Khổng Tử, Mạnh Tử và triết lý giáo dục
1. Khổng Tử(551 - 479, tr.CN), tên là Khổng Khâu, tự Trọng Ni, người nước Lỗ, Trung Quốc. Cha là võ quan nhỏ. Khổng Tử rất thông minh, ngay từ 15 tuổi đã ham học Lễ, 18 tuổi làm một chức quan nhỏ (chức lại: trông coi lương thực). Năm 50 tuổi, làm quan Tư khấu (tư pháp). Là người cương trực nên ông bị ghen ghét. Can vua không được, ông từ chức, du thuyết ở các nước láng giềng, mong tìm minh chúa để thực hiện ước mơ đem lại thái bình, thịnh trị cho thiên hạ. Sự nghiệp không thành (Tử Cống cho rằng đạo của Khổng Tử cao quá nên không ông vua nào, dùng được), ông quay về nước Lỗ, mở trường dạy học. Trường học của ông có chỗ học (đường), có chỗ ở (nội), một kiểu trường tư sớm nhất trong lịch sử giáo dục, thu nhận cả con em người nghèo với quan điểm “ Hữu giáo vôloại” (giáo dục không phân biệt hạng người). Trước đó chỉ có trường công dạy cho con em tầng lớp trên. Như vậy ông là người có công đầu giảm bớt sự bất bình đẳng trong giáo dục và điều đó cho đến nay vẫn cò ý nghĩa thời sự. Ông thu thập tài liệu từ cổ đại, biên soạn, san định thành 5 cuốn sách (Ngũ kinh): Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch và Kinh Xuân Thu. Sau đó, các học trò ghi chép, giải thích trong 4 cuốn sách (Tứ thư) là Luận Ngữ, Trung Dung, Mạnh Tử và Đại Học, các tập sách đó trở thành tài sản văn hóa, giáo dục quý giá. Ông đào tạo được trên 3.000 học trò, trong đó có “ thất thập nhị hiền” (72 hiền tài ), 4 người xuất chúng, sau được thờ cùng với thầy trong Khổng miếu, gọi là “ tử phối” gồm Mạnh Tử, Tăng Tử (Tăng Sâm), Tử Tư và Nhan Hồi.
Khổng Tử đã đúc kết và cố gắng thực hiện triết lý giáo dục độc đáo của mình với 2 nội dung cơ bản là “ Hình nhi thượng học” (phần lý luận chung, là cơ sở lý học của Nho Giáo) và “ Hình nhi hạ học” (những quan điểm triết lý nhân sinh). Ông coi việc học tập là cơ sở để mở mang trí tuệ và trau dồi đạo đức làm người, bất kể đó là thiên tử hay thứ nhân. Nội dung giáo dục tập trung vào chủ đề nhân đạo gồm 3 mối quan hệ lớn là “ tamcương”: vua - tôi, cha - con, vợ - chồng, và “ ngũ thường”: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, chia ra “ thập nghĩa” (mười điều nghĩa) phù hợp vị trí trong xã hội hay gia đình gồm: vua, tôi, cha, con, chồng, vợ, anh, em (anh, trưởng), lớn, (em, út) nhỏ. Học thuyết Khổng - Nho (Khổng Tử - Nho Giáo) thực chất là học thuyết chú trọng mặt đạo đức, tình cảm, ít đi vào lý trí. Phương pháp giáo dục của ông là kết hợp học và suy nghĩ; học đi đôi với hành; học tích cực, độc lập; biện pháp quan trọng là nêu gương, lấy nhân cách của mình (người thầy giáo) tác động đến học sinh. Yêu cầu chung trong giáo dục của ông là “ học khôngbiết mỏi, dạy không biết chán”. Là người học tập suốt đời, dạy học suốt đời, ông luôn yêu mến con người và tin rằng bản tính con người có thể cải hoá được nhờ giáo dục và tự giáo dục (tu nhân).
Đánh giá về Khổng Tử, nhà nghiên cứu Trung Quốc thời hiện đại Triệu Vĩ Bân cho rằng:
“ Khổng Tử căn bản là một nhà đại giáo dục… tuy nhiên vì quan niệm giai cấp và điều kiện lịch sử nên có những tư tưởng thể hiện không thống nhất trong nội dung giáo dục”. Còn học giả Nguyễn Hiến Lê, khi nghiên cứu Khổng Tử, đã mang ra một nhận định mang tính phổ quát: “ Triết thuyết nào cũng chỉ để cứu cái tệ một thời thôi. Muốn đánh giá một triết thuyết thì phải đặt nó vào thời của nó, xem nó có giải quyết được vấn đề của thời đó hay không, có là tiến bộ so với thời trước, là nguồn cảm hứng cho các đời sau không. Và sau mười thế hệ, người ta vẫn còn thấy nó làm cho đức trí con người được nâng lên thì phải coi đó là một cống hiến lớn cho nhân loại rồi”. Như thế đủ biết lý do Trung Quốc và nhiều quốc gia trên thế giới hiện đang lên “ cơn sốt” học tập, nghiên cứu Khổng Tử và chắc chắn mọi việc không dừng ở đó.
2. Mạnh Tử(372 - 289, tr.CN), tên là Mạnh Kha, tự là Tử Dư, người nước Trâu (trước đó là tên của nước Chu, nay là huyện Trâu, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc). Gia đình ông thuộc dòng dõi quý tộc nhưng đến đời cha ông thì sa sút. Ông được thừa hưởng việc “ thai giáo” (do mẹ giáo dục từ lúc mang thai) nên rất ham học hỏi, trí tuệ phát triển nhanh.
Ông không phải là học sinh trực tiếp của Khổng Tử mà là học sinh của Tử Tư. Nếu xác lập theo thứ tự thầy trò trực truyền thì sẽ là: Khổng Tử → Tăng Tử → Tử Tư → Mạnh Tử (trong đó Tăng Tử là người viết cuốn “ đại học”; Tử Tư, cháu nội của Khổng Tử, là người viết cuốn “ Trung dung”). Giống như Khổng Tử, Mạnh Tử cũng thực hiện du thuyết ở nhiều nước nhưng may mắn hơn Khổng Tử là nước nào qua ông cũng được vua nước ấy cung cấp lương thực và lộ phí. Ông là bậc thầy về giáo dục, đào tạo được nhiều học trò giỏi (tất nhiên không thể sánh được với Khổng Tử về mặt này).
Mạnh Tử là người thừa kế thuyết Nho giáo của Khổng Tử. Ông lấy chữ “ nhân” trong học thuyết Khổng Tử làm hạt nhân học thuyết của mình. Hầu hết quan điểm giáo dục của Khổng Tử đều được ông kiến giải, bổ sung nên ông được coi là môn đệ trung thành của Khổng Tử. Ông rất quan tâm đến môi trường giáo dục. Ông cho rằng giáo dục cần cho tất cả mọi người và mục đích đào tạo con người là phải đạt đến độ “ phú qúy bất năng dâm, bất tiện bất năng di , uy vũ bất năng khuất” (giàu không thể làm hư hỏng; nghèo không thể lay chuyển, sức mạnh không thể khuất phục). Trong việc học tập, ông đề cao suy nghĩ, khuyên không nên hoàn toàn tin vào sách vở. Ông coi con người như hạt mưa: vào giếng khơi thì thành nước trong, vào ao tù thì thành nước đục. Tuy nhiên, đó chính là chỗ hạn chế của ông vì con người không phải là hạt mưa vô tri vô giác.
Trong số các thế hệ học trò của Khổng Tử thì Mạnh Tử nổi tiếng nhất (ông cũng tạo được triết lý riêng của mình: Con người bản tính vốn thiện, giáo dục thường xuyên sẽ giúp bồi dưỡng tính thiện. Tuy nhiên, trước hết phải lo ổn định cuộc sống của nhân dân, sau đó mới giáo huấn đạo đức luân lý cho họ). Tư tưởng của ông có ảnh hưởng rất lớn trong xã hội nên người ta thường gọi ghép là triết lý Khổng - Mạnh. Có ý kiến còn cho ông là “ linh hồn của Nho gia”, còn dân chúng thì cho ông là thánh hiền, là bậc Á Thánh, chỉ đứng sau Khổng Tử (Thánh Khổng Tử ).
Các học trò của Khổng Tử, kể cả con người xuất chúng, khó có thể đạt tới tầm bậc thầy của Khổng Tử và thực tế họ đều không làm được những gì thầy mong mỏi (để trò có thể vượt thầy). Học trò giỏi Tử Cống dùng hình ảnh bức tường để so sánh: “ bức tường của Tử tôi ( và các môn sinh khác cũng vậy ) cao tới vai, nên người đứng ngoài vẫn nhìn thấy được những cái đẹp trong nhà. Bức tường của thầy tôi ( Khổng Tử ) cao mấynhận ( mỗinhận 7 - 8 thước, tức khoảng gần 2 mét ), nếu không qua được cửa mà vào thì không thấy những cái đẹp trong miếu kiến trúc các điện phong phú ra sao.
Nguồn: Thế Giới trong ta số 250, 2/2006