Làm triết học mà chịu đói thì nên giải nghệ
Niềm đam mê và công cuộc kiếm tìm
Thời buổi này mà cặm cụi viết sách triết học, nghiên cứu như ông quả thật là hiếm. Ông bắt đầu công việc này từ lúc nào?
Tôi bị triết học thuyết phục từ khá sớm. Ở tuổi học trò trung học, tôi đọc ở đâu đó rằng, châu Âu sở dĩ phát triển khoa học - kỹ thuật nhanh chóng là nhờ cái nền cơ bản:
Triết học duy vật vốn ra đời và phát triển khá sớm tại vùng Semit mà Hy Lạp là cái nôi vĩ đại với tên tuổi của nhiều triết gia khổng lồ.
Tôi muốn đi tìm những bí mật trong kho tàng vĩ đại ấy của loài người và cũng muốn qua đó tìm hiểu xem vì sao nên triết học vĩ đại ấy lại bị triết học thần học của các cha cố giam tới cả nghìn năm trong đêm dài trung cổ, kể từ thế kỷ thứ IV đến tận thế kỷ XIV.
Và rồi ông tìm kiếm được những gì?
Cuộc tìm kiếm ấy giúp tôi hiểu và biết được đôi điều trong biển triết học rộng mênh mông. Trong quá trình đi tìm, tôi biết thêm song song và đồng thời với các triết gia Semite (chủ yếu là người Hy Lạp), ở phương Đông nhiều tên tuổi lớn, sáng chói trên bầu trời triết học.
Điều này lý giải do đâu những phát minh lớn và khoa học - kỹ thuật xuất hiện sớm nhất tại châu Á như việc phát minh ra giấy viết, thuốc nổ đến chiếc la bàn...
Bây giờ, vấn đề nhiều người nghiên cứu triết quan tâm là vì sao văn minh châu Á thụt lùi quá lớn so với châu Âu và so với ngay cả chính mình trước kia? Phải chăng, châu Á cũng mất cả ngàn năm tăm tối như châu Âu!
Đó có phải là nguồn cảm hứng chủ đạo để ông gắn đời mình với công việc viết sách triết học?
Thu nhận từ kho tài sản của nhân loại rồi chiêm nghiệm trong đời sống và đấu tranh của dân tộc trong nhiều chục năm sau đó thì việc cần thiết là phải trả lại cho đời. Tôi viết sách - nhất là sách triết - xuất phát từ ý tưởng này.
Không thể sống được bằng nghề viết
Ông có sống được bằng nghề viết?
Tôi sống chủ yếu vào nghề viết, nhưng không thể sống bằng nghề viết sách, nhất là sách triết. Một quyển sách xếp vào loại sách triết học khoảng 250 trang khổ 14,5 x 20,5 cm, in 1.000 cuốn (sách triết rất khó in con số 1.000 cuốn) với giá bìa 45.000đ, tác giả được trả khoản nhuận bút 4,5 triệu đồng hoặc cao hơn là 5,4 triệu đồng.
Số nhuận bút này không đủ tiền trả cho một đến hai năm để viết ra cuốn sách này, chứ đừng nói là tiền cà phê.
Ở các nước tiên tiến họ trả nhuận bút thỏa đáng, như sau: Sau khi NXB thẩm định chất lượng sách thuộc hạng A hay B, người ta trả nhuận bút theo trang, bất kể tác phẩm đó in bao nhiêu cuốn. Người viết sách nhận thù lao xứng đáng với lao động bỏ ra và cùng kích thích viết nhiều hơn, tốt hơn nhờ sống khoẻ. Ai cũng biết viết được một cuốn sách được nhà xuất bản và bạn đọc chấp nhận là... không đơn giản!
Như vậy muốn đầu tư cho những tác phẩm dài hơi thì ông làm gì để "lấy ngắn nuôi dài"?
Vì thế mà tôi phải viết đủ loại hình: Báo, tạp chí, phụ san, chuyên đề, dịch, thậm chí cả... diễn văn, thỉnh thoảng gửi cho báo chí nước ngoài.
Một bài báo khoảng 1.000 chữ in trên các báo lớn, tạp chí lý luận... được trả từ 800.000 - 1.000.000đ nhuận bút (thậm chí cao hơn nếu có bài đăng trên các phụ san). Nếu báo chí nước ngoài đăng thì nhuận bút cao hơn 4 - 5 lần.
Phải nạp thêm "tư bản" vào "ngân hàng tri thức"
Không phải là tiền bạc hay địa vị, vậy thì động lực nào giúp ông giữ vững ngọn lửa nghiên cứu và liên tục cho ra đời những tác phẩm giá trị?
Viết nói chung và viết sách nói riêng là nghiệp, là sự lựa chọn của cả đời rồi. Tất nhiên, nếu không có niềm vui, không có động cơ tìm tòi sáng tạo, động cơ phục vụ đời - người thì phải... treo bút từ lâu rồi.
Tôi từng tâm niệm và từng nói với đồng nghiệp trẻ làm nghề triết mà chịu đói thì nên giải nghệ. Tôi không giải nghệ, thậm chí còn tham vọng viết tiếp một số cuốn nữa cho dù năm nay đã... 76 xuân.
Ông có tìm thấy sự đồng cảm ở gia đình, bè bạn, hay độc giả?
Gia đình là chỗ dựa không thể thiếu cho cái nghề... khá bạc bẽo này. Các đồng nghiệp cùng lứa tuổi và bạn vong niên (nhiều người trẻ hơn mình) luôn chuyển lửa cho nhau vì tinh thần và quan trọng hơn là những phát hiện, tìm tòi mới trong học thuật, qua đó nạp thêm "tư bản" vào "ngân hàng tri thức" của mình cho những dự án tiếp theo. Bạn đọc là niềm khích lệ quan trọng.
Tại các buổi giới thiệu sách được các giới chăm chú theo dõi và sau đó gửi thư khen ngợi, động viên và không thiếu những thắc mắc không biết hỏi ai... thật sự tạo ra xung lực mới, mạnh hơn cho những đứa con tinh thần đã và sẽ còn khai sinh.
Ông nghĩ gì khi hiện nay nhiều người thờ ơ với triết học và sách triết học? Làm thế nào để trả lại vị trí triết học "khoa học của mọi ngành khoa học"?
Có nhiều nguyên nhân. Trước hết triết học là môn khoa học tư duy đòi hỏi động não. Thời buổi kinh tế khó khăn, ít đầu tư cho triết học là một thực tế. Vì không đầu tư cho nên số đông không ham thích bộ môn này, không khám phá được những tinh túy và sức hút đặc biệt của triết học.
Việc dạy triết học trong hệ thống các trường đại học - cao đẳng hiện nay chưa ổn. Một giảng viên triết có học vị và năng lực thật sự trở thành giảng viên thỉnh giảng của năm sáu trường, thậm chí nhiều hơn, là một sự thật... đáng buồn.
Như thế làm sao chất lượng - cả dạy và học - đạt yêu cầu! Khắc phục những nhược điểm ấy không dễ. Đó là chưa nói khi đời sống kinh tế của số đông nhân dân và sinh viên còn quá thấp thì sức hút của triết học càng trở nên xa vời vợi.
Đó là chuyện dài nhiều tập, phải không?
Cảm ơn ông về buổi trò chuyện.
TS Triết học Trần Nhu sinh năm 1944 tại Nghệ An, đỗ TS Triết học - Doctor Philosophiae (Dr. Phil.) tại châu Âu và làm việc nhiều năm ở đó. Ông đã viết và dịch trên 30 đầu sách. Tác phẩm tiêu biểu: Từ các triết gia tự nhiên Hy Lạp đến Karl Mars; Toàn cầu hóa hôm nay do ai và cho ai; Minh triết tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh và thời đại; Hòn đảo thiên thần... |