Kính thiên văn của học sinh lớp 9 đoạt giải Ba Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Gia Lai lần thứ IV
Khải là một cậu học trò ngoan, học giỏi, chịu khó tìm tòi học hỏi, luôn có những sáng tạo trong công việc tự làm đồ dùng học tập của mình. Vào học Trung học cơ sở, trong chương trình học tập có học về kính thiên văn và công dụng của nó trong học tập môn địa lý, vật lý và thiên văn học… Muốn có một kính thiên văn do mình tạo ra để tha hồ quan sát không gian vũ trụ bao la quanh Trái đất và được sự khích lệ của bố, mẹ, Khải đã thực hiện được ước mơ của mình.
Từ nguyên lý cấu tạo của kính Newton, em tìm các nguyên vật liệu trên thị trường và ba mẹ em chỉ đáp ứng 1 phần kinh phí đi mua những vật liệu cần thiết như: Ống nhựa PVC Ø 114, Ø 27, Ø 34..; vật kính (gương cầu lõm F=90 cm, gọi là gương sơ cấp); thị kính F= 1cm; các vật liệu làm chân kính như nhôm, ống nước; vật kính, thị kinh tiêu sắc; chân spider để giữ gương phẳng thứ cấp; sơn nhũ bạc, đế giữ gương lõm, ống sắt…Thị kính của máy ảnh cũ và các đồ dùng quang học bỏ đi v..v...nhờ anh họ mua ở chợ Nhật Tảo (Tp HCM - chuyên bán đồ cũ) khoảng 10-20 nghìn/cái gửi về.
Chân kính em sử dụng chân đế máy ảnh cũ, bắt vít với ống nhựa PVC Ø 27 tạo thành 2 trục xoay, phía trên để giá kính, phía dưới gắn quả tạ để đối trọng. Các chân có thể điều chỉnh lên xuống để tiện quan sát các tình huống khác nhau.
Gương lõm được gắn vào một miếng gỗ tam giác đều, có 3 ốc tinh chỉnh gương gắn tại 3 đỉnh tam giác. Các bộ phận được đặt trong nắp bịt ống nhựa PVC Ø 114.
Thân kính dùng ống nhựa PVC Ø 114 dài 80 cm, một đầu gắn gương vào bằng cách bịt nắp ống nhựa, sau đó bắt vít 3 chấu để cố định. Phần gương thứ cấp được gắn vào chân spider, kích thước bằng đường kính ống nhựa đặt bên trong ống lớn, bắt vít 3 chân cố định. Phần Focus được làm bằng ống nhựa PVC Ø 34 kết cấu điều chỉnh lên xuống để chỉnh nét khi ngắm.
Cuối cùng chuẩn trực lại hệ thống quang bên trong bằng các chốt tinh chỉnh để việc quan sát tốt hơn.
Khải cho biết thêm: Em hiện đang học trường THPT chuyên Hùng Vương, lớp chuyên lý 10C4A. Em cùng 1 số bạn trong nhóm thiên văn đã làm được những chiếc kính tương tự nhưng thông số ưu việt hơn. Các bạn trong nhóm cũng rất quan tâm đến thiên văn nên cứ thứ 7 hàng tuần thì chúng em lại tụ tập tại nhà cháu cùng nhau quan sát bầu trời!
Kính thiên văn của nhà “Khoa học” nhí tuy còn thô sơ, nhưng là một dụng cụ học tập và vui chơi ở lứa tuổi học trò khá bổ ích và lý thú đã khơi dậy trí tưởng tượng của các em. Việc tận dụng các dụng cụ quang học cũ và một số vật liệu có ngoài thị trường để tự tạo ra kính thiên văn của em Khải là một tấm gương sáng để các bạn học sinh khác làm theo. Không có việc gì khó, chỉ cần có sự đam mê nghiên cứu khoa học, học kỹ lý thuyết áp dụng vào thực hành sẽ cho kết quả như mong muốn.