Hoàng Ngọc Hiến ra đi: sự khởi đầu một cuộc sống mới...
Vẫn biết sinh tử lão bệnh là điều không ai tránh được, tin ông mất vẫn làm bao bạn bè, đồng nghiệp, những người quý mến ông thấy đắng nghẹn trong lòng. Bỗng chợt nhớ đến chiêm nghiệm phũ phàng của thi hào Nguyễn Gia Thiều từ mấy trăm năm trước: Trăm năm còn có gì đâu / chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì...
Nguyễn Gia Thiều tài hoa chỉ đúng có một nửa: thân xácdưới nấm cỏ khâu quả thực là rồi sẽ biến mất, nhưng cái phần hồn, phần tinh anh của con người, thì sẽ còn lại mãi trong tâm trí những người thân thiết của ông.
Chúng ta mãi nhớ về ông như một chủ gia đìnhtừng làm cây cột cái cho vợ con nương tựa, như một học giảuyên bác đầy bản lĩnh trước những va đập của thời thế, như một con ngườicủa tự do luôn thành thực với chính mình và với mọi người, như một trí thứcdấn thân luôn đau đáu hướng về, cổ suý cho những gì có thể làm cho đất nước này, dân tộc này tốt đẹp hơn, được tôn trọng hơn...
*
Trong giới học thuật nước nhà nhiều thập niên qua, Hoàng Ngọc Hiến là người may mắn được tiếp nhận khá đầy đặn những kiến thức từ cả phương Tây của lý trí và phương Đông của trực giác và tâm linh. Những tinh hoa trong kho tàng văn hóa nhân loại cổ kim đông tây cũng may mắn được gieo vào mảnh đất màu mỡ của trí tuệ và tâm hồn ông với năng lực tư duy trừu tượng, khúc triết, với cảm nhận nhanh nhạy trước cái đẹp, cái tình, cái lý của cuộc đời thường nhật.
Từ năm 1949, giữa thời kỳ kháng chiến chống Pháp đầy gian khổ, thiếu thốn, trong vùng tự do ở một miền quê Thanh Hoá, chàng thanh niên 19 tuổi Hoàng Ngọc Hiến đã viết bài bằng tiếng Pháp luận bàn về chủ nghĩa hiện sinh của Jean-Paul Sartre trên tờ báo của Lớp Dự bị đại học kháng chiến. Bài báo lọt vào mắt xanh của ông Nguyễn Chí Thanh, khi ấy là người lãnh đạo cao nhất khu 4 (gồm các tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh, Bình - Trị - Thiên). Ông Thanh nói: "Chúng ta đang yếu lý luận, không kết nạp những người trẻ có trình độ như thế này thì kết nạp ai?". Và thế là Hoàng Ngọc Hiến trở thành hội viên trẻ của Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác Đông Dương (tên gọi công khai của Đảng Cộng sản thời ấy).
Vậy là Hoàng Ngọc Hiến đã bộc lộ thiên hướng lý luận từ khi mới bước vào đời. Nhưng cần phải nói rằng lý luận trong suy nghĩ và dưới ngòi bút của ông hoàn toàn không có mùi "hàn lâm, kinh viện" chạy theo tầm chương trích cú. "Thiên kinh vạn quyển" của thiên hạ qua bộ sàng lọc của ông đã trở nên nhuần nhị, mang sắc thái Hoàng Ngọc Hiến - rõ ràng, dứt khoát, độc đáo và hướng về nhân sinh. Ông thường chế diễu một số vị tự nhận là nhà lý luận là những người "ăn dâurồi lại vẫn nhả ra dâu", không được như con tằm "ăn dâunhả ra tơ!". (Một kịp khác, đáp lại một số người chê bai nhà phê bình Hoài Thanh "thiếu lý luận", ông bênh vực: "Cái lý luận của Hoài Thanh là gạođã qua nồi, qua lửa mà biến thành cơmthơm dẻo, chứ đâu gạo vẫn hoàn gạo, khê nồng sống sít như ở một số nhà phê bình "súng sính chiếc áo lý thuyết!").
Năm 1959, Hoàng Ngọc Hiến được cử đi làm nghiên cứu sinh ở Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Maxcơva mang tên M.V.Lômônôxốp. Dưới sự hướng dẫn của những người thầy giỏi giang, bên cạnh những đồng môn sáng giá, Hoàng Ngọc Hiến đã mài giũa kiến thức của mình ngày càng thêm toàn diện, sâu sắc. Ông đã bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ (nay gọi là Tiến sĩ) về những tìm tòi thể loại trong một số trường ca của V.Maiakôpxki. Lượng kiến thức sâu rộng đa chiều hoà lẫn với bản tính "đồ Nghệ" đầy tự tôn, tự chủ và có phần nào khác người đã làm nên ở Hoàng Ngọc Hiến một con người thành thực, tự do. Suốt cuộc đời mình, Hoàng Ngọc Hiến là một con người như thế, con người làm nên "hạt cơ bản" của một vật chất - xã hội - người đúng nghĩa cao đẹp của nó.
Sống trên đời cần và phải trở thành con người tự do và thành thực. Ấy là "bổ đề cơ bản" của nhân loại. Ngô Bảo Châu đã được vinh danh với Huy chương Fields, một giải "Nobel toán học" với việc chứng minh được Bổ đề cơ bản của Langlands mà không mấy người hiểu được ngọn ngành. Anh cũng cần được vinh danh với "bổ đề" nổi tiếng mà ai cũng hiểu - trừ một số người không muốnhiểu!: "Đi theo lềlà việc của đàn cừu, không phải của con người tự do!".
Thế giới này sẽ chẳng là gì nếu không có sự sáng tạo, mà "mọi sáng tạo đều xuất phát từ các cá nhân" (A. Einstein). Các cá nhân ở đây chính là những con người tự do, những con người thoát ra được khỏi ràng buộc của quyền lực, cám dỗ của tiền bạc và mê hoặc của hư danh để đắm mình trong tìm tòi, sáng tạo.
Ấn tượng sâu đậm nhất mà Hoàng Ngọc Hiến để lại cho những người có dịp tiếp xúc với ông, ngoài đời hay trên trang giấy, là hình ảnh ung dung tự tại, luôn có cái nhìn riêng, cảm nhận riêng của mình đối với mọi hiện tượng của đời sống, của học thuật, của văn chương. Với ông, không có ý nghĩ nào là xuất phát từ khuôn mẫu định sẵn, không bao giờ ông phải nương nhẹ chiều lòng một ai đó để cầu lợi, cầu danh cho riêng mình. Để nói lên điều mình thành thực tin, thành thực nghĩ, ông sẵn sàng "ngược dòng nước lũ" (tên một tiểu thuyết đặc sắc của Ma Văn Kháng). Cái biệt danh nổi tiếng "ông hiện thực phải đạo" đã như tấm huân chương độc đáo gắn vào tên tuổi, sự nghiệp ông, đã ghi nhận công lao của ông (giống như thằng bé trong truyện của Andersen đã kêu lên như một phát hiện động trời: "Hoàng đế ở truồng!") đã làm một việc nhiều người thấy mà không mấy người dám nói: Văn chương ta bấy lâu nay chủ yếu hướng về mô tả cái hiện thực phải - là(cái cao cả) chứ không mấy quan tâm tới hiện thực đang - là... Ông gọi đó là thứ "chủ nghĩa hiện thực phải đạo". Từ đây ông kêu gọi những người cầm bút, thay vì hướng lênnhững người đang cầm cân, nẩy mực cho văn học theo định hướng tuyên truyền, hãy nhìn xuốngtrần gian, nhìn ngangchung quanh để thấy bao cảnh đời còn rất đỗi truân chuyên, để chia sẻ lòng trắc ẩn và để đem lại những đổi thay tốt đẹp...
Đó là vào năm 1979, thời kỳ đất nước rất khó khăn, đang chờ sự chuyển mình... Vì niềm tin, vì lý lẽ của mình trong nhiều năm, ông đã phải trả giá, luôn sợ phải "làm việc" với lực lượng an ninh. Nhưng ông đã đứng vững vì bạn bè nâng đỡ, và trước hết là vì bản tính ông vốn thế.Như J.Bruno (nhà thiên văn học Ý, 1548 - 1600) tin vào thuyết nhật tâm sẵn sàng bước lên giàn lửa của nhà thờ La Mã chứ không chịu nói "Mặt trời xoay quanh Trái đất!". Bây giờ tất nhiên chẳng còn ai lạ lẫm với nhận định có tính khai phá đó của Hoàng Ngọc Hiến, như nhà văn Nguyễn Minh Châu 8 năm sau (1987) đã rành rọt " đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh hoạ!".
Là con người tự do, Hoàng Ngọc Hiến luôn nhạy bén nắm bắt, đón nhận những gì là mới mẻ, có phần lạ lẫm. Thời còn làm nghiên cứu sinh ở Maxcơva nửa thế kỷ trước, ông đã là một trong những người đầu tiên phát hiện và tôn vinh sự phá cáchvề tư tưởng và nghệ thuật của nhà thơ trẻ người Nga A. Voznhexenxki mà chẳng bao lâu sau đã trở thành một ngọn cờ của thi ca Nga đương đại. Thời kỳ chủ trì Trường Viết văn Nguyễn Du những năm 80, 90 thế kỷ trước, ông đã hết lòng đề cao, bảo vệ những tên tuổi đặc sắc vừa xuất hiện trên văn đàn nước nhà: Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài, Tạ Duy Anh, Nguyễn Việt Hà... ở những cây bút này, ông không thấy chất lãng mạn thi vị hoá cuộc đời theo kiểu Tự lực Văn đoàn; không thấy chất "hiện thực phê phán" tố cáo tội ác của giai cấp thống trị, bênh vực người nghèo theo kiểu Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan... Ông "hợp cạ" với họ có lẽ trước hết vì họ đã đi sâu vào cái bản thểcon người, - con người với tất cả thế giới nội tâm đa sắc, đa thanh, pha trộn tốt - xấu, ác - thiện, cao cả - thấp hèn, bần tiện - sang trọng... như nó vốn thế, mỏng manh, dễ vỡ, đáng cảm thông và không phụ thuộc vào một giai tầng nào. Đó chính là dòng văn học sáng giá mà Vũ Trọng Phụng đã khởi xướng từ những năm 30 của thế kỷ trước mà Hoàng Ngọc Hiến hết sức tán dương.
Trong thời của chúng ta, Hoàng Ngọc Hiến là một kiểu trí thức hiếm hoi say mê theo đuổi nhiều lĩnh vực thoạt nhìn như xa cách nhau. Ông quan tâm đến văn học phương Tây, văn học Nga và cả văn học Việt Nam - cổ điển và hiện đại, đương đại. Ông say sưa tìm hiểu triết học phương Tây và minh triết phương Đông. Ông nghiền ngẫm những vấn đề tâm lý học, phân tâm học, di sản văn học trung đại của nước Nga. Trên tất cả là những trăn trở thao thức về số phận của dân tộc, của đất nước ta từ góc nhìn của một trí thức dấn thân hết lòng yêu đất nước mình, nhân dân mình, chia sẻ cùng họ những "mong đợi ngậm ngùi" về một sự đổi thay theo chiều hướng tốt lên...
"Cái nước Việt mình nó thế...", - câu nói cửa miệng của ông như để cam chịu (?) lý giải những gì còn bất cập chung quanh - giao thông lộn xộn, rác vứt bừa bãi, ngồi ăn ngon lành bên miệng cống vỉa hè, thói "súng sính, mê sảng lý thuyết", não trạng "tưng bừng, phấn khởi" dù đang trong cảnh "nước sôi lửa bỏng"...
"Cái nước Việt mình nó thế..." có hàm chứa một chút hy vọng mong manh rằng, một ngày nào đó, nó sẽ khôngthế, nếu tất cả chúng ta thay đổi! Hoàng Ngọc Hiến đã đi khỏi cuộc đời này với một niềm tin như thế...
*
Một nhân vật lịch sử của nước Đức từ giữa thế kỷ trước để lại một câu nói khá lạ tai: "Rồi hậu thế có thể chêchúng ta đủ điều, nhưng không một ai có thể chê chúng ta buồn tẻ!". Biết có không ít người chẳng ưa gì những tính cách như Hoàng Ngọc Hiến, mượn cách diễn đạt này, tôi có thể nói về Hoàng Ngọc Hiến: "Người ta có thể chê bai ông Hiến nhiều điều, nhưng không một ai có thể chê ông buồn tẻ!". "Buồn tẻ", đó chính là lời phán xét đáng sợ nhất đối với một người dấn thân vào lĩnh vực sáng tạo.
Hoàng Ngọc Hiến, từ vô thức, luôn có nỗi e ngại rơi vào trạng thái này. Ông luôn làm mới mình, luôn khai phá những lối đi riêng, không theo ai, không đua tranh với ai, chỉ là mìnhvới tất cả cái hay và cái đôi khi còn bất cập.
Di sản tinh thần ông để lại thật là to lớn. Nó luôn mời gọi chúng ta tìm hiểu, tranh luận cùng ông, hay đồng tình tán thưởng. Nó trở thành một bộ phận trong hành trang tri thức và nhân cách của chúng ta mà không cần "phải lùi lại, phải nhìn từ xa mới thấy" (S. Esenhin).
Có cái chết là một lầnvà mãi mãi. Có sự kết thúc của đời người lại là một sự khởi đầu mới.
Tôi tin, rất tin rằng Hoàng Ngọc Hiến ra đilà sự khởi đầumột cuộc sống mớicủa những giá trị tinh thần quý báu mà ông đã hào phóng để lại cho chúng ta hôm nay.
Cầu chúc cho linh hồn ông an lạc chốn vĩnh hằng...
Tiểu sử Hoàng Ngọc Hiến: - Sinh ngày 21 tháng 7 năm 1930 tại Nam Định, trong một gia đình truyền thống Nho học kết hợp với Tây học. Quê quán: làng Đông Thái, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. - Sau năm 1945, ông cùng gia đình đi tản cư kháng chiến, học trường trung học chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng và được gửi đi đào tạo ở Liên Xô. - Năm 1959 ông làm nghiên cứu sinh và bảo vệ thành công Tiến sĩ Văn học chuyên ngành lý luận, phê bình tại Đại học Tổng hợp Moskva, Liên Xô. - Ông đã từng dạy ở các trường Đại học Sư phạm Vinh, Đại học Văn hóa, Trường Viết văn Nguyễn Du. Ông nhiều năm làm hiệu trưởng "Trường bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du". - Từ năm 1983, với nền tảng văn hóa và nhãn quan triết mỹ của mình, ông đã nhiệt thành sổ súy cho sự đổi mới sáng tác văn học ở Việt Nam, phê phán những bất cập trong hệ thống lý luận quan của Zdanov. Chính ông là người phát hiện, nâng đỡ và bảo vệ các cây bút Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài... ngay từ khi họ mới xuất hiện trên văn đàn. Ông là Hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Ông là đồng chủ bút với Huỳnh Sanh Thông, Trương Vũ ra tạp chí Vietnam Review (phát hành ở Mỹ trong 2 năm 1996, 1997) Tác phẩm đã xuất bản - "Ngọn gió thổi những chiếc lá bay qua đại dương", Tập ký - Maiacôpxki. Con người, cuộc đời và thơ (Khảo cứu. Tuyển dịch.1976) - Maiacôpxki. Hài kịch. (dịch, 1984) - Văn học Xô Viết đương đại (khảo cứu, 1987) - Văn học - học văn (tiểu luận và phê bình, 1992) - Văn học và học văn (tiểu luận và phê bình, 1997) - Văn học gần và xa (tiểu luận, 2000) - Triết lí văn hóa và triết luận văn chương (Khảo cứu, 2006) - Văn hóa và văn minh -Văn hóa chân lý và văn hóa dịch lý (2007) - Hoàng Ngọc Hiến. Tuyển tập chọn lọc (2008) - Xác lập cơ sở cho đạo đức, Bàn về tính hiệu quả (dịch từ sách của Francois Jullien) - Minh triết phương Đông và triết học phương Tây (Tuyển tập những công trình của nhà triết học đương đại Pháp F.Jullien, NXB Đà Nẵng, 2004) |