Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 05/04/2010 17:22 (GMT+7)

Miếng trầu là đầu câu chuyện

Vào những thế kỷ trước công nguyên, khi người Trung Quốc lần đầu tiên tiếp xúc với người Việt, họ đã ghi nhận: “người Việt để tóc ngắn, xăm mình, nhuộm răng đen và ăn trầu”. Ăn trầu thường đi đôi với răng đen, và người Việt lấy đó là tiêu chí để phân biệt với người Trung Hoa. Đấy là một nét văn hoá gắn người Việt với nền văn minh Nam Á và Nam Đảo, mà hơn một nghìn năm Bắc thuộc vẫn không thể xoá bỏ nổi. Theo truyền thuyết thì tục ăn trầu của người Việt đã có từ thời Hùng Vương, dựa vào câu truyện trong sách Lĩnh Nam chích quáibiên soạn vào cuối thế kỷ XV. Chuyện kể về hai anh em trai tên là Tân và Lang sống thương yêu nhau. Nhưng khi anh lấy vợ thì không ngó ngàng gì đến em nữa, người em buồn bỏ nhà ra đi, biến thành một hòn đá. Người anh đi tìm đến chỗ hòn đá thì thất vọng đập đầu vào đá mà chết, rồi hoá thành một cây cau. Người vợ đi tìm chồng đến chỗ đó cũng chết hoá thành dây trầu leo quanh thân cau. Đến khi vua Hùng đi qua, lấy lá trầu ăn với hạt cau thấy có mùi thơm cay, khi nhổ nước lên hòn đá thì có màu đỏ như máu. Từ đấy sinh ra tục ăn trầu cau với vôi nung từ hòn đá ra.

Thực ra tục ăn trầu cau người Việt đã có từ lâu, giống như hầu hết các tộc người khác ở Đông Nam Á. Trầu tiếng Việt cổ gọi làblầu, giống như tên gọi của người Ba Na (bolou), Khơme (mlu), hay Thái (phlu), chứng tỏ đó là một loại cây có nguồn gốc Đông Nam Á. Còn từ Hán - Việt gọi trầu là phù lưu, có thể là cách phiên âm củaTrung Quốc từ chữ blầu. Riêng người Nghệ Tĩnh thì đến gần đây vẫn gọi trầu là trù, những làng mang tên trù phần lớn là làng buôn trầu hay trồng trầu xưa, ví như quê ngoại của Bác Hồ là Hoàng Trù. Cònở ngoài Bắc thì biến âm thành giầu, như ở vùng Bắc Ninh còn có chợ buôn trầu gọi là chợ Giầu.

Cây cau rõ ràng là từ bán đảo Đông Dương đưa vào Trung Quốc được gọi là pinlang (tân lang), có thể là phiên âm theo tiếng Mã Lai pinang. Nhưng điều thú vị là người Trung Quốc đã chấp nhận thành một cái tên mang ý nghĩa là “khách đến” (tân là khách, lang là người). Người Việt trong cách nói thông thường thì gọi là trầu cau, nhưng khi ghi vào sách vở thì dùng chữ Hán là “tân lang” để chỉ quả cau, còn “phù lưu” để chỉ lá trầu.

Cuối thế kỷ XIX, ông Huỳnh Tịnh Của trong cuốn Từ điển tiếng Việtđã liệt kê bốn loại tràu ở Nam kỳ. Đó là trầu chà lẹt, lá nhỏ mà rất cay; trầu Sài Gòn hay trầu hai hoặc trầu quế, lá màu vàng có mùi thơm, trầu Sốc Vinh lá dày và màu thẫm; trầu rừng mọc hoang trong rừng.

Về cau thì người ta phân biệt hai loại là cau nhà và cau rừng mọc hoang có nhiều ở Thanh Hoá, Nghệ An và Hà Tĩnh. Nhưng riêng tỉnh Hải Dương, năm 1903 ông Nguyễn Văn Oanh đã thống kê được 10 loại cau có tên gọi khác nhau: cau tứ thời có quả quanh năm, quả nhỏ rất được ưa chuộng; cau búp vải quả to hình búp vải, rất hiếm; cau dừa quả to hình quả dừa, không ngon lắm; cau sung hình quả sung; cau dùi trống quả tròn giống như đầu dùi đánh trống, được nhiều người thích, cau trái đào quả gần tròn cũng rất được ưa chuộng; cau điều hạt màu đỏ thẫm rất hiếm và được ưa thích; cau tía gấc vì bóc lớp vỏ ngoài, cau có màu đỏ tía như quả gấc; cau quả nhỏ như trứng chim gi, ít được ưa chuộng; cau mỏ sẻ quả tròn nhưng đầu cuối nhọn như mỏ chim sẻ, ít được ưa chuộng. Cau ăn tươi là ngon nhất, nhưng không giữ được lâu, nên người ta phải phơi khô để chuyên chở xa hay để dành.

Chưa có tài liệu nào tổng kết về sự lan truyền của tục ăn trầu cau, chỉ biết rằng nó có mặt từ Ấn Độ sang Trung Quốc, qua bán đảo Đông Dương, xuống đến Tân Ghinê và Nam Đảo, sang tận miền đông châu Phi. Thần thoại Ấn Độ gắn trầu cau với bộ ba các thần Brahma – Vishnu – Mahesh. Quả cau thuộc thần Brahma, lá trầu thuộc thần Vishnu, vôi thuộc về thần Mahesh. Thần Vishnu ban phát lá trầu để bày tỏ tình yêu và thân thiện. Một truyền thuyết khác còn nói rằng Nữ thần Rắn đã chặt đầu ngón tay út của mình gửi đến cho người Pandavas. Sau khi cắm đầu ngón tay xuống đất thì mọc lên cây trầu, nên người ta gọi đó là “Nagveli” (Cây rắn). Vì vậy khi têm trầu người ta thường cắt đầu nhọn của lá như cắt lưỡi rắn. Điều này khiến ta nhớ đến truyện cổ tích Việt Nam : một người vợ có chồng đi xa về, ra vườn buổi tối hái lá trầu không về têm cho chồng. Người chồng ăn xong thì chết, bị quan bắt tội. Nhưng sau đó người ta phát hiện rằng dưới dàn trầu có con rắn làm tổ nhả nọc độc vào lá trầu. Vì vậy từ đấy khi ăn trầu người ta phải cắt đầu nhọn của lá, là nơi tích tụ nọc độc. Câu chuyện có vẻ hoang đường, thiếu căn cứ khoa học, nhưng có lẽ nhằm giải thích một tập tục có từ xưa, phổ biến ở nhiều nước.

Ở Ấn Độ trồng trầu và ăn trầu đã trở thành một nghi thức. Trồng trầu là đặc quyền của một giáo phái được trọng vọng gọi là Bari ,nhiều giáo phái khác cũng có đặc quyền trong việc buôn trầu. Có lẽ vì buôn trầu là một nguồn lợi lớn, nên người ta giữ gìn đặc quyền đó, giống như ở nước ta xưa kia, những làng trồng trầu và buôntrầu thường là những làng giàu có như vùng Nghệ An và Bắc Ninh, còn ở Huế thì có câu: Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu/ Mua cau Nam Phổ, mua trầu chợ Dinhđể nóilên những địa điểm nổi tiếng bán trầu cau. Mà không phải ở đâu cũng trồng được trồng trầu, phải có đất thích hợp và chăm sóc công phu. Như ở Ấn Độ các thứ phân bón khác nhau sẽ tạo nên những loạitrầu có mùi vị riêng biệt, được ưa chuộng tuỳ theo cách sử dụng.

Ăn trầu đã đi vào tập quán củ nhiều dân tộc. Với người Việt không cần phải nói thì chúng ta cũng đã biết, tuy rằng ngày nay không còn mấy ai ăn trầu, trừ người lớn tuổi ở thôn quê, nhưng trầu cau là thứ không thể thiếu khi cưới hỏi, khi ma chay, và trong lễ hội ở làng quê cũng như thờ cúng ở đền miếu. Một vài nơi tại Ấn Độ, trong đám cưới, cô dâu phải cắn miếng trầu trong miệng, chú rể dùng răng ngắt ra từng miếng nhỏ để tỏ sự gắn bó cuộc đời. Xưa kia trong triều hoàng đế Ấn Độ, mỗi khi vua giao việc khó khăn cho quần thần thì đặt một khay trầu giữa chốn thiết triều, người nào tình nguyện đi làm nhiệm vụ sẽ đến lấy trầu ăn. Người ta không biết trầu được du nhập vào Ấn Độ từ lúc nào, chỉ biết là từ thời đại Gupta (thế kỷ 320 – 467 sau CN) đã ghi lại tục ăn trầu. Trầu đi vào các quan hệ trong xã hội Ấn Độ, giữa người và thần linh, giữa chủ và khách, giữa thầy và trò, chồng và vợ, giữa vua tôi.

Ở Malaixia cũng vậy, mời trầu là tín hiệu sắp chia tay, nói cho khách biết đã đến lúc lên đường. Đối với người Mã Lai, nước cốt trầu được coi là chứa sinh khí. Người ta bôi lên thái dương đứa trẻ bị ốm. Ở Philippin cũng vậy, người ta bôi nước cốt trầu vào bụng trẻ để phòng cảm lạnh. Một tộc người ở Nam Đảo khi có mang đến tháng thứ 7, bà mụ lấy một lá trầu đựng dầu nhỏ từng giọt một lên rốn người mang thai để xác định là con trai hay con gái. Còn khi ly hôn thì hai bên vợ chồng cùng trao cho nhau mỗi người một bó lúa và một miếng trầu trước sự chứng kiến của hai họ. Cũng có nơi ly hôn được tượng trưng bằng một lá trầu cắt đôi, hay một quả cau để trên gối. Còn ở ta thì miếng trầu mời nhau giữa con trai và con gái là tín hiệu để đi đến hôn nhân, được nêu trong câu ca quen thuộc… “Hai anh mở túi lấy trầu mời ăn/ Thưa rằng bác mẹ đã răn/ Làm thân con gái chớ ăn trầu người”.

Người Trung Quốc (tộc Hán) tuy không ăn trầu, nhưng nhiều tộc thiểu số phía nam vẫn có tục nhai trầu, cho nên trầu cau không phảixa lạ trong ngôn ngữ Hán. Đặc biệt ở Đài Loan, nơi có nhiều tộc thiểu số gốc phương nam cư trú, nhất là có nhiều di dân Phúc Kiến, vốn là xứ sở của người Mân Việt, đã quen với tục ăn trầu. Tại đâytrầu cau được bán ở những cửa hàng cạnh đường cái, đôi khi còn gọi là “chewing – gum Đài Loan”, và bán ở mọi nơi công cộng như rạp chiếu bóng, nhà triển lãm… Người ta còn phát không những chiếc túinilông để nhổ cốt trầu.

Đi liền với tục ăn trầu còn có một loạt các dụng cụ riêng biệt dùng vào việc đó. Trước hết là con dao bổ cau, có lưỡi thật sắc mà người thường ví mắt người con gái đẹp “sắc như dao cau”. Thứ đến là dao têm trầu, ở nước ta nó làm đơn giản bằng sắt không cán, một đầu là lưỡi dao để cắt lá trầu, đầu kia là cái que để ngoái vôi, phía lưng có một dùi nhọn để dùi lá trầu khi giắt cuống lá vào. Ở một số nước, con dao này có khi làm bằng đồng thau, bạc hay ngà, có cán sắt, đôi khi chạy chỉ bạc hay vàng, thành một vật có giá trị trang trí.

Hộp đựng vôi phần lớn làm bằng đồng thau hay bạc, có chạm trổ hình hoa lá, có dáng một cái ống nhỏ, có nắp đeo một sợi xích nối vào que lấy vôi. Vôi ăn trầu phần lớn là vôi nung từ vỏ sò giã nhỏ, sau khi tôi, nó cho ta một thứ bột nhuyễn và mịn. Riêng người Việt thì đựng vôi trong bình gốm hình tròn có quai, phía trên có một lỗ nhỏ để chọc que ngoáy vôi. Có lẽ đây là một tập tục riêng biệt không đâu có, người xưa coi bình vôi là vật thiêng nên gọi là “ông bình vôi”. Khi bình vỡ hoặc dùng lâu vôi khô cứng bịt kín miệng thì người ta thay bình mới, nhưng bình cũ không được vứt bất cứ đâu, mà phải đưa ra để dưới các gốc cây đa hay gốc si đầu làng hay gần đình miếu, là nơi thiêng liêng cư ngụ của các thần linh. Ngày nay những bình vôi này đã trở thành đối tượng của những người săn tìm cổ vật vì hình dáng và màu men của nó rất độc đáo, không cái nào giống cái nào.

Cuối cùng là cơi trầu, một cái hộp gỗ hình vuông hay tròn tuỳ nơi, có hai ngăn. Ngăn trên chia thành nhiều ô nhỏ để đựng trầu đã têm và cau, cùng các thứ gia vị phụ thêm. Với người Việt thì dùng vỏ chay là chính, có khi thêm vỏ quế cho thơm, và một ít thuốc lào cho những người ăn trầu thuốc. Ở nhiều tộc chịu ảnh hưởng văn hoá Ấn Độ thì ngoài trầu cau còn có nghệ tây (safran, bột để làm cari), nhục đậu khấu, hạt câu đằng… Ngăn dưới để lá trầu trưa têm và các thứ khác như cối giã trầu, dao têm trầu. Chiếc cối gĩa trầu thường làm bằng đồng, gồm một chiếc cối nhỏ bằng đồng và một cái chày cũng bằng đồng có ba ngạnh ở đầu để nghiền cau, dùng cho người già răng yếu. Người Việt còn có cơi trầu bằng đồng thau mỏng, hình tròn, chỉ có một ngăn. Phía trên là nắp hơi lõm xuống để đặt những miếng trầu đã têm và cau sắp sửa ăn, còn phía dưới là tất cả những thứ còn lại. Ngoài ra trong nhà bao giờ cũng có ống nhổ để nhổ nước trầu, nhà giàu hay nhà quan thì ống phóng có miệng loe rộng để ở góc nhà như một vật trang trí.

Đấy là đồ dùng để trong nhà, khi ra ngoài người ta thường bỏ trầu đã têm và cau cùng những thứ khác trong chiếc hộp nhỏ bằng bạc có chạm trổ, bỏ trong túi áo hay giắt vào thắt lưng. Đặc biệt phụ nữ Việt Nam khi đi chơi còn đeo một bộ xà tích, gồm một dây xích bằng bạc, một đầu đeo ống đựng vôi làm bằng bạc có chạm trổ. Đây không chỉ là dụng cụ ăn trầu mà còn là đồ trang sức, mỗi bước đi ây xích đập vào ống vôi vang lên tiếng lách cách theo nhịp chân đi.

Trầu của người Việt têm thành miếng dài, đặc biệt cầu kỳ là những lá trầu têm hình cánh phượng vào dịp đám cưới hay lễ hội. NgườiẤn Độ lại têm trầu bằng cách gập lá trầu làm bốn thành hình tam giác, rồi dùng một nụ đinh hương ghim đầu lá lại. Người Ấn Độ còn có nhiều cách têm trầu khác tuỳ theo hoàn cảnh mời trầu. Theo mô tảcủa một số nhà nghiên cứu, thì có những tộc người làm đơn giản hơn, bằng cách quệt vôi lên lá trầu, đặt cau đã bổ cùng các thứ phụ gia khác vào giữa, rồi cuộn tất cả lại cho vào mồm. Thực ra đấy cóthể là cách ăn khi vội vàng, không có thì giờ têm trầu, mà đoạn mô tả của bác sĩ người Pháp trên đã nói đến.

Ngày nay tục ăn trầu ở nước ta đã dần dần biến mất, mà điều kỳ lạ là nông thôn miền Bắc, nơi phát sinh ra hầu hết các tập tục mời trầu trong nghi lễ cũng như trong giao tiếp và còn lưu giữ cả một kho tàng đồ sộ về ca dao tục ngữ liên quan đến trầu cau, thì thói quen ăn trầu hầu như không còn ở nông thôm, kể cả đối với người già. Trong khi đó thì miền Nam lại còn bảo lưu tục ăn trầu khá phổ biến. Cau vẫn là nguồn lợi lớn của nhiều vùng như các vườn cau ở Nam kỳ lục tỉnh hay những vườn hàng ngàn cây cau ở Quảng Ngãi, Quảng Nam, trong khi các vườn cau nổi tiếng như ở Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình đều không còn nữa. Với các nước quanh ta, mặc dầu đã bước vào cuộc sống hiện đại sớm hơn, nhưng vẫn duy trì tập quán này trong mọi tầng lớp dân chúng như ở Ấn Độ, Mã Lai, Thái Lan, Đài Loan…. Ta chỉ còn thấy hình ảnh của trầu cau mỗi khi được chia phần mừng đám cưới, hay trong lễ hội mời trầu Quan họ và trong những câu ca dao tình tứ:

Vào vườn hái quả cau xanh,

Bổ ra làm tám mời anh xơi trầu.

Trầu này têm với vôi tầu,

Giữa đệm cát cánh, hai đầu quế cay…

Xem Thêm

Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Ngày 25/6/2025, tại Tp. Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) chủ trì, phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Huế (Liên hiệp Hội TP. Huế) tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức để góp phần tích cực cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023”.
An Giang: 8 giải pháp thực hiện đột phá phát triển khoa học công nghệ
Đến nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội tỉnh) đã tập hợp được 40 hội, tổ chức thành viên với 9.554 hội viên cá nhân, trong đó có hơn 3.451 hội viên trí thức. An Giang xác định và đề ra mục tiêu về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (KHCN, ĐMST, CĐS) đến năm 2030.
Thanh Hoá: Hội thảo KH về giải quyết tình trạng thiếu lao động ở nông thôn, lao động trực tiếp tham gia SX nông nghiệp
Sáng ngày 27/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Nông nghiêp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp giải quyết tình trạng thiếu lao động sản xuất ở khu vực nông thôn, lao động có kỹ thuật, tay nghề cao trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ”.
Bình Thuận: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất
Sáng ngày 27/5, tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp đột phá trong ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào thực tiễn quản lý và sản xuất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”.

Tin mới

Tìm giải pháp thực hiện hiệu quả các dự án viện trợ không hoàn lại
Thủ tục hành chính thực hiện và quản lý các dự án viện trợ không hoàn lại hiện nay còn phức tạp; quy trình xét duyệt, giải ngân còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ và sự hài lòng của đối tác; năng lực quản lý hạn chế; một số đơn vị thành viên thiếu chuyên môn về giám sát tài chính, báo cáo theo chuẩn quốc tế; biến động kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nguồn viện trợ không ổn định....
Chủ tịch Phan Xuân Dũng tiếp xúc cử tri tỉnh Khánh Hòa sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV
Ngày 9-10/7, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa gồm ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, bà Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và ông Nguyễn Văn Thuận đã có các buổi tiếp xúc cử tri tại xã Bác Ái Tây và xã Phước Hà sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Công nghệ mới trong xử lý chất thải góp phần phát triển bền vững ngành chăn nuôi Việt Nam
Ngày 3/7, Liên hiệp Hội Việt Nam phối hợp với Liên hiệp hội tỉnh Bắc Ninh và Hội Chăn nuôi Việt Nam tổ chức Hội thảo Phổ biến một số công nghệ mới có hiệu quả trong xử lý chất thải chăn nuôi. Hội thảo thu hút sự tham dự của đông đảo người sản xuất, kinh doanh, hộ chăn nuôi và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.