi” chẳng hạn thì phải xem xét. Cái lời cảnh cáo không phải là không “ác”:
Anh đồ tỉnh, anh đồ say
Sao anh ghẹo nguyệt giữa ban ngày
Này này chị bảo cho mà biết
Chốn ấy hang hầm chớ mó tay.
Nhưng đấy vẫn là lời mắng… yêu… Mắng thật thì đâu có thể dễ thành thơ như thế. Cho nên, trong cái không khí ấy Chiêu Hổ mới bài bây hoạ thơ lại!
Trở lại bài Mời trầu. Không tin hẳn giả thuyết về đối tượng được mời là Chiêu Hổ, Nguyễn Công Trứ, nhưng vẫn nên giả định người đó là một văn nhân tài tử, có quan hệ thân mật hay sơ kiến. Nhưng đã là đồng thanh tương ứng thì Hồ Xuân Hương vẫn có thể “mời trầu” như thế này. Nhưng dùng cái “chiến lược giao tiếp” này trong trường hợp này, nữ sĩ có cái đích khác. Nàng đùa giỡn thôi! Khi xưng “chị” với Chiêu Hổ cũng chỉ là trêu đùa mà! Tất cả những ý nghĩ thật của “trầu hôi”, của “Này của Xuân Hương đã quệt rồi”, của “xanh như lá bạc như vôi” vẫn giữ nguyên cái nghĩa từ vựng – tu từ của chúng. Nhưng có lẽ với cái “nháy mắt tinh nghịch” khi trêu nhau, khi thách đố nhau thì khác, những thứ đó với tài tử giai nhân có “văn chương nết đất thông minh tính trời” thì không giận nổi nhau đâu. Có thể đó là thứ thử thách mời gọi nữa.
Đó có thể là một suy diễn nhưng cái cơ sở ngữ dụng học cho phép được giọng điệu bài thơ một cách “trái khoáy” như thế. Mà hiểu như thế cũng không xa gì lắm với những trêu đùa, những kiểu nói ngược trong giao tiếp với những người lân la tìm hiểu mà cô ta có ít nhiều cảm tình.
Có lẽ cũng nên nói thêm về luận lí không cần dựa vào giả thuyết (về đối ngôn này đối ngôn khác) để suy diễn nhất quán. Đó là một ý kiến không đúng. Với những bài thơ mang tính giao tiếp rõ ràng như thế này cũng như những câu đối, những bài hát đối đáp trong câu ca dao, cần khôi phục hoặc giả định một ngữ cảnh mới có thể lí giải thuyết phục được. Và văn thơ không nhất thiết phải có một cách giải thích “nhất quan”. Rất nhiều câu nói tách khỏi ngữ cảnh sẽ là sai hoàn toàn mà ở vào ngữ cảnh cụ thể của nó thì nó lại đúng.
“Văn chương tự cổ vô bằng cứ” có thể là một lời chê trách bình phẩm khi gặp những cuộc tranh luận kiểu này. Nhưng những tiến bộ trong ngôn ngữ học đang dần giúp ta giải thích văn chương bằng ngôn ngữ học.
Chú thích:
(1) Tuy nhiên, đưa cái nhìn sex đến mức coi miếng trầu và quả cau là sinh thực khí của nữ, nam thì quá cái “ngưỡng” quen thuộc của dân ta vốn không quá kiêng kị, và quá xa lạ về văn hoá.
(2) Tên bài thơ xưa nhiều khi chỉ do người sưu tập đặt cho. Dựa vào nghĩa chữ “mời” để lập luận là khó ổn.
(3) Xem Ngôn ngữ & đời sống số 1+2-2007, Văn nghệ 18 + 19/2005, Những vấn đề lí thuyết lịch sử Văn học và ngôn ngữ (Nxb Giáo cụ 2001).
(4) Có ai không đùa, mà lại mời nhau ăn món “ngẩu pín” bằng tên gọi “thuần Việt” của thứ đó?
(5) “Bạc như vôi” là thành ngữ, ở đó ý nghĩa phê phán về đạo đức rất rõ. Đâu có cái màu đẹp đẽ của thứ Kim loại quý!
Nguồn: Ngôn ngữ & đời sống, số 1+2-2007, tr46.