Hai vợ chồng người chiến sĩ quân y gương mẫu
Vũ Quang Bích sinh năm 1927, ở thị xã Phúc Yên. Cách mạng Tháng Tám thành công, anh ruột Vũ Duy Trác, Tiểu đoàn trưởng đưa Bích vào làm trinh sát của chi đội giải phóng quân Vĩnh Phú. Đầu năm 1946, anh vào học lớp y tá khóa I. Tốt nghiệp, anh được phân công về Quân dân y Viện Thái Nguyên. Đầu năm 1949, Cục Quân y thành lập đoàn giải phẫu Mặt trận 4 (MT4), anh Bích đi phục vụ cho mặt trận này. Anh không những là một y tá trưởng giỏi về tổ chức, chuyên môn, nghiệp vụ, mà làm báo tường giỏi, là cây đàn ghi – ta tài hoa, lại khéo tay, vẽ cả bộ tranh minh họa trong các tập giải phẫu chi trên, chi dưới… nổi tiếng của GS. Đỗ Xuân Hợp thời đó.
Đoàn giải phẫu MT4 triển khai trên bờ sông Vân, thuộc huyện Văn Mịch, tỉnh Lạng Sơn. Ta thắng lớn nên ít thương bệnh binh. Vũ Quang Bích hào hứng sáng tác bản nhạc “ Trăng trên sông Vân” và “ Mưa biên khu” ca ngợi chiến sĩ Vệ quốc đang chiến đấu dũng cảm nơi biên giới. Bộ chỉ huy MT4 khen ngợi và cho ấn hành rộng rãi, cổ vũ khí thế bộ đội đang chiến đấu trên mặt đường số 4 rực lửa.
Kết thúc chiến dịch, Quang Bích thi đỗ vào lớp Quân y sĩ khóa 2. Ra trường, anh được giữ lại làm trợ giáo môn Giải phẫu kiêm Trưởng ban giáo vụ, giáo tài trường quân y sĩ. Đầu năm 1956, anh được cử đi tu nghiệp ở Trường Đệ tứ Quân y Đại học Tây An (Trung Quốc). Năm 1962, sau khi tốt nghiệp lớp bác sĩ Ya, Quang Bích được bố trí làm chủ nhiệm khoa nội thần kinh Viện Quân y 103. Đầu năm 1966, anh đi “B”. Trong chuyến đi này, anh bị thoái vị bẹn chếch ngoài bên phải to bằng nắm tay, đi lại vướng víu rất khó chịu. Anh đã giấu hẹm, tự làm đủ mọi biện pháp, chặn lại không cho khối thoát vị tụt xuống để cố theo kịp đơn vị, nhưng rồi khối thoát vị tụt xuống quá to có nguy cơ bị thắt nghẽn nên anh đành phải lên bàn mổ. Qua khỏi đận này, trên đường đi tiếp, không may anh bị sụp hầm gãy đốt bàn chân 4 bên phải. Đoàn trưởng động viên anh ở lại trạm giao liên điều trị nếu không khỏi thì phải quay lại miền Bắc.
Trong thời gian ở trạm, anh đã tổ chức khám bệnh, điều trị cấp cứu sốt rét ác tính cho giao liên, nói chuyện về cách phòng bệnh cho toàn trạm. Gần một tháng tích cực tự điều trị ở trạm giao liên 11, anh chống gậy tập tễnh đi vào chứ nhất định không chịu “B quay”. Vào tới đơn vị, anh lao vào việc cấp cứu điều trị cho thương bệnh binh. Sau một thời gian ngắn, anh được bổ nhiệm Viện phó Viện 211 Tây Nguyên anh hùng. Năm 1970,, không may anh bị trúng miểng bom làm gãy 2 xương sườn bên phải (lại bên phải). Trong tình thế “nước sôi lửa bỏng”, phải tập trung cáng thương bệnh binh nặng, anh nén chịu đau đớn, cố gắng đi bộ chứ nhất định không chịu nằm cáng, vì vậy cả 2 xương sườn đều dính lệch “can hóa xấu”. Năm 1974 ra Bắc họp, thấy anh quá yếu, cấp trên giữ lại để bồi dưỡng thêm sức khỏe nhưng anh cố tha thiết xin vào lại ngay để kịp có mặt nhận trọng trách chỉ huy quân y mặt trận giải phóng Tây Nguyên.
Mười năm công tác liên tục ở chiến trường Tây Nguyên hứng chịu chất độc hóa học da cam cùng với di chứng các vết thương cũ dần tàn phá sức khỏe của anh. Tuy nhiên, anh vẫn chịu đựng, kiên trì rèn luyện kết hợp với điều trị. Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, anh được về lại Học viện Quân y. Suốt thời gian làm Chủ nhiệm Bộ môn kiêm Chủ nhiệm khoa nội thần kinh, phó Giám đốc Quân y Viện 103, Chủ tịch Hội đồng giám định bệnh tâm thần toàn quân y, anh đã dốc trí lực cùng tập thể xây dựng Viện 103 thành bệnh viện anh hùng. Năm 1977 – 1980, anh được đi tu nghiệp ở nước CHDC Đức (cũ), rồi về lại Viện 103 công tác. Trong suốt thời gian dài phục vụ, anh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (được tặng thưởng tới 12 Huân chương cao quý các loại). không những thế, anh còn tranh thủ dành nhiều thời gian nghiên cứu, tự học sâu chuyên ngành nội thần kinh và ngoại ngữ (Pháp, Anh, Đức, Trung) để luôn luôn tiếp cận được với nền Y học hiện đại của thế giới, giúp nâng cao hiệu quả chẩn đoán, điều trị và giảng dạy cho các lớp ở Học viện Quân y.
Anh bộ đội Cụ Hồ, Đại tá, PGS. BS, Thầy thuốc ưu tú Vũ Quang Bích về hưu cuối năm 1995 ở tuổi 68, nhưng anh đâu có nghỉ. Với kiến thức y học phong phú, kinh nghiệm thực tế dồi dào, anh đã dành nhiều thời gian viết báo chuyên ngành đăng trên các tạp chí Y học; nghiên cứu, biên soạn, xuất bản được 13 đầu sách chuyên khảo thần kinh học.
Khi được hỏi về gia đình vợ con, nét mặt anh rạng rỡ hẳn lên xen lẫn niềm tự hào về Đỗ Thị Chu Ngân, Thiếu tá bác sĩ quân y, người vợ hiền, đảm đang, trung hậu đã gắn bó với anh suốt 56 năm qua, vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một bác sĩ điều trị, vừa thay anh nuôi dưỡng mẹ chồng và nuôi dạy hai con trưởng thành khi anh xa đằng đẵng ở Tây Nguyên tới cả chục năm trời. Tôi đã được đọc thư anh viết từ Tây Nguyên gửi ra cho chị trong đó có 4 câu thơ rất xúc động:
Vợ lính từ xưa đã khổ rồi
Cả hai là lính khổ nhân đôi
Đường dài gánh nặng em bươn chải
Thương lắm đành lòng nén chịu thôi
Hai mươi lăm năm nghỉ hưu, chị Ngân đã dồn trí lực ở cái tuổi “xế chiều” vào các hoạt động xã hội khác nhau. Các huy chương mà chị Ngân được tặng thưởng đã nói lên đầy đủ phẩm chất và tính cách của người mẹ, người chị, người thầy thuốc.
Kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, tôi kể lại chuyện về hai vợ chồng người lính quân y, hai đảng viên Cộng sản, hai người Thầy thuốc đã cống hiến suốt đời cho sự nghiệp bảo vệ sức khỏe của cả quân và dân.