Kỷ niệm 100 năm Đông Kinh Nghĩa Thục (1907-2007): Tài liệu giáo khoa của Đông Kinh Nghĩa Thục
- Dùng chữ Quốc ngữ làm phương tiện chính.
- Hiệu đính sách vở, cần chú trọng đến sách vở Việt Nam , tuyệt đối không nên đi theo con đường khảo chứng vụn vặt. Có thể dùng một số sách đạo đức luân lý chữ Nho dịch ra Quốc ngữ.
- Sửa đổi phép thi, bỏ lối văn biền ngẫu, chỉ thi Quốc ngữ và toán. Khuyến khích tinh thần tự do thảo luận của học sinh.
- Cổ võ nhân tài, đưa các học sinh tốt nghiệp vào thử thách qua các công tác ở các Bộ, các Viện… Lập học viện thu nạp những người không biết chữ Pháp, giao những sách chuyên môn cho họ nghiên cứu, sau đó sẽ sát hạch bổ dụng.
Có thể nói đó là toàn bộ quan niệm giáo dục của các nhà Nho duy tân mà họ xem như nguyên lý. Để thực hiện nguyên lý này, biện pháp của họ là: đả kích lối học cũ và cả lối học mới ở trường Pháp - Việt, chỉ “dạy người Nam để biết tiếng Tây”. Biện pháp nữa của họ là canh tân học thuật, đặc biệt chú trọng đến việc giảng dạy những kiến thức thực nghiệp, chuyên môn, khoa học “các nghề hay” như: binh, cơ, điện, hoá…
Thực hiện các biện pháp trên, họ đã có sáng kiến tổ chức nên trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Nhà trường tự biên soạn lấy sách giáo khoa, tự xây dựng lấy chương trình giảng dạy. Một đội ngũ khá đông đảo nhà Nho cấp tiến đã tham gia công việc này. Họ vừa là giáo sư, vừa là biên tập viên. Họ đã cùng nhau trao đổi để thống nhất quan niệm soạn ra sách dạy. Họ còn thu thập ngoài nhà trường những tác phẩm của các chí sĩ xuất dương, đem dịch và biên soạn làm sách giáo khoa.
![]() |
Sách giáo khoa lịch sử của Đông Kinh Nghĩa Thục. |
Sách báo ở Đông Kinh Nghĩa Thục có hai loại: sách giáo khoa và tài liệu tham khảo.
Sách giáo khoacó những cuốn chính thức do nhà trường soạn in ấn phát hành công khai, dùng để giảng dạy hàng ngày. Cuốn sách quan trọng nhất là cuốn Quốc dân độc bản. Sách này được nhiệt liệt hoan nghênh, in đi in lại nhiều lần đến mấy vạn bản “mà vẫn không đủ đáp ứng cho các trường lớp” của “phong trào Nghĩa thục” lúc bấy giờ. Nội dung sách là một loại công dân giáo dục, nêu lên đạo đức, nhiệm vụ người dân, giới thiệu các tổ chức cơ quan trong một nước. So sánh với những bài học ở các trường Pháp - Việt, thường xếp mục trong thời khoá biểu là: Giáo dục công dân (Instruction civique), thì có thể nhận ra một cách dễ dàng: một bên là để nhắc nhở tư cách công dân cho trẻ nhỏ, còn bên này là giáo dục tri thức phổ thông cho quốc dân, gắn với yêu cầu đổi mới của thời đại, chủ yếu nhấn mạnh về yêu cầu dân chủ và yêu cầu tự lực, tự cường.
Ở lời tựa Namquốc địa dư giáo khoa thư,tác giả Lương Trúc Đàm nhắc nhở người học: “Con người ta không thể không yêu nước mình. Muốn yêu nước mình thì không thể không biết bờ cõi, hình thể, phân vùng hành chính, phong tục, chính trị, khí hậu, thổ ngơi của nước mình. Vậy xin hãy bắt đầu đọc bản Địa dư nước Nam này”.
Cuốn Việt sử toát yếuđược cụ Hoàng giáp Đào Nguyên Phổ trân trọng giới thiệu: “Giờ đây cuốn Việt sử toát yếuđược biên soạn và lưu hành. Mọi người ai cũng xem, cũng đọc, thế là dân trí sẽ tăng, dân tài sẽ mở rộng thêm nhiều đó. Vậy mong toàn quốc trẻ già hãy gắng học đi! Hãy gắng xem đi! Đó là điều các Nho gia chúng tôi đang mong đợi”.
Cuốn Luân lý giáo khoa thưcủa Phạm Tư Trực biên soạn, đã coi “luân lý là môn học có ý nghĩa quan trọng hàng đầu. Bởi vì nó là tinh hoa của quốc thể, nguồn gốc của giáo dục. Con em, thanh niên ngày sau vào đời, tất sẽ đảm đang việc nước, có trách nhiệm trước thế cuộc, nếu không trau dồi phẩm hạnh, thì tất cả các loại sách giáo khoa đều trở nên vô dụng hết”.
Ngoài ra còn có các sách Nam quốc vĩ nhân truyện, Nam quốc giai sự, Cải lương mông học quốcsử giáo khoa, Quốc văn tập đọc…đều viết theo lối phổ thông, bằng giọng văn hùng biện, tuyên truyền, kêu gọi yêu nước, căm thù giặc… Bên cạnh các sách vừa kể, Đông Kinh Nghĩa Thục còn có một loại sách giáo khoa không chính thức nữa. Không chính thức, nghĩa là sách có thể đem giảng dạy trong vòng bí mật, hoặc kín đáo lưu hành cho học sinh và người ngoài cùng xem, tuyên truyền yêu nước. Đó là những bài thơ ca để phổ cập những tri thức khác nhaunhư Bài ca địa dư và lịch sử nước nhà,Bài ca khuyến học, yêu nước, hợp quần, khuyên sáu hạng người, Mười điều răn…Lại có cả một số cuốn sách diễn ca như Đại Việt địa dưcủa Lương Văn Can, cuốn Hợp quần doanh sinh thuyết của Nguyễn Thượng Hiền, cuốn Tỉnh quốc hồn cacủa Phan Châu Trinh, Hải ngoại huết thưcủa Phan Bội Châu…
Sách tham khảoở trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Nhiều nhất là loại “tân thư, tân văn” từ Trung Quốc truyền sang. Có loại sách tư tưởng như của Rousseau, Voltaire, Montesquieu, Darwin… Có loại là tiểu thuyết hoặc ký sự như Ý Đại Lợi tam liệt truyện, Nhật Bản tam thập niên duy tân sử, Mậu Tuất biến pháp, Phổ - Pháp chiến kỷ, Nhật - Nga chiến tranh…Lại còn có những sách của các nhà duy tân Trung Quốc như Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu…
Trường Đông Kinh Nghĩa Thục cũng thịnh hành loại sách khoa học. Các nhà Nho đã nhận thấy rằng, ở thời đại mới không thể thiếu tri thức khoa học tự nhiên. Thầy giáo và học sinh ở đây đã chịu khó đọc các sách phổ thông cơ bản như Toán pháp tu tri, Cách trí tu tri.Hoặc những sách ít nhiều đề cập đến các môn khoa học kỹ thuật có tính cách chuyên môn hơn. Thí dụ như sách Bác vật tân biên(sách tổng hợp), Nông chính toàn thư(sách dạy trồng trọt), Quản khuy trắc lệ(sách thiên văn)…
Đã nói đến sách giáo khoa thì cũng phải nói đến các thầy soạn sách. Nhưng đây là một điều khó khăn, chưa đủ điều kiện xác định được. các nhà chỉ đạo Đông Kinh Nghĩa Thục và các giáo viên ở đây, thấy rõ yêu cầu biên soạn và rất tích cực biên soạn, nhưng họ không qaun tâm đây là việc xây dựng công trình của một tác giả. Họ không quan tâm đến việc ký tên để khẳng định cuốn sách này hay bài thơ nọ là tác phẩm của mình. Họ được phân công vào ban Tu thư – Biên soạn và đã hoàn thành nhiệm vụ: một nhiệm vụ cá nhân trong nhiệm vụ tập thể, chỉ cần có được sách để đem ra giảng dạy, và sách đó là sách của Đông Kinh Nghĩa Thục có gắn biểu tượng “Em bé vác quả cầu” đã là một vinh dự rồi. Tác phẩm viết ra không ký tên ai là tác giả cả. Có thể lấy một ví dụ: Dương Bá Trạc chính thức là một biên tập viên, đã soạn nhiều sách (hoặc nhiều bài), nhưng vào năm 1945, người em ruột của ông là Dương Tụ Quán soạn cuốn Thơ văn Đông Kinh Nghĩa Thụccũng không thể xác định được sách nào, bài nào là của anh mình cả. Các vị trong Ban Tu thư lúc đó có: Dương Bá Trạc (1844 - 1944), Hoàng Tăng Bí (1883 – 1939) là người được tôn vinh là “Hội phong trào nhất giới thư sinh”, Lương Văn Can (1854 – 1946) là Hiệu trưởng nhà trường, Lương Thúc Đàm (1879 – 1908) là con trai cụ cửa Can, Lê Đại (1875 - 1951), Nguyễn Hữu Cầu (1879 - 1946), Phạm Tư Trực (1869 – 1941) là vị Giám học Đông Kinh Nghĩa Thục. Trong tất cả mấy vị trên đây, còn biết được một số là tác giả chính thức của các tài liệu thơ ca mà trước nay bị coi là của “ tác giả khuyết danh).
- Nguyễn Quyền là tác giả của bài ca Kêu hồn nướcvà bài Phen này cắt tóc đi tu…Cũng có ý kiến cho rằng đó là tác phẩm của người khác, nhưng rồi Đào Trinh Nhất trong tác phẩm Đông Kinh Nghĩa Thục(Nxb Mai Lĩnh - 1938) sau một cuộc phỏng vấn đã xác định được Nguyễn Quyền chính thức nói đó là tác phẩm của mình.
- Lương Trúc Đàm, là tác giả cuốn sách giáo khoa Namquốc địa dưđã nói ở trên. Ông mất khi còn quá trẻ (29 tuổi).
- Lê Đại là dịch giả bản Hải ngoại huyết thưcủa Phan Bội Châu. Học sinh và nhân dân lúc bấy giờ và công luận sau này nữa, đều nhất trí bản dịch này rất xuất sắc. Nhiều người nhờ có bản dịch này mà biết được Phan Bội Châu. Cũng chính vì bản dịch nổi tiếng này mà tại phiên toà xử án Lê Đại, ông bị “gia hình” thêm một số năm và bị đày ra Côn Đảo đến 17 năm. Rất tiếc chúng ta không thể biết được các thầy giáo đã trực tiếp giảng dạy bài này trên lớp như thế nào.
Cũng phải kể thêm rằng, tuy không thành sách giáo khoa, nhưng ở Đông Kinh Nghĩa Thục còn có những bài giảng (những buổi diễn thuyết người đông như hội) và những bài báo Quốc ngữ kèm theo Hán tự ở trên tờ Đăng cổ tùng báo,như là cơ quan ngôn luận của Đông Kinh Nghĩa Thục do Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ nhiệm, đăng tải nhiều bài nói về chính trị văn hoá - tư tưởng xã hội (như các bài Cáo hủ lậu văn, Phế bỏ Hán học, Mục đích Đông Kinh Nghĩa Thục…) do các yếu nhân của Đông Kinh Nghĩa Thục Viết, thực sự có nhiều ý nghĩa về nhiều mặt: đi hẳn vào nhiệm vụ cải cách văn học - giáo dục, (vượt khỏi cái nếp giáo dục ngày xưa “làm cho người ngu nước yếu”) và cả sự mở rộng quan niệm giáo dục (liên hệ với cuộc sống, kết hợp nội khóa với ngoại khoá). Ưu điểm nổi bật và ý nghĩa tiến bộ của sách giáo khoa của Đông Kinh Nghĩa Thục là ở đó.