Lặn lội cá đồng: “Túi cá” của ông tiến sĩ miệt đìa
Đó là tâm sự đầy tâm huyết của TS Nguyễn Hữu Chiếm, Phó khoa Môi trường và Quản lý tài nguyên thiên nhiên Trường đại học Cần Thơ, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường TP Cần Thơ.
Ấp Lợi Dũ B, phường An Bình, quận Ninh Kiều cách trung tâm TP Cần Thơ khoảng 7 cây số, có tổng diện tích 167ha, trong đó hơn 97% là đất nông nghiệp trũng thấp. Cũng như nhiều địa phương khác ở miền Tây Nam bộ, do dân số quá đông (hơn 700 hộ) đã tạo áp lực lớn đối với tài nguyên thiên nhiên. Thuốc trừ sâu, thuốc cá, điện, lưới dày... đã làm cho cá tôm gần như tuyệt diệt. Mười năm trước, TS Chiếm đã bắt đầu dự án Bảo tồn cá và canh tác sạch mà người dân địa phương quen gọi bằng cái tên giản lược cho dễ nhớ là “dự án túi cá”.
TS Chiếm nhớ lại: “Việc làm đầu tiên của chúng tôi là khảo sát, chọn đoạn kênh dài 500m trên con rạch Ngã Ngay cắt ngang qua ấp Lợi Dũ B, với tổng thể tích khoảng 87.000m 3nước để tiến hành nạo vét bùn đáy, thả chà, làm cống lấy nước khi lũ lên và tự động đóng khi nước hạ...
Kèm theo các hoạt động trên thực địa này là việc tuyên truyền, vận động cư dân trong khu vực cùng tham gia soạn thảo một bản quy định, giống như “hương ước” của làng, nhằm bảo vệ và khai thác túi cá. “Hương ước” bao gồm các nội dung: không được trồng các loại cây, rau trên mặt nước trong khu vực túi cá vì sẽ làm giảm lượng oxy dành cho cá; không dùng ghe máy trong túi cá; không dùng điện, hóa chất để bắt cá; không dùng lưới đánh bắt có mắt lưới nhỏ hơn 2,5cm...
Ba năm một lần, người dân cùng nhau bắt cá trong túi để bán lấy tiền sử dụng vào mục đích chung của ấp. Song song với xây dựng túi cá, dự án cũng hướng dẫn nông dân thực hiện các mô hình kinh tế hộ theo hướng bền vững, ít thải chất độc hại ra môi trường...”.
Sau thời gian triển khai dự án, kết quả thu được thật bất ngờ: từ chỗ tưởng như đã tuyệt diệt, trong “túi cá” đã xuất hiện 23 loài thủy sản. Cả những loài cá có giá trị kinh tế cao như rô biển, bống tượng, sặt rằn cũng hiện diện với mức độ dày đặc.
“Chứng kiến sự thay đổi của môi trường tự nhiên, đặc biệt là sự xuất hiện trở lại của nhiều loài cá đã biến mất trước đó nhiều năm, các kỳ lão ở địa phương đã nói rằng họ không nghĩ dự án mang đến những điều kỳ diệu như vậy” - TS Nguyễn Hữu Chiếm nhớ lại.
Mô hình túi cá An Bình đã kịp nhân ra tại ấp Bình An Thạnh Lợi, xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú (An Giang) trước khi tiếp tục chuyển tiếp lên thành khu dân sinh trù phú của vùng đất đô thị mới đang hình thành.
“Ở đâu có nước là ở đó có cá. Quan trọng là mình phải tạo ra môi trường thuận lợi để cá sinh sôi, vì một cặp “vợ chồng cá” mỗi năm có thể tạo ra hàng vạn cá con” - TS Nguyễn Hữu Chiếm đúc kết. Ông cũng cho hay mô hình túi cá ở An Bình (Cần Thơ), Bình An Thạnh Lợi (An Giang) sẽ tiếp tục triển khai khắp các tỉnh miền Tây.
Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết để mô hình thành công, để cá tôm trên sông rạch, đồng ruộng trở lại dồi dào như trước đòi hỏi phải có sự chung tay của nhà nông, nhà quản lý và nhà khoa học.
Theo đó, vai trò của nông dân, mà trực tiếp là những người đánh bắt thủy sản là thực hiện tốt các quy định về bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản, như không được dùng điện, ngư cụ mắt lưới nhỏ mang tính hủy diệt để đánh bắt.
Nhà quản lý, ở đây là chính quyền các cấp, hỗ trợ việc chọn địa điểm xây dựng túi cá và huy động các lực lượng tham gia. Về lâu dài, phương án tái lập các lung, đầm, bàu để vừa trữ nước phục vụ tưới trong mùa hạn, vừa đóng vai trò là những túi cá tự nhiên cũng cần được các địa phương triển khai.
Còn nhà khoa học, những người làm công tác chuyên ngành thủy sản, bằng nhiều hình thức sẽ có những đóng góp quan trọng, từ việc xây dựng phương cách tạo dựng túi cá tới việc nghiên cứu lai tạo, thuần dưỡng và phát triển các giống cá quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng.
Điển hình như Trung tâm quốc gia giống thủy sản nước ngọt Nam bộ (đóng tại huyện Cái Bè, Tiền Giang) đã tham gia tốt hoạt động này, với việc sinh sản nhân tạo thành công hơn 30 loài cá, trong đó có những loài cực quý, hiếm như cá hô, cá trà sóc, cá bông lau, cá lăng vàng, cá duồng, cá còm...Trung tâm cũng đã ươm nuôi và tổ chức thả vào sông rạch, đồng ruộng hàng chục ngàn con giống quý hiếm kể trên.
“Phải có sự kết hợp tận tâm, tận lực, vì lợi ích lâu dài giữa ba nhà kể trên thì mới có thể cải thiện thực trạng nguồn lợi thủy sản tự nhiên đang suy giảm tới mức đáng lo như hiện nay” - TS Nguyễn Hữu Chiếm nói.
TS Chiếm cho hay trong nỗ lực ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng của các loài cá quý, Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường thành phố Cần Thơ do ông làm chủ tịch cũng đang tính tới việc phát động hội viên tham gia các hoạt động như phóng sinh các loại cá bố mẹ và cá con vào thiên nhiên để chúng sinh sôi...