Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 02/01/2008 23:07 (GMT+7)

Hãy đánh thức người học

Sigmund Freud (1862 - 1936). Kinh nghiệm thất bại của “Toán Học Mới” cho thấy việc đưa cái mới vào giáo dục không thể làm theo kiểu phong trào. Cái cây giáo dục có đơm hoa kết quả hay không là ở những chất mầu mỡ đem bón cho nó chứ không phải cứ duy ý chí mà được. Vậy chất mầu mỡ của cái cây ấy nằm ở đâu? Cái mới lạ của giáo dục nằm ở chỗ nào?
Sigmund Freud (1862 - 1936).

Câu trả lời: Nó nằm ngay trong đầu đứa trẻ, trong đáy sâu của tầng vô thức, nơi là Sigmund Freud coi là dự trữ tiềm ẩn dẫn đến mọi hoạt động sáng tạo. Nhiệm vụ chủ yếu của giáo dục chính là đánh thức cái bản năng vô thức đó dậy. Đó mới là bí quyết của giáo dục.

1. Học = Vô thức + ý thức

Ngày 16 - 05 - 2002, tạp chí Journal of Consciousness Studies công bố một công trình nghiên cứu của McFadden tại Đại học Surrey ở Anh chứng minh rằng cơ sở vật chất của tư duy là một trường điện từ của bộ não, trong đó khẳng định rằng hoạt động tư duy bao gồm vô thức và ý thức. Học là một hoạt động tư duy điển hình như vậy:

Học = Vô thức + ý thức.

Nhìn một cái cây, nhận thấy lá của nó mầu xanh, đó là vô thức.
Nhìn một cái cây, nhận thấy lá của nó mầu xanh, đó là vô thức.
Nhìn một cái cây, nhận thấy lá của nó màu xanh, đem lại cảm giác dịu dàng, dễ chịu, đó là vô thức. Thắc mắc tại sao lá của nó mầu xanh, đó là ý thức. Làm một phép toán nhân một con số có 4 chữ số với một số có 2 chữ số, cứ theo quy tắc mà làm ra đáp số, đó là vô thức. Thắc mắc tại sao quy tắc lại như thế, đó là ý thức. Nếu bỗng nhiên đem hỏi người lớn tại sao lại làm theo quy tắc đó, e rằng nhiều người sẽ lúng túng. Điều này chẳng có gì lạ, bởi vì xã hội không đòi hỏi mọi người phải giải thích quy tắc, mà chủ yếu chỉ đòi hỏi thành thạo áp dụng quy tắc. Trong trường hợp này, không cần nhiều tư duy ý thức, chỉ cần vô thức nhậy bén là đủ rồi.

McFadden nhấn mạnh: Rất nhiều người thường đồng nhất tư duy với ý thức, thật là nhầm lẫn lớn. Thực tế phần lớn tư duy là vô thức, vô thức bao giờ cũng có trước, ý thức có sau, vô thức là cái phần bẩm sinh mà ai cũng có, nhưng vấn đề là nó có được đánh thức hay không. Ý thức là cái có sau, hình thành trong quá trình sống, phụ thuộc nhiều vào hoàn cảnh môi trường. Vô thức và ý thức liên quan mật thiết với nhau, thiếu một trong 2 vế đều dẫn tới tư duy què quặt.

Trẻ em tư duy chủ yếu bằng vô thức.
Trẻ em tư duy chủ yếu bằng vô thức.
Trẻ em tư duy chủ yếu bằng vô thức, lớn lên mới bổ sung dần dần ý thức. Vô thức có ngay từ khi lọt lòng, thậm chí ngay từ trong bụng mẹ. Các bác sĩ thường khuyên các bà mẹ có thai nên nghe âm nhạc cổ điển dịu dàng, ngắm những bức tranh phong cảnh đẹp hoặc người đẹp... là hoàn toàn có lý: Thai nhi tiếp thu thông tin về thế giới qua người mẹ ngay từ khi đang ở trong bụng mẹ, thông qua hoạt động vô thức của não.

Vô thức bám theo con người trong suốt cả cuộc đời, nhưng khi ý thức lấn át vô thức, làm cho tư duy mất cái hồn nhiên sinh động, thậm chí phản tự nhiên. Chỉ có sự cộng hưởng nhịp nhàng giữa 2 loại tư duy này mới đem lại hiệu quả tốt đẹp.

Nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã học văn chương bắt đầu từ vô thức. Ông viết: “Những lời hát ru tràn đầy lục bát của mẹ nuôi thế giới tinh thần tôi lớn lên một cách vô thức” (1). Đó là cái mầm để sau này ông trở thành một nhà thơ, một nhà phê bình văn học nổi tiếng.

Sigmund Freud coi vô thức là cái tiềm ẩn sâu xa quyết định mọi hoạt động của con người. Tất cả các nhà khoa học lớn cũng đều nhấn mạnh đến cái vô thức ẩn náu bên trong trực giác (intuition). Albert Einstein khẳng định: “Nhiệm vụ tối cao của nhà vật lý là khám phá ra những định luật cơ bản chi phối vũ trụ. Không có con đường suy luận logic để đi tới những khám phá đó; chỉ có trực giác nằm trong nhận thức bằng giao cảm (sympathetic understanding) mới có thể dẫn tới những khám phá đó” (2).

Văn Miếu – Hà Nội - Trường đại học đầu tiên của Việt Nam.
Văn Miếu – Hà Nội - Trường đại học đầu tiên của Việt Nam.
Vì thế nếu giáo dục không biết đánh thức cái năng lượng vô cùng to lớn tiềm ẩn đó trong con người thì bao nhiêu cố gắng nhồi nhét chữ nghĩa cũng sẽ vô dụng. Công việc đánh thức được người phương Đông gọi là Khai Tâm, sự nghiệp giáo dục chủ yếu là Khai Tâm?

Nền giáo dục hiện đại quá chú trọng và quá vội vàng trong việc “Khai trí” (cung cấp thông tin) đến nỗi thường lãng quên nhiệm vụ Khai Tâm. “Toán học mới” thất bại vì quá vội vã Khai Trí: vội vã áp đặt vào trẻ em những kiến thức trừu tượng hình thức mà trước đây chỉ đến khi trở thành sinh viện đại học mới tiếp thu nổi, làm thui chột tư duy vô thức sinh động của các em. Hiện nay, sự vội vã đó đã bị phê phán. Bách khoa toàn thư Americana Encyclopedia viết: “Việc không chú ý tới cách học thuộc bài tỏ ra phản sư phạm: Chẳng hạn, ít nhất thì việc cần phải làm phép tính 1/2+2/3=? cũng quan trọng ngang với việc giải thích ý nghĩa của phép tính đó”.

Vậy cái mới lạ nằm ngay trong đáy sâu của tầng vô thức của trẻ em chứ chẳng ở đâu khác. Hãy khai thác nó một cách triệt để, hãy đánh thức nó dạy, hãy làm cho trẻ em khao khát muốn biết cái mới lạ trong môn học, thay vì nhồi vào đầu các em một mớ chữ nghĩa mà các em chán ngấy. Một trong những người đi tiên phong trong việc đưa cái mới lạ theo hướng đánh thức người học là Joy Hakim.

2. Sách giáo khoa của Joy Hakim

Joy Hakim, nhà sư phạm nổi tiếng của Mỹ đang làm một cuộc cách mạng sách giáo khoa.
Joy Hakim, nhà sư phạm nổi tiếng của Mỹ đang làm một cuộc cách mạng sách giáo khoa.
Ngày 18 - 03 - 2003 dưới đầu đề “A Radical Formula for Teaching Science” (Một phương pháp cơ bản để dạy học) nhật báo The Washington Post của Mỹ viết: “Joy Hakim đang phá vỡ tất cả các luật lệ. Sách giáo khoa lâu nay chỉ là những bản thống kê kiến thức buồn tẻ và nhàm chán, nhưng sách của Hakim lại như một loại truyện kể. Thông qua những câu chuyện lịch sử khoa học hấp dẫn, Hakim dạy cho học sinh hiểu khoa học, hiểu quá trình hình thành các tư tưởng khoa học và ảnh hưởng của các tư tưởng đó đối với thế giới”.

Tại sao sách giáo khoa kiểu của Hakim được dư luận công chúng hưởng ứng? Đơn giản vì nó sinh động hấp dẫn hơn hẳn những cuốn giáo khoa đang lưu hành. Hans Christian von Bayer, giáo sư Vật lý Trường cao đẳng William & May, nhận xét: “Sách giáo khoa hiện nay ở Mỹ do một số hội đồng sư phạm viết ra. Họ chẳng có tài gì về văn chương, giọng điệu chẳng có gì hấp dẫn, chẳng có chút gì gọi là văn phong, chẳng có chút sức mê hoặc (charm) nào cả. Họ chỉ đặc biệt chú trọng đến các chi tiết chuyên môn... Kết quả là trẻ em cố gắng học thuộc, cố nôn mửa (spew out) thông tin vào bài kiểm tra tuần sau, nhưng để rồi quên đi, quên hẳn, quên một cách tuyệt đối”.

Nhưng cụ thể Hakim đã phá vỡ cái gì?

Hakim đã phá vỡ cái truyền thống coi khoa học như một bản thống kê các chi tiết kỹ thuật. Bà đã đặt khoa học đúng như khi nó xuất hiện trong lịch sử. Bà viết: “Bằng những câu chuyện phản ánh quá trình thay đổi tư tưởng và trí tuệ qua các thời đại, tôi sẽ cố gắng giúp học sinh hiểu khoa học. Tôi muốn các em nhỏ trở thành các thám tử, vì thế tôi muốn viết như thế nào để thu hút các em tới mức các em còn muốn học tiếp thêm nữa”.

Nếu cái khung sách giáo khoa hiện nay là một bản thống kê các chi tiết kỹ thuật chán ngấy thì cái khung sách của Hakim là lịch sử - lịch sử như một dòng chảy cuốn theo mọi sự kiện, trong đó khoa học không thể là một ngoại lệ. Để giới thiệu thuyết tương đối hẹp, bà đánh thức học sinh bằng cách kích thích trí tò mò của các em đối với hoàn cảnh ra đời của lý thuyết này. Bà viết: “Rõ ràng là chàng thanh niên Albert Einstein rất thông minh, nhưng thái độ học tập của anh thì có vẻ bất ổn: Anh không kiên trì làm bài ở nhà trường và thường vắng mặt trên lớp; có vẻ như anh chỉ chăm chú theo đuổi cái gì mà anh thích. Một thầy giáo đã gọi anh là con chó lười biếng, vì anh thường không làm tròn bổn phận được giao. Nhưng ông thầy đã nhầm. Anh chẳng lười tí nào. Bộ óc của anh suy nghĩ không ngừng; Suy nghĩ về một chùm ánh sáng. Suốt hơn 10 năm, câu hỏi “điều gì sẽ xẩy ra với tốc độ ánh sáng?” dường như không lúc nào rời khỏi đầu anh. Cuối cùng, năm 1905, Einstein đã trả lời được câu hỏi của chính mình về chùm sáng đó: ông đã phát minh ra một trong những lý thuyết quan trọng nhất trong toàn bộ lịch sử nhân loại - Thuyết tương đối hẹp”.

Kiểu viết như thế không còn là sách giáo khoa theo quan điểm truyền thống nữa rồi. Sách của Hakim là truyện khoa học, nhưng vẫn cung cấp đầy đủ kiến thức kỹ thuật cho học sinh. Bà quan niệm giáo dục phải tạo ra những “món ăn khoái khẩu” cho học sinh, thay vì bắt học sinh ăn những món nhạt phèo mà các em không ăn nổi.

Sách giáo khoa của Hakim hiện nay bán rất chạy. Học sinh thi nhau mua để đọc, vì nó hấp dẫn như một cuốn truyện lịch sử, thậm chí như một cuốn trinh thám. Nhiều học sinh phát biểu rằng các em có thể tự học vật lý qua cuốn sách của bà, rồi đến lớp các em được nghe giảng lại nên hiểu rất sâu sắc. Tâm lý chán học và sợ học biến mất.

Vậy bí quyết của Hakim là gì? Câu trả lời đã rõ: Bà đã đánh trúng vào tâm lý khao khát cái mới lạ của học sinh. Tâm lý ấy bấy lâu nay vẫn “lơ mơ ngủ” trong đống chữ nghĩa thuần túy kỹ thuật chán ngấy. Hakim đã đánh thức nó dạy. Bà lay động vào cái vô thức tiềm ẩn trong tâm hồn các em, có thế thôi.

Chẳng riêng gì bà Hakim. Tôi thấy tất cả những thầy giáo thực sự giỏi đều biết lay động cái vô thức trong tâm hồn người học.

3 - Những người thầy tuyệt vời

Ngày tôi học lớp 5 (lớp đầu của cấp II), tôi gặp một thầy giáo mà đến nay vẫn thấy yêu, thấy kính, thấy nhớ. Đó là thầy Cang. Nghe nói thầy đã mất rồi, nhưng trong lòng tôi, thầy sống mãi.

Thầy dạy chúng tôi môn địa lý, một môn không được coi là quan trọng lắm, thậm chí trong con mắt của nhiều người, đó là một môn phụ, chỉ cần học đối phó cho đủ điểm. Nhưng thầy Cang đã biến môn địa lý thành một môn học hấp dẫn nhất của chúng tôi, làm cho lũ nhóc chúng tôi mê say địa lý, thi nhau làm tất cả những gì mà thầy khuyên chúng tôi nên làm. Sau này trưởng thành rồi, tôi tìm ra bí quyết của thầy Cang: Đánh trúng vào cái vô thức tiềm ẩn trong tâm hồn lũ trẻ chúng tôi.

Thí nghiệm con lắc Foucault chứng minh Trái đất quay quanh trục.
Thí nghiệm con lắc Foucault chứng minh Trái đất quay quanh trục.
Thầy dạy chúng tôi rằng Trái Đất hình tròn, quay xung quanh trục của nó và quay xung quanh Mặt Trời. Nhưng thầy đố tôi: Làm thế nào mà biết được Trái Đất hình tròn, quay quanh trục và quay quanh Mặt Trời? Lũ trẻ chúng tôi bắt đầu tưởng tượng nghĩ ra đủ kiểu trả lời, trong đó có những câu trả lời vô cùng ngộ nghĩnh, rồi thầy khai sáng cho chúng tôi bằng những thí nghiệm nổi tiếng đã đi vào lịch sử, điển hình nhất là chuyện con lắc Foucault: Năm 1851, Jean Bernard Léon Foucault, nhà vật lý người Pháp, đã làm một thí nghiệm trứ danh để chứng minh Trái Đất quay xung quanh trục của nó bằng cách treo một con lắc khổng lồ bằng một sợi dây dài buộc vào vòm mái của Điện Panthéon ở Paris. Mặt phẳng dao động của con lắc cố định, nhưng vì Trái Đất quay quanh trục nên kết quả con lắc sẽ vẽ ra trên mặt sàn của Điện Panthéon một hình nan hoa bánh xe. Thầy Cang làm luôn một thí nghiệm tại lớp cho chúng tôi mục kích. Thầy buộc một con lắc vào một thước kẻ rồi cho con lắc dao động. Thầy giơ cao lên cho chúng tôi thấy khi cái thước kẻ xoay tròn, mặt phẳng dao động của con lắc không thay đổi. Lũ nhóc chúng tôi hiểu ngay thí nghiệm của Foucalt. Sau này lớn lên tôi mới vỡ nhẽ ra rằng thí nghiệm con lắc Foucault đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong vật lý, không riêng gì để chứng minh Trái Đất quay quanh trục. Nó chính là cơ sở cho nguyên lý quán tính của vũ trụ mà Ernst Mach đã nêu lên, rồi đến lượt Albert Einstein lại mở rộng nguyên lý của Mach thành Lý thuyết về vũ trụ của ông (4).

Cứ như thế thầy Cang làm cho chúng tôi mê địa lý. Nhờ thầy, tôi mê vẽ bản đồ đến nỗi đến nay tôi vẫn có thể vẽ thuộc lòng bản đồ thế giới một cách tương đối chính xác với những con sông lớn, những dãy núi lớn, biên giới giữa các quốc gia, tên và vị trí các thủ đô… Mãi mãi đối với tôi, thầy Cang là một thầy vĩ đại.

Năm lớp cuối phổ thông, tôi lại gặp một thầy giáo tuyệt vời khác. Đó là thầy Vũ Bình. Thầy dạy chúng tôi môn vật lý.

Một hôm thầy cho chúng tôi một bài tập: Đặt 4 electron ở 4 đỉnh của 1 hình vuông, 1 proton ở tâm hình vuông, hỏi cân bằng là bền hay không bền? Tôi liền xung phong lên bảng giải bài tập. Tôi kéo proton xê dịch một chút rồi tính tổng hợp lực tác dụng vào proton. Kết quả hợp lực này khác zero, chứng tỏ cân bằng không bền. Thầy khen, nhưng hỏi cả lớp: “Các bạn khác có hiểu không?”. Lớp im phắc,. chứng tỏ nhiều bạn không hiểu. Có lẽ vì tính toán của tôi lằng nhằng phức tạp quá. Thầy lại hỏi: “Vậy có ai làm khác không?”. Một bạn tôi giơ tay. Anh không cần mất thì giờ nhiều, chẳng cần tính toán, chỉ cần đẩy proton sát gần một electron tuỳ ý, lực hút sẽ trở thành vô cùng lớn, lập tức thấy cân bằng không bền. Tôi choáng váng thấy bạn mình giỏi quá. Thầy lại đưa ra cách thứ ba: Đẩy proton ra xa vô cùng, lý luận tương tự cũng đi đến kết quả cân bằng không bền. Tôi lại bị choáng một lần nữa. Ngay lập tức tôi học được 2 điều: Một, biển học là vô biên, đừng bao giờ tự phụ mình giỏi; Hai, vật lý thật kỳ diệu!

Từ đó chúng tôi phục thầy lắm. Nhưng rồi chúng tôi còn phục thầy hơn nữa, mê thầy hơn nữa vì thầy luôn luôn dẫn dắt chúng tôi vào một thế giới kỳ lạ và hấp dẫn. Thầy nói đến lý thuyết lượng tử Planck, rồi thuyết lượng tử ánh sáng của Einstein, rồi đế cơ học lượng tử của Heisenberg ly kì không thua gì chuyện trinh thám, y như kiểu viết sách của bà Hakim mà tôi đã nói ở trên. Một lần thầy hùng hồn nói: “Thế đấy các cậu ạ, thế giới này cái gì cũng lượng tử hết. Người ta còn đang nghĩ rằng cả thời gian cũng lượng tử nốt. Nghĩa là không phải chúng ta đang sống một cách liên tục, mà chúng ta sống, sống, sống… sống từng lượng tử một, sống một cách gián đoạn theo từng mẩu vi lượng thời gian, các cậu có hiểu không?”. Chúng tôi há hốc mồm, cảm thấy một thế giới kỳ lạ đang hiện ra trước mắt.

Buồn thay sau này vào đại học, thầy vật lý của tôi lại dạy buồn thê buồn thảm. Suốt ngày chỉ lo biến đổi mấy cái phương trình rồi đóng khung lại. Những động tác đó thực ra tự sinh viên có thể làm, trong khi cái mà chúng tôi khao khát muốn biết là ý nghĩa của các phương trình thì chẳng thấy thầy nói đến. Thậm chí thầy chẳng bao giờ đả động đến hoàn cảnh lịch sử ra đời của các phương trình đó. Rất may là thầy Vũ Bình lại cho chúng tôi những kiến thức cốt yếu từ thời học phổ thông rồi.

Kể lại chuyện thầy Cang, thầy Bình, tôi muốn ca ngợi những người thầy chân chính. Chẳng cần phải sang Mỹ để tìm bà Hakim. Ngay tại Việt Nam chúng ta cũng có rất nhiều thầy tài giỏi. Vấn đề là phương pháp của các thầy đó có chiếm ưu thế trong nền giáo dục hay không.

4. Thay lời kết:

Theo tin của CBS New và của Đài truyền hình số 9 của Úc, hiện nay Ấn Độ không chỉ thành công về tin học, mà hiện nay đã và đang trở thành quốc gia xuất cảng chất xám cho toàn thế giới, đặc biệt cho Mỹ, về mọi lĩnh vực khoa học và công nghệ cao nói chung. Bản tin này đưa ra những nhận định làm choáng váng mọi người.

Những người Ấn thành công nhất tại Mỹ hầu hết đều xuất thân từ Vienẹ công nghệ Ấn Độ IIT (Indian Institute of Technology).

Gộp 3 đại học uy tín bậc nhất của Mỹ - Đại học Harvard, Đại học MIT và Đại học Princeton – làm một, bạn sẽ hình dung ra tầm vóc uy tín của IIT.

Sinh viên tốt nghiệp IIT có ảnh hưởng lớn đến cuộc cách mạng công nghệ hiện nay ở Mỹ. Khó có thể tưởng tượng được một lĩnh vực công nghệ cao nào ở Mỹ mà các kỹ sư tốt nghiệp IIT không đóng vai trò lãnh đạo. Số người tốt nghiệp IIT có sáng kiến phát minh trong nền công nghệ cao ở Mỹ chiếm một tỷ lệ cao đến nỗi gây choáng váng đối với giới theo dõi.

Hiện nay 500 trung tâm tìm kiếm nhân tài ở Mỹ luôn luôn để mắt đến những người đã tốt nghiệp IIT.

Nếu tôi là một người làm công tác giáo dục chuyên nghiệp, tôi sẽ lập tức sang Ấn Độ để tìm hiểu tại sao họ thành công như vậy, thay vì cứ xáo trộn sách giáo khoa một cách hết sức lãng phí và vô bổ như hiện nay. Đó là chưa nói đến những xáo trộn rất phản sư phạm.

Xem Thêm

Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Ngày 25/6/2025, tại Tp. Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) chủ trì, phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Huế (Liên hiệp Hội TP. Huế) tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức để góp phần tích cực cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023”.
An Giang: 8 giải pháp thực hiện đột phá phát triển khoa học công nghệ
Đến nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội tỉnh) đã tập hợp được 40 hội, tổ chức thành viên với 9.554 hội viên cá nhân, trong đó có hơn 3.451 hội viên trí thức. An Giang xác định và đề ra mục tiêu về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (KHCN, ĐMST, CĐS) đến năm 2030.
Thanh Hoá: Hội thảo KH về giải quyết tình trạng thiếu lao động ở nông thôn, lao động trực tiếp tham gia SX nông nghiệp
Sáng ngày 27/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Nông nghiêp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp giải quyết tình trạng thiếu lao động sản xuất ở khu vực nông thôn, lao động có kỹ thuật, tay nghề cao trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ”.
Bình Thuận: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất
Sáng ngày 27/5, tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp đột phá trong ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào thực tiễn quản lý và sản xuất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”.

Tin mới

Tuổi trẻ VUSTA tự hào được rèn luyện, trưởng thành dưới cờ Đảng quang vinh
Đại hội Đảng bộ Liên hiệp Hội Việt Nam (VUSTA) nhiệm kỳ 2025–2030 được tổ chức thành công vào sáng ngày 21/7. Tại Đại hội, đại diện Đoàn Thanh niên VUSTA đã có bài phát biểu chúc mừng đại hội. Bí thư Đoàn Thanh niên Lê Thị Thủy khẳng định: “Tuổi trẻ VUSTA tự hào được rèn luyện, trưởng thành dưới cờ Đảng quang vinh và luôn xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công cuộc đổi mới đất nước”.
Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương
Hướng tới chào mừng Đại hội Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030, Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương và biểu trưng (logo) Đại hội đại biểu Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 – 2030 được chính thức khởi động từ ngày 18/7/2025.
Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, tập hợp, đoàn kết trí thức KH&CN phục vụ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới
Kể từ khi Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) được thành lập ngày 26/03/1983, Đảng bộ Liên hiệp Hội Việt Nam đã trải qua 9 kỳ Đại hội, mỗi kỳ Đại hội đã thực sự trở thành những mốc son quan trọng, đánh dấu bước phát triển cả về tư duy chính trị lẫn phương thức hoạt động của toàn hệ thống.