Manh mối mới về cái chết huyền bí của Hoàng Hoa Thám: Kỳ 1: Lá thư “yểm” gần một thế kỷ
Theo lời ông Trần Văn Lạng, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Bắc Giang, người đã trực tiếp về hiện trường thu thập tài liệu liên quan đến cuộc “khai quật”: nhân chứng trực tiếp của phát hiện này là ông Nguyễn Văn Sử, người được giao nhiệm vụ nhang khói trong đền thờ cụ Hoàng Hoa Thám (tọa lạc trên địa bàn thôn). Cuối năm 2005, trong quá trình đào hố trồng thêm cây đại, ông Sử phát hiện thấy một cái liễn sành thời nhà Mạc trong đó có lá thư. Ông Sử kể rằng, khi lật chiếc liễn lên ông thấy trên cùng phía đáy liễn là lớp lá dầu đã khô, tiếp đến là hai tờ giấy bản được gấp lại nhưng chỉ có một tờ có chữ. Hai tờ giấy này được đặt trong lòng chiếc đĩa hình con phượng (thời Lê). Tiếp đó là lớp cát khô, sau đó là lớp vữa (vôi cộng cát chèn chặt). Sau cùng là 2 chiếc đĩa thời Nguyễn có ve lòng, một chiếc có vẽ ba con cá chép, một chiếc vẽ 4 con cá chép. Cả hai đều được trát vữa để khỏi tuột. Mọi người trong thôn đều nghĩ lá thư có liên quan đến cái chết cụ Hoàng Hoa Thám.
![]() |
Cờ nghĩa bao năm nay lỡ vận
Hậu thế nghìn năm ai biết không?
Yên Ngựa nghỉ đây vào lòng đất
Thế sự Hoàng Hoa ai biết chăng?
Một nghìn chín trăm mười ba
Tháng năm ngày mồng chín
Loan
Cạnh nơi đào được lá thư là phần mộ còn nguyên xương cốt của một người chưa xác định rõ danh tính. Ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch UBND xã Mai Trung nói: đây vốn là một ngôi mộ hoang. Căn cứ vào nếp sinh hoạt của người dân, cộng với nguồn sử liệu tại địa phương theo một số cán bộ của bảo tàng Bắc Giang, những mấu, dóng xương to lớn vạm vỡ trong ngôi mộ mới tìm được kia nhiều khả năng là cốt của cụ Đề Thám. Hơn nữa đây là địa danh đã đi vào lịch sử (chuôm Yên Thế, gò Yên Ngựa). Ngôi đền thờ Hoàng Hoa Thám, được bà con trong vùng khói nhang kính cẩn quanh năm.
Người dân địa phương còn kể lại rằng, sau khi “thất thế”, bị giặc Pháp truy lùng ráo riết, chính thủ lĩnh Đề Thám và những thủ túc thân tín đã cải trang thành những người ăn mày về ẩn thân tại thôn Mai Trung với sự chăm sóc tận tình chu đáo của cụ Lý Loan (thời điểm đó là lý trưởng). Cái tên chuôm Yên Thế, cũng có nguồn tích rõ ràng: tương truyền xưa kia cụ Đề Thám thường ra đó tắm.
Sự nghiệp và bản lĩnh người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám hẳn ai cũng biết. Nhưng bức màn tối về cái chết bí ẩn của ông phần nào sẽ được vén lên sau khi phát hiện ra sự vụ ngôi mộ và bức thư bằng chữ nôm được di cảo này.
Khoa học & Đời Sống sẽ trở lại vấn đề này trong số báo sau với những lý giải của các nhà khoa học, chính quyền địa phương và đại diện con cháu hậu duệ của “Hùm thiêng Yên Thế”.
Nguồn: KH&ĐS Số 89 Thứ Hai 6/11/2006