Máy gặt đập liên hợp MGĐ - 120
Công nghệ sau thu hoạch, nhất là khâu cắt, gom, tuốt lúa luôn là chuyện bức xúc của vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long từ... thời “mở cõi” cho đến nay. Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch chiếm tới 10 - 15%. Đã có nhiều loại máy gặt đập (MGĐ) được giới thiệu ở đồng bằng sông Cửu Long nhưng không hoàn toàn phù hợp với đặc điểm mặt ruộng của vùng đất này. Một số nông dân ở Long An và An Giang đã mày mò nghiên cứu cải tiến thiết kế loại máy mới nhưng cũng chưa được thị trường chấp nhận rộng rãi. Toàn vùng hiện chỉ có khoảng hơn 30 MGĐ liên hợp và gần 1.800 máy gặt xếp dãy. Đa số nông dân thực hiện các khâu sau thu hoạch bằng tay với chi phí thuê mướn bình quân 1,8 triệu đồng/ha, bao gồm: công cắt 1,5 - 2 giạ/công (tương đương 90.000 đ), tuốt lúa 1 giạ/công (45.000 đ), gom lúa (1/2 giạ/công (23.000 đ), vác lúa 1/2 giạ/công (23.000 đ) x 10 công (1 hecta). Vào vụ thu hoạch rộ, giá thu hoạch còn cao hơn 1,5 - 2 lần do khan hiếm nhân công và mưa lũ. MGĐ liên hợp sẽ giải quyết 80% các nhu cầu trên.
Tuy nhiên, như Nông trường Sông Hậu (vừa được đổi tên thành Công ty Nông nghiệp Sông Hậu) năm 1998 mua một máy gặt đập liên hợp của Nhật với giá 120 triệu đồng (khoảng hơn 300 triệu đồng so thời giá hiện nay). Máy chạy tốt, công suất 2 ha/ngày. Thế nhưng, muốn gặt lúa... phải chờ nắng lên cho mặt ruộng khô ráo đến hơn 9 giờ sáng, ở ruộng trũng như các tỉnh đầu nguồn máy chịu thua! Hai vụ lúa ở đồng bằng sông Cửu Long thời gian thu hoạch chỉ khoảng 2 tháng, 10 tháng còn lại máy nằm chơi và vẫn phải duy tu bảo dưỡng! Máy tự chế như của Hai Hoàng mới đây tại An Giang được đánh giá là phù hợp hơn với mặt ruộng đồng bằng sông Cửu Long, chi phí chỉ bằng 1,3 so máy nhập, công suất khoảng 2,5 ha/ngày, Nông trường Cờ Đỏ (cũng vừa được đổi tên thành Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ) đã “rinh” chiếc máy này về với giá 130 triệu đồng. Ưu diểm của máy có thể cắt lúa đổ ngã tương đối. Tuy nhiên, máy nhãn hiệu “Hai Hoàng” to như... chiếc xe tăng với chiều dài 5 m, rộng 2,65 m, Sở Khoa học công nghệ An Giang đang hoàn tất thủ tục cho Hai Hoàng đăng ký bảo hộ quyền sáng chế.
Máy gặp đập liên hợp MGĐ - 120 có các thông số kỹ thuật: chiều rộng cắt 1,2 m, chiều cao cắt 100 - 500 mm, công suất 2 ha/ngày, tỷ lệ hao hụt lúa 2%, nhiên liệu tiêu hao 25 lít xăng/ha, chiều dài máy 3,6 m, tổng trọng lượng máy chỉ 600 kg được xem là gọn nhẹ nhất hiện nay, giá máy 45 triệu đồng/chiếc. Chi phí cho mỗi hecta gặt đập, vô bao của máy, kể cả tài xế và 3 nhân công phụ trợ chỉ 323.650 đồng. Tuy nhiên khi đem trình diễn máy vẫn mắc các “căn bệnh trầm kha” của các máy khác là khó gặt lúa đổ ngã, hay “mắc nghẹn” khi gặt giống lúa cây cứng và không gặt sát bờ được, do đó vẫn phải có ít nhất một người theo sau gặt lại bằng tay. Liên minh HTX An Giang đã bán cho các HTX trong tỉnh được 9 cái máy. Ông Mai Đức Bạn - Giám đốc Vinappro cho biết, sẽ tiếp tục khắc phục những nhược điểm của máy. Tại miền Trung máy này hoạt động rất tốt.
Nếu loại máy gặt đập liên hợp MGĐ - 120 được hoàn thiện thì thị trường cho máy là “mênh mông” còn thực tế trước mắt, các loại máy gặt đập chỉ thích hợp cho các chủ trang trại hoặc hộ nông dân dùng máy làm kinh doanh, nhất là các HTX làm dịch vụ nông nghiệp.
Nguồn: Khoa học phổ thông 5/5/2006