Hoa Kỳ học, một số vấn đề đặt ra
Người Việt Nam đầu tiên giảng về lịch sử Hoa Kỳ
Chúng ta đều biết rằng từ cuối thế kỷ XIX về trước, nền giáo dục Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo, bó hẹp trong các tác phẩm kinh điển của đạo Khổng, đương nhiên chưa đề cập đến những vấn đề của thế giới. Hệ thống giáo dục của chủ nghĩa thực dân Pháp được xác lập ở Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ XX đã đưa vào nhà trường nhiều kiến thức và phương pháp mới thông qua các giáo viên người Pháp hoặc giáo viên người Việt do nhà trường Pháp đào tạo. Kiến thức lịch sử chủ yếu được truyền đạt là làm cho học sinh thuộc địa hiểu lịch sử nước Pháp với hình ảnh của một “mẫu quốc” đáng kính phục. Điều đáng ngạc nhiên là bài giảng đầu tiên ở Việt Nam về lịch sử cách mạng Hoa Kỳ lại do một thầy giáo người Việt giảng cho các học viên người Việt và truyền đạt hoàn toàn bằng tiếng Việt. Lớp học đó không nằm trong hệ thống giáo dục của nhà nước thực dân Pháp mà là một lớp huấn luyện những thanh niên cách mạng bắt đầu bước vào con đường đấu tranh giải phóng dân tộc. Đó là lớp huấn luyện của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội được tổ chức bí mật tại Quảng Châu (Trung Quốc) trong thời gian 1925-1927 và người giảng chính là Nguyễn Ái Quốc, sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh - vốn là một nhà giáo trước khi ra đi tìm đường cứu nước. Các bài giảng đó sau được tập hợp và công bố dưới tựa đề Đường Kách mệnh, xuất bản lần đầu tiên vào năm 1927 (1).
Xuất phát từ quan điểm coi Việt Nam là một bộ phận của thế giới, cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới, Nguyễn Ái Quốc đã giảng giải cho các học viên về các cuộc cách mạng tiêu biểu trên thế giới. Người nêu lên một trong những mục đích của cuốn sách này là “đem lịch sử cách mạng các nước làm gương cho chúng ta soi, đem phong trào thế giới nói cho đồng bào ta rõ”(2). Do vậy, một nội dung quan trọng của cuốn sách đã dành cho việc giới thiệu và phân tích ba cuộc cách mạng lớn ở Mỹ, Pháp và Nga mà bài mở đầu là cách mạng Mỹ.
Riêng phần Cách mạng Mỹ nêu lên 4 vấn đề với những tiêu đề như sau:
- Lịch sử nước Mỹ thế nào?
- Vì sao mà Mỹ làm cách mạng?
- Phong trào ấy kết quả ra thế nào?
- Ý nghĩa cách mạng Mỹ với cách mạng Việt Nam như thế nào?
Với chưa đầy 700 từ trong 3 trang in khổ vừa, bài viết đã phác họa những nét cơ bản về cuộc chíên tranh giành độc lập của nhân dân Bắc Mỹ nửa sau thế kỷ XVIII. Có thể nhận được ở đây 3 ý tưởng quan trọng:
Một là,nhân dân Bắc Mỹ đã đấu tranh chống chế độ thực dân Anh. Ở Việt Nam chế độ thực dân Pháp còn hà khắc hơn. “Thế mà dân Việt Nam còn chưa học Mỹ mà làm cách mạng”(3). Lời nói đó cho thấy sự đánh giá cao về tính chất và tinh thần của nhân dân Mỹ, và coi đó là một tấm gương đối với các nhà cách mạng Việt Nam .
Hai là,nhấn mạnh tư tưởng chủ yếu trong Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ về “quyền tự do, quyền giữ tính mệnh của mình, quyền làm ăn cho sung sướng...”(4)và nếu chính phủ nào có hại cho dân chúng thì người dân có quyền “đạp đổ chính phủ ấy đi và gây lên chính phủ khác”(5). Về sau, nội dung này được trịnh trọng nêu trong đoạn mở đầu của Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945. Có thể thấy ở đây một nhận định sáng suốt, khách quan và không thay đổi về tư tưởng vĩ đại của cách mạng Mỹ và nhân dân Mỹ.
Ba là,vận dụng kinh nghiệm Mỹ vào cách mạng Việt Nam thì thấy rằng ở Mỹ “công nông vẫn cứ cực khổ”(6). Nên lưu ý rằng, nhận xét này rút ra từ cuộc hành trình cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã từng đến Mỹ và đã mắt thấy tai nghe nhiều điều từ thực tiễn xã hội Mỹ những năm đầu thế kỷ. Do vậy, Người kết luận “Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mạng rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới hạnh phúc”(7).
Rõ ràng là Nguyễn Ái Quốc đẵ chắt lọc từ cuộc cách mạng Mỹ những điểm sáng nên noi theo, đồng thời những điều hạn chế mà cách mạng Việt Nam cần phải vượt qua. Những bài giảng của Người đã gây ấn tượng sâu sắc trong nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam trên bước đường đầu tranh giải phóng.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, trong các văn kiện của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi nhân dân Mỹ và các Tổng thống Mỹ, rất nhiều lần Người nhấn mạnh tính chất vĩ đại của cách mạng Mỹ và nêu cao những tấm gương sáng của T.Jefferson, G.Washington, A.Lincoln là những người có công lao lớn trong việc giải phóng nhân dân Mỹ. Kết luận cuối cùng trong các bức thư thường là bày tỏ lòng mong mỏi chính quyền Mỹ hãy tôn trọng những nguyên tắc vĩ đại của các bậc tiền bối mà chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Việc giảng dạy lịch sử Hoa Kỳ trong các trường Đại học Việt Nam
Năm 1956, hai năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ và ký kết Hiệp định Geneve về ngừng bắn ở Đông Dương, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập. Từ đó, tại hai khoa Sử của hai Trường đại học tại Hà Nội là Tổng hợp và Sư phạm, lịch sử Hoa Kỳ được giảng dạy trong khuôn khổ chung của lịch sử thế giơi. Nội dung cơ bản của những bài giảng về Hoa Kỳ được in trong 2 cuốn sách Lịch sử thế giới cận đạivà Lịch sử thế giới hiện đại. Cho đến nay, ở nước ta chưa có một cuốn giáo trình đại học nào chuyên về lịch sử Hoa Kỳ.
Trong cuốn Lịch sử thế giới cận đại(8)Lịch sử Hoa Kỳ, có thể nêu lên mấy nhận xét sau đây:
Một, nhìn về mặt định lượng thì số trang trong giáo trình cũng như số giờ giảng về lịch sử Hoa Kỳ chiếm một tỷ lệ đáng kể trong tổng thể của giáo trình Lịch sử thế giới bao gồm các cường quốc và các khu vực trên thế giới.
Hai, những trang sử vẻ vang của nhân dân Mỹ trong cuộc chiến tranh giải phóng khỏi chế độ thực dân, lập nên nhà nước Hợp chủng quốc cũng như cuộc đấu tranh xóa bỏ chế độ nô lệ luôn chiếm một vị trí quan trọng trong chương trình giảng dạy với các tên tuổi Washington, Jefferson, Lincoln... “Chính sách mới” (New Deal) của Fr.Roosevelt trong những năm 30 và vai trò của Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh chống phát xít trên các mặt trận Châu Âu và Thái Bình Dương luôn được đánh giá cao như một sự đóng góp quan trọng vào chiến thắng của lực lượng Đồng minh trên thế giới.
Ba, trong điều kiện của cuộc chiến tranh lạnh trên phạm vi thế giới, Việt Nam lại là một điểm nóng mà từ đầu những năm 50, sự có mặt của các lực lượng quân sự Mỹ với cuộc chiến tranh tàn khốc kéo dài 1/4 thế kỷ (1950-1975) đã làm nảy sinh mối quan hệ thù địch sâu sắc. Các trang giáo trình và bài giảng về giai đoạn này chủ yếu nhấn mạnh chính sách toàn cầu của Mỹ với sự can thiệp vào nhiều biến động trên thế giới, với sự bành trướng thế lực và vi phạm quyền lợi của nhiều dân tộc, trong đó người Việt Nam cảm nhận trực tiếp tất cả mặt trái của nó.
Bác Hồ tiếp đoàn |
Phác họa vài điểm như vậy để thấy rằng việc giảng dạy về lịch sử Hoa Kỳ vẫn được tiến hành trong các trường đại học Việt Nam với những khoảng sáng và mảng tối của lịch sử, với những nét tiêu cực và những mặt hạn chế trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ mà trước hết là trong quan hệ với Việt Nam. Vậy trong bối cảnh mới của lịch sử, vấn đề giảng dạy về Hoa Kỳ nên được đặt ra như thế nào?
Cũng nên nhắc lại cuộc hội thảo được coi như đầu tiên về văn học Hoa Kỳ được tổ chức tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội vào năm 1998. 23 năm sau chiến tranh Việt Nam, 3 năm sau khi quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ được thiết lập, các nhà nghiên cứu văn học hai nước đã ngồi lại cùng nhau bàn thảo về ảnh hưởng của chiến tranh Việt Nam đối với xã hội và văn học Mỹ, về bản sắc của văn hóa Hoa Kỳ, về vấn đề tiếp cận có tính phê bình đối với các văn bản phi văn học... (8). Cũng tại cuộc hội thảo này, vấn đề xây dựng ngành Hoa Kỳ học đã được đề cập.
Xây dựng ngành Hoa Kỳ học ở Việt Nam - những vấn đề đặt ra
Phần trên đây chỉ đề cập đến việc giảng dạy về lịch sử Hoa Kỳ. Với cấu trúc đa ngành của Đại học Quốc gia Hà Nội, nhiều khoa cũng giảng dạy về Hoa Kỳ tuỳ theo góc độ chuyên môn của mình (văn học, kinh tế, pháp luật...). Từ năm 1995, Khoa Quốc tế học được thành lập đã coi Hoa Kỳ học là phần trọng tâm của chuyên nhành Nghiên cứu Châu Mỹ, có nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu một cách toàn diện về Hoa Kỳ: từ lịch sử, văn hóa đến kinh tế, luật pháp; từ chính trị, xã hội đến chính sách đối ngoại. Sự định hướng đó có ý nghĩa quan trọng và lâu dài đối với việc xây dựng ngành Hoa Kỳ học ở Việt Nam .
Đến nay, vấn đề xây dựng ngành Hoa Kỳ học ở Việt Nam được đặt ra trong điều kiện thuận lợi của việc bình thường hóa và thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, của sự giao lưu giữa các học giả hai nước, phù hợp với nguyện vọng chung của cả hai phía muốn tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị và hợp tác một cách hiệu quả.
Song để có thể thực hiện công việc này thì vấn đề đặt ra đầu tiên là cần xây dựng “Chương trình nghiên cứu Hoa Kỳ” nhằm quy tụ các cán bộ nghiên cứu về lĩnh vực này trong cả nước cùng tiến hành theo một chương trình chung với sự phân công cụ thể. Đồng thời thiết lập mối quan hệ quốc tế trong mạng lưới Hoa Kỳ học ở khu vực và trên thế giới nhằm tranh thủ các khả năng thúc đẩy sự phát triển của ngành Hoa Kỳ học.
Vấn đề thứ hai là đào tạo một đội ngũ giảng viên về Hoa Kỳ học bao gồm các cán bộ trẻ có năng lực và triển vọng, được theo học các môn về Hoa Kỳ ở các lớp tổ chức tại Việt Nam do các giáo sư Hoa Kỳ và Việt Nam giảng dạy, hoặc đi tu nghiệp tại Hoa Kỳ, hoặc kết hợp cả 2 hình thức trên theo một lịch trình cụ thể. Đây là việc làm cơ bản nhất và cấp thiết nhất để có lực lượng xây dựng ngành Hoa Kỳ học ở Việt Nam ngay từ những bước đi đầu tiên.
Đồng thời cần xây dựng cơ sở vật chất cho việc đào tạo Hoa Kỳ học, cụ thể là thiết lập Phòng Hoa Kỳ học bao gồm sách báo, tài liệu về Hoa Kỳ cùng các phương tiện thông tin, nghe nhìn phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu về Hoa Kỳ.
Vấn đề thứ ba là tăng cường sự giao lưu giữa sinh viên hai nước thông qua các lớp học mùa hè hoặc mở ra nhiều hình thức tiếp xúc khác để thế hệ trẻ hai nước có điều kiện hiểu biết nhau hơn, qua đó hiểu rõ sắc thái văn hóa của mỗi dân tộc. Có một sự thực là do hậu quả của cuộc chiến tranh kéo dài ở Việt Nam , cách nhìn nhận giữa hai bên ít nhiều về nhau và thậm chí còn chứa đựng nhiều thành kiến và nghi ngại đối với nhau. Là những nhà khoa học, chúng ta không tránh né thực tế đó mà ngược lại, thông qua những hoạt động giáo dục và giao lưu văn hóa, chúng ta phải góp phần tạo dựng hình ảnh của mỗi dân tộc đúng như bản chất chân thực của nó.
Do vậy việc xây dựng ngành Hoa Kỳ học ở Việt Nam, tuy có phần hơi muộn, nhưng chính là một hành động thiết thực chẳng những cung cấp những kiến thức cơ bản và hệ thống về một ngành khoa học thuộc khu vực học mà qua đó còn đóng góp một cách hiệu quả vào việc tăng cường mối quan hệ giữa hai quốc gia, giữa hai dân tộc Việt Nam và Hoa Kỳ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1)(2)(3)(4)(5)(6)(7) Hồ Chí Minh, Đường Kách mệnh, trong “Tuyển tập”, T.1, Nxb Sự thật, H., 1980, tr.240-243
(8) Nguyễn Liên, Johathan Auerbach (đồng chủ biên), Tiếp cận đương đại văn hóa Mỹ(Tiếng Việt và Tiếng Anh), Nxb Văn hóa Thông tin, H., 2001
Nguồn : Tạp chí Xưa và Nay, số 238, tháng 6/2005