Máy gieo đậu tương liên hoàn
Ông Tuỳ ấp ủ ý tưởng chế tạo máy gieo đậu tương từ năm 2003. Nếu gieo đậu thủ công thì rất tốn công sức mà diện tích cây trồng không lớn. Nghĩ là làm, ông thức đêm thiết kế từng chi tiết máy. Bản vẽ hoàn thành, ông huy động anh em công nhân cùng lắp ghép. Chiếc máy gieo đậu tương phiên bản đầu tiên chào đời năm 2004. Thế nhưng, khi đưa máy vào thực nghiệm, ông lại thấy quá nhiều bất cập. Máy chỉ gieo được đậu ở những vùng đồng đất thuận lợi, không gieo được ở những nơi đồng sâu, mấp mô; những hạt đậu gieo ra không đều; máy thiết kế cồng kềnh, di chuyển khó khăn...
Sau 7 lần phá dỡ, làm lại, cuối cùng chiếc máy gieo đậu tương của ông cũng đã hoàn thành bộ chia hạt được thiết kế theo kiểu tập trung chứ không gắn riêng lẻ vào từng ống chia. Vật liệu làm nhẹ, dễ di chuyển, nhiều tính năng được cải tiến đa dạng hơn. Tỷ lệ hạt vỡ giảm xuống còn 0,05% để chống lãng phí. Máy gieo đậu của ông giờ đây có thể leo lên những vùng đồi, lội xuống những vùng chiêm trũng và đi trên vùng ruộng đồng bằng, với những thao tác chuẩn xác liên hoàn như gieo đậu, phát gốc rạ phủ hạt tạo độ ẩm, đè hạt tiếp đất làm tăng khả năng nảy mầm. Ông đã cho công nhân của mình lái máy thử nghiệm trên mọi loại hình đồng đất, kết quả thật mỹ mãn: năng suất gieo của máy đạt 5 ha/ngày, bằng 200 lao động thủ công gieo đậu cả ngày.
"Nhưng chẳng lẽ người ta mua máy về chỉ làm mỗi cái việc gieo đậu tương vụ đông rồi bỏ xó? Như vậy thì lãng phí quá". Ông Tuỳ lại tiếp tục tìm tòi, lắp đặt lên máy cày. Cuối cùng, chiếc máy gieo đậu tương ban đầu trở thành một cái máy đa năng. Ngoài gieo đậu, nó còn đảm nhiệm các công việc khác như cày ải, cày nước trồng lúa, làm nhỏ đất cấy lúa gieo trồng cây vụ đông, bơm nước, vận chuyển nội đồng phục vụ khâu chăm bón và thu hoạch. "Với thao tác đơn giản, chỉ cần tháo bộ phận này ra, lắp bộ phận khác vào là đã đổi "giới tính" của máy", ông Tuỳ cười.
Ông Tuỳ còn đang ấp ủ nhiều ý định khác, nhưng đầu tiên là phải tìm cách cho ra đời một chiếc máy gặt đập liên hợp với mục tiêu cải tiến bộ phận đập, làm nhẹ máy, dùng nguyên lý đập tuốt. Ông cho biết bộ phận cắt, di chuyển ở các loại vùng chiêm trũng, đồng bằng đã hoàn thiện, nhưng còn đang băn khoăn ở khâu hoàn thành bộ phận đập. Ông đã sang Đại học Nông nghiệp I Hà Nội đề nghị hợp tác với mong muốn hoàn thành bộ phận đập không theo nguyên lý chống đập, có chi phí thấp nhất, kết cấu nhỏ nhẹ để phù hợp với việc gặt đập trên ruộng lúa nước ta.
Nguồn: KH&ĐS; vnexpress.net 23/2/2006