Hậu duệ Hoàng tử Lý Long Tường trở về quê hương
“ Thân ở nơi xa, hồn lưu Tổ quốc”
Đó là bức câu đối ông Lý Xương Căn tặng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười nhân chuyến về Việt Nam năm 1996. Chỉ mấy chữ ấy thôi mà chứa đựng tấm lòng, tâm sự cả một dòng họ tha hương…Năm 1226, khi vương triều Đại Việt chuyển sang tay nhà Trần, như để tránh “nồi da xáo thịt”, huynh đệ tương tàn, Hoàng tử Lý Long Tường, con trai thứ bẩy của Vua Lý Anh Tông đã cùng Lý Quang Bật mang theo ít đồ thờ cúng tổ tiên cùng bầu đoàn thê tử rời Tổ quốc đến mưu sinh tại Cao Ly.
Ở xứ người, lòng ông vẫn khôn nguôi nhớ về quê nhà, Lý Long Tường đã cho xây Đài Vọng quốc ngay tại Lý Hoa Thôn. Vốn nghiệp vương gia có truyền thống thượng võ, Lý Long Tường đã cùng nhân dân Triều Tiên tổ chức quân đội đánh thắng quân Mông Cổ. Hiện, bia đá “Thụ hàng Môn Kỷ tích bi” còn ghi lại sự kiện Lý Long Tường nhận sự đầu hàng của quân Mông Cổ. Vua Triều Tiên đã khen ngợi và phong cho làm Đại tướng, tặng cho một con ngựa trắng để đi lại trên đất Triều Tiên. Từ đó người ở đây quen gọi ông là Bạch Mã Tướng quân.
Sau gần 8 thế kỷ, Lý Hoa Thôn đã trở thành nơi tụ hội của những người họ Lý trên lãnh thổ Triều Tiên. Họ không quên gốc gác của mình là người Đại Việt, là dòng dõi của một triều đại oanh liệt trog lịch sử. Tại Lý Hoa Thôn, kiến trúc mang dấu ấn Việt rõ nét, từ ngôi đình cổ đến bài trí đồ thờ…Vào dịp hội hè, các sinh hoạt mang đậm nét truyền thống Việt. Họ dựng cây nêu, gói bánh chưng và đi chúc tết như nghi thức ngàn xưa. Lễ truyền đọc Quốc phả vẫn diễn ra hàng năm trong tiếng chiêng đồng, trống vọng. Hướng đình Lý Hoa Thôn quay về phía Nam nhắc người họ Lý tha hương luôn nhớ về cố hương. Ông Lý Xương Căn kể: “Họ Lý khi về bái Tổ ở Đền Đô đã dâng cuốn Tộc phả họ Lý ở Hàn Quốc đưa vào điện thờ. Một bản sao gửi Bộ VH-TT để ghi nhận sự tích họ Lý ở Cao Ly. Họ Lý lưu lạc ở nhiều nơi, nhưng khi đất nước yên bình xây cuộc sống hoà bình thì cùng nhau tìm về quê hương. Đó là dấu hiệu của thái bình thịnh trị, của sự đoàn tụ. Từ trong sâu thẳm tâm hồn, ai cũng có một miền nguồn cội để hướng về, để kỳ vọng…Và bây giờ, những hậu duệ Vua Lý đang trở về để dựng nghiệp ở quê nhà trước Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Ông Căn xúc động kể: “Toàn bộ họ Lý ở Hàn Quốc luôn hiểu mình dù là người Hàn nhưng mang dòng máu Việt. Chúng tôi hạnh phúc khi sống ở Tổ quốc mình. Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã rộng vòng tay đón những người con trở về trong ấm áp nghĩa đồng bào. Bây giờ, Việt nam đang đổi mới, cùng với sự hội nhập nền kinh tế, đặc biệt là sự kiện gia nhập WTO, cơ hội phát triển càng lớn hơn. Chúng tôi tin rằng sự trở về của những người như chúng tôi là đúng đắn, không chỉ cho chúng tôi mà cho con cháu sau này. Con chim về tổ, dù sao cũng là khát vọng của người họ Lý xa quê…”
Câu chuyện của những người hồi hương
Năm 1994, đúng dịp kỷ niệm 1020 năm ngày sinh Lý Thái Tổ, Ông Lý Xương Căn lần theo tộc phả tìm lại cố hương là làng Đình Bảng - Cổ Pháp. Vị hậu duệ nhà Lý đã úp mặt xuống sân đền cúi lạy vong linh Lý Bát Đế và xúc động ghi sổ lưu niệm: “Kính thưa tám vị Thiên Vương! Con là Lý Xương Căn, cháu đời thứ 26 của Hoàng thúc Lý Long Tường, hậu duệ của các vị về đây tưởng nhớ công đức của quý Tiên Vương. Nối lòng tưởng niệm đó là đạo lý với Tổ tiên, và hơn nữa xin cầu nguyện các Tiên vương phù hộ để quan hệ hữu hảo giữa hai nước được sâu dày hơn…” Nửa năm sau, Lý Xương Căn lại có mặt ở Đền Đô trong đoàn đại biểu hữu nghị văn hóa Hàn - Việt. Có những trùng hợp ngẫu nhiên, đúng lúc ấy, những người thợ xây dựng trên nền đền cũ đã phát hiện bộ đồ thờ quý của Cổ Pháp điệngồm đôi hạc đồng, đôi rùa đồng và lư đồng cổ. Sự kiện ấy càng làm cho ông xúc động khi đứng trước anh linh Vua Lý: “Trong giờ phút cảm động này, con xin hứa rằng, sau này các hậu duệ đang sống ở Hàn Quốc sẽ tìm về đền thờ các Tiên vương”.
Hội Đền Đô năm 1995 đông vui hơn, tưng bừng hơn đón những người con xa Tổ quốc về dự hội. Ông Lý Trương Hiệp, trưởng tộc nhà Lý ở Lý Hoa Sơn đã kính cẩn dâng tộc phả ghi chép hành trình họ Lý từ ngày tha hương. Đầu cuốn tộc phả ghi trang trọng mấy chữ Hán: “Sinh tại Hàn, hồn tại Việt”.
Tám thế kỷ ngỡ mọi chuyện vùi sâu vào quá khứ, nào ngờ họ Lý vẫn đau đáu nỗi niềm…Chính vì thế, năm 2001, sau khi quyết định cùng vợ con trở về Việt Nam làm ăn, Lý Xương Căn vui mừng khoe, sau khi về thăm Việt Nam, vợ chồng ông đã sinh thêm một con trai đặt tên là Lý Việt Quốc.
Câu sấm cổ đến một ngày linh nghiệm: “Bao giờ rừng Báng hết cây. Tào Khê hết nước, Lý nay lại về”. Bao nhiêu đời nay, dân Đình Bảng vẫn truyền tụng câu sấm và giật mình khi một ngày họ Lý trở về thật…Rừng Báng đã thành cánh đồng từ năm 1910. Còn sông Tào Khê bây giờ chỉ còn dấu vết qua tên gọi và những ao đầm…
Ông Căn chia sẻ: “Dù ngày đầu hoà nhập cộng đồng Việt Nam có nhiều bỡ ngỡ, khó khăn. Nào là môi trường, rồi ngôn ngữ, ẩm thực…Nhưng mà rồi quen dần, và thấy yên ổn bởi môi trường sông ở quê nhà. Bây giờ thì ông đã hiểu thêm nhiều về Việt Nam, về hoàn cảnh đất nước và văn hoá Việt Nam . Đây là một xứ sở văn hiến và giàu nhân bản. Đáng tiếc là khả năng nói tiếng Việt của tôi còn hạn chế, bởi khi họ Lý rời Tổ quốc không có ngôn ngữ như bây giờ mà dùng tiếng Hán - Việt. Tám trăm năm rồi còn gì. Có điều mừng là văn hoá Việt và Hàn có những nét tương đồng, vì thế mà chúng tôi không cảm thấy quá xa lạ…”
Lý Xương Căn nhận mình là tuổi Tuất (1958) ông kể: “Hàng năm tôi vẫn về Đình Bảng lễ tổ, nhất là ngày giỗ Lý Thái Tổ 15 Âm lịch, có năm còn đưa cả nhân viên của công ty đi cùng gia đình lên Đền Đô. Dù yêu quê hương nhưng cần có thời gian để hoà nhập bởi phải hiểu biết nhiều thứ nữa. Tỉ như dân ca Quan họ thấy bảo là hay, nhưng nghe bây giờ chưa hiểu mấy. Chỉ qua cảm thụ âm nhạc như là nghe dân ca cổ Hàn Quốc vậy. Rồi sẽ phải về Kinh Bắc để được sống cùng không gian Quan họ mỗi dịp xuân về…”
Trò chuyện với khách, ông Căn nhiều chỗ không hiểu đã cậy đến các con dịch hộ. Rin và Chan cùng Lý Việt Quốc, ba chị em thi nhau dịch. Chan có phong cách của một chàng trai Việt, hiền lành và thông minh. Rin là cô chị cả giỏi tiếng Anh hơn. Còn Việt Quốc thì lém nhất, cậu chạy ra chạy vào xem anh Chan và chị Rin “dịch” chuẩn không. Có lẽ cậu là người bắt đầu tập nói câu đầu tiên tiếng Việt nên vốn từ khá hơn. “Tết này cả nhà cháu lại được ăn tết ở Việt nam” – Chan vui vẻ khoe.
- Có món ăn ngày tết Việt Nam nào mà Chan thích ?
- Món bánh chưng. Bánh chưng năm nào các bạn của bố và các cô chú ở công ty cũng biếu gia đình ăn tết. Nhiều lắm cơ.
Bà vợ ông Căn nãy giờ rất muốn góp chuyện những có lẽ vốn từ có hạn nên chỉ thấy chị luôn mỉm cười. Chị có vẻ đẹp nền nã của một phụ nữ Hàn Quốc, xinh tươi và dễ mến. Chị bảo: “Món ăn Việt Nam mà tôi thích nhất là …phở, nhưng mà chưa biết nấu đâu. Ở nhà phải nhờ người giúp việc Việt Nam tập cho làm bếp để quen dần món ăn ở đây. Thực phẩm mọi thứ đều mua ở chợ gần nhà. Các cháu cũng đều ăn được món ăn Việt Nam…” Chan tiết lộ: “Bố Căn là người duy nhất trong nhà ăn được thịt chó”.
Ông Lý Young-hoon (Lý Khánh Huân) là bố đẻ của Lý Xương Căn năm nay đã 82 tuổi, cũng góp mặt và trò chuyện với khách. Tiếc là ông không hiểu tiếng Việt. Trong ông hình như có nỗi niềm của người trở về quê hương bản quán quá lâu. Và hình như ông có nỗi buồn của người mang dòng máu Việt mà nay bất đồng ngôn ngữ, vẫn khát khao hoà vào đời sống ở quê hương.
Có nhiều người tha phương đang tìm về quê và mong đóng góp xây dựng quê hương. Nói như ông Lý Tường Tuấn, chủ tập đoàn tài chính đang đầu tư ở Việt Nam : “Xin đừng gọi tôi là người ngoại quốc”.
Nguồn: An ninh thế giới, 636, 14-3-2007, tr 14.