Lai khác loài không hiếm trong tự nhiên
Giống như la (con lai giữa lừa đực và ngựa cái), nhiều loài lai không thể sinh sản do cha mẹ của chúng có số lượng nhiễm sắc thể khác nhau.
"Người ta thường cho rằng sự lai giống là quá trình đi đến ngõ cụt" - Dietmar Schwarz từ Đại học bang Pennsylvania cho biết - "song theo chúng tôi, về cơ bản nó nên được xem như một hướng khả thi để hình thành loài mới ở động vật".
Trước kia, các nhà sinh học cho rằng con đường chủ yếu để hình thành loài mới là sự phân ly một quần thể (về địa lý hoặc nơi cư trú), và sau đó hai nhóm nhỏ này tiến hoá thành những loài riêng biệt. Trong cây gia đình sự sống, điểm mốc này được gọi là "chạc ba" giữa hai nhánh.
Tuy nhiên các "mắt" trên cây gia đình cũng có thể hình thành khi hai loài khác biệt giao phối - tạo ra một con lai khác với cha mẹ chúng. Song theo Schwarz, ngay cả trong trường hợp con lai có thể sinh sản, sự sống sót của chúng vẫn phụ thuộc vào việc chúng có bị cách ly về sinh thái và tập tính sinh sản hay không.
Cách ly sinh sản
Con lai cũng cần có mảnh trời riêng của chúng, hay sự cô lập sinh thái,nếu không chúng có thể bị loài cha mẹ mình đánh bật khỏi lãnh thổ.
Vì thoả mãn được cả hai điều kiện trên là rất khó khăn, nên hầu hết các nhà sinh học đều phản đối quan điểm rằng lai giống có thể giúp hình thành loài mới.
Tuy nhiên mới đây, Schwarz và cộng sự đã tìm thấy một loài ruồi giấm lai, có khả năng tách xa khỏi cha mẹ chúng. Con lai tạo được sự cô lập về sinh thái và sinh sản bằng cách chọn một vật chủ khác hẳn vật chủ của cha mẹ chúng - trong trường hợp này là cây kim ngân. Phân tích gen của con lai, các nhà khoa học nhận thấy có sự lai giống giữa loài ruồi blueberry maggot và snowberry maggot.
"Theo chúng tôi, hiện tượng này có thể tìm thấy trên các sinh vật ký sinh chuyên biệt khác - nhóm động vật chiếm khoảng 50% số loài trên trái đất", Schwarz nói.
Nguồn: vnexpress.net 28/7/2005