Làm sạch nước nhiễm bẩn sau lũ bằng mủ chuối
Theo cô Văn Thị Năm, Phó hiệu trưởng Trường THPT Đặng Trần Côn, phụ trách tổ hóa - sinh, hướng dẫn nhóm học sinh cho biết, phương pháp này rất đơn giản, sau lũ người dân nông thôn có thể dễ dàng áp dụng, nước sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn nguồn nước cho phép của Bộ y tế, dùng sử dụng trong sinh hoạt...
Ý tưởng từ thực tế
Bạn Trương Văn Ri, nhóm trưởng cho biết, ở miền Trung, nhất là ở Huế thường xuyên hứng chịu những đợt lũ lụt xảy ra. Sau khi cơn lũ đi qua, đa phần người dân nông thôn đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Để xử lý nguồn nước bị nhiễm bẩn sau lũ, người dân đã sử dụng một số phương pháp truyền thống để lọc nước như đánh phèn chua; lọc qua cát sạn. Nhưng chất lượng nước sau khi xử lý vẫn còn rất bẩn, không đảm bảo được sức khỏe khi sử dụng. Xuất phát từ nhu cầu thực tế này, Trương Văn Ri và nhóm bạn học đã suy nghĩ và tìm ra một ý tưởng rất độc đáo xử lý nước nhiễm bẩn sau lũ ở nông thôn bằng mủ của chuối sứ.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Thủy, giáo viên chuyên sinh, hướng dẫn nhóm cho biết: “Các em đã sử dụng phèn chua để làm trong nước. Sau đó tiến hành cho nguồn nước này đi qua mô hình có chứa mủ cây chuối sứ. Tiến hành thử
nghiệm dùng mủ chuối sứ ở các lượng khác nhau để tìm ra lượng mủ chuối sứ thích hợp, có khả năng làm lắng các hạt lơ lửng trong nước cao nhất. Rồi sau đó, các bạn cho nguồn nước này đi qua lớp than củi để khử mùi và thu được nguồn nước sạch với lượng than củi cho các thí nghiệm là 50 g cho 5 lít nước”.
Sạch… đến không ngờ
Phòng quản lý chất lượng nước, Công ty TNHH MTV cấp thoát nước tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định: “Trước khi chưa xử lý, nồng độ ô nhiễm rất lớn, mẫu nước các em mang lên nhà máy đo được như sau: N-NH4+ = 3,75 (mg/l) cao hơn QCVN 02:2009/BYT (tiêu chuẩn là 3 mg/l); sắt là 16,52 mg/l cao gấp 33,04 lần so với QCVN 02:2009/BYT; pH = 6,65; coliform > 24.000 vi khuẩn/100 ml, với lượng vi khuẩn vượt quá mức cho phép như thế thì nguy cơ gây ra các dịch bệnh là rất cao. Tuy nhiên, sau khi lọc bằng phèn, than và mủ chuối thì nồng độ đã thay đổi, các chỉ số giảm xuống rõ rệt, cụ thể: N-NH4+ chỉ còn 3; độ pH: 6,0 - 8,5; sắt còn 0,5; coliform còn 50, đạt tiêu chuẩn nguồn nước cho phép của Bộ y tế. Với chỉ số này, người dân có thể dùng phương pháp này lọc nước sau lũ để sử dụng sinh hoạt.
Cô Văn Thị Năm cho biết thêm, đầu tiên là sử dụng 20 g phèn chua/m3 nước lũ để làm trong nước. Sau khi đã làm trong nước bằng phèn chua, thu lấy phần nước trong ở trên và cho nước ép cây chuối sứ vào, khuấy đều, để yên một thời gian. Sau đó lấy nước lọc cho đi qua than củi để hấp phụ mùi thu được nước sạch...