Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 15/04/2010 16:14 (GMT+7)

Khi con rể Việt Nam là nhà khoa học lớn

P.Darriulat thường nói với bạn bè: “Tôi yêu Việt Nam , và vì đây là Tổ quốc của vợ tôi”. Cuối năm 1999, nhà khoa học lừng danh này đã sang quê hương vợ, giúp Việt Nam xây dựng Phòng thí nghiệm nghiên cứu mang tên VATLY đặt tại Viện Khoa học kỹ thuật Hạt nhân, Hà Nội. Với sự cố vấn của GS P.Darriulat, phòng thí nghiệm VATLY sau 10 năm xây dựng và phát triển, đã trở thành một cơ sở nghiên cứu độc đáo ở khu vực Đông Nam Á. Nhóm nghiên cứu tại đây – nhóm Việt Nam Auger là tập thể khoa học đầu tiên ở châu Á trở thành thành viên của Dự án nghiên cứu mang tên nhà bác học Pháp Pierre Auger nhằm “ săn tìm các tia vũ trụ có năng lượng cao nhất”, đồng thời là cái nôi đào tạo các nhà khoa học trẻ của Việt Nam trong lĩnh vực vật lý thiên văn, vật lý hạt nhân và hạt sơ cấp. Cuối năm 2007, các nhà khoa học trong Dự án Pierre Auger đã công bố một trong những phát minh quan trọng nhất trong năm: Các trung tâm thiên hà có tầm hoạt động mạch (AGN) có lỗ đen siêu nặng, với khả năng lớn nhất,đây chính là nguồn phát ra các tia vũ trụ năng lượng cao đến Trái đất. Về phát minh quan trọng này, GS Jim W. Cronin – nhà vật lý đoạt giải Nobel và là một trong hai nhà lãnh đạo Dự án Pierre Auger, nhận định: “ Giờ đây nhân loại đã bước thêm một bước dài để tiến tới giải mã câu đố về bản chất và nguồn gốc phát sinh của tia vũ trụ năng lượng cao…”.

Điều đáng tự hào, với tư cách là đồng tác giả, các nhà vật lý trẻ Việt Nam đã có đóng góp cho công trình trong việc tham gia đo đạc và phân tích, xử lý số liệu khoa học của Dự án quốc tế Pierre Auger. Từ kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học của phòng thí nghiệm VATLY đã hoàn thành xuất sắc một Luận án Tiến sĩ, một số luận văn Thạc sĩ chất lượng cao, công bố 3 bài báo riêng và 4 bài đồng tác giả trên các tạp chí khoa học quốc tế…

Pierre Darriulat là Giáo sư Tiến sĩ khoa học Vật lý Đại học Bách khoa Paris, Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm khoa học Pháp, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân Châu Âu (CERN), Giáo sư tại nhiều trường đại học danh tiếng ở Mỹ, Anh; năm 1984 đã “chạm một tay” vào giải Nobel; năm 2008 được trao giải thưởng André Lagarrique của Hội Vật lý Pháp dành cho các nhà nghiên cứu tiên phong trong việc chế tạo và khai thác thành công máy gia tốc hạt và các thiết bị tối tân khác. Giáo sư từng phụ trách các thí nghiệm ở CERN trên vòng tích luỹ phản hạt proton, sau đó trở thành người lãnh đạo Dự án thí nghiệm UA2 từ năm 1980 đến 1986 trên máy gia tốc SPS đối chùm proton - phản hạt proton. Đây là một thí nghiệm nổi tiếng, góp phần quyết định đưa đến phát minh các hạt bozou trung gian dẫn xuất tương tác yếu w và z….

Là cố vấn cao cấp của Viện Khoa học kỹ thuật hạt nhân, là giáo sư giảng dạy ở Trường Đại học quốc gia Hà Nội, chàng rể Việt Nam P.Darriulat đã tự nguyện cống hiến hết mình suốt gần mười năm qua mà không hề nhận lương bổng. Sáng sáng, từ nhà ông đạp xe đến Phòng thí nghiệm ở đường Hoàng Quốc Việt để hướng dẫn các sinh viên, nghiên cứu sinh, tiến sĩ trẻ làm nghiên cứu khoa học. Bằng uy tín của mình, ông đã kêu gọi các tổ chức quốc tế tài trợ cho Việt Nam một phòng thí nghiệm với những thiết bị hiện đại trị giá tới cả triệu USD. P.Darriulat luôn đau đáu một nỗi niềm: “ Việt Namxứng đáng phải có các trường đại học và các phòng thí nghiệm chất lượng cao…Tuy nhiên, Việt Nam chưa có được điều đó. Sự phát triển nhanh chóng về khoa học – công nghệ đòi hỏi Việt Nam phải cải thiện công tác đào tạo đại học và nghiên cứu để bắt kịp trình độ chung của thế giới, cần vượt qua sự chậm chễ mà 30 năm chiến tranh đã gây ra”– ông viết. Ông cho rằng, để có một triết lý phát triển, phải trả lời được câu hỏi: Tại sao Việt Nam cần đại học? và tại sao Việt Nam cần nghiên cứu khoa học? Đây không phải là những câu hỏi tầm thường, câu trả lời đúng đắn sẽ khác nhau đối với hoàn cảnh mỗi đất nước, ở mỗi thời điểm lịch sử khác nhau. Những câu trả lời đó phản ánh kiểu xã hội mà đất nước đó muốn có, chúng là cách thức mà chính phủ phải thay mặt nhân dân lựa chọn. P. Darriulat nhấn mạnh: “ Tôi chỉ muốn nói một điều, Việt Nam không nên sao chép một cách mù quáng nền giáo dục của các nước khác. Tốt hơn là tìm ra những câu trả lời rõ ràng, phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam , phổ biến chúng, sử dụng chúng như là một khung chung để từ đó xác định đường lối chỉ đạo và đi lên”.

Để làm rõ sự cấp thiết phải có một triết lý giáo dục cho Việt Nam , P.Darriulat đưa ra một số dẫn chứng minh hoạ.

Thứ nhấtlà tình trạng phát triển đại trà các trường đại học nhưng không bảo đảm chất lượng như hiện nay. Rất nhiều sinh viên không đủ trình độ hoàn thành bậc đại học nhưng vẫn phải tiếp tục theo đuổi đến tận năm cuối cùng; những sinh viên đuối về học lực không những làm giảm giá trị của bằng tốt nghiệp mà còn gây cản trở những sinh viên khá và giỏi được hưởng một nền giáo dục xứng đáng với họ. Theo P. Darriulat, tổ chức đại học của ta hiện nay quá cứng nhắc, cần xây dựng một hệ thống linh động hơn, tạo ra các khoá học ngắn cho những sinh viên không đủ khả năng hoàn thành tất cả các môn học, sớm hướng nghiệp cho họ, đồng thời tạo cơ hội để đưa vào giảng dạy các môn học mới, tạo tiềm lực phát triển cho khoa học Việt Nam.

Thứ hai, vai trò nghiên cứu trong các trường đại học là rất quan trọng, đại học nào không tiến hành nghiên cứu là đại học kém chất lượng. P.Darriulat cho rằng, Việt Nam cần phải xác định rõ ràng mối quan hệ giữa các viện nghiên cứu và các trường đại học, tạo cơ chế chính sách khuyến khích một cách mạnh mẽ mối quan hệ này.

GS Pierre Darriulat và các nhà vật lý trẻ thuộc phòng thí nghiệm VATLY.

Thứ ba, trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam cần dành ưu tiên cho nghiên cứu ứng dụng, tuy nhiên, P.Darriulat cũng nhấn mạnh: “Phải dành không gian cho nghiên cứu cơ bản”, vì sẽ không có nghiên cứu ứng dụng tốt nếu thiếu nghiên cứu cơ bản chất lượng cao. Chẳng hạn, P. Darriulat tâm sự: “Tôi rất lo ngại khi thấy cho đến thời điểm hiện nay, Việt Nam chưa có một kế hoạch cụ thể nào trong việc đào tạo những chuyên gia khoa học trình độ cao về điện hạt nhân. Nếu như vậy, khi Việt Nam mua những nhà máy điện hạt nhân của nước ngoài, thì lúc đó người nước ngoài sẽ là chủ nhân điều hành chính của nhà máy đó. Điều này, thật là cay đắng, Việt Nam sẽ có nguy cơ bị thực dân hoá bởi những nước phát triển trong lĩnh vực điện hạt nhân”.

Trong “Thư gửi các nhà khoa học trẻ Việt Nam ” GS Pierre Darriulat viết: “… Các nhà quan sát nước ngoài thường phê phán về tính thụ động của sinh viên Việt Nam … Nhưng tôi tin rằng khi được đưa vào một môi trường thuận lợi cho việc giải phóng các năng lực của họ hơn thì họ sẽ chứng tỏ trong huyết quản của họ cũng dồi dào sự quả cảm, quyết tâm và hăng say như tất cả những thanh niên ưu tú trên thế giới… Ngôi nhà tương lai sẽ được đặt trên vai họ, chính họ sẽ quyết định thành công sự nghiệp xây dựng đất nước…”.

Có người nói: “ GS Pierre Darriulat sang làm rể ở Việt Nam là để giúp chúng ta lắng nghe vũ trụ từ Hà Nội”. Tôi nghĩ, điều ấy đúng nhưng chưa đủ. Ông yêu Việt Nam - Tổ quốc của vợ ông, như tình yêu nhân loại của các nhà văn hoá lớn, như nhà bác học Yersin đã từng sống và cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp khoa học và cứu giúp cho hàng triệu triệu người Việt Nam thoát khỏi dịch bệnh hiểm nghèo.

Hằng ngày, ngoài công việc nghiên cứu và giảng dạy, P.Darriulat sống thật giản dị và chan hoà yêu thương với người vợ hiền là chị Nguyễn Thị Nga. Người phụ nữ ấy đã vượt qua rất nhiều trở ngại trong đời để trở thành một dịch giả. Chị dịch sách về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và về GS. Lê Cao Đài từ tiếng Việt sang tiếng Pháp còn P.Darriulat thì hiệu đính. Ông lấy làm thú vị không chỉ vì giúp được vợ mà vì đó là những cuốn sách viết về những con người đáng kính. Ông kính trọng những người như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cống hiến trọn tuổi trẻ cho lý tưởng; kính trọng Lê Cao Đài, một trí thức gắn bó, hy sinh vì sự nghiệp, biết phân biệt đúng, sai.

Viết về P. Darriulat, tôi bỗng nhớ đến câu nói nổi tiếng của nhà bác học Louis Pasteur: “ Mỗi nhà khoa học phải có Tổ quốc của mình”. Và tôi nghĩ, đối với Pierre Darriulat, Tổ quốc của ông không chỉ là nước Pháp nơi sinh thành ra ông mà còn là Việt Nam – quê hương người vợ thân yêu của ông”.

 

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.