Kỳ nam - Dược liệu quý hiếm
Kỳ nam hay Trầm hương đều do lõi cây Gió mà ra. Có ba loại cây Gió: Gió lưỡi trâu, Gió cau (sinh ra Trầm hương) và Gió bầu (sinh ra Kỳ nam).
Cây Gió mọc hoang ở khắp núi rừng nước ta, nhưng chỉ có cây Gió ở Tu Bông, Vạn Giã mới có Kỳ nam. Theo kinh nghiệm của đồng bào địa phương, khi lá cây Gió vàng và nhỏ dần, thân cây có nhiều u bướu là cây Gió đã có Kỳ nam. Vì thế ca dao mới có câu:
"Gió lâu năm mới thành Kỳ
Đá kia lăn lóc có khi thành vàng!"
Người ta còn bảo chỉ có rừng núi Vạn Ninh (giáp với đèo Cả) mới có ngọn gió đặc biệt đưa hương Trầm, Kỳ về miền Duyên hải:
"Mưa Đồng Cọ, Gió Tu Bông!"
Khi tìm được cây Gió có Kỳ nam, người thợ rừng ngả cây xuống, đẽo bỏ giác, lấy cái lõi bên trong (tức Kỳ nam). Có khi Kỳ nam đóng vào giữa thân cây Gió, có khi thì đóng tận gốc, có lúc lại đóng trên cành và đôi khi Kỳ nam bám vào rễ cây nằm sâu trong lòng đất. Trường hợp này bắt buộc người thợ rừng phải đào tung gốc lên. Có lúc Kỳ nam chỉ đóng ở ngoài vỏ cây Gió, gọi là Kỳ bì. Thứ Kỳ nam đóng ở chạc cành thì quý vô cùng.
Kỳ nam có bốn loại: “Nhất bạch, nhì thanh, tam huỳnh, tứ hắc”. Khi cắt ngang miếng Kỳ nam, thấy giữa có màu mốc trắng như ngà thì đó là loại tốt nhất (loại Bạch kỳ), nếu thấy màu xanh là Thanh kỳ, màu vàng vàng là Huỳnh kỳ, màu đen, rất cứng gọi là Hắc kỳ. Ngoài ra, người ta còn có thể phân biệt Kỳ nam tốt hay xấu dựa vào chất Kỳ: Kỳ nam nhuyễn mịn và có nhiều chất dầu là loại tốt, cứng chắc là loại xấu; hoặc gói vào miếng lá chuối đem phơi nắng cả ngày, thấy có chất dầu rỉ ra cũng thuộc loại Kỳ tốt.
Trầm hương và Kỳ nam đều nằm chung trong thân cây Gió khiến nhiều người hay nhầm lẫn. Tuy nhiên, chất Trầm bao giờ cũng nhẹ và có vị đắng, chất Kỳ nam nặng mà nhuyễn, có đủ các vị chua, cay, ngọt, đắng và thơm. Khi đem Trầm bỏ vào lửa, khói Trầm bốc lên cao, to lan ra xa rồi tan dần, trong khi khói Kỳ nam bốc thẳng và cao.
Cây Gió mọc trong rừng rậm, quanh năm mây mù giăng to, không dễ tìm thấy. Bởi vậy, khi cây Gió đã già rồi chết khô, thân cây tiêu mòn dần theo thời gian, chỉ còn lại chất Trầm và Kỳ nam thơm ngát, to ra giữa chốn rừng xanh. Những người tìm gặp được cây Gió, nếu còn non, chưa có Trầm, Kỳ thì khắc dấu vào thân cây để chờ thời, sau này sẽ trở lại.
Ngày xưa, người vào rừng đi tìm Trầm, Kỳ gọi là “đi điệu”. Người “đi điệu” thường ngậm ngải, một thứ ngải có tác dụng giữ được sức khoẻ lâu bền ở chốn rừng sâu, không cần phải ăn uống nhiều, thú dữ không dám làm hại. Do đó mà người đời thường có câu: “Ngậm ngải tìm Trầm”.
Kỳ nam trị được các chứng bệnh no hơi, đau bụng, ói mửa, hen suyễn, kiết lỵ, hạ được nghịch khí… mài từ vài ba phân đến một chỉ tuỳ theo tuổi lớn hay nhỏ, hoà với nước lã để uống. Người ta còn dùng Kỳ nam nhằm ngăn ngừa gió độc bằng cách bỏ vào chiếc túi vải đeo trong mình.
Đàn bà có mang rất kỵ Kỳ nam, không được uống hoặc mang trong mình vì có thể bị sẩy thai.
Muốn giữ Kỳ nam được tốt và lâu, nên bỏ vào hộp thiếc, đậy kín, không nên phơi nắng làm khô chất dầu, khi cần mới đem ra dùng.
Nguồn: Cây thuốc quý, số 21