Hình thức chơi chữ trong thơ ca dân gian Nghệ Tĩnh
1. Chơi chữ là một biện pháp tu từ được thể hiện bằng cách sử dụng những phương tiện ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp dưới nhiều hình thức đa dạng, như dùng yếu tố đồng âm, đồng nghĩa, văn tự, các từ ngữ cùng trường, các hình thức nói lái… trong những văn cảnh thích hợp để tạo ra cách hiểu bất ngờ và thú vị. Chơi chữ là một trong những đặc điểm của thơ ca truyền thống. Cũng sử dụng biện pháp chơi chữ như thơ ca truyền thống nhưng nét riêng của thơ ca dân gian Nghệ Tĩnh (TDGNT) là bên cạnh việc dùng chữ toàn dân, tác giả dân gian còn sử dụng từ địa phương (TĐP), lời ăn tiếng nói quen thuộc của mình vào hình thức chơi chữ với một số lượng từ ngữ phong phú, tổ chức sắp xếp chúng theo cách thức nhất định. Đó như là một trong những lựa chọn, một tín hiệu góp phần tạo nên nét riêng trong dấu ấn chung về phong cách TDGNT. TDGNT - đối tượng khảo sát của bài viết này bao gồm các tác phẩm: Hát giặm Nghệ Tĩnh, Hát phường vải, Vè Nghệ Tĩnh, Ca dao Nghệ Tĩnh(Nguyễn Đổng Chi và Ninh Viết Giao sưu tầm).
2. Từ xưa người Nghệ được tiếng là hay chữ nghĩa. Một trong những nét nổi bật về biểu hiện của đặc điểm đó, không chỉ với các ông đồ mà cả với bình dân khắp mọi vùng đó là chơi chữ. Đặc điểm ấy cũng được thể hiện rõ trong các sáng tác mang tính truyền miệng của người lao động, đó là TDGNT. Chỉ nói về phương tiện được sử dụng, kiểu lựa chọn từ ngữ để chơi chữ trong TDGNT cũng rất phong phú, đa dạng. Tuy là sáng tác mang tính địa phương các vùng khác, từ ngữ được sử dụng trong TDGNT chủ yếu là từ toàn dân (TTD) nên trong các hình thức chơi chữ, ngoài việc dùng TĐP quen thuộc, người Nghệ Tĩnh cũng có hình thức chơi chữ bằng TTD.
2.1 Một trong những hình thức chơi chữ mà ta gặp khá nhiều trong các tác phẩm TDGNT đó là lối đố chữ đựa theo cấu tạo chữ Hán:
- Đấm một đấm hai tay ôm quoàng
Thuyền chèo lên núi, thiếp hỏi chàng chữ chĩ?
- Lại đây anh hỏi nhỏ nì
Ấy là chữ mật một khi rõ ràng
(Hát phường vải)
Chữ mật trong tiếng Hán được cấu tạo từ ba chữ: miên, tất, sơn. Ở đây, cô gái đã dựa vào hình dáng và ý nghĩa của các bộ mà tạo thành câu đố. Nhiều khi tác giả dân gian còn dựa vào cả những tri thức liên quan đến nội dung tác phẩm văn học nổi tiếng Truyện Kiều dể tạo ra tình huống đố chữ Hán. Người đáp có thể thông thạo chữ Hán nhưng nếu không am hiểu Truyện Kiều thì rất khó giải được câu đố. Trường hợp sau đây trong Hát phường vảilà một dạng rất phổ biến trong cách đố chữ của người Nghệ:
Truyện Kiều anh giảng đã tài
Đố anh giảng được câu này anh ơi:
Biết thân đến bước lạc loài
Nhị đào thà bẻ cho người tình chung
Chàng trai đáp lại:
Tình chung nào phải ai xa
Chính chàng Kim Trọng vào ra sớm chiều
Nếu như câu đố cho thấy cô gái là người vừa giỏi chữ Hán vừa thông hiểu Truyện Kiều thì cách trả lời của chàng trai cũng tỏ rõ anh là người không hề thua kém khi đã rất nhanh ý đáp ngay rằng đó là Kim Trọng. Bởi chữ chunglà do chữ Kimvà chữ Trọnghợp thành. Hình thức đố chữ của tác giả dân gian xứ Nghệ khá linh hoạt và đa dạng. Có khi tác giả dân gian vận dụng cả hai cách chơi chữ, vừa chiết tự vừa ngụ ý:
Cố nhân hỏi khách hồng lâu
Chữ thiên nay đã trồi (nhô) đầu hay chưa
Chữ thiênnghĩa là “trời”, nếu nét “phẩy” viết nhô cao trên nét “ngang” thì thành chữ “phu” nghĩa là “chồng”. Chàng trai muốn qua hình thức đố chữ mà ngầm hỏi một điều tế nhị khó nói trực tiếp là: “em có chồng chưa”.
Thông minh, tế nhị nhưng cũng rất thẳng thắn và hãnh diện, cô gái trả lời:
Hồng lâu thưa khách chương đài
Chữ thiên sổ dọc đá dài phân minh
Một chỗ khác, cũng là lối dựa vào cấu tạo chữ Hán để đối - đáp ngụ ý:
- Bấy lâu em vắng đi đâu
Bây giờ thiên đã mọc đầu ra chưa?
- Từ ngày thiếp vắng mặt chàng
Bây giờ liễu đã có ngang ra rồi
Lời của chàng trai ngụ ý cũng là để hỏi “em đã có chồng chưa”, tương tự như câu trên. Cô gái trả lời “liễu đã có ngang” cũng là muốn nói “em đã có con”, bởi chữ liễutrong tiếng Hán có nghĩa là “xong, kết thúc”, nếu thêm nét ngang thì thành chữ tửcó nghĩa là “con”.
Lối chơi chữ bằng hình thức đố chữ Hán kết hợp với ngụ ý không chỉ được dùng phổ biến trong hát đối đáp nam nữ mà có khi còn trở thành phương tiện được dùng cả trong tuyên truyền cách mạng:
Trăng xưa dọi tỏ lòng người
Treo gương nhật ngyệtt cho đời soi chung
(Ca dao Nghệ Tĩnh)
Đọc câu ca dao, qua ngữ nghĩa nói trên bề mặt văn bản, nghe chừng chỉ là lời bày tỏ về sự thuỷ chung trong sáng của lòng người nhưng ngẫm kĩ mới thấy ẩn đằng sau đó là lời nhắn nhủ thuỷ chung, một lòng sắt son với Bác Hồ, với cách mạng. “Trăng xưa” là nói tới chữ “cổ nguyệt”, cổghép với nguyệttạo thành chữ Hồ; “lòng người” là ngầm nói tới chữ “sĩ” và “tâm”, sĩghép với chữ tâmthành chữ Chí, còn chữ nhật, ghép với chữ nguyệttạo thành chữ Minh.Thông qua phương tiện chơi chữ, tác giả dân gian vừa ca ngợi tấm gương vĩ đại của Người vừa nhắn nhủ mọi người một lòng đi theo cách mạng, đi theo Bác Hồ.
2.2 Cũng là hình thức chơi chữ khai thác cấu tạo và nghĩa chữ Hán, tác giả dân gian Nghệ Tĩnh còn có một cách thức khác là sử dụng các cặp từ ngữ sóng đôi nhau, giữa Hán Việt với thuần Việt sao cho phải đồng nghĩa trong một dòng thơ. Ở câu đố cũng như câu đáp, về nội dung ngữ nghĩa trên bề mặt, các cặp từ ngữ sóng đôi đó phải tạo được sự phù hợp mang tính logic:
- Mẹ thương conqua cầu Ái Tử
Gái trông chồngđứng núi Vọng Phu
Chàng mà đối được thiếp du (dâu) mẹ thầy
- Lúa ba trăngcấy hồ bán nguyệt
Con hươu saoăn lá hoàng tinh
Anh đà đối được em thuận tình em nha (nhé)
(Hát phường vải)
Ta bắt gặp kiểu chơi chữ này rất nhiều trong TDGNT, nhất là trong thể loại hát phường vải, như các ví dụ sau đây:
- Con kiến đấtleo cây thục địa
Con ngựa trờiăn cỏ chỉ thiên
Chàng mà đối được gái thuyền quyên theo về
- Con rắnmà lăn qua xà
Con gàmà mổ bông kê
Chàng đà đối được, thiếp phải về hôm nay
- Cây tam thấttrồng ba bảychậu
Pháo cửu trùngđốt chín nghìnphong
Chàng mà đối được thiếp theo không chàng về
- Núi Ngũ Hổvẫy vùng năm khái
Gió bốn mùađúc lại tứ phương
Anh đà đối được thì lường tính sao?
Hình thức đố chữ, đố nghĩa là một kiểu chơi chữ được dùng rất phổ biến trong đối đáp nam - nữ trong Hát phương vải.Ngoài cách thức sử dụng phổ biến TTD như trên, tác giả dân gian xứ Nghệ còn linh hoạt sử dụng phối hợp hai loại TTD và TĐP, hoặc trong ngữ cảnh nhất định có thể chỉ dùng một loại phương tiện quen thuộc là TĐP để khai thác vào mục đích chơi chữ. Chẳng hạn, trong hình thức hỏi đố ở câu Hát phương vảisau đây, tác giả dân gian đã dựa vào nghĩa tách rời của từng yếu tố cấu tạo trong từ ghép, sử dụng phối hợp hai loại từ ngữ để chiết tự, chia tách các yếu tố thành một trường liên tưởng gồm các từ cùng chỉ bộ phận cơ thể, tạo nên sự bất ngờ thú vị. Cụ thể, tác giả dựa vào nghĩa của các yếu tố cấu tạo từ mặt trời, vờ xem “mặt” như là bộ phận “cơ thể” của trời để hỏi - đố về một từ khác (“trốc” - đầu) theo kiểu kết hợp tương tự:
Em muốn hỏi bạn một lời
Mặttrời ở đó trốctrời ở mô?
2.3 Một kiểu chơi chữ khác trong TDGNT là khai thác yếu tố đồng âm, bằng cách sử dụng yếu tố địa phương đối lập với nhau hoặc với yếu tố toàn dân khác trong dòng để nói tới yếu tố thứ hai nào đó ngược nghĩa với yếu tố ấy. Kiểu như ví dụ sau trong Hát phường vải:
Cây đứnggiữa đất trời gọi cây độ(đỗ)
Cây đứngmột chộ (chỗ) nói cây trôi
Chàng mà đối được chàng lôi em về?
Trong phương ngữ Nghệ Tĩnh, độ(cây độ) là danh từ chỉ cây đậu, nhưng độcòn là động từ tương ứng nghĩa với đậu,chỉ trạng thái đứng yên một chỗ. Cây trôivừa có thể hiểu là “cây bị trôi” lại vừa được dùng để chỉ một loại cây mà ở Nghệ Tĩnh có vùng gọi là “cây trôi’ nhưng có nơi lại gọi là “cây xoài” hoặc “cây quéo”.
Cách chơi chữ trong mấy câu hát phường vảisau là cùng một kiểu như trên:
- Con ngựa chạygiữa đàng họi là con ngựa cất
Con cá bántrửa chợ gọi là con cá thu
Chàng mà đối được thiếp mần du mẹ thầy. 1 ưng thutheo tiếng Nghệ Tĩnh còn lá “giấu”; lạilà “di chuyển ngược chiều với di chuyển trước đó”, lạitrong rắn lạitheo tiếng địa phương là chỉ con rắn ráo; leolà “leo trèo”, leo trong cá leo, theo tiếng Nghệ Tĩnh là chỉ “cá nheo” trong ngôn ngữ toàn dân.
2.4 Gần với kiểu chơi chữ đồng âm, khai thác các yếu tố ngược nghĩa như trên, tác giả dân gian Nghệ Tĩnh còn dùng hình thức phối hợp giữa từ đồng âm với đồng nghĩa. Mục đích của cách chơi chữ này, ngoài việc thể hiện nội dung ngữ nghĩa theo mạch cảm xúc, các từ ngữ được lựa chọn còn phải tập hợp tạo thành những trường nghĩa chỉ sự vật nhất định. Kiểu như:
- Rú, rừng, núi, động, đèo, truông
Ngàn xanhcách trở mây luồngcũng theo.
- Bể, hồ, khe, hói, lạch, rào
Sông su nước lội ước aokết nguyền.
- Giả đò neochiếc thuyềntình
Bạn bèmối lái(lưới) tơ mànhgấp ghe(hát phường vải)
Ở trên, một loạit từ được tập hợp, nghĩa liên quan đến núi rừng, trong đó có các từ địa phương với nghĩa tương tự; loạt thứ hai là tập hợp các từ chỉ về sông hồ, trong đó bể(biển) hói(chỗ nước chảy ra sông, biển trũng sâu, lõm vào ở đất liền), rào(sông nhỏ); loạt thứ ba là tập hợp các từ cùng nằm trong một trường chỉ phương tiện vận chuyển trên sông nước và đánh bắt cá.
Tương tự, tập hợp các từ sau đây lại chỉ về con vật
- Sao chàng vội cáovề mau
Hay là ngậnnghĩ mấy câu đã chồn?
- Ngồi ri trơ tráothêm lâu
Gọi rằng kháchđịa vài câi câu biết gà
(hát phường vải)
Cáodùng trong phương ngữ là động từ có nghĩa “lui, về”, đồng âm với cáolà danh từ có nghĩa gọi tên một loại thú ăn thịt; ngậnlà biến âm của ngẫmtrong “ngẫm nghĩ”, đồng âm với ngậncũng trong phương ngữ, có nghĩa chỉ một loài “cầy hương”; chồntrong tiếng toàn dân là “mỏi” còn tiếng Nghệ Tĩnh là con “cầy”. Tương tự, tráotrong phương ngữ là chỉ “chim sáo” đi với khách(chim khách) và “gà” thành một tập hợp các từ chỉ “chim gà”.
2.5 Ngoài ra, trong các sáng tác TDGNT còn kiểu chơi chữ bằng hình thức nói lái, kiểu như trong các câu đối – đáp sau:
- Anh bứt cỏ ngựangồi đầu cửa ngọ(ngõ)
Kẻ cắn con nây(nai) ngồi cội (gốc) cây non
Chàng mà đối được thiếp trao chàng một quan
- Con cá đốinằm trên cối đá
Con mèo cụtnằm tận mút kèo
Trai thanh tân đà đối đặng, tiền cheo mô mà?
(Hát phường vải)
Kiểu nói lái này thực hiện bằng cách hoán vị vần giữa các âm tiết với nhau, âm đầu, thanh điệu thường giữ nguyên vị trí. Trong ví dụ trên, do dùng các yếu tố địa phương nên mới nói lái được đúng âm cỏ ngựavà cây non. Thường thường kiểu nói lái của người Bắc Bộ không theo hình thức như vậy. Kiểu nói lái này chủ yếu được dùng trong Hát phường vảinhưng TĐP được dùng trong hình thức này không nhiều bằng TTD.
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Nhã Bản, Hoàng Trọng Canh, Phan Mậu Cảnh, Nguyễn Hoài Nguyên (1999), Từ điển tiếng địa phương Nghệ Tĩnh, Nxb Văn hoá Thông tin.
2. Hoàng Trọng Canh (1995), Một vài nhận xét bước đầu về âm và nghĩa từ địa phương Nghệ Tĩnh, Ngôn ngữ số 1, tr. 31 - 46.
3. Hoàng Trọng Canh (2002), Sự khác biệt về ngữ nghĩa của một số kiểu từ địa phương Nghệ Tĩnh so với từ toàn dân,Ngôn ngữ số 2, tr 51 - 58.
4. Hoàng Thị Châu (2004), Phương ngữ học tiếng Việt,Nxb ĐHQG Hà Nội.
5. Trần Trí Dõi (2001), Ngôn ngữ và sự phát triển văn hoá xã hội,Nxb Văn hoá Thông tin.
6. Nguyễn Quang Hồng (1981), Các lớp từ địa phương và chức năng của chúng trong ngôn ngữ văn hoá tiếng Việttrong Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt về từ ngữ,Nxb KHXH, tr. 313 - 320.
7. Nguyễn Văn Khang (2008), Mối quan hệ giữa ngôn ngữ xã hội với phương ngữ học trong tiếp cận phương ngữ với tư cách là đối tượng nghiên cứu,Ngôn ngữ số 1, tr 1 - 11.
8. R. Jakobson (1998), Thơ của ngữ pháp và ngữ pháp của thơ, Văn học số 12, tr 67 - 72.