Làng lụa Vạn Phúc: Bài toán khó về môi trường
Dân thờ ơ với ô nhiễm tiếng ồn
Không giống như những làng nghề khác, ngoài ô nhiễm công nghiệp và sinh hoạt, người dân ở Làng lụa Vạn Phúc đang phải chịu ô nhiễm tiếng ồn trầm trọng.
Ngay khi bước chân vào làng, đập ngay vào tai chúng tôi là tiếng lách cách của thoi đưa, tiếng rầm rầm của máy dệt. Tò mò muốn biết người dân dệt lụa như thế nào, tôi vào sâu trong một xưởng dệt. Mức ô nhiễm tiếng ồn ở đây quả thực rất đáng lo ngại. Tại những xưởng dệt này, tiếng người hầu như bị lấn át. Nếu muốn nói chuyện phải hét thật to hoặc ra hiệu. Song, nhiều lúc vẫn không thể hiểu người đối diện muốn nói gì!
Được biết, Làng lụa Vạn Phúc hiện có hơn 1000 hộ gia đình đang làm nghề dệt lụa, trung bình, mỗi gia đình có từ 3 – 4 máy, nhà ít nhất là 1 máy. Do nhu cầu về may mặc tăng cao nên hầu như các máy vận hành cả ngày lẫn đêm. Một kết quả nghiên cứu cách đây không lâu đã chỉ ra rằng, tiếng ồn ở đây đã vượt quá nhiều lần tiêu chuẩn cho phép từ 10 – 35 đêxiben. Trong khi, cường độ tiếng ồn ở đây vẫn ngày càng tăng.
Ô nhiễm tiếng ồn có thể gây những tác hại khó lường như: ù tai, rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng tới tim mạch, giảm sự co bóp của hệ tiêu hoá… Tuy nhiên, có một thực tế là chẳng mấy người dân ở đây quan tâm và hiểu mức độ nguy hiểm của loại ô nhiễm này. Khi chúng tôi hỏi một người dân về sự khó chịu do tiếng ồ ở đây gây ra, anh ta đã trả lời vô tư: “Sống lâu thì quen thôi. Để kiếm được tiền, chịu một chút có sao”.
Nguồn nước kêu cứu
Nếu chịu khó đi sâu về phía cuối hành lang, bạn sẽ được thấy người dân nơi đây nhuộm lụa. Số lượng hộ gia đình nhuộm lụa ở Vạn Phúc hiện không còn nhiều, chỉ bằng 1/10 so với số hộ dệt. Chúng tôi vào thăm xưởng của ông Đỗ Văn Minh, nơi được coi là có mặt bằng rộng rãi và thông thoáng nhất làng, ông cho biết, hàng ngày, xưởng của ông nhuộm hàng trăm mét lụa với những loại hoá chất màu sắc khác nhau. Được biết, trung bình cứ nhuộm 40 m2 cần 3kg thuốc nhuộm và thải ra 120 lít nước. Thứ nước này là hỗn hợp của nhiều loại hoá chất độc hại khác nhau, trong đó hàm lượng BOD% (nhu cầu ô xi sinh hoá) rất cao, có khi lên tới 2003 mg/l. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến môi trường nơi đây rơi vào tình trạng “kêu cứu” như hiện nay.