Kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7: Máy phát điện chạy bằng than củi
Sau hơn 30 năm tham gia quân ngũ, nay ông Quỳnh đã ở tuổi “hiếm”. Thời tiết thất thường, chợt mưa, chợt nắng ông Quỳnh nhăn mặt nén cơn đau từ vết thương trong chuyến vận chuyển lương thực qua ngã ba Lùm Bùm, giáp tỉnh Khăm Muộn. Ông kể, mùa mưa năm 1968, sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân, đế quốc Mỹ điên cuồng bắn phá đường Trường Sơn, nhằm chặt đứt tuyến chi viện chiến lược của ta. Các tuyến trong của ta đều thiếu nghiêm trọng nhu yếu phẩm, đạn dược. Khẩu phần ăn của mỗi người cắt giảm chỉ còn 0,2 kg gạo/ngày. Đặc biệt, tình trạng thiếu xăng rất có thể làm tê liệt tuyến vận tải Tây Trường Sơn.
Lúc đó Trạm sửa chữa ô tô thuộc Tiểu đoàn xe 56, do Nguyễn Ngọc Quỳnh làm Trạm trưởng đóng quân giữa rừng già Tây Trường Sơn. Không có xăng, máy phát điện đành bỏ xó. Sắp vào chiến dịch, đoàn xe hỏng gần 100 chiếc nối đuôi nhau chờ sửa chữa. Giữa lúc cấp bách, ông Quỳnh chợt nhớ tới thời kỳ làm thợ cơ khí của Nhà máy cơ khí Hà Nội. Khi ấy, Thủ đô vừa được tiếp quản, thiếu xăng nhà máy đã nghiên cứu, gia công để ô tô chạy được bằng than. Tại sao không dùng than củi thay cho xăng để chạy máy phát điện? Ông Quỳnh mang suy nghĩ ấy ra bàn bạc với anh em trong trạm và được mọi người ủng hộ. “Chúng tôi tháo bỏ động cơ máy phát điện, thay vào đó là động cơ của chiếc GAT 69. Để kéo mơ tơ máy phát điện, đội kỹ thuật kỳ cạch tạo ra một bộ chế hoà khí mới chạy bằng hơi than củi”, ông Quỳnh nói.
Về mặt lý thuyết, ống hút hơi của lò ga phải làm bằng đồng đỏ mới chịu được nhiệt hơn 1.000 độ C. Trong điều kiện như hiện nay, vấn đề này không quá khó nhưng giữa rừng già Trường Sơn khi ấy đào đâu ra đồng dỏ. “Bàn tính mãi, anh em trong đội đề xuất dùng thép nhíp ô tô uốn thành ống hút thay cho đồng đỏ. Khi đã có nồi hơi, chúng tôi tiếp tục “thiết kế” hệ thống tuần hoàn không khí. Than củi rất nhiều bụi, chúng tôi dùng than hoạt tính để làm bầu lọc thô, dùng nhiều lớp vải để tạo thành bầu lọc tinh mới, như vậy không làm hỏng máy phát điện. Vèo một cái, mất toi một tháng cho quá trình tìm tòi, sáng tạo, thử nghiệm vậy mà khi bật lên chiếc máy chỉ quay vài vòng rồi “nằm” yên. Than củi chất lượng kém, hơi không đủ cho máy chạy. Lại thêm 3 ngày sửa sai, chỉnh đi, sửa lại các chi tiết của lò ga và toàn bộ thiết bị, chiếc máy phát điện đã hoạt động. Dòng điện của máy phát ra ổn định. Để duy trì máy phát điện, tôi đã cử một tiểu đội (4 người) phụ trách công việc đốt than. Hàng tuần đều phải thay ống hút, bầu lọc… nhưng với cách đó, chúng tôi đã giúp chiếc máy phát điện hoạt động trong suốt mùa mưa năm đó”.
Rút kinh nghiệm trong chế tạo lò ga máy phát điện, ông Quỳnh và các chiến sĩ Trạm sửa chữa ô tô tiếp tục chế tạo lò ga cho ô tô. Lò ga ô tô nhỏ hơn nhưng phức tạp hơn máy phát điện. Nhờ cần cù, sáng tạo, những chiếc xe Gát 63 có lò ga chạy bằng than củi lại tiếp tục lăn bánh.
Chế tạo thành công lò ga cho máy phát điện và ô tô chạy bằng than củi, ông Quỳnh và đồng đội của mình đã góp sức không nhỏ vào việc thông tuyến vận chuyển lương thực, vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Suốt 4 năm liền, Trạm sửa chữa ô tô Tiểu đoàn 56 đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được công nhận là Đơn vị Quyết thắng. Đó cũng là 4 năm Trạm trưởng Nguyễn Ngọc Quỳnh đạt danh hiệu “Chiến sĩ quyết thắng” và được tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Từ sau giải phóng đến nay, cứ mỗi dịp 30/4, anh em trong đơn vị lại họp mặt tại nhà riêng của ông Quỳnh - khu tập thể Binh đoàn 12. “Chỉ tiếc trong cuốn Lịch sử Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân xuất bản năm 1999, dày hơn 700 trang chỉ đăng ảnh, chứ không có dòng nào nhắc đến chiến công độc đáo của Anh hùng Nguyễn Ngọc Quỳnh”, đồng đội của ông - nhà báo Đỗ Phú Thọ, báo Quân đội Nhân dân cho hay.