Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 14/09/2006 00:02 (GMT+7)

Hiện tượng định danh trong ngôn ngữ hội thoại tiếng Việt

1. Nghiên cứu ngôn ngữ hội thoại là xu hướng được chú ý trong ngôn ngữ học hiện nay. Mặt khác, nghiên cứu cách định danh trong ngôn ngữ hội thoại còn có ý nghĩa trong thực tiễn giảng dạy ngôn ngữ giao tiếp. Đã có một số tác giả nghiên cứu về cách định danh nói chung nhưng nghiên cứu định danh trong khẩu ngữ với những đặc điểm riêng của nó thì chưa có tác giả nào đề cập đến. Bài viết này bước đầu nghiên cứu những đặc trưng chung của cách định danh trong khẩu ngữ.

2. Về phương diện lý thuyết, định danh là “việc tổ chức các đơn vị ngôn ngữ mang chức năng định danh, có nghĩa là phục vụ cho việc gọi tên và phân chia các khúc đoạn hiện thực và sự hình thành của những khái niệm tương ứng trong hình thức từ, tổ hợp từ, thành ngữ và câu” [1].

Định danh có thể được thể hiện bằng: (1) các từ võ đoán, (2) các từ không võ đoán và các từ ghép, (3) các tổ hợp từ. Trong những đơn vị vừa liệt kê, về các phương tiện định danh ngôn ngữ, thì từ chiếm một vị trí quan trọng hàng đầu bởi vì chức năng chính của từ là đặt tên, đưa ra các tên gọi khác nhau của sự vật, hiện tượng. Cùng với điều đó, lại phải thấy rằng, các từ là các đơn vị định danh khác nhau. Từ võ đoán (như một phương tiện định danh) đối lập với từ không võ đoán, từ ghép thậm chí cụm từ, theo một quan hệ xác định nào đó. Chính vì thế, các khả năng định danh (2) và (3) thống nhất với nhau ở chỗ là các đơn vị cấu thành chúng là những đơn vị có nghĩa, có thể giải thích được cách định danh, trả lời được cho câu hỏi các đơn vị đó đã được tạo ra như thế nào. Trong khi đó, những từ võ đoán (kiểu như bàn, nhà) thì không giải thích được chúng được cấu tạo như thế nào.

Khi xem xét cấu trúc ngữ nghĩa của các đơn vị được định danh, trước hết cần phải phân biệt được định danh trực tiếp và định danh gián tiếp. Trong phép định danh trực tiếp thì các khái niệm được thể hiện ra bằng các từ, và trên cơ sở ý nghĩa của từ đó mà đưa ra những đặc điểm nào đó của nó. Thông qua cách gọi tên như thế, việc nêu ra những đặc trưng của sự vật hiện tượng cho phép so sánh, đối chiếu đối tượng này với những đối tượng khác. Đường ranh giới này là rất quan trọng trong việc nghiên cứu cách thức gọi tên hay định danh. Chính vì vậy, định danh trực tiếp đó là sự hiện thực hoá ý nghĩa từ điển của từ, trong lúc đó cách thức xây dựng của phép định danh gián tiếpcần phải được nghiên cứu một cách sâu hơn, đặc biệt hơn, bởi vì không có từ điển nào dành cho chúng cả. Việc xem xét cách thức xây dựng theo lối định danh gián tiếp đặc biệt quan trọng đối với việc nghiên cứu ngôn ngữ khẩu ngữ bởi vì khẩu ngữ được phân biệt với ngôn ngữ văn học chuẩn bằng hàng loạt đặc điểm.

Trước hết để xem xét các kiểu khác nhau và cách thức định danh đặc thù của khẩu ngữ, chúng tôi đưa ra một số ví dụ minh hoạ để phân biệt giữa biến thể ngôn ngữ văn học và ngôn ngữ hội thoại trong cách định danh. Trong ví dụ (1) dưới đây, việc định danh cho một người con gái với sự mở rộng bằng một nét nghĩa riêng. “Đồng nội” trong trường hợp cụ thể này như một cách chỉ đặc trưng chung của những cô gái gốc gác nông thôn lên thành phố làm nghề “gái gọi”. (1) - Mày ơi! Dịu Hương đấy! Hương “Đồng nội”đấy. / / - “Đồng nội”khỉ gì nữa. Càng ngày càng quái dị. / / - Nhưng vẫn đẹp! / / - Hừ a xít nó đổ chệch chứ không thì mù rồi. / / - Thật? Chó gặm xương chó. Con bồ cũcủa hắn đấy chứ mụ vợ cả ở tận Đài Loan đã biết gì đâu. (Chân dung người đẹp - NTT-T). Cách định danh rất đặc biệt này là đặc trưng của khẩu ngữ đã làm cho nghĩa của các từ “đồng nội”, “chó”, “gặm” có những nét nghĩa rất đặc biệt trong hoàn cảnh cụ thể.

Trong việc xây dựng những đơn vị này, ngữ nghĩa của các phương tiện định danh ngôn ngữ hội thoại phản ánh những nét đặc trưng về chức năng giao tiếp và hoàn cảnh giao tiếp của ngôn ngữ hội thoại, dựa vào cơ sở thống nhất nhận thức chung của những người tham gia hội thoại. Trong một bối cảnh cụ thể, trong quan hệ riêng giữa người tham gia hội thoại, người ta có thể sử dụng phương tiện giao tiếp khác ngoài lời như cử chỉ, hành động.

Ví dụ ở trên đã chứng tỏ rằng ngôn ngữ tự nhiên có nhiều cách phát triển ý nghĩa. Nếu ngôn ngữ chuẩn định danh thế giới bằng từ, sáng tạo ra những khái niệm điển hình, các phán đoán điển hình, và thường xuyên đóng vai trò quan trọng đối với thực tế xã hội, thì ở ngôn ngữ hội thoại tình hình có khác. Người nói thường xuyên đặt tên cho các cá nhân và các đối tượng xung quanh mình, khi có nhu cầu giao tiếp cần thiết nào đó. Trong ngôn ngữ hội thoại có một số kiểu định danh riêng. Có nhiều kiểu định danh “ngẫu nhiên”, đặt tên là các nhân vật, cho các đối tượng theo đặc trưng nào đó, mà đặc trưng đó quan trọng đối với hành vi giao tiếp nào đó. Đó có thể là những đặc trưng chỉ trạng thái hiện tồn, có quan hệ với nghề nghiệp, hay vai trò xã hội của người nào đó… Trong hội thoại, ngôn ngữ hội thoại được xây dựng theo những cách khác so với ngôn ngữ chuẩn.

Những khác biệt quan trọng của việc định danh trong ngôn ngữ hội thoại được giải thích bằng các nét riêng của ngôn ngữ này. Chúng tôi sẽ liệt kê những khác biệt đó một cách ngắn gọn, chỉ minh hoạ khi cần thiết:

1 / Loại ý nghĩa được định danh rộng rãi của ngôn ngữ hội thoại – đó là các nghĩa tình huống. Những khái niệm “mới”trong những điều kiện nhất định của tình huống giao tiếp ngôn ngữ được nảy sinh. Chẳng hạn, các danh từ có thể phản ánh đặc trưng đối tượng, nó gắn với một bối cảnh cụ thể, hình ảnh đặc điểm cụ thể bất kỳ của đối tượng: “ đít nồi quân dụng” là một cách nói để chỉ một người có nước da đen như trong ví dụ (2) - Mừng gặp lại ông. Mẹ kiếp tưởng chết rào rồi chớ. Hồi đó tôi thù ông đục nước đó nghen…/ / - Vì Nga phải không? / / - Chờ gì nữa. Cổ đẹp như thế, ông lại đẹp trai hơn tôi, chuyện với cổ nở bắp rang. Còn tôi một thằng “đít nồi quân dụng”, cù lần. Thích cổ đến phát mê mà thua… Cổ chết rồi, chớ còn sống chắc sao cũng có án mạng vì cổ…Trong ngôn ngữ giao tiếp hiện đại, cách sử dụng nghĩa mới khá phổ biến, chẳng hạn “ cơm” được dùng để chỉ vợ, “ phở” được dùng để chỉ “bồ” như ví dụ (3): - Sáng đưa cơm đi ăn phở, trưa đưa phởđi ăn cơm, tối cơmvề nhà cơm, phởvề nhà phở.

2/ Bối cảnh giao tiếp nhiều khi cho phép người nói tìm đến những phương tiện để thể hiện một cách tiết kiệm. Khi sự vật đã có trước mắt hai người hội thoại và giữa họ có những kinh nghiệm, tri thức chung thì nội dung phản ánh những sự kiện hay những tri thức chung đó sẽ không được nêu ra. Khuynh hướng đặc trưng của ngôn ngữ hội thoại là tiết kiệm. Điều này cũng được triệt để áp dụng trong định danh. Đặc biệt là các khuynh hướng chung của giao tiếp trong ngôn ngữ hiện đại. Yêu cầu tiết kiệm các phương tiện định danh là yêu cầu quan trọng.

Trong giao tiếp, có những bối cảnh mà ngoài nó thì đơn vị bị lược bỏ sẽ không cho phép hiểu được một cách đầy đủ. Bỏlà động từ có ngữ vị: ai bỏ cái gì xuống/ vào đâu. Chẳng hạn như “Mĩ bỏ bom xuống đường Trường Sơn” hay “Thành bỏ viên phấn vào hộp”. Như vậy, trong dạng “gốc” [bỏ] cho phép xác định một mô hình cú pháp có thể có, còn sự lấp đầy lại thuộc về bối cảnh và những đơn vị được thể hiện trong phát ngôn. Chính trong hoàn cảnh của các cô gái mở đường Trường Sơn, hàng ngày phải đối mặt với máy bay Mĩ để bảo vệ đường mà “bỏ” trong ví dụ (4) được hiển là “bỏ bom”. “Bỏ” mang ý nghĩa cho cả bom: (4)/ - Lần này nó bỏít, hai đưa đi cũng đủ. Điên hả, mệt thì ngủ đi.! (Những ngôi sao xa xôi - Lê Minh Khuê, tr 390).

3/ Đối với ngôn ngữ hội thoại, đặc trưng tiết kiệm được thể hiện ở hình thức như đã thấy ở trên nhưng lại có khuynh hướng ngược lại, nó có thể được mở rộng. Hơn nữa, định danh trong hội thoại thường không nêu ra tên gọi của các đối tượng hoặc người đang có mặt, bởi vì nó đã rõ ràng trong bối cảnh. Trong ngôn ngữ hội thoại thường chỉ định danh những dấu hiệu hay những đặc trưng nào đó của đối tượng cần định danh: đó có thể hoặc là đặc trưng điển hình của một người nào đó, một đối tượng nào đó hoặc là những đặc trưng của chúng đóng vai trò quan trọng đối với tình huống cụ thể đó. Chẳng hạn ví dụ (5) là một trường hợp định danh như thế (5): Ôi! Cái con từ cung trăng rơi xuống kia! Hãy tự đặt mình vào địa vị của Ngân xem, mình chờ đợi đón nhận lời thổ lộ của anh thì phải chứng kiến chuyện anh yêu người khác mà người ấy lại chính là đứa bạn gái nhân thiết nhất của mình. Ngân đau khổ thất vọng và tự dưng sinh ra ích kỉ. Ngân không đủ can đảm đứng nhìn anh hạnh phúc với người con gái khác, mặc dù người đó là Vi. Chính vì vậy nên Ngân im lặng, không hé môi điều anh nhờ vả. Nhưng Ngân không ngờ vì sự nhỏ nhen ích kỉ của mình mà mãi mãi anh ấy không nói được lòng mình với người mà anh yêu thương.

4/ Sự tiết kiệm ngữ nghĩa - là một kiểu tiết kiệm khác của cách định danh khẩu ngữ. Sự tiết kiệm này đôi khi đồng thời xảy ra với sự tiết kiệm về mặt hình thức. Đó là đặc điểm của ngôn ngữ hội thoại. Sự tiết kiệm ngữ nghĩa có thể được biểu hiện khác nhau: a) không diễn tả đầy đủ những mối quan hệ ngữ nghĩa giữa các thành phần định danh; b) không hiển thị mối quan hệ định danh và đối tượng mà nó đặt tên cho. Tính tiết kiệm ngữ nghĩa thông thường không làm cản trở giao tiếp. Ngữ nghĩa được giải thích từ những tri thức ngữ cảnh hoặc sự thống nhất tri thức chung vốn có của những người hội thoại. Trong những trường hợp xuất hiện sự không hiểu biết lẫn nhau thì người nghe sẽ yêu cầu giải thích. Đó là một lợi thế mà chỉ khẩu ngữ mới giải quyết được một cách trực tiếp và nhanh chóng. Hiện tượng sử dụng những danh từ đơn vị như những trung tâm rỗng nằm trong sự hiểu biết chung của hai người đối thoại là một ví dụ (6) [Chờ Hiền bước ra ngoài, sư Lý mới quay sang hỏi nhà Ngoãn:] - Thái độ của người ấythế nào? Ông Bá có nhắn gửi gì không?Trong nhiều trường hợp do ngữ cảnh, mà những cụm danh từ chỉ xuất hiện danh từ chỉ đơn vị đi cùng với một tính từ nhưng người nói, nghe đều hiểu rõ trung tâm của danh từ này được xác định như cụm danh từ thằng đểu trong ví dụ (7) dưới đây : - Chị Trà bị thằng đểunó hại. Rất may là nó chỉ mới lột được cái quần áo chứ chưa làm được gì. Anh muốn em xử nó thế nào? (Nguyễn Đình Tú).Những kiểu định danh bằng cụm danh từ nhưng vắng thiếu danh từ trung tâm là một hiện tượng phổ biến trong cách định danh khẩu ngữ.

5/ Tính tiết kiệm ở hình thức thể hiện và sự tiết kiệm ngữ nghĩa làm giảm đi hoạt động của người nói.

6/ Sự tiết kiệm về hình thức và sự tiết kiệm ngữ nghĩa đã làm nảy sinh ra sự định danh gián tiếp, có nghĩa là xuất hiện sự chuyển đổi cách định danh: từ được sử dụng không theo bản chất ý nghĩa riêng của nó, mà thay vào đó, có thể có ý nghĩa đầy đủ hơn. Các tình từ khi tồn tại trong ví dụ (8) là một đơn vị độc lập về mặt hình thức. Nó có thể được ngắt hơi trong tư cách một phát ngôn, nhưng về mặt ngữ nghĩa nó không phải là một đơn vị tự nghĩa như trong (8): - Mày thử soi cái mặt đĩ của mày vào nồi nước đái xem. Chà, xanh xanh đỏ đỏ… Đồ đĩ”.

7/ Định danh kiểu khẩu ngữ ảnh hưởng đến hầu hết các loại từ. Đó là điều khác với ngôn ngữ chuẩn. Trong ngôn ngữ chuẩn, bộ phận định danh là các danh từ, danh ngữ. Trong khẩu ngữ, định danh có trong những từ loại khác nữa, trong đó có cả động từ cụm đồng từ (động ngữ). Trong giao tiếp khẩu ngữ, động từ, cụm động từ có thể tồn tại như đề của phát ngôn mà chức năng làm đề trong phát ngôn chủ yếu là của các danh từ. Ví dụ (9 ): - Kiếm chác?... Vỡ đê mà lại còn kiếm chác?(Vỡ đê).Những đơn vị được dùng tương tự như là những danh từ trong tư cách đề. Trong những ví dụ (10), (11), chúng ta đều có thể xác định - Có tóm cổ/ - Có tha về đều là những cụm động từ thường dùng trong khẩu ngữ. Chúng đều có thể điền “thì” vào sau chúng để tạo ra phần đề của phát ngôn. (10) - Có tóm cổ, (thì) xin tóm cổ tất cả! Ngần này người tình nguyện sẽ nói thế! / /(11) - Có tha về thì cũng đến tối chứ?

8/ Kết quả của việc dùng động từ để định danh làm giảm đi sự tương phản giữa các hiện tượng vị ngữ tính và định danh. Một mặt, trong tư cách là phát ngôn, những cấu trúc câu thiếu động từ được sử dụng một cách rộng rãi trong khẩu ngữ và một mặt khác, những cấu trúc động ngữ lại hoạt động như một cách định danh phổ biến kiểu (13) Vả lại ăn cháo cũng không độc đâu mà sợ = Việc ăn cháo không gây ngộ độc đâu mà sợ.

9/ Trong cấu trúc định danh của ngôn ngữ hội thoại thể hiện hai khuynh hướng đối lập, đặc trưng cho tất cả hệ thống ngôn ngữ hội thoại: khuynh hướng tổng hợp, khái quát hoá . Khuynh hướng này thể hiện hoặc bằng hình thức hoặc bằng ý nghĩa: đó có thể là việc sử dụng những danh từ này hoặc danh từ khác để gọi tên nhiều đối tượng khác nhau, hoặc đại từ hoá các danh từ, hoặc tích tụ cho danh từ những ý nghĩa rộng hơn, tạo ra cho chúng ý nghĩa ngữ cảnh. Do bối cảnh giao tiếp mà thành phần này hay thành phần khác của một số cụm danh từ có thể được sử dụng ở dạng không đầy đủ. Chẳng hạn chúng ta không hiểu “dây” ở đây là loại dây gì. Nhưng nó sẽ trở nên hiển ngôn nếu nó được đặt trong ngữ cảnh của đoạn thoại (13): [Cô vùng dậy, cuống quýt trèo một chân lên võng. Miệng lắp bắp:] - Ông nằm dịch vào em nằm với! / / - Nằm thế quái nào được, y cũ lắm rồi đấy! (Viễn Sơn)“Dây” trong phát ngôn này phải được hiểu là “dây võng”. Như thế “dây” không chỉ mang ý nghĩa của nó trong từ điển mà dây ở đây còn được hiểu là “dây võng”. “Dây” không chỉ mang ý nghĩa của nó mà nó còn gánh thêm, tích tụ thêm ý nghĩa ngữ cảnh trong nó. Bản thân nó được kí thác một nội dung cụ thể mà chỉ trong ngữ cảnh này mới có. Không chỉ các danh từ trong khẩu ngữ khi được kết hợp với nhau để tạo ra một ý nghĩa khái quát như chúng tôi đã miêu tả ở trên, mà các tính từ cũng có khả năng kết hợp với nhau để tạo ra một ý nghĩa có tầm khái quát cao hơn như “nhiều ít”, “to lớn” như trong các ví dụ: (14 ) - Có được nhiều cá không bác Alô Thử? / / [Im lặng một lúc lão cất tiếng:] / / - Nhiều ítkhông quan trọng. Câu cho đỡ buồn thôi.; (15B): “ To lớntrong thiên hạ không gì bằng trời đất”.Khuynh hướng thứ hai là khuynh hướng chia tách, chi tiết hoá, cụ thể hóa (Nội dung ngữ nghĩa của một từ có thể định danh bằng một tổ chức lớn hơn, chẳng hạn cụm từ, thậm chí là một câu, thậm chí bằng cả một cuộc thoại).

Trong khẩu ngữ, người ta thường lấy cái cụ thể để nói cái khái quát. Để nói về phẩm chất của một đối tượng, người nói có thể sử dụng hàng loạt những chi tiết có tính cụ thể để định danh xác định phẩm chất của nó. Những đơn vị được gạch chân trong (16) chỉ định danh cho một nhân vật: [Ông Lí trưởng nói:] // - Cái kiện này to lắm! Tôi không được mục kích nên không dám chắc nhưng mà cứ theo như lời bác Trương nói thì dễ thường chủ xe là lão Nghị Hách ở tỉnh miền trên ấy chứ chẳng phải ai xa lạ đâu! / / - Thằng cha có hai chục con vợ lẽ trong đồn điền ấy à? / / - Phải / / - Cái thằng cha bỏ bã rượu vào ruộng nương dâu rồi báo nhà đoan và chỉ bởi một thủ đoạn ấy đã tậu được ba trăm mẫu ruộng rất rẻ tiền ấy à? / / - Chính thế. / / - Cái thằng cha độc ác đánh chết người làm rồi vứt xác người ta xuống giếng, mà khai người ta tự tử ấy à? / / - Nó đấy! / / - Thế sao? Thế thì phải kiện cho bỏ mẹ nó đi chứ?

3/ Nghiên cứu những khác biệt của định danh trong hội thoại nói riêng và từ vựng khẩu ngữ nói chung là một yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn giảng dạy tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai, đặc biệt là trong giảng dạy tiếng Việt cho đồng bào dân tộc ít người, cho Việt kiều ở nước ngoài và cho sinh viên nước ngoài học tiếng Việt như một ngoại ngữ. Bài viết này mới chỉ là những phác thảo ban đầu. Hướng nghiên cứu này cần được mở rộng không chỉ ở địa hạt từ vựng mà ở cả các địa hạt ngôn ngữ khác nữa.

_________________

Tài liệu tham khảo:

1. Viện Ngôn ngữ học Liên Xô (1990) - Từ điển thuật ngữ ngôn ngữ học, (bản tiếng Nga).

2. Nguyễn Lai (1997) - Những bài giảng về ngôn ngữ học đại cương. NXBĐHQG.

3. Nguyễn Thiện Giáp (1996) - Từ và nhận diện từ trong tiếng Việt, NXBGD.

4. Lê Quang Thiêm, (2003) - Lịch sử từ vựng tiếng Việt(thời kì 1958-1945), NXBKHXH.

Nguồn: Ngôn ngữ & Đời sống, số 4 (126), 2006

Xem Thêm

Văn hóa đọc là giá trị nền tảng góp phần phát triển con người và xã hội trong kỷ nguyên mới
Trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa, để đất nước vươn mình sánh vai cùng các cường quốc năm châu, không thể thiếu ánh sáng của tri thức, mà trong đó sách đóng vai trò trung tâm. Sách và Văn hoá đọc chính là nền tảng để xây dựng một xã hội học tập, sáng tạo và phát triển bền vững.
Giải pháp nào để phát triển các mô hình NN, thủy sản hiệu quả cao theo hướng an toàn, bền vững tại các tỉnh ĐBSCL?
Đó là những nội dung được các đại biểu đưa ra tại hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển các mô hình nông nghiệp, thủy sản hiệu quả cao theo hướng an toàn, bền vững tại các tỉnh ĐBSCL” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) phối hợp với LHH tinh Kiên Giang và Viện Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ (Viện IHT) tổ chức ngày 12/4 tại TP Rạch Giá.
Sơn La: Tìm giải pháp quản lý, bảo vệ và sử dụng nguồn nước
Ngày 2/4, Liên hiệp hội tỉnh phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Môi trường tổ chức hội thảo "Thực trạng và giải pháp quản lý, bảo vệ và sử dụng nguồn nước". Sự kiện thu hút sự tham gia của hơn 40 đại biểu đến từ các sở, ban, ngành, doanh nghiệp, trường đại học, cao đẳng và cơ quan truyền thông địa phương.
Huế: Hội nghị về Nội tiết và Đái tháo đường năm 2025
Ngày 29/3, Hội Nội tiết và Đái tháo đường thành phố Huế phối hợp với Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam đã tổ chức hội nghị khoa học Cố đô mở rộng lần thứ 8 về bệnh nội tiết, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa năm 2025.

Tin mới

Thúc đẩy hoạt động đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN tại Việt Nam
Sáng ngày 29/4/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Hải Phòng tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Thúc đẩy công tác đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp tại Việt Nam”. Hội thảo do PGS.TS Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam và TS. Bùi Thanh Tùng, Chủ tịch Liên hiệp Hội thành phố Hải Phòng đồng chủ trì.
Hà Giang: Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 06 Luật
Ngày 29/4, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hà Giang (Liên hiệp hội) đã tổ chức hội thảo tư vấn, phản biện (TVPB), góp ý đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.
Phát huy sức mạnh trí tuệ và tâm huyết của trí thức KHCN trong thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị
Nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam - LHHVN) xác định phát huy trí tuệ, trách nhiệm và tâm huyết của đội ngũ trí thức là nhiệm vụ trung tâm, tạo động lực để khoa học công nghệ và chuyển đổi số trở thành lực lượng sản xuất chủ đạo thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
An Giang: 30 trí thức KH&CN tiêu biểu được tôn vinh 2025
Chiều ngày 28/4, tại trụ sở Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh An Giang, Hội đồng xét chọn trí thức Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tiêu biểu tỉnh năm 2025 đã tổ chức phiên họp chính thức. Đây là lần thứ hai An Giang triển khai hoạt động xét chọn và tôn vinh trí thức KH&CN tiêu biểu.
Quảng Ngãi: Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III đã tìm ra nhà vô địch
Sau 2 ngày tranh tài sôi nổi, chiều ngày 27/5, tại Nhà thi đấu IEC Quảng Ngãi, Ban tổ chức Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III, năm 2025 đã tổ chức bế mạc, trao 16 giải thưởng cho các đội đoạt giải. Đội CFF đến từ trường THPT Lê Trung Đình đã xuất sắc giành giải Nhất chung cuộc.
Khởi động Chương trình Biểu dương TOP Công nghiệp 4.0 năm 2025
Chương trình Biểu dương TOP Công nghiệp 4.0 nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao, nghiên cứu và phát triển sản xuất các sản phẩm, nền tảng, giải pháp dựa trên công nghệ số để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hiện thực hóa các cơ hội, tiềm năng mà chuyển đổi số mang lại khi đưa được công nghệ số vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội, đến từng người dân.
Khai mạc Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III
Ngày 26/4, tại Quảng Ngãi, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi và Tỉnh đoàn tỉnh Quảng Ngãi tổ chức khai mạc và vòng loại Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III, năm 2025.
Văn hóa đọc là giá trị nền tảng góp phần phát triển con người và xã hội trong kỷ nguyên mới
Trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa, để đất nước vươn mình sánh vai cùng các cường quốc năm châu, không thể thiếu ánh sáng của tri thức, mà trong đó sách đóng vai trò trung tâm. Sách và Văn hoá đọc chính là nền tảng để xây dựng một xã hội học tập, sáng tạo và phát triển bền vững.