Làng kinh tế sinh thái - Mô hình phát triển hài hòa với tự nhiên
Nhắc tới làng KTST, không thể không nhắc tới cố giáo sư Nguyễn Văn Trương, người sáng lập ra Viện Kinh tế sinh thái (Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam), cha đẻ của 12 làng KTST đầu tiên ở Việt Nam.
Giáo sư Nguyễn Văn Trương từng tâm sự: "Năm 1989 khi sắp nghỉ hưu, tôi tự thấy mình còn tâm huyết, còn khả năng và nhiều nhà khoa học khác cũng như vậy, nên muốn tập hợp anh em lại để khai thác chất xám của họ đóng góp cho đất nước. Thế là nảy sinh ý tưởng thành lập ra Viện KTST dân lập". Nhưng thời điểm ấy hình thành tổ chức viện nghiên cứu phi chính phủ không phải là dễ, nếu không có sự quyết đoán của một số vị lãnh đạo cao nhất của Chính phủ. Đây là viện dân lập đầu tiên của nước ta được thành lập theo hướng xã hội hóa, làm khoa học xuất phát từ yêu cầu của thực tế cuộc sống, ứng dụng những tiến bộ khoa học và kỹ thuật vào sản xuất, huy động nguồn lực trong cộng đồng để triển khai nghiên cứu và ứng dụng”.
Từ khi thành lập đến nay, Viện KTST của giáo sư Nguyễn Văn Trương đã không ngừng lớn mạnh cả về lượng và chất, không chỉ giúp đỡ những bà con nghèo ở những vùng chiêm trũng, đồi trọc, sa mạc hóa vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình, mà còn kêu gọi được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế cùng tham gia. Viện tìm đến nơi "đất cày lên sỏi đá" để triển khai dự án, giúp đỡ và hỗ trợ người nông dân thoát nghèo. Theo ông: nước ta đất hẹp, người đông, những nơi đồng bằng, màu mỡ đã có truyền thống canh tác, trình độ dân trí cao lại được thừa hưởng sự đầu tư của nhà nước và được nhiều cơ quan khoa học quan tâm. Vì vậy, mình cần hướng tới những vùng đất kém bền vững nhất, nhưng lại có diện tích rộng lớn còn có thể mở mang. Đó là ba dạng địa hình: cồn cát ven biển, vùng ngập nước (cả ven biển và chiêm trũng) và vùng đồi núi trọc.
Các nhà khoa học và đồng bào người Dao ở làng Sổ, Ba Vì, Hà Nội đã biến một vùng đồi núi trơ trọi xói mòn thành một vùng cây rợp bóng keo lá tràm chắn gió, giữ đất, vừa cấp đạm sinh vật. Họ cũng đã giúp cho vùng cát di động Hải Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình thành làng trù phú với những ao nuôi cá ở dưới cát do ở dưới có nước ngầm. Còn ở vùng chiêm trũng úng ngập quanh năm ở xã Phú Điền, Nam Sách, Hải Dương, các nhà khoa học cùng nhân dân địa phương đã xây dựng nên những khu đất ba tầng, tầng dưới cùng là ao nuôi cá, đất đào ao đắp thành tầng cao nhất là hành lang ngoài cùng làm vườn cây ăn quả, còn ở giữa là ruộng lúa. Vùng đầm nước lợ Xuân Lâm, Tĩnh Gia, Thanh Hóa, nơi nhiều năm hoang hóa, thì nay đã được trồng tái sinh cây đước, trở thành chốn đi về bình yên của đàn cò trắng…
Mục tiêu mà giáo sư Nguyễn Văn Trương và các đồng sự hướng đến khi xây dựng làng KTST là một không gian nơi con người sống và phát triển hòa hợp với thiên nhiên, đồng thời vẫn giữ được truyền thống văn hóa bản địa. Cụ thể theo Ths. Nguyễn Đăng Toàn - Viện QH & TK Nông nghiệp và PGS.TSKH Nguyễn Duy Chuyên - Viện KTST, mô hình Làng KTST là mô hình của một hệ sinh thái tổng hợp, có không gian sống của một cộng đồng dân cư, được xây dựng trên cơ sở làng, bản cũ hay xây dựng mới từ đầu. Làng KTST được xây dựng trên cơ sở sinh thái học, có sự kết hợp giữa kiến thức truyền thống (tri thức bản địa) với kiến thức khoa học tiên tiến trong sản xuất và đời sống. Làng KTST lấy phát triển kinh tế làm nhiệm vụ trọng tâm, nhưng sự phát triển kinh tế, xã hội không làm phá vỡ cân bằng sinh thái cũng như môi trường sống của cộng đồng dân cư”.
Mục đích xây dựng làng KTST là: Sử dụng hợp lý các loại tài nguyên, các dịch vụ ở nông thôn để phát triển kinh tế góp phần xóa đói, giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nông dân; Bảo vệ môi trường sinh thái, tạo cảnh quan môi trường “xanh - sạch”; Đảm bảo xã hội lành mạnh và an toàn.
Mô hình Làng KTST vùng nào phải phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, môi trường của vùng đó và thống nhất với định hướng phát triển kinh tế, xã hội của vùng, tỉnh và huyện. Xây dựng mô hình Làng KTST cần có sự hợp tác của cộng đồng người dân cùng tham gia xây dựng mô hình. Tôn trọng văn hóa và phát huy tối đa những tri thức bản địa.
Bảy năm qua kể từ ngày giáo sư Nguyễn Văn Trương qua đời (năm 2007), đã có nhiều làng KTST ra đời. Các đồng sự của ông ở Viện KTST cùng với các chuyên gia kinh tế nông nghiệpvẫn tiếp tục nghiên cứu, đánh giá các mô hình làng KTST, xây dựng bộ tiêu chí làng KTST ở 3 vùng sinh thái nhạy cảm, vùng Trung du miền núi phía Bắc, vùng úng trũng đồng bằng sông Hồng và vùng ven biển miền Trung để đúc rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình.
Các cơ quan nhà nước cũng đang nghiên cứu xây dựng các làng KTST thích ứng với biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long. Theo ông Nguyễn Thế Đồng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên - Môi trường), theo kịch bản nước biển dâng, đến cuối thế kỷ 21, nếu mực nước biển dâng 0,5-0,7m thì 2/3 diện tích đồng bằng sông Cửu Long sẽ ngập trong nước. Do vậy, việc thiết kế mô hình làng KTST thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng sẽ là phương pháp hữu hiệu. Mô hình của một làng KTST sẽ bao gồm 15 - 20 căn nhà của các hộ dân và một nhà sinh hoạt cộng đồng được bám dọc hai bên bờ kênh. Hệ thống giao thông chuyên chở sẽ dựa vào các kênh rạch cộng với đường bê tông cấp phối…