Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 19/02/2009 23:25 (GMT+7)

"Máy cái" Lê Văn An

Đặt tính mạng vào sản phẩm nghiên cứu

Những năm 90 của thế kỷ trước, khi trạm bơm Vân Đình (Ứng Hòa, Hà Tây) được xây dựng với 28 máy bơm cỡ lớn, nước ta phải nhập toàn bộ tủ điều khiển của Nhật Bản. Vì thế, thiết bị này được cất kỹ như vàng, khóa to khóa nhỏ, canh giữ cẩn mật không cho người lạ bén mảng. Đi lại mãi, cuối cùng KS Lê Văn An cũng được cho "nhòm một cái", thấy chẳng có gì là ghê gớm, hoàn toàn có thể tự làm được trong nước, chẳng tội gì phải đi nhập của nước ngoài. Khổ cái hội đồng thẩm định lại chung chiêng, chưa tin nên không dám thẩm định đề án. Vậy là ông gom góp số tiền 60 triệu đồng tích cóp được đem đi làm thử một bộ không ngờ thành công ngay. Thành công rồi lại phải cam kết với ông giám đốc Công ty Thủy Nông Đông Anh cho chế tạo thay thế 6 bộ vận hành trạm bơm nếu hỏng thì đền bù cả trạm bơm chứ không phải chỉ đền bù thiết bị.

Đến bây giờ KS Lê Văn An vẫn nhớ ơn ông giám đốc Công ty Thủy Nông Đông Anh đã đồng ý cho ông ứng dụng sản phẩm của mình đầu tư vào nghiên cứu sản xuất tủ điện điều khiển trạm bơm có khả năng cạnh tranh với sản phẩm của Nhật Bản, tiết kiệm cho Nhà nước nhiều tỷ đồng. Nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra chỉ có sử dụng nguyên lí kháng khô là phù hợp nhất với điều kiện khí hậu Việt Nam . Sản phẩm đầu tay thành công ngoài mong đợi. Dòng điện dùng để khởi động đầu tiên cho máy bơm 8.000m3/h ở trạm bơm Lê Tính (Lâm Thao, Phú Thọ) giảm xuống còn 1.100A (giảm hơn một nửa so với thiết bị của Nhật Bản).

Cũng từ nghiên cứu này, KS An và nhóm nghiên cứu đã tìm ra nguyên liệu trong nước giúp tăng năng suất 60 lần, chi phí sản xuất giảm hơn 50%. Sau khi sản xuất thành công, sản phẩm đã được Bộ NN&PTNT cho phép áp dụng với hàng trăm trạm bơm trên khắp cả nước. Từ đó, ngành thủy lợi không còn phải nhập thiết bị khởi động của nước ngoài.      

Tháng 8/2008, nhiều người biết KS Lê Văn An đều cho rằng ông "uống thuốc liều" khi làm văn bản tự chịu trách nhiệm, thiết bị sai hỏng không lấy tiền trong quá trình thiết kế thiết bị đóng mở thuỷ lực nâng hạ cửa van thủy điện Ba Hạ cho "đại gia" EVN. "Tôi không làm vậy, EVN không ký hợp đồng" - KS An nhớ lại. Hàng nghìn người lao động trong Tổng Công ty đang khát khao công việc và muốn được thử sức ở lĩnh vực mới: Tổng thầu thi công xây lắp các dự án thủy điện. "Nhiều người nói tôi liều nhưng với tôi đó là cái liều thể hiện bản lĩnh của mình. Lúc ký văn bản cam kết tôi không hề run. Vậy mà lúc đưa công trình vào chạy thử cứ thót cả tim. Đại diện của EVN, các nhà khoa học được mời tham dự không ai dám ở lại trong công trường chứng kiến lúc bấm nút khởi động. Bản thân mình đứng đó kiểm tra nhưng cũng chỉ muốn trốn đi chỗ khác, nếu trục trặc gặp sự cố rơi thì cả công trình coi như đi tong". Cuối cùng, gánh nặng bấy lâu trong lòng KS Lê Văn An cũng được cởi bỏ khi cả một cửa van to hơn một tòa nhà 5 tầng từ từ chuyển động đưa những dòng nước đầu tiên vào đập tràn trong niềm hạnh phúc vô bờ bến xen lẫn tự hào. Cửa van do Tổng Công ty thiết kế này có giá thành rẻ hơn so với thiết bị ngoại nhập. Do chủ động thiết bị trong nước, công trình thủy điện Ba Hạ có kích thước lớn nhất nước từ trước đến nay đã phát điện sớm hơn 1 năm.

"Không có sản phẩm số 0 làm sao có số 1"

Cái liều của KS Lê Văn An là dám làm những cái trước mình chưa từng có ai làm vì theo ông, số 0 luôn quan trọng hơn số 1. "Không có số 0 làm sao có số 1", KS Lê Văn An luôn tiên phong trong việc nghiên cứu chế tạo sản phẩm công nghệ đầu tiên mà không cần sản phẩm mẫu. Mạo hiểm nhưng phải chắc thắng đến 90% ông mới làm.

Từ giai đoạn xây dựng thủy điện Yaly trở về trước, 100% cơ khí thủy công phải nhập nước ngoài. Không có cái gì làm cho người ta tin bằng cái làm cho người ta thấy. Suy nghĩ này đã thúc đẩy KS Lê Văn An và các cộng sự đã thực hiện đề tài "Nghiên cứu chế tạo xi lanh thủy lực dùng cho đóng mở cửa van các công trình thủy lợi và thủy điện". Những người thợ đã theo "cỗ máy cái" Lê Văn An chế tạo và lắp đặt hệ thống thiết bị thủy lực cho hàng chục công trình trong cả nước. Ứng dụng đề tài này, Tổng Công ty đã được Chính phủ tin tưởng giao cho thiết kế, chế tạo giàn nâng hạ 400 tấn dùng xi lanh thủy lực đóng mở cửa dẫn dòng công trình thủy điện Sơn La. KS Lê Văn An tự hào: Chúng tôi đã có sáng kiến thay đổi biện pháp thi công và giải pháp về thiết bị của công trình khác hẳn với các giải pháp trước đây trong xây dựng thủy điện ở Việt Nam và cũng chưa từng được áp dụng ở nước nào trên thế giới. Thành công này đã tiết kiệm cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng và góp phần quyết định chặn dòng công trình thủy điện Sơn La trước hơn 1 năm...

Xóa bỏ được định kiến không coi trọng cơ khí trong nước

KS Lê Văn An nói: "Làm khoa học hời hợt, mang máng chết ngay", chính vì vậy, ông tranh thủ dạy cho anh em về cơ khí thủy công, về cấu tạo, tính năng, tác dụng của toàn bộ thiết bị trong nhà máy thuỷ điện mọi lúc mọi nơi có thể. Ngay những buổi picnic, những buổi tối đốt lửa trại, ông cũng không "tha" cho anh em, những câu hỏi về kỹ thuật được ông soạn rồi cho gắp thăm trúng thưởng. KS Lê Văn An tự hào là sau nhiều năm làm khoa học đã xóa bỏ được định kiến không coi trọng cơ khí trong nước. Ngành cơ khí thuỷ công đã hoàn toàn chủ động để không bị phụ thuộc vào thiết bị, chuyên gia nước ngoài và quan trọng hơn hết là tiết kiệm hàng chục nghìn tỷ đồng cho Nhà nước.

Ước mơ của ông là làm thay đổi hẳn bộ mặt về cơ khí của Tổng Công ty hướng đến công nghiệp năng lượng điện gió, thủy điện... Vì với thủy điện Sơn La trong nước tự thiết kế nhưng tuốc bin máy phát phụ thuộc nước ngoài. Mong muốn giải quyết khập khiễng đó để chủ động thiết kế chế tạo cho ngành năng lượng, Tổng Công ty đã đề xuất dự án thành lập khu công nghiệp cơ khí năng lượng Tân Tạo.

Lo thay đổi diện mạo cho cả một ngành cơ khí thuỷ lợi, thuỷ điện, lo cuộc sống ấm êm cho hàng ngàn cán bộ nhân viên Tổng Công ty, nhưng Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới Lê Văn An không nhớ con mình học lớp mấy. Ông chỉ đưa con đến trường duy nhất vào một ngày đầu tiên vào lớp 1. Gần đây, con gái tốt nghiệp đại học thì mới là lần đầu tiên trong đời bố con được gần nhau 24/24. "Nhiều lúc nghĩ đến con mà rớt nước mắt. Cũng may, các con cũng tự lập được, chưa bao giờ mè nheo hay yêu cầu bố phải thực hiện bất kỳ đòi hỏi nào dù chỉ là một cái kẹo hay một món đồ chơi như những đứa trẻ hàng xóm".

Tôi không phản đối cơ chế nhưng đừng lấy cớ không có cơ chế mà không đưa tiến bộ khoa học vào cuộc sống. Tôi hạnh phúc khi được làm, được chứng minh người Việt Nam làm thành công nhiều công nghệ cạnh tranh sòng phẳng với các nước tiên tiến hơn là ngồi đó chờ Nhà nước tạo gì cho doanh nghiệp, đơn vị mình.

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.