Kia, kìa, kỉa, kịa trong cách nói của người Nam Bộ
“Bữa” là một từ toàn dân. Người ngoài Bắc, ai cũng biết “bữa” là từ dùng ghép với “cơm” để chỉ toàn thể thức ăn được dùng cùng một lần vào một lúc nhất định (“bữa cơm hôm nay nhiều món nhỉ?”). Nó còn được dùng để chỉ lần ăn uống và một thời gian nhất định nào đó trong ngày để chỉ lần, phen phải chịu đựng một điều gì đó. (Thí dụ: ngày ăn có một bữa, bị một bữa mệt đứt hơi). Từ “bữa” cũng mang nghĩa hôm, ngàykhi được ghép với những từ quen thuộc như: “bữa trước, bữa qua, bữa kia” hoặc “bữa tê” (ở một vài địa phương) và cả trong thành ngữ “bữa đực bữa cái”.
Ở Nam Bộ, những từ ngữ toàn dân đó có được sử dụng. Nhưng ngoài những từ ngữ đó, còn có từ ngữ có lẽ chỉ riêng người Nam Bộ sử dụng thành thạo. Sắp xếp theo thứ tự a, b, c thông thường thì đó là các từ ngữ: bữa hổm, bữa kia, bữa kìa, bữa kỉa, bữa kịa.
“Bữa hổm” là cách nói rất Nam Bộ, là cách nói biến âm của ngữ danh từ “bữa hôm ấy”, có nghĩa là: ngày hôm trước, ngày đã xác định trước. Tiếp một người khách đã từng đến nhà mình mà không gặp được mình, ta rất dễ nghe được câu đại loại: “Bữa hổm, tôi có ghé nhà anh, nhưng anh bận đi đâu đó nên hổng gặp được”.
“Bữa kia” lại là từ ngữ chỉ ngày sắp tới, cách ngày đang nói hai ngày. Ngoài bến xe, ta có thể dễ dàng nghe thấy những câu hỏi đáp như thế này: “- Chừng nào anh đi? – Hôm nay 9, mai 10, mốt 11, bữa kia là 12, 12 tôi đi”. “Bữa kia” không phải là “ngày kia”. Ngày kia như người Bắc thường nói là “ngày mốt” theo cách của người Nam Bộ. Vậy là, “ngày kia” trong vốn từ toàn dân với người Nam Bộ còn trước “bữa kia” một ngày.
Để chỉ ngày nào đó vào khoảng “bữa kia” nhưng có thể còn xa hơn, lâu hơn, người Nam Bộ còn dùng tổ hợp “Bữa kia bữa kìa”. Dưới đây là câu mà một người phụ nữ Sài Gòn hỏi chồng trong tiệm phở: “Bữa kia bữa kìa gì đó, mình về Châu Đốc thăm ngoại được hôn anh?”.
“Bữa kia bữa kìa” trong câu này có nghĩa: một ngày sắp tới gần đây, chưa chắc chắn là ngày nào. Nhưng nếu “bữa kìa” được dùng riêng thì lại chỉ một ngày xác định. Đó là ngày sắp tới xa hơn “bữa kia” một ngày, nghĩa là cách ngày đang nói ba ngày. Đây là đối đáp của hai người dân Ô môn: “- Chừng nào gặp mà chuẩn bị xôm vậy anh Tư? - Bữa kìa lận anh ơi, bữa kìa là rằm 15 phải hôn, hôm nay 11 rồi.”.
Người Nam Bộ còn có lối ghép hai từ “bữa kìa, bữa kỉa” để tạo quán ngữ chỉ một ngày sắp tới gần đây, có thể xa hơn bữa kia, bữa kìa một ít ngày và cũng chưa xác định chắc chắn bữa nào. Chẳng hạn: “Bữa kia bữa kìa không đi được thì có thể bữa kìa bữa kỉa gì đó cũng được”.
Tuy vậy, nếu như “bữa kỉa” được dùng riêng thì nó lại là từ ngữ chỉ một ngày sắp tới xác định. Đó là ngày sắp tới nhưng sau bữa kìa một ngày, nghĩa là sau ngày đang đang nói chuyện 4 ngày. Bàn công việc, ta vẫn nghe những câu như: “Hôm nay, mai, mốt anh không rảnh, bữa kia, bữa kìa, bữa kỉa anh làm cho tôi cũng được. Tôi cũng chưa gấp”. Đây là cách nói rất cụ thể, sinh động nhưng thường cũng chỉ được dùng trong khẩu ngữ. Nó còn ít được dùng trong văn viết. Để diễn tả một ý tương tự, hình như người miền Bắc có cách nói có vẻ khái quát hơn. Chẳng hạn: “Ngày mai, ngày kia, tuần sau anh làm cũng được. Tôi cũng chưa vội”.
Thực ra, trong khẩu ngữ, người Nam Bộ cũng có cách dùng uyển chuyển, khó mà khẳng định là giữa “bữa kìa” và “bữa kỉa” ngày nào trước, ngày nào sau. Đôi khi, dường như “bữa kỉa” là người trước, còn “bữa kìa” lại là ngày liền kề sau đó, nghĩa là một ngày sắp tới nhưng xa hơn hết thảy. Một người dân có tiền cho lối xóm mượn, trước vẻ lúng túng của người hàng xóm khi đến hẹn mà chưa có tiền để trả vẫn nói: “Ấy, gấp làm chị, ngày mai, ngày mốt, bữa kia, bửa kỉa, bữa kìa, chị trả cũng được mà”. Vậy là “bữa kìa” còn là ngày sau của “bữa kỉa”.
Tương tự như các trường hợp ghép từ để tạo quán ngữ đã nói ở trên, người Nam Bộ cũng ghép “bữa kỉa, bữa kịa” để tạo ra quán ngữ chỉ một ngày sắp tới trong tương lai gần, có thể là xa hơn bữa kìa, bữa kỉa ít ngày và cũng chưa xác định chính xác là ngày nào. Chẳng hạn: “Bữa kia bữa kìa đi không được thì có thể bữa kìa bữa kỉa, còn không được nữa thì bữa kỉa bữa kịa gì đó cũng được mà”. Có điều là những quán ngữ như “bữa kia bữa kìa, bữa kìa bữa kỉa, bữa kỉa bữa kịa” thường không được dùng độc lập mà thường dược dùng ghép với tổ hợp từ “gì đó” chỉ tính chất không xác định (bữa kia bữa kìa gì đó…, bữa kỉa bữa kịa gì đó).
Trở lên trên là các cách dùng từ ngữ riêng của người Nam Bộ. Nó thường được gọi là các từ ngữ thuộc phương ngữ Nam Bộ. Như với mọi phương ngữ khác, các cách dùng từ ngữ riêng này một mặt bộc lộ tính cách của người dân sử dụng các từ ngữ ấy, mặt khác cũng có tác dụng làm phong phú thêm cho ngôn ngữ toàn dân.
Tài liệu tham khảo:
1. Viện ngôn ngữ - Từ điển tiếng Việt– Trung tâm từ điển ngôn ngữ, Hà Nội, 1992…
2. Huỳnh Công Tín - Từ điển phương ngữ Nam Bộ- Công trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ - Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2005.
Nguồn: T/c Ngôn ngữ - Đời sống, số 9 – 2005