“Kỹ sư hai lúa”
Từ chuyện bực mình…
Được hỏi về “nguyên cớ” làm ra chiếc máy phát điện chạy bằng phân heo, Phong cho biết: “Một lần, đang đêm, con heo nhà tôi trở dạ. Đang loay hoay “đỡ đẻ” cho heo thì bị cúp điện. Bực mình vì điện đóm thất thường, tôi quyết nghĩ cách để có điện dùng ổn định”. Suốt 3 năm trời mày mò, thử nghiệm, cuối cùng, Phong đã có được chiếc máy phát điện chạy bằng... phân heo.
Theo Phong, chiếc máy chạy bằng phân heo vì lúc lợn đẻ, bí quá anh đã lấy ống dẫn khí biogas từ hầm lên đút thử vào máy phát điện xem sao. Thật bất ngờ, máy rung lên rồi phát ra tiếng nổ “bành, bạch” điện sáng trưng trong sự vui mừng của mọi người.
Sáng chế được máy rồi nhưng Phong không phải đã hết khó khăn. Chạy được ít ngày, chiếc máy “dở chứng”, hư hỏng liên tục. “Lợi được 300.000 đồng tiền điện nhưng tiền sửa máy lên đến 500.000 đồng”, Phong nhớ lại. Vốn có nghề sửa chữa xe gắn máy, Phong đoán, bộ phận hòa khí không phù hợp nên anh đã mày mò làm ra bộ phận hòa khí khác. Sau khi thay mới, máy chạy tốt hơn nhưng rất nhanh nóng máy.
Chàng “hai lúa” chỉ nghĩ rằng, máy xe hơi có bộ phận hơi nước sẽ hạn chế nóng máy, nên anh quyết định mua một máy xe hơi Toyota đã hết hạn sử dụng về “chế” lại. Cặm cụi mấy tháng trời, cuối cùng Phong cũng đưa được gas vào buồng đốt và máy đã chạy tốt hơn, hết nóng. Nhưng khổ nỗi, điện cứ mạnh yếu thất thường khiến cả gia đình nhiều phen thót tim vì đang xem tivi bỗng tối sầm, rồi lại vụt sáng. Đối với những người có chuyên môn thì chỉ nghe kể hoặc nhìn vào sự vận hành của máy là biết ngay “bệnh tình”, nhưng với anh nông dân trình độ mới hết lớp 9 như Phong, mọi thứ đều như từ “trên cung trăng rơi xuống”.
Bực mình vì chiếc máy “đỏng đảnh”, nhưng bỏ lại thì tiếc công đã đổ vào nó, Phong bèn dò la, hỏi han “bệnh” của máy. Được mấy anh thợ điện tử “mách nước”, Phong quyết “chữa trị” bằng được. Anh lên chợ điện tử mua một bảng vi mạch điện tử cũ. Lắp xong, lượng khí vào buồng đốt được điều tiết, nhờ đó, điện đã đều và ổn định. Sau khi chữa được “căn bệnh” này, máy chạy ổn định hơn, nhưng không phải Phong đã qua hết “cửa ải” thử thách. Điện áp ổn định nhưng máy thường bị đứng giữa chừng. Mỗi lần như vậy, Phong phải tháo bình hòa khí ra lau khô hơi nước rồi nổ máy lại. Một lần nữa, anh phải tìm đến những người thợ máy hỏi nguyên nhân. Được biết, do nước dư đi theo khí vào máy nên xảy ra tình trạng như vậy, Phong tự nghiên cứu đường dẫn khí bằng hình “sin” để loại bỏ nhược điểm này...
Trăm cái lợi...
Sau khi máy sản xuất điện từ phân heo của Phong thành công, bà con trong “giới” chăn nuôi vui mừng khôn xiết. Tính sơ sơ, một trang trại có 100 con nái mỗi tháng phải mất cả triệu tiền điện để chạy máy dẫn nước; máy xay, trộn thức ăn; điện sưởi… Trong khi đó, điện lưới thì “phập phù”, chạy bằng xăng dầu quá tốn kém. Thêm vào đó, nếu trang trại nuôi trên 100 heo nái thì lượng khí biogas dùng cho sinh hoạt sẽ không thể tận dụng hết. Phong chỉ vào máy và không giấu niềm tự hào: “Bây giờ tôi yên tâm rồi, tất cả điện trong gia đình từ sinh hoạt đến sản xuất, chăn nuôi đều xài... từ phân heo. Thậm chí tôi còn trang bị máy điều hòa nhiệt độ cho heo nái và heo sữa, các dãy chuồng khác thì sử dụng hệ thống phun nước... Tôi nhẩm tính, giá một chiếc máy chỉ từ 15 -17 triệu đồng, các trang trại chỉ cần 1 năm là thu hồi được vốn. Hơn nữa, nó còn chủ động được nguồn năng lượng, bảo đảm an toàn và vệ sinh môi trường…”.
Anh Phong cho biết, thấy lợi nên nhiều gia đình chăn nuôi heo cũng nhờ anh giúp đỡ. Giá một chiếc máy công suất từ 10 -15 Kw khoảng 15 - 17 triệu đồng, bao gồm cả công bảo hành. Phong “bật mí”, từ khi làm máy phát điện thành công, anh đã lắp ráp gần 100 chiếc cho bà con nhưng chưa có chiếc nào bị trục trặc.
Tháng 5/2007, HTX Chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong ra đời, Phong là một trong những người sáng lập. Hiện, tất cả các xã viên HTX đều áp dụng công nghệ sản xuất điện bằng phân heo của anh nhằm tiết kiệm trong chăn nuôi và bảo vệ môi trường… Nhiều đoàn HTX từ các nước: Nhật Bản, Sigapore, Thái Lan… sang tham quan mô hình chăn nuôi của HTX đều trầm trồ trước công nghệ sản xuất điện từ phân heo của Phong. Và tất nhiên, không chỉ bạn bè quốc tế, ngay cả bà con trong làng, trong xã cũng không khỏi thán phục chàng “kỹ sư hai lúa” Nguyễn Thanh Phong...