Máy khoan ngang của Việt Nam
Ông Hoàng Quốc Dũng - Quản đốc Phân xưởng nước Đà Lạt thuộc Công ty cấp nước Lâm Đồng, đồng tác giả đề tài máy khoan ngang - cho biết: Tính đến tuần cuối tháng 3 này, phân xưởng nước Đà Lạt đã chế tạo được ba bộ máy khoan ngang theo yêu cầu của khách hàng. Trước đó, đề tài này đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cấp bằng Lao động sáng tạo.
Trước năm 1990, để lắp đặt một đường ống băng ngang qua đường, người ta thường sử dụng cách đào hào từ trên mặt đường xuống rồi sau đó lấp đất lại và hoàn trả mặt đường. Cách làm phổ biến này thường để lại vết lồi lõm trên mặt đường, gây khó chịu (và cả sự nguy hiểm) cho người qua lại trên các phương tiện giao thông. Tình cờ một hôm đi qua đường Quang Trung, Đà Lạt, thấy mấy lưỡi khoan địa chất (khoan đứng) gỉ sét được chủ nhân dùng làm cọc rào, ông Dũng đã mua toàn bộ số cọc rào trên về để nghiên cứu. Sau bốn năm nghiên cứu, đến năm 1994, chiếc máy khoan ngang thủ công đầu tiên của Công ty cấp nước Lâm Đồng ra đời. Chiếc máy này được vận hành bằng tay: Công nhân dùng một cần lắc tay xoay một vítme gắn với một lưỡi khoan xoắn ruột gà. Lưỡi khoan này được chế tạo theo nhiều kích cỡ và bước xoắn khác nhau. Hệ thống vítme và cần lắc sẽ định hướng cho mũi khoan xoay tịnh tiến ngang vào mặt cắt khối đất và phôi đất được hệ thống lưỡi khoan xoắn ruột gà đẩy về phía sau. Với hệ thống này, nhờ cách khoan âm sâu dưới lòng đất nên tránh được cảnh đào đường như trước đây. Đặc trưng của giải pháp khoan ngang này là trong một không gian đô thị chật hẹp chỉ cần đào một hố có kích thước 2m x 0,7m bên lề đường là có thể khoan được một đường hầm có đường kính tới 300mm và chiều dài lên đến 30m. Có thể coi đây là thành công bước đầu của công trình khoan ngang ở Công ty cấp nước Lâm Đồng.
Tuy nhiên, vì hệ thống này vẫn vận hành hoàn toàn bằng thủ công và năng suất còn quá thấp (mỗi giờ chỉ khoan được 1m). Chương trình cải tạo đường ống nước tại Đà Lạt, Chính phủ Đan Mạch có viện trợ cho Công ty cấp nước Lâm Đồng một rôbốt đào đường bằng búa khí nén. Một cuộc họp của các kỹ sư và thợ cơ khí bậc cao của phân xưởng nước Đà Lạt được triệu tập. Bằng kinh nghiệm nhiều năm cộng với ý tưởng chợt đến về công nghệ rôbốt, sau ba tháng tập trung cao độ, tập thể này đã chế tạo máy khoan ngang hoạt động bằng động cơ xăng. Ưu điểm của hệ thống khoan ngang vận hành có động cơ nổ này là có thể khoan với nhiều kích cỡ khác nhau (đường kính tiêu chuẩn mặc nhiên là 100mm), chiều dài đường khoan có thể lên đến 30m (chiều dài tiêu chuẩn mặc nhiên là 10m), công suất đạt đến 10 phút/mét và nhiên liệu tiêu hao trên mỗi mét khoan chỉ 0,5 lít xăng. Sau thành công này, nhóm các kỹ sư và thợ cơ khí bậc cao của Công ty cấp nước Lâm Đồng đã dành ra một khoảng thời gian để tiếp tục hoàn chỉnh các chi tiết phụ của hệ thống để có được một chiếc máy khoan ngang đạt tiêu chuẩn như hôm nay.
Nguồn: Khắc Dũng, http://www.nhandan.org.vn ngày 4/03/2003