Lao màng bụng: Nhận biết và phòng ngừa
Biểu hiện lâm sàng của bệnh như thế nào?
Biểu hiện lâm sàng đa dạng từ nghèo nàn đến phong phú tùy theo thể bệnh và giai đoạn của bệnh.
Thể cổ trướng:Biểu hiện đầu tiên là sốt, thường sốt về chiều, có thể sốt cao 39 - 40°C hoặc sốt nhẹ từ 37,5 - 38°C, thậm chí có bệnh nhân không nhận ra là có sốt. Kèm theo có ăn uống kém, chán ăn, đầy bụng, khó tiêu, mệt mỏi, gầy sút, đau bụng âm ỉ với vị trí đau không rõ ràng, ra mồ hôi trộm, đại tiện phân táo lỏng thất thường. Bụng to dần lên thường ở mức độ vừa, cảm giác tức nặng, khi thăm khám có thể thấy những mảng chắc, rải rác khắp bụng. Ngoài ra có thể có hạch mềm, di động, không đau ở dọc cơ ức đòn chũm (nếu có hạch thì cần phải kiểm tra xem có lao hạch phối hợp không). Cũng có thể có tràn dịch màng phổi hoặc màng tim phối hợp.
Thể bã đậu hóa:Có các triệu chứng tương tự như thể cổ trướng nhưng bệnh nhân thường sốt nhẹ về chiều hoặc không sốt. Triệu chứng rối loạn tiêu hóa rầm rộ hơn: thường đau bụng, chướng hơi, sôi bụng, đi ngoài phân lỏng, màu vàng. Khi thăm khám có thể thấy vùng cứng xen kẽ vùng mềm, ấn tay vào vùng cứng có thể nghe thấy tiếng lọc sọc của hơi di động trong ruột. Ở thể này, đôi khi có vùng dính cứng lớn ở các vị trí đặc biệt như hạ sườn phải, vùng hạ vị thì dễ nhầm với gan to hoặc khối u trong ổ bụng.
Thể xơ dính:Rất hiếm gặp thường xơ dính toàn bộ phúc mạc với các tạng trong ổ bụng.Thể này thường diễn biến nặng, dễ dẫn đến tử vong. Với các biểu hiện như bụng chướng đau, trung tiện được thì đỡ đau nhưng cũng có thể có triệu chứng của tắc ruột: đau bụng, trướng hơi, bí trung đại tiện. Khi thăm khám thấy bụng cứng, lõm lòng thuyền, khi sờ khó xác định được các tạng trong ổ bụng, chỉ thấy các khối cứng, dài, nằm ngang như những sợi thừng (do mạc nối lớn xơ cứng lại).
Con đường đưa vi khuẩn lao vào màng bụng?
Vi khuẩn lao vào màng bụng và gây tổn thương chủ yếu theo 4 con đường.
Từ hạch mạc treo bị lao: vi khuẩn lao lan tràn theo đường bạch huyết hoặc đường tiếp cận tới màng bụng.
Lan tràn từ ống Fallop bị lao tới màng bụng, điều này giải thích tại sao tỷ lệ nhiễm lao màng bụng ở nữ giới lại cao hơn.
Từ lao hồi manh tràng hoặc lao ruột non, lan tràn qua thành ruột tới màng bụng.
Lan tràn bằng đường máu từ các tổn thương lao ở xa.
Trong đó điều kiện thuận lợi cho lao phát triển là ở những người nghiện rượu nặng, suy giảm miễn dịch, làm việc quá sức nhất là trong điều kiện thiếu vệ sinh, thiếu ăn nhất là thiếu đạm và vitamin.
Cần làm các xét nghiệm gì để chẩn đoán?
Khi bệnh nhân có các biểu hiện nghi ngờ bị lao màng bụng, sẽ được chỉ định làm các xét nghiệm thường quy như xét nghiệm máu (bạch cầu tăng nhất là Lymphocyt), làm phản ứng Mantoux, xét nghiệm dịch cổ trướng nếu có, soi ổ bụng và sinh thiết màng bụng. Trong đó soi màng bụng là một xét nghiệm có giá trị rất cao trong chẩn đoán, khi soi ổ bụng có thể thấy các hạt lao như hạt kê trên phúc mạc thành và phúc mạc tạng, trắng đục, bóng sáng, rải rác hoặc tụ thành đám. Đám dính che lấp các tạng, dải dính ở hố chậu hoặc quai ruột với thành bụng. Xung huyết nhiều ở quai ruột và phúc mạc. Ngoài ra tùy theo điều kiện có thể làm các xét nghiệm miễn dịch gắn men (ELISA: Enzyme linked Immuno Sorbent Assay), kỹ thuật sinh học phân tử PCR (Polymeraza Chain Reation) các kỹ thuật này cho độ nhạy và độ đặc hiệu cao.
Nếu không điều trị kịp thời biến chứng nào có thể xảy ra?
Tùy theo giai đoạn và thể bệnh mà có thể gây ra các biến chứng khác nhau
- Thể cổ trướng: Là thể nhẹ nhất, nếu được điều trị sớm, đúng phác đồ thì đa số khỏi. Nếu không được điều trị tốt thì sẽ chuyển nhanh sang thể bã đậu hoá hoặc xơ dính hóa.
- Thể bã đậu hóa: thể này có thể gây ra những ổ áp xe địa phương và có thể vỡ gây rò mủ ra thành bụng hoặc rò vào đại tràng chất bã đậu theo phân ra ngoài.
- Thể xơ dính: Vì xơ dính với các đoạn ruột nên có thể làm thắt ruột, gây hội chứng bán tắc hoặc tắc ruột phải can thiệp bằng ngoại khoa. Ngoài ra thể xơ dính còn có thể gây viêm dính quanh gan, mật, viêm tắc vòi trứng.
Điều trị như thế nào?
Tùy theo điều kiện có thể sử dụng các thuốc như streptomyxin, rimifon (INH), pyrazinamid, rifampyxin, ethambutol, ethionamid, cycloserin, kanamyxin, thioacetazon. Việc sử dụng phối hợp thuốc như thế nào là tùy thuộc vào thể bệnh và giai đoạn của bệnh, nhất thiết phải có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa lao, bạn không nên tự ý dùng thuốc. Ngoài chế độ dùng thuốc cần kết hợp chế độ ăn giàu đạm và vitamin.
Nguồn: suckhoedoisong.vn (03/12/07)