Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 08/12/2011 20:55 (GMT+7)

Lớp dân tộc học đầu tiên của thầy giáo Nguyễn Văn Huyên

“Sách và nghiên cứu là cuộc đời của tôi”

Tôi vừa được đọc 2 cuốn sách nói về Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên(1), vị danh nhân tri thức hàng đầu của thế kỷ trước. Ông thuộc nhóm các nhân vật tiêu biểu từng du học bên Pháp, đạt những thành tích khoa cử cao quý bậc nhất, chứng minh tư cách và khả năng của thanh niên đất nước theo kịp bước tiến của thời đại về mặt học thuật.

Hai cuốn sách cung cấp những tài liệu phong phú đa dạng về một tấm gương sáng về mọi mặt trong đời sống cả công và tư. Nhưng không thấy được nhắc tới một sự kiện mà tôi có vinh hạnh tham dự, có lẽ vì là một sự kiện nhỏ diễn ra trong một thời gian ngắn: một lớp dân tộc học do giáo sư tổ chức vào khoảng nửa cuối năm 1946. (Giáo sư Nguyễn Văn Huy được tôi kể lại cũng cho hay là không được nghe nói tới).

Chuyện xảy ra đã trên nửa thế kỷ nên những chi tiết bị lãng quên hay nhớ không thật chính xác. Và xin được dùng danh hiệu “Thầy Huyên” đúng như cách xưng hô hồi đó. Thầy đã trực tiếp chỉ đạo và giảng dạy ở một lớp dân tộc học tại Hà Nội. Khoảng tháng 7, tháng 8 năm 1946, lớp học đã đình chỉ khi ông được cử làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục (tháng 10 năm đó).

Thời kỳ này, môn dân tộc học xa lạ đối với quảng đại quần chúng ngay cả với số đông hàng ngũ tri thức, lại đúng vào thời điểm dốc toàn lực cho cuộc Nam bộ kháng chiến đang diễn ra khốc liệt, và đối phó những cuộc gây hấn của một bộ phận quân đội Pháp tại Hà Nội. Lớp không đông nhưng vẫn hình thành chủ yếu do đáp ứng được sự đòi hỏi của một số người vẫn yêu thích môn này và mong muốn được hướng dẫn. Nhưng phải nói một phần lớn là do lòng ngưỡng mộ đối với vị giáo sư duy nhất chủ trì và trực tiếp giảng dạy, Thầy Nguyễn Văn Huyên.

Như trên đã trình bày, Thầy Huyên thuộc nhóm tri thức khan hiếm được xã hội khâm phục và mến mộ vì đã làm rạng danh đất nước khi giành được những học vị cao quý tại nước Pháp. Riêng Thầy còn có những cách ứng xử độc đáo. Khi về nước, Thầy đã chọn được ý trung nhân tài đức, dung mạo vẹn toàn và là con vị Tổng đốc Thái Bình khét tiếng, một trong hai vị quan đầu tỉnh bậc nhất ở Bắc Kỳ hồi đó, vị kia là Tổng đốc Hà Đông, con quận công ấp Thái Hà, từng là kinh dược sứ thay triều đình Huế hành quyền trên đất Bắc.

Ai cũng tưởng rằng tấm bằng cử nhân Luật, bên cạnh bằng tiến sĩ Văn học sẽ đưa thầy dễ dàng bước vào chốn quan trường, hoạn lộ hứa hẹn thênh thang trước mắt. Thầy đã gạt bỏ cái nghề dễ đem lại vinh danh hão huyền và lợi lộc bất chính, đi theo chí hướng của mình như nhà văn hóa Hữu Ngọc đã ghi lại lời Thầy khi lên lớp dạy sử ở trường Bưởi năm 1938 “Sách và nghiên cứu là cuộc đời của tôi”.

Nhưng có lẽ việc dạy học không thỏa mãn đầy đủ chí hướng “nghiên cứu”, nên vào khoảng cuối năm 1938 đầu năm 1939, Thầy đã sang làm việc tại Học viện Pháp Viễn Đông Bác Cổ (Ecole Francaise d’Extreme Orient) (Cũng rất có khả năng là Ban giám đốc Học viện biết tiếng Thầy đã mời sang cộng tác, vì đang thiếu chuyên gia về dân tộc học).

Những người hiểu biết đều rất hoan nghênh việc chuyển dịch này, coi như một bước tiến khi được gia nhập vào một tổ chức nghiên cứu khoa học tồn tại từ đầu thế kỷ và có uy tín quốc tế. Học viện đã phát hiện, nghiên cứu sâu rộng và giúp sức cả việc trùng tu các di tích nổi tiếng thế giới như đền thờ AngKo tại Campuchia, Barabudur tại Java, một quần thể mộ cổ kiểu Phật giáo Ấn Độ. Học viện qui tụ nhiều nhà bác học Pháp và quốc tế với chức danh Viện sĩ” (Membre)(2). Cho tới thời này, viện sĩ toàn là người Pháp và quốc tế, một số người Việt có tham gia coi như giúp việc với danh hiệu “assistant” tạm dịch là “trợ lý” hay “tham sự” gồm một số các nhà nghiên cứu nghiêm túc có thể kể đến như Nguyễn Văn Tố, Trần Văn Giáp.

Trần Văn Giáp từng theo học ở Học viện cao học Trung Quốc (Institut des Hautes études chinoises). Nguyễn Văn Tố chỉ học ở trường thông ngôn, sau khi tốt nghiệp vào làm việc ở Học viện. Với chí hăng say học tập và trí nhớ tuyệt với, ông đã có một trình độ kiến thức vững vàng cả Tây lẫn Đông thêm đức tính khoan hòa, cư xử đúng mực, có cá tính khiến mọi người kính nể. Làm việc tại một tổ chức có tính cách quốc tế, ông vẫn giữ nguyên quốc phục khi hàng ngày đến công sở hoặc cả khi tham dự những buổi lễ tiết quan trọng.

Ngay từ ban đầu tiếp xúc, giữa Thầy và cụ Tố đã kết giao thân thiết do chung tính thuần hậu và tinh thần dân tộc. Tình thân này càng gắn chặt khi cùng hoạt động trong Hội truyền bá Quốc ngữ và cùng sát cánh trong chính quyền cách mạng. Trong thời gian này, Thầy rất bận rộn, vừa đảm trách công việc của Học viện vừa đảm nhận việc dạy ở trường Bưởi, trường Đại học Luật (môn Lịch sử văn minh).

Lớp học dân tộc học đầu tiên

Học viện thời gian này lại thêm một hoạt động được giới tri thức hoan nghênh và hưởng ứng: tổ chức hàng tuần những buổi nói chuyện về khảo cổ, lịch sử, dân tộc học liên quan đến văn hóa cổ truyền Viễn đông. Những buổi này thường vào chiều thứ sáu tại Bảo tàng Louis Finot (nay là Bảo tàng Lịch sử), Thầy đã viết nhiều bài cho tập san và đã có những buổi thuyết trình tại Bảo tàng trên thu hút nhiều người đến dự. Và ngay sau Cách mạng, Thầy được Hồ chủ tịch trao trách nhiệm cầm đầu Học viện, nay hoàn toàn là của ta.

Theo trí nhớ của tôi lớp dân tộc học được thực hiên một buổi hàng tuần tại một dinh thự ở phố Quán Sứ. Số học viên không đông khoảng mười người. Trong số đó có Trần Chánh Thành cử nhân luật, đến năm 1947-1948 công tác tại Sở Kinh tế Liên khu 3 trong kháng chiến, sau, do chiến dịch lan rộng cuối năm 1948 phải chuyển vào Liên khu 4, rồi vào Nam giữ một chức vụ trọng yếu trong chính quyền Ngô Đình Diệm, cuối cùng đã tự sát khi ta tiếp quản Sài Gòn.

Về nội dung lớp học, Thầy đã giảng về dân tộc học, nhấn mạnh tầm quan trọng của truyền thống dân tộc trong việc kiến tạo một xã hội mới của chế độ Dân chủ Cộng hòa. Và để bài giảng được sinh động và in sâu vào tâm thức, Thầy đã tổ chức một buổi đến thăm làng Cổ Sở, nơi thờ phụng Lý Phục Man, một danh tướng thế kỷ 6, từng tham gia cuộc khởi nghĩa Lý Bí chống quân Lương đô hộ, đánh bại cuộc xâm lấn của Chiêm thành. Thầy từng viết một cuốn sách về nhân vật này và cả về lễ hội địa phương nổi tiếng khắp vùng.

Thầy tự lái xe ô tô đưa các học viên đi thăm quan để minh họa cho bài giảng, giới thiệu cảnh quan mọi vùng nông thôn tiêu biểu với cây đa giếng nước, nhấn mạnh tác động của khung cảnh thiên nhiên, của việc thờ phụng tại đình chùa và trình diễn lễ hội tới đời sống nông thôn Việt Nam.

Thầy cũng nêu rõ sự kết hợp tín ngưỡng với lòng yêu nước thương nòi, với việc tổ chức cuộc sống hài hòa với thiên nhiên và hoàn cảnh xã hội, với sự tưởng nhớ biết ơn và quyết tâm bảo đảm noi gương sáng những danh nhân đất nước. Cuộc tham quan do Thầy tổ chức trực tiếp và điều hành, chịu mọi kinh phí, tự mình lái xe đưa học trò đến thực địa. Buổi thuyết giảng kiêm hướng dẫn tham quan đã thành công tốt đẹp và để lại cho các học viên kỷ niệm sâu sắc.

Ngoài ra còn một kỷ niệm khác không kém phần sâu sắc vì thêm yếu tố bất ngờ. Sáng hôm đó, tại khoảng phía trước nhà Thầy, một ngôi nhà hai tầng kiểu biệt thự cuối phố Trần Hưng Đạo, các học viên đã được gặp Cô khi Cô tiễn Thầy ra cổng và chúng tôi thực sự rất vui khi được gặp Cô, người thường được nhắc tới trong chuyện trò tản mạn với những lời khen ngợi về dung mạo cũng như về phong cách lịch lãm ứng xử. Giờ được gặp quả thấy lời đồn đại không phải không có căn cứ. Giáp mặt, chúng tôi kính cẩn chào, Cô khẽ cúi đầu đáp lễ miệng mỉm cười, dáng thân mật mà không thiếu vẻ đài các. Cô đến gần Thầy đang lúi húi bên xe ô tô sắp xếp chỗ ngồi cho đoàn, kiểm tra thiết bị an toàn. Hai Thầy cô tách khỏi đoàn ít bước trao đổi thân mật với nhau.

Vài phút sau đó Thầy quay lại xe và cho xe khởi động lăn bánh, chúng tôi cúi đầu chào từ biệt và nhận đáp lễ. Xe đi được một quãng, trước khi rẽ, chúng tôi quay lại thấy Cô vẫn còn đứng nhìn theo. Sau buổi đó, các hội viên thường trao đổi ý kiến với nhau đều thống nhất khen phục cuộc sống của Thầy có thể coi là lý tưởng ở cả hai mặt gia đình và xã hội.

Lớp dân tộc học do Thầy đứng ra tổ chức và trực tiếp giảng dạy đó có thể coi là lớp cuối cùng trong đời Thầy về môn học được coi như lý tưởng của cuộc sống. Lớp học bị đình chỉ khi vào đầu tháng 10/1946 Thầy được chỉ định nhận chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục thay Bộ trưởng Ca Văn Thỉnh. Và Thầy đã gắn bó với Bộ mới này suốt 30 năm cho đến cuối đời ngày 19/10/1975 sau khi hưởng niềm vui, mừng sự nghiệp hoàn thành Nam Bắc thống nhất trong đó Thầy đã có những đóng góp quý giá.

Và nay ở cõi vĩnh hằng chắc Thầy càng vui mừng ghi nhận những bước tiến của đất nước, nhất là ở địa hạt dân tộc học yêu quý của Thầy. Năm 1997, Bảo tàng Dân tộc học được khánh thành trên một đường phố rộng lớn với một diện tích quy mô đáng kể cho phép dựng cả một ngôi nhà sàn theo đúng kích thước, bài trí bộ phận như một nhà dân tộc chính thức. Và năm sau, 1998, tên Thầy đã được đặt cho con đường hiện đại, dài rộng đi qua mặt trước Bảo tàng.

Sự gắn bó của Thầy với môn học coi như lý tưởng cuộc đời còn được thể hiện ở chỗ chí hướng đó được tiếp tục xứng đáng với niềm đam mê của người con yêu quý của Thầy, Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, đã thực hiện chức vụ trong một thời gian khá dài trước khi về hưu. Ông đã để lại một cơ ngơi trên diện tích rộng thoáng cho phéo trưng bày những hiện vật đủ mọi kích cỡ, cũng thực hiện giới thiệu diễn giải bằng những phương tiện nghe nhìn của kỹ thuật tiên tiến. Môn dân tộc học yêu quý của Thầy có bước phát triển vượt bậc, sự nghiệp cao cả trong đó có hậu duệ của Thầy, góp phần làm sáng đẹp nền văn hiến lâu đời của đất nước, sáng đẹp cả kho tàng văn hiến toàn nhân loại.

Chú thích:

1. Nguyễn Kim Nữ Hạnh: “Theo bước chân Cha” – NXB Thế giới 2003.

2. Thành viên Viện hàn lâm Pháp cũng được gọi là “membre” thường được dịch là “viện sĩ”.

Tập thể tác giả: “Nguyễn Văn Huyên, một tấm gương đáng quý và cao đẹp” – NXB Giáo dục 2007.

Xem Thêm

Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.
Phú Yên: Những nữ trí thức góp phần cải thiện đời sống người dân
Trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển của khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nữ trí thức không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo, nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra những ứng dụng thực tiễn giúp cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế.
Tấm gương sáng trong nghiên cứu và bảo tồn di sản lịch sử
Ông sinh năm1948 tại Phường Hồng Hà, thị Yên Bái, là nhà khoa học tâm huyết, là tấm gương sáng về lòng kiên trì, sự đam mê nhiên cứu và cống hiến hết mình cho sử học của tỉnh Yên Bái. Những đóng góp của Nguyễn Văn Quang đối với ngành sử học đã để lại những dấu ấn sâu sắc và có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn di sản lịch sử địa phương nơi có nhiều di tích lịch sử và văn hóa dân tộc vùng cao.

Tin mới

Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Phú Yên: Giải thể 03 tổ chức Hội thành viên
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành các Quyết định số 1471, 1472, 1473/ QĐ-UBND về việc giải thể 03 tổ chức Hội là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú gồm: Hội Kế hoạch hoá gia đình, Hội Phụ sản và Hội Y tế thôn bản. Đây là các Hội không còn hoạt động liên tục mười hai tháng theo quy định.
Cụm thi đua số 3 tổng kết công tác năm 2024
Ngày 22/11, tại thị xã Sa Pa, Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024, triển khai phương hướng nghiệm vụ năm 2025 của Cụm thi đua số 3 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai làm cụm trưởng đã được tổ chức.
Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.