Máy ấp trứng tự tạo
Cấu tạo chiếc máy cũng khá đơn giản nhưng rất thú vị. Vỏ chiếc máy được tận dụng từ những chiếc tủ lạnh, tủ đá đã bị hư hỏng. Phía dưới đặt khoảng 3 bóng đèn dây tóc công suất 40W. Bên trên những bóng đèn này được đặt thêm các quạt tản nhiệt để đẩy nhiệt độ lên trên. Những chiếc quạt tản nhiệt này được tận dụng từ những chiếc quạt bỏ đi của các máy tính để bàn. Những khay đặt trứng thì được làm bằng những thanh gỗ và những thanh nhựa. Tuỳ theo dung tích của những chiếc tủ lạnh hay tủ đá mà những khay này có thể lớn hay nhỏ. Để trứng được đảo tự động, anh Tuấn sử dụng những chiếc motơ của các chiếc quạt điện hư hỏng để lắp vào các khay đặt trứng. Khi chiếc motơ này hoạt động sẽ đẩy khay để trứng lên xuống. Một bộ phận quan trọng khác của chiếc máy ấp trứng đó là thiết bị cảm biến nhiệt độ. Thiết bị này được lấp vào máy để cảm nhận nhiệt độ và có thể mở ngắt hoạt mở điện khi nhiệt độ thấp hoặc cao hơn mức cho phép. Vào những ngày cuối của quá trình ấp cần độ ẩm cao, anh Tuấn đặt thêm 1 khay nước ở phía dưới để ổn định độ ẩm. Việc sử dụng tủ lạnh hoặc tủ đá hư hỏng để làm máy ấp trứng không những tận dụng được một vật liệu phế thải mà những chiếc tủ này lại có hiệu quả cách nhiệt rất tốt. Từ đó nguồn điện sử dụng cho quá trình ấp cũng không tiêu tốn nhiều.
Anh Tuấn cho biết, chiếc máy ấp trứng tự tạo này có thể ấp cùng lúc từ 400 - 500 trứng với tỷ lệ nở trên 80%, sạch bệnh và đạt chất lượng tốt. Mặt khác trứng được ấp đồng loạt nên việc chăm sóc phòng dịch bệnh sẽ dễ dàng hơn so với cách để gà mẹ ấp. Khi không phải ấp trứng, gà mẹ sẽ có thời gian phục hồi để đẻ lại, từ đó sản lượng trứng cũng cao hơn rất nhiều.
Không chỉ thuận lợi trong việc ấp trứng mà chiếc máy ấp trứng tự tạo của anh Trịnh Quốc Tuấn cũng rất hiệu quả về kinh tế. Để đầu tư một chiếc máy ấp trứng với công suất khoảng 300 trứng/mẻ thì cần phải tốn khoảng 5 - 6 triệu. Trong khi chiếc máy ấp trứng của anh Tuấn tận dụng lại từ các vật tư phế liệu nên giá thấp hơn rất nhiều lần. Hiện nay mô hình máy ấp trứng của anh Tuấn đã được nhiều nông dân ở Bình Phước, Tây Ninh học hỏi và ứng dụng thành công.
Có thể nói sáng tạo của anh Trịnh Quốc Tuấn tuy nhỏ những cho thấy sự không ngừng tìm tòi học hỏi và tháo vát của những nông dân vùng sâu. Sự cần mẫn và chịu khó đã giúp anh Tuấn thoát nghèo và có nhiều sáng tạo hữu ích trong lao động. Những cố gắng của anh thật đáng trân trọng.