Khu mộ Gò Quê (Quảng Ngãi) qua cuộc khai quật năm 2005
Di tích được phát hiện vào đầu năm 2004 do quá trình san ủi mặt bằng để xây dựng nhà máy đóng tàu Dung Quất, công nhân đã phát hiện trong cồn cát có chum gốm và các hiện vật như rìu đồng, dao găm đồng, mã não, khuyên tai… Có một số hiện vật được Bảo tàng Quảng Ngãi sưu tầm, nhưng phần lớn đã bị trôi dạt do nạn mua bán cổ vật.
Cuộc điều tra khảo sát của cán bộ Bảo tàng Quảng Ngãi đã thu thập nhiều mảnh chum văn hoá Sa Huỳnh và nhiều mảnh vỡ của đồ gốm trải rộng trên bề mặt của bãi cát bị san ủi. Thậm chí còn thu nhặt các mảnh khuyên tai thuỷ tinh bị vỡ cùng các mảnh vòng đá trang sức. Sau đó, được sự đồng ý của Bộ Văn hoá, di tích Gò Quê đã được khai quật chữa cháy vào đầu năm 2005.
Địa tầng và di tích
Trong quá trình khai quật, chúng tôi đã tiến hành đào chữa cháy 14 hố. Do cồn cát quá cao nên phương pháp đào rộng ở trên sau đó giật cấp thu hẹp dần ở độ sâu hơn.
Nhìn chung địa tầng các hố khai quật không nằm trên cùng một bình độ, do đây là khu mộ chôn trên gò cát. Vị trí các mộ đương thời có cái chôn ở đỉnh gò, có cái chôn ở rìa cạnh. Việc xác định biên mộ là khó khăn vì đặc thù của khu chôn cất là cát nên hầu như không tìm được biên mộ. Gò Quê vốn là cồn cát cổ được bồi tụ rất cao, từ bề mặt cồn cát đến lớp đất cát có mộ chum, chiều dày trung bình từ 5 m đến 6 m. Do là cồn cát nằm ngay bờ vịnh Dung Quất, hai bên là các đồi thấp nên gió ở đây rất mạnh là tác nhân đưa cát từ nơi khác đến (nhất là trong mùa mưa bão). Sau khi khai quật, nghiên cứu địa tầng cồn cát Gò Quê, nhận thấy diễn biến các lớp đất từ trên xuống như sau:
- Lớp cát thuần trắng dày trên 2 m.
- Lớp cát trắng chứa tàn tích thực vật dày trung bình khoảng 3m.
- Lớp cát vàng dày khoảng 0,5 m. Lớp đất này có sự thẩm thấu của nước.
Các mộ đất và mộ chum được chôn giới hạn lớp cát trắng chứa tàn tích thực vật và bề mặt lớp cát vàng. Một số chum được chôn sâu trong lớp cát vàng.
![]() |
Rìu đồng hình chữ nhật |
- Mộ chum: 18
- Mộ đất: 13
- Cụm gốm, không phân thành mộ :1
Cấu tạo mộ chum cơ bản gồm quan tài chum gốm hình gần trụ tròn đáy cong, phần lớn bị mất nắp do đã bị phá huỷ, đồ tuỳ táng chôn chủ yếu bên trong mộ. Các quan tài chum văn hoá Sa Huỳnh ở Gò Quê có kích thước lớn, đường kính trung bình thân chum khoảng 0,70 m, chiều cao ước khoảng 1m, xương gốm thô và dày. Đáng chú ý để làm chum, người ta đã giã nhỏ đá ong laterit và thạch anh trộn lẫn đất sét và cát để làm xương gốm. Thân chum bằng tay theo kỹ thuật dải cuộn. Quan sát các chum đều thấy có những vệt đen của lửa nung theo kỹ thuật đốt ngoài trời. Các quan tài chum được chôn đứng theo từng cụm khoảng 4,5 chiếc cạnh nhau.
![]() |
Rìu đồng có họng hình đuôi cá |
Hiện vật
Tổng số Hiện vật trong cuộc khai quật Gò Quê năm 2005: 67 (chưa kể hiện vật gốm chưa được phục dáng, hiện vật còn trong các chum đang bó chưa gỡ ra) và bao gồm các loại hình sau đây:
- Đồ sắt: 3
- Đồng sắt tiếp hợp: 2. Bao gồm 1 giáo và 1 gươm.
- Đồ đồng: 24. Bao gồm 8 rìu, 3 giáo, 1 dao găm, 1 tấm che ngực, 10 khuy và 1 hiện vật hình móc.
- Đồ đá: 30. Bao gồm khuyên tai, 27 hạt chuỗi .
- Thuỷ tinh: 1 hạt chuỗi.
- Đồ gốm: 7. Gồm 4 nồi, 1 bát mâm đồng và 2 doi xe chỉ.
Bộ sưu tầm hiện vật Gò Quê đã cung cấp cho khảo cổ học nhiều hiện vật mới và một số nhận thức mới về nền văn hoá Sa Huỳnh:
A - Mặc dù Gò Quê nằm sâu trong địa bàn của văn hoá Sa Huỳnh nhưng, trong số hiện vật đào được, có những hiện vật của nền văn hoá Đông Sơn đích thực. Đó là: Rìu đồng hình chữ nhật có 2 chiếc, có họng hình thang hay chữ nhật dẹt, có lỗ thủng ở hai bên mặt lưỡi để hãm cán, hoa văn gân nổi tran trí theo băng gồm 2 đoạn thẳng song song gần họng, bên trong có các đoạn gạch chéo, điển hình của Đông Sơn. Rìu đồng xoè cân có họng xẻ rãnh hình đuôi cá, một mặt lưỡi cong vồng, một mặt lõm.
Giáo đồng có loại hình lá mía là 1 trong 3 chiếc giáo tìm được ở đây rõ ràng là hiện vật quen thuộc của cư dân Đông Sơn.
Dao găm hình chữ T tìm được 2 chiếc, đáng lưu ý là dao bị bẻ cong phần lưỡi trước khi chôn giống như ở vùng Bắc Bộ.
![]() |
Dao găm đồng được uốn cong mũi |
Hiện vật đồng khá đặc biệt tìm được là 10 chiếc khuy áo giống với khuy hiện đại, có 4 lỗ thủng để luồn chỉ khâu vào áo. Ngoài ra còn có hiện vật hình móc chưa rõ chức năng.
Sưu tập đồ đồng tìm được ở Gò Quê là do người Đông Sơn chế tạo ra, không phải của người Sa Huỳnh, chứng tỏ có một sự giao lưu trực tiếp từ vùng Bắc Bộ vào miền Trung nước ta.
B - Đồ sắt là hiện vật quen thuộc của nền văn hoá Sa Huỳnh và hiện vật có cả đồng và sắt, trong đợt này có nhiều hiện vật khá độc đáo, gây nên sự chú ý đặc biệt
Chiếc dao sắt H3M7 - 2 có hình dáng như một lưỡi dao bình thường, mỏng hình lá đã bị gẫy phần chuôi và gỉ nhiều.
Lưỡi dao sắt H13M1 bị gỉ nhiều chỉ còn thấy được hình dáng gần giống hình lá, dẹt.
Ngoài 2 hiện vật vừa miêu tả, có một số hiện vật sắt đáng lưu ý:
- Lưỡi giáo sắt có chuôi bằng đồng trong mộ chum có ký hiệu H3M7 là loại giáo có cấu tạo từ hai kim loại, thường được gọi là “đồng sắt tiếp hợp”. Giáo có chiều dài còn lại 13,5 cm. Chiều rộng 2,1 cm. Lưỡi giáo làm bằng sắt đã gỉ, mỏng và hai rìa cạnh sắc, có chiều dài lưỡi 6,0 cm. Chuôi giáo làm bằng đồng gỉ xanh. Phần chuôi đặc có mặt cắt hình tròn ở đầu và dẹt ở phần tiếp giáp với sắt. Giữa phần sắt và đồng được đúc gắn với nhau khá chặt chẽ.
- Lưỡi gươm có chuôi bằng đồng, lưỡi bằng sắt trong ngôi mộ đất có ký hiệu H2M2 được chế tạo khá tinh tế, gồm phần lưỡi cong sắc, mũi nhọn, sống lưỡi có độ cong ít hơn làm cho lưỡi gươm gần có hình một chiếc mã tấu. Chiều dài toàn bộ 70,0 cm riêng phần lưỡi dài 48 cm, lưỡi rộng nhất 5,6 cm. Phần lưỡi gươm gồm có 2 đoạn hình trụ và hai đoạn hình khuyên được nối với nhau, bên trong là phần lõi gỗ vẫn còn dấy vết. Phần chuôi có một lỗ hình chữ nhật dẹt để tra lưỡi gươm vào. Đáng lưu ý là chuôi đồng được gia cố bằng cách uốn và ghép lại từ những mảnh đồng dẹt chứ không được đúc liền một khối cũng là một cách gia công hiếm gặp. Lưỡi gươm tìm được trong mộ khu vực bị xáo trộn vì vậy cũng khó khẳng định chắc chắn là niên đại Sa Huỳnh hay có thể muộn hơn.
Đáng chú ý là một quặng sắt, tìm được khoảng gần 50 cục có hình dáng không định hình, to nhỏ khác nhau: cục lớn nhất có chiều dài 10 cm, rộng 7 cm, cục nhỏ nhất có chiều dài chỉ khoảng 2 cm. Các cục quặng này khá nặng, được chôn trong lòng một mộ chum. Điều đó chứng tỏ người cổ Sa Huỳnh ở khu vực này đã chế tác sắt ngay tại chỗ. Sự gom góp quặng sắt như một loại tài sản quý mang sang thế giới bên kia, được chôn sâu dưới đáy mộ chum chứng tỏ vào thời điểm này nguồn nguyên liệu vẫn khá hiếm. Ngoài khu mộ Gò Quê, có một số khu mộ như Động Cườm, cũng tìm được quặng sắt như vậy. Tình trạng coi trọng khâu nguyên liệu có nhiều nét giống với sự gom góp các hiện vật đồng nhiều cái là đồ phế liệu trong trống Cổ Loa để với mục đích tái chế. Chỉ những cư dân biết chế tác đồ sắt mới cần đến nguyên liệu sắt đã cho thấy cư dân Sa Huỳnh đã nắm chắc kỹ thuật này. Cũng có thể đoán định có một sự giao lưu trao đổi hàng hoá mà mặt hàng là quặng sắt.
C - Một điều đáng chú ý nữa là trên chiếc rìu đồng hình chữ nhật tìm được ngay trong mộ chum còn lưu lại một số dấu vảitrên rìa lưỡi và ở phần rìa cạnh. Mẫu vải to nhất được khảo tả như sau: chiều dài còn lại khoảng 1,4 cm chiều rộng còn lại khoảng 0,8 cm. Vải có màu xanh lá mạ do ngấm gỉ đồng. Vải được dệt theo cách một sợi dọc xen lẫn một sợi ngang như kiểu người ta đan “lóng mốt”. Bề mặt sợi vải vẫn có độ mịn, săn chắc. Kích thước sợi vải có thể do được như sau: khoảng 12 x 16 sợi trong 1 cm 2. Hiện tại mẫu vải đang được bảo quản tại Bảo tàng Quảng Ngãi. Gò Quê còn có thêm bằng chứng nghề dệt khi mà tìm thấy ở đây 2 dọi se chỉ bằng đất nung. Ngoài ra còn phát hiện 10 chiếc khuy bằng đồng có 4 lỗ, rìa khuy lại có hoa văn các chấm dải. Giữa các lỗ khuy còn có dấu tích của sợi xuyên qua, đã chứng tỏ người xưa còn biết cắt may các trang phục đẹp, có đính khuy áo. Không còn là một dạng áo vỏ cây chui đầu như nhiều dân tộc gần đây vẫn còn thực hiện.
Vài nhận xét sơ bộ
![]() |
Thanh gươm có lưỡi sắt chuôi đồng |
- Đặc trưng mộ táng cư dân Gò Quê có cả táng tục mộ chum và mộ đất. Các mộ đất chôn liền kề với mộ chum, cùng tương ứng về độ sâu của cùng một chủ nhân. Hiện tượng đan xen mộ chum và mộ đất trong cùng di tích còn thấy ở Gò Mả Vôi, Thạch Bích (Quảng Nam ).
Sự xuất hiện mộ đất nằm cạnh mộ chum, được chôn đồng thời của cùng một chủ nhân đã củng cố nhận thức về táng tục chum song song đồng thời với táng tục mộ đất trong cư dân văn hoá Sa Huỳnh.
- Quan hệ Sa Huỳnh và Đông Sơn là quan hệ đồng đại, diễn ra mạnh mẽ vào khoảng một vài thế kỷ trước Công Nguyên thể hiện rõ nhất ở bộ sưu tập hiện vật Đông Sơn có mặt khá sâu trong Sa Huỳnh, thể hiện ở phong tục chôn cất có sự xen lẫn giữa cả hai đặc trưng Đông Sơn và Sa Huỳnh trong cùng một khu mộ mà đồ tuỳ táng không có gì phân biệt giữa các mộ với nhau.
![]() |
Khuyên tai ba mấu nhọn |
- Đồ gốm Sa Huỳnh Gò Quê gồm các loại hình sau: chum dạng hình trứng và chum hình cầu, chậu, bát bồng, bình hình con tiện, bình lọ hoa, nồi vai gãy đáy tròn, nồi vai lượn cong đáy hình chỏm cầu… áo gốm màu đỏ miết láng trên đó tô chì thành băng hay thành các hình tam giác nhọn đầu. Văn kỹ thuật có loại văn thừng thô đập trên thân chum, thừng mịn đập trên các nồi. Trên các loại hình bình con tiện, bát bồng hoa văn trang trí gồm văn vạch, văn in chấm que, văn ấn mép sò tạo nên các đồ án đẹp.
- Niên đại tương đối của văn hoá Sa Huỳnh Gò Quê khá muộn thông qua sự xuất hiện đồ mã não, thủy tinh. Trên cơ sở so sánh loại hình hiện vật giữa Sa Huỳnh Gò Quê với các địa điểm Sa Huỳnh khác như Gò Mả Vôi, Lai Nghi (Quảng Nam), Phú Khương (Quảng Ngãi), Động Cườm (Bình Định) cho thấy niên đại tương đối của di tích mộ táng văn hoá Sa Huỳnh Gò Quê khoảng 2400 năm cách ngày nay.
- Trong thời gian qua mới chỉ khai quật khu mộ táng Gò Quê, đương nhiên cư trú của cư dân Sa Huỳnh cũng ở gần đó, có thể khu dân cư hiện tại của thôn Sơn Trà hoặc thôn Tân Hy nằm chồng lên. Trong tương lai, chúng ta cần khảo sát kỹ hơn khu vực này, có thể tìm được làng xóm của người Sa Huỳnh, chủ nhân đích thực của khu mộ Gò Quê.