Hồ Chí Minh với những bí ẩn cuộc đời
Sáng 30 tháng 4 năm 1975, những chiếc xe tăng miền Bắc Việt Nam do Liên Xô sản xuất ầm ầm tiến qua các vùng ngoại ô phía bắc Sài Gòn hướng về Dinh Độc Lập ở trung tâm thành phốg. Ngồi trên những chiếc xe tăng là những người lính mặc quân phục, đội mũ cứng gắn sao vàng, vẫy cờ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam.
Ngay sau giờ trưa, một tốp xe tăng từ tư lăn bánh dọc theo đại lộ Thống Nhất ngang qua Đại sứ quán Mỹ, nơi mà cách đó hai tiếng những lính thuỷ đánh bộ Mỹ cuối cùng được máy bay trực thăng đưa đi từ trên nóc toà nhà. Chiếc xe tăng đi đầu lưỡng lự giây lát ngoài cánh cổng sắt trước Dinh Độc Lập rồi húc đổ cánh cổng và dừng lại bên thảm cỏ ngay trước thềm vào dinh. Người chỉ huy xe tăng trẻ tuổi bước vào toà nhà và gặp Tổng thống Dương Văn Minh – “Minh lớn”. Sau đó, anh lên nóc dinh, tiến tới cột cờ và thay lá cờ Việt Nam cộng hoà bằng lá cờ xanh đỏ của Chính phủ Cách mạng lâm thời (…).
Thắng lợi của cộng sản ở Sài Gòn là kết quả của lòng quyết tâm và sự lãnh đạo tài tình của nhà lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn và những cộng sự kỳ cựu của ông ở Hà Nội. Một đóng góp không kém phần quan trọng là những đoàn quân Bắc Việt Nam và du kích Việt cộng - những người bộ đội giản dị (từ bộ độitiếng Việt có nghĩa là lính quân đội), những người đã chiến đấu và hy sinh cả một thế hệ cho sự nghiệp cách mạng trong những khu rừng rậm và đầm lầy ở miền Nam Việt Nam. Nhưng quan trọng hơn cả là tầm nhìn, ý chí và khả năng lãnh đạo của một con người: Hồ Chí Minh, người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà lãnh đạo phong trào cách mạng và Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tới khi ông mất vào năm 1969, sáu năm trước khi chiến tranh kết thúc. Để tỏ lòng kính trọng đối với những cống hiến của ông, sau khi Sài Gòn sụp đổ, các cộng sự của ông đã đổi tên Sài Gòn thành Thành phố Hồ Chí Minh.
Là nhân viên của Quốc tế Cộng sản tại Mát-xcơ-va, thành viên Phong trào cộng sản quốc tế, kiến trúc sư cho thắng lợi của Việt Nam, Hồ Chí Minh rõ ràng là một trong những nhân vật chính trị có ảnh hưởng lớn nhất của thế kỷ 20. Hồ Chí Minh còn là một trong những nhân vật huyền bí nhất, một con người với những động cơ và hành động gây nhiều tranh cãi. Trong ba thập kỷ, đã có những tranh luận về một câu hỏi bề ngoài có vẻ đơn giản về những động cơ xuyên suốt cuộc đời Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng. Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa dân tộc hay theo chủ nghĩa cộng sản? Hình ảnh giản dị, vô tư của Hồ Chí Minh trước công chúng là chân thực hay giả dối? Đối với những người ủng hộ mình, Hồ Chí Minh là biểu tượng của chủ nghĩa nhân đạo cách mạng, là bậc cha anh đã cống hiến tất cả cho hạnh phúc của nhân dân và cho công cuộc giải phóng tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Đối với những người đã được gặp ông, cả người Việt Nam cũng như người nước ngoài, ông là một “người ngọt ngào”. Cho dù là nhà lãnh đạo lớn trên thế giới, thực chất ông là nhà ái quốc vị tha gần gũi với nhân dân và nguyện suốt đời mang lại cuộc sống ấm no cho nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, một số nhà phê bình lại chỉ trích những hành động cách mạng thái quá mà người ta vẫn cho rằng là của ông và cho rằng ông có tính cách hay thay đổi theo tình cảnh, một con sói đội lốt cừu.
Nghi ngờ về tính cách và những động cơ bên trong của Hồ Chí Minh là trọng tâm của cuộc tranh luận ở Hoa Kỳ về mặt đạo lý của cuộc chiến tranh Việt Nam. Đối với nhiều người chỉ trích chính sách của Hoa Kỳ, Hồ Chí Minh là người yêu nước giản dị đã lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập cho nhân dân Việt Nam và là người đấu tranh mạnh mẽ chống lại chủ nghĩa đế quốc toàn cầu trong thế giới thứ ba. Những người ủng hộ nỗ lực chiến tranh của Hoa Kỳ nghi ngờ động cơ yêu nước của Hồ Chí Minh, gián tiếp chỉ ra rằng ông từ lâu là nhân viên của Xta-lin và đã có năm thập kỷ phấn đấu cho cách mạng thế giới. Họ cho rằng, hình ảnh chủ nghĩa dân tộc mà Hồ Chí Minh cần mẫn gây dựng chỉ là mưu đồ để giành sự ủng hộ trong nước và quốc tế cho sự nghiệp cách mạng.
Đối với những người Mỹ, cuộc tranh luận về Hồ Chí Minh tạo ra những cảm xúc mạnh mẽ về một cuộc chiến tranh đã đi vào dĩ vãng. Đối với người Việt Nam, cuộc tranh luận gợi nên những câu hỏi quan trọng hơn nhiều bởi điều này xác định những vấn đề trọng tâm trong cuộc cách mạng Việt Nam - mối quan hệ giữa quyền tự do con người và bình đẳng về kinh tế ở nước Việt Nam mới trỗi dậy sau chiến tranh. Kể từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, các cộng sự của Hồ Chí Minh, một số vẫn đang nắm giữ các chức vụ tại Hà Nội, đã không ngừng đúc rút từ những ký ức của Hồ Chí Minh để thần thánh hoá mô hình phát triển đất nước cộng sản. Những người này cho rằng, mục tiêu của Hồ Chí Minh trong suốt sự nghiệp của mình là xoá bỏ bóc lột chủ nghĩa tư bản toàn cầu và tạo ra một thế giới cách mạng mới với đặc điểm chính là chủ nghĩa xã hội không tưởng của Mác. Tuy nhiên một số ý kiến khác lại không đồng tình cho rằng mục tiêu chính trong sự nghiệp của ông là quyết tâm làm mềm mỏng nguyên tắc bất di bất dịch trong cuộc đấu tranh giai cấp theo luận thuyết của Mác thông qua việc kết hợp nguyên tắc này với Khổng Tử và ba nhân tố cách mạng của Pháp: tự do, bình đẳng, bác ái. Để biện hộ, họ trích dẫn một trong những khẩu hiệu của ông thường thấy ở Việt Nam ngày nay: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Do vậy, cuộc tranh luận về Hồ Chí Minh là cốt lõi của một số vấn đề quan trọng tạo nên dấu ấn thế kỷ 20, kỷ nguyên của chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa cách mạng, chủ nghĩa quân bình và phấn đấu vì quyền tự do của con người. Phức tạp trong tính cách của ông Hồ phản ánh phức tạp của thời đại. Ông vẫn là một thế lực đầy uy quyền ở Việt Nam sau chiến tranh được hàng triệu người kính trọng, những rõ ràng cũng bị nhiều người căm ghét. Dù tốt hay xấu, Hồ Chí Minh đã thể hiện trong ông hai động lực quan trọng của xã hội hiện đại – khao khát độc lập dân tộc và phấn đấu vì công bằng kinh tế và xã hội. Mặc dù chúng ta chưa có đủ tất cả mọi bằng chứng nhưng đã đến lúc phải phân tích đánh giá nhân vật có ảnh hưởng trong thế kỷ 20 dưới góc độ lịch sử.
Những khó khăn mà bất kỳ một nhà viết tiểu sử nào muốn tìm hiểu vấn đề này gặp phải là rất lớn. Mặc dù tên Hồ Chí Minh được hàng triệu người trên thế giới biết đến nhưng lâu nay rất thiếu những nguồn thông tin có thể kiểm chứng được về cuộc đời ông. Phần lớn thời thanh niên hoạt động cách mạng chống lại chế độ thực dân Pháp ở Đông Dương, ông đã phải tha hương trong nhiều năm cũng như sống bí mật ngay trên đất nước mình. Suốt thời gian đó, ông sống và đi lại một cách bí ẩn với nhiều bí danh khác nhau. Người ta ước tính rằng khi sinh thời, ông Hồ đã sử dụng khoảng hơn năm mươi bí danh. Rất nhiều bài viết của ông được đăng dưới các bí danh đó, trong khi nhiều bài viết khác của ông bị thất lạc hoặc bị huỷ hoại trong gần ba mươi năm chiến tranh.
Hồ Chí Minh cũng đã tạo ra sự mơ hồ bằng việc chấp nhận điều bí ẩn thú vị về cuộc đời mình. Trong nhiều năm, ông đã phủ nhận rằng nhân vật nổi tiếng chưa được xác định sau Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thực ra là Nguyễn Ái Quốc, người sáng lập Đảng Cộng sản Đông Dương và là nhân viên lỗi lạc của Quốc tế cộng sản III trong thời kỳ trước chiến tranh. Thậm chí khi sự thật về con người ông được khám phá, ông Hồ vẫn hết sức giữ bí mật về những sự kiện quan trọng trong cuộc đời trước đây của mình và một số ít tác phẩm tự truyện của ông được viết dưới các bí danh khác nhau. Một trong những tác phẩm đó được chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hoà xuất bản bằng nhiều thứ tiếng vào cuối những năm 1950. Chỉ trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu ở Hà Nội mới có thể khẳng định được rằng những tác phẩm đó được chính Hồ Chí Minh viết.
Khó khăn trong việc biên soạn tiểu sử của Hồ Chí Minh lại càng lớn hơn vì không thể tiếp cận được các nguồn thông tin. Do ông đã sống và đi qua nhiều nước trong suốt cuộc đời nên những thông tin về các hoạt động của ông cũng bị tản mát ở nhiều châu lục.
Ồng còn biết một số ngoại ngữ và số lượng lớn các tác phẩm của ông (bao gồm những cuốn sách nhỏ, những bài báo, phóng sự và những bức thư) được viết bằng nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Trung Quốc và Nga cũng như bằng tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ của ông.
Mãi gần đây, các học giả vẫn chưa có được phần lớn những thông tin này. Thậm chí ngày nay các nhà nghiên cứu Việt Nam và nước ngoài không tiếp cận các tư liệu lưu trữ tại Hà Nội. Những thông tin liên quan đến các hoạt động của ông ở Trung Quốc và Liên Xô cũng rất hạn chế và hiếm khi được chính phủ Trung Quốc hay Liên Xô tiết lộ. Hầu như chỉ có một quãng thời gian trong cuộc đời Hồ Chí Minh được tìm hiểu kỹ lưỡng là thời gian ngắn ngủi ông ở Pháp sau Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918). Việc Pháp công khai các tài liệu lưu trữ thực dân vào đầu những năm 1970 đã giúp công chúng lần đầu tiên được tìm hiểu về những năm tháng đó của cuộc đời ông. Gần đây, những tuyển tập dày các tác phẩm của ông đã được xuất bản tại Việt Nam, tuy nhiên những tuyển tập này hoàn toàn không đầy đủ trong khi việc chính thức hiệu đính một số văn bản lại gây ra mối lo ngại về độ chính xác. Tài liệu lưu trữ của Quốc tế cộng sản III tại Mát-xcơ-va một phần đã được công khai cho các học giả sử dụng, tuy nhiên các biên bản chi tiết về mối quan hệ giữa ông và các nhà lãnh đạo Xô viết vẫn chưa được công bố cho các nhà quan sát bên ngoài.
Còn một câu hỏi nữa về Hồ Chí Minh liên quan tới đặc điểm lãnh đạo của ông. Mặc dù là người sáng lập Đảng Cộng sản Đông Dương và là một nhân vật hàng đầu trong Phong trào cộng sản quốc tế nhưng ông không phải là một nhân vật có ảnh hưởng lớn như những nhà lãnh đạo cách mạng hiện đại khác như Lênin, Xtalin hay Mao Trạch Đông; dường như sự lãnh đạo của ông Hồ dựa vào sự thuyết phục và đồng thuận thay vì áp đặt ý định của mình thông qua ảnh hưởng cá nhân. Ông cũng không viết nhiều về những tư tưởng hay động cơ bên trong của mình. Trái với các nhân vật cách mạng kiệt xuất khác, Hồ Chí Minh rất ít quan tâm đến ý thức hệ thay tranh luận tri thức, thay vào đó tập trung suy nghĩ và hành động của mình vào những vấn đề thực tiễn để giúp đất nước và các xã hội thuộc địa khác thoát khỏi chủ nghĩa đế quốc phương Tây. Vì những lí do đó, các học giả, và đôi khi cả những người đồng sự, luôn xem ông chỉ là một người hoạt động thực tiễn hơn là một nhà lý luận cách mạng. Sự phân biệt này dường như không làm ông bận tâm. Một người khi phỏng vấn ông đã hỏi tại sao ông chưa bao giờ viết luận thuyết về ý thức hệ, ông đã hài hước trả lời rằng ý thức hệ là điều ông dành cho Chủ tịch Mao Trạch Đông. Các công trình nghiên cứu nghiêm túc về học thuyết chủ nghĩa hay về chiến lược được xuất bản ở Việt Nam thường được các cộng sự của ông là Võ Nguyễn Giáp, Trường Chinh hay Lê Duẩn thực hiện.