Lương y chuyên chữa rắn độc cắn
Tuy chỉ là chủ một cửa hiệu sửa chữa xe máy, suốt ngày vật lộn với với công việc nhọc nhằn, nhưng nếu có ai bị rắn độc cắn là anh vội đi ngay. "Cứu người như cứu hoả" là quan niệm sống của anh. Anh chính là Lương y Nguyễn Văn Hưng ở khu 2, thị trấn Trạm Tấu (Yên Bái).
Sinh năm 1970 tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, năm 1973, bố mẹ anh quyết định chuyển cả gia đình đi xây dựng vùng kinh tế mới ở thôn Văn Tứ, xã Đồng khê, huyện Văn Chấn.Năm 1991, anh Hưng tham gia bộ đội đóng tại Đại đội 1, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 198, Sư đoàn 316 (Km 19, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) và làm nhiệm vụ quân khí (bảo quản súng đạn, vũ khí…). Năm 1993 ra quân, anh về công tác tại quê nhà và làm Phó bí thư đoàn xã Đồng Khê, Phó bí thư Chi bộ 1, thôn Văn Tứ.
Do gia đình đông anh em cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, anh Hưng quyết định đi học thêm nghề sửa chữa xe máy và năm 2001 thì chuyển lên Trạm Tấu làm nghề. Với chỉ có 2 triệu đồng anh đã thuê nhà để mở một cửa hàng sữa chữa xe máy nhỏ. Đồng thời, hành nghề lương y chữa rắn cắn do dòng họ truyền lại. Hiện tại nguồn thu nhập chính của anh mỗi tháng được đến 20 triệu/tháng từ cửa hàng sủa chữa xe máy.
Anh tâm sự: Ở nơi vùng cao heo hút này đa số người dân là đồng bào dân tộc thiểu số còn nghèo khó lắm vì vậy việc chữa trị bệnh là làm phúc là chính chứ thu nhập chẳng đáng là bao. Thế nhưng ở đâu có người bị rắn cắn đến nhờ giúp đỡ thì dù có bận đến mấy, anh cũng bỏ đến cứu người. Ca đầu tiên và để lại nhiều kỷ niệm nhất với anh khi đặt chân lên Trạm Tấu, đó là trường hợp một người dân ở xã Bản Công bị rắn xanh (rắn cực độc) cắn vào ngón chân cái. Sau khi có kết luận tại Bệnh viện Đa khoa Nghĩa Lộ, bệnh nhân bị hoại tử và chuyển trả về địa phương, qua bài thuốc gia truyền đã được anh cứu sống một cách kỳ diệu.
Rồi một trường hợp khác cũng tại xã Bản Công - một trường hợp đặc biệt, không thể ga rô, theo người nhà kể lại, nạn nhân là một thanh niên đi xẻ gỗ trong rừng bị rắn độc cắn vào chỗ kín. Lương y Hưng tới nhà thì bệnh nhân đã gần bất động, da dẻ tím tái, lồng ngực co thắt khó thở, sau 10 phút sử dụng thuốc, bệnh nhân ra hiệu đã thấy dễ thở và dần bình phục…
Anh Hưng cho biết: “Hàng năm, số bệnh nhân bị rắn cắn được tôi chữa trị trên dưới 20 ca. Dù rắn độc đến mấy như hổ mang, cặp nong, cặp nia, rắn xanh… cắn vào đầu, vào tai,… khi tìm đến tôi dù không ga rô mà hàm chưa bị cứng lại thì tôi đảm bảo 100% chữa khỏi…”.
Đó là lời quả quyết của Lương y Hưng. Điều đặc biệt, không phải tiên dược hay thần dược gì mà chỉ là một bài thuốc gia truyền nhưng sau ít phút nạn nhân bị rắn độc cẵn sẽ dần hồi phục. Việc chữa trị cũng rất đơn giản qua các bước như: Rửa sạch vết thương, nạo kỹ vùng răng của rắn cắn, sau đó cho lá thuốc vào miệng nhai nếu không nhai được thì giã nát lấy nước cho bệnh nhân uống, còn bã thì đắp vào vết thương, tiếp đến là dùng một loại hạt nhỏ to bằng đầu ngón tay trỏ nghiền nhỏ cho uống và đắp vào vết thương 1 đến 2 mồi đắp vào là khỏi.
Để ghi nhận những đóng góp của Lương y Nguyễn Văn Hưng, tháng 9/2010, Hội Y học cổ truyền của huyện Trạm Tấu đã vận động và kết nạp anh vào Hội Đông y của huyện. Đến nay, việc chữa trị rắn độc cắn để cứu người đã sang các địa phương khác trong tỉnh biết đến mà điển hình là thị xã Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn, Mù Cang Chải… “Mới đây có nhiều ca bị rắn độc cắn ở Bệnh viện Đa khoa Nghĩa Lộ và Mù Cang Chải… đã mời Lương y Hưng sang tận nơi chữa trị và cũng để tham khảo thêm bài thuốc hay trị rắn cắn của anh”.
Bác sỹ Mã Trung Hải, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Mù Cang Chải, nguyên Chủ tịch Hội Đông y huyện Trạm Tấu khẳng định: Việc Lương y Hưng chữa trị khỏi cho nhiều ca bệnh hiểm nghèo do rắn độc cắn là hoàn toàn có thật. Ngoài ra Lương y còn có các bài thuốc gia truyền khác như chữa vôi hóa cột sống, gai đôi cột sống… đem lại hiệu quả cao.