Manh mối mới về cái chết huyền bí của Hoàng Hoa Thám: Vẫn còn là ẩn số
Ý kiến của chuyên gia Hán nôm
Khi về làm việc tại xã Mai Trung, Hiệp Hòa, Bắc Giang về lá thư yểm gần một thế kỷ, chúng tôi đã ghi nhận một số ý kiến nghi ngờ về tính xác thực về niên đại của lá thư cổ, như một tờ giấy bản không thể “trường tồn” trong suốt 94 năm trời dưới lòng đất. Hay như văn phạm của lá thư không “chỉnh” vào thời điểm năm 1913. Trong thông báo khoa học của ông Phó Giám đốc Bảo tàng Bắc Giang cũng ghi rõ: “Còn một điểm nữa, gò mộ kia có phải là gò mộ của cụ Đề Thám không, lá thư kia phải là văn bản có thật từ 1913 hay không thì phải xem xét cẩn thận”.
Chúng tôi đã chuyển những tài liệu liên quan về lá thư cổ đến chuyên gia Hán nôm Nguyễn Tá Nhí và Th.S Nguyễn Văn Diện (Viện Hán nôm- Viện Khoa học xã hội Việt Nam). Cả hai vị chuyên gia này đều khẳng định, không có cơ sở để nghi ngờ như trên.Vì tại thời điểm lá thư ra đời (năm 1913), lối viết như vậy đã sử dụng nhiều. Nếu xét nội dung bức thư, chất liệu giấy bản, việc lá thư được viết vào năm 1913 là hoàn toàn hợp lý.
Về nội dung lá thư, ông Nhí nhận định, đây là một lá thư viết theo thể chữ nôm nên rất khó dịch nghĩa. Hai câu đầu trong lá thư (Cờ nghĩa bao năm lanh lẹ (hoặc nhanh nhẹn) vần/ Hậu thế ngàn năm ai biết không) cho thấy đây là lá thư có liên quan đến Hoàng Hoa Thám. Còn câu “Yên Ngựa ngờ (ghi, nghi) nơi lòng đất” cho biết nơi Hoàng Hoa Thám đã yên nghỉ. Điều này cũng phù hợp với những điều được ghi trong chính sử: thi hài của Đề Thám được táng tại gò Yên Ngựa thuộc xã Mai Trung. Câu thứ tư: “Thế sự (của cụ) Hoàng Hoa (Thám) ai dẫu (thấu) chăng?” là lời than về sự nghiệp của vị anh hùng này.
Đó chỉ là những phân tích câu chữ trong lá thư cổ. Còn để có kết luận khoa học, theo ông Nhí, cần nhờ đến Viện Khoa học Hình sự Bộ công an.
Hiện nay, sử sách chưa có lời giải mã thấu đáo về cái chết của cụ Đề Thám: cụ bị sát hại như thế nào, phần mộ giờ ở đâu... Chính sử chỉ nêu: Đề Thám bị mắc mưu ba tên đồng đảng của Lương Tam Kỳ, chúng trá hàng với lời hứa sẽ chỉ cho nghĩa quân cách chế tạo bom tấn. Tại một ngôi lều ở khu Hố Nấy (Bắc Giang), chúng chuốc rượu say rồi giết chết Đề Thám, vào ngày 10/2/1913 dương lịch, lúc đó Đề Thám mới 55 tuổi. Ngay trong tài liệu của GS sử học Đinh Xuân Lâm, tìm được bên Pháp, nội dung là bản khẩu cung của ba tên giặc đã giết chết Đề Thám cũng có nội dung tương tự như trên.
Tâm huyết của con cháu cụ Đề Thám
Ngay sau ngày phát hiện ra lá thư cổ, cán bộ Bảo tàng Bắc Giang đã liên lạc với bà Hải, con cháu của cụ Đề Thám ở đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội. Nhưng thật không may bà đã qua đời. Ông Trịnh Hữu Xuyến, chồng bà Hải, nói: “Trước đây, khi còn sống, bà nhà tôi cũng đã nhiều lần cất công đi tìm mộ cụ Đề Thám ở khắp vùng Nhã Nam, Chùa Lèo, Hiệp Hòa, thậm chí thuê cả ngoại cảm nhưng không tìm thấy”.
Như KH&ĐS số 89 đã phản ánh, lá thư đã được phát hiện từ cuối năm 2005, nhưng theo lời ông Nguyễn Văn Lạng Phó Giám đốc Bảo tàng Bắc Giang, đến thời điểm này, chưa có một nghiên cứu, điều tra và kết luận chính thống nào về lá thư kể trên. Theo chúng tôi, việc giám định tài liệu để đi tới “đáy” vấn đề là điều hoàn toàn có thể triển khai vì: ngôi mộ còn xương cốt, văn bản Hán Nôm được niêm phong trong kho bảo quản. Mong các nhà khoa học sớm vào cuộc.
Nguồn: KH&ĐS Số 90 Thứ Sáu 10/11/2006