“Gừng già” Nguyễn Long Vân: người biến đất khô thành vùng nuôi cá lóc cao sản
“Gừng già” Nguyễn Long Vân...
Chúng tôi đến thăm trang trại nuôi cá lóc cao sản của doanh nghiệp Long Vân vào một buổi chiều cuối tháng 12. Mặc cái lạnh cuối năm, ông Nguyễn Long Vân vẫn hăng say làm việc giữa những bể cá. Trong bể, hàng trăm con cá lóc đen to khỏe, mỗi con tầm 1-1,5kg đang quẫy đạp đòi ăn, khiến chúng tôi không khỏi khâm phục về khả năng sáng tạo và sức lao động bền bỉ của người đàn ông 77 tuổi này.
Ông Nguyễn Long Vân, trú tại phường Nghi Hoà, TXCửa Lò, Nghệ An về hưu đến nay đã được 15 năm. Hàng ngày tận mắt nhìn thấy hàng chục, thậm chí hàng trăm ha vườn đất cát pha bạc màu của các hộ dân ven biển bị bỏ hoang hết năm này sang năm khác một cách lãng phí làm ông xót xa. Chả lẽ lại bó tay trong thời buổi khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển này hay sao? Người dân quê ông sẵn sức lao động nhưng họ chẳng thể nghĩ ra được một mô hình kinh tế nào khả dĩ. Trăn trở trước thực tế đó, ông Vân mạnh dạn đầu tư thời gian, bỏ công sức đi tham khảo các mô hình nuôi trồng thuỷ sản ở các địa phương khác từ Quảng Đông - Trung Quốc đến các tỉnh miền Tây Nam Bộ xem thử họ làm ăn ra sao, để tìm hướng đi thoát nghèo cho mình cũng như quê hương. Ông nhận thấy không thể đem các mô hình từ các nơi về áp dụng một cách rập khuôn cho vùng đất pha cát khô cằn và thời tiết khắc nghiệt ven biển Nghệ An, cần có những đổi mới cơ bản để vật nuôi thích ứng với điều kiện khí hậu nhưng vẫn phát triển tốt và cho năng suất cao.
Năm 2004, ông tự xây dựng đề án lập trang trại nuôi thuỷ sản tại vườn nhà. Sang năm 2005, ông vừa mạnh dạn vay 15 triệu đồng từ ngân hàng, vừa vận động các hộ khác trong phường tham gia dự án “ Nuôi trồng thủy sản ao xây đất vườn ven biển Nghệ An” nuôi ba ba, ếch thương phẩm, cá rô đồng Thái Lan, cá rô phi đơn tính, cá gáy 3 dòng, cá lóc đen tại vườn. Tất cả các hộ đều thu được kết quả khá. Dự án này đã được Hội đồng KHCN các cấp thẩm định, Chủ tịch UBND tỉnh cấp bằng Lao động sáng tạo công nghệ năm 2006.
Qua dự án, nhận thấy cá lóc đen là vật nuôi phù hợp với điều kiện địa phương, có giá trị kinh tế cao nhất nên năm 2007, ông tiếp tục vận động thêm các hộ trong phường thực hiện dự án “ Ứng dụng khoa học công nghệ nuôi cá lóc cao sản hướng công nghiệp, công nghệ mới” ngay trên chính đất vườn nhà mình với mục tiêu cụ thể hóa chủ trương chuyển đổi cây trồng vật nuôi trên đất vườn khô cằn. Đây là đề tài xây dựng quy trình kỹ thuật nuôi cá lóc cao sản kết hợp trồng cây ăn quả, từ nguồn nước ngầm dẫn đến gốc cây luống rau, gọi là nuôi trồng kết hợp trên cùng một đơn vị diện tích. Sau 2 năm, gia đình ông Nguyễn Long Vân đã có trong tay 10 bể xi măng diện tích 600m 2, tạo thành một vườn trại nuôi thuỷ sản nước ngọt quy mô lớn nhất phường, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng và được cấp bằng Lao động sáng tạo công nghệ 2007. Để có được thành quả này, ông đã trải qua nhiều khó khăn trong thử nghiệm sản xuất, thậm chí chịu lỗ vốn, thất bại bước đầu để tìm ra được cách nuôi hiệu quả và phù hợp hiện nay. Bởi đúng như thành ngữ “Gừng càng già càng cay”, khó khăn, vất vả không thể làm chùn bước sức lao động và khả năng sáng tạo của người đàn ông 77 tuổi này. Mục đích của ông không phải chỉ phục vụ lợi ích riêng cho cá nhân mình mà là tìm hướng đi chung cho những người nông dân nghèo khó trong vùng.
Sáng tạo nuôi cá lóc đen qua đông
Đặc điểm sinh học của cá lóc đen là vật nuôi tuy khỏe mạnh, hung dữ nhưng khi thời tiết có nhiệt độ dưới 10 0C thường bị chết rét, ít hoạt động, ký sinh trùng có điều kiện bám vào da, đục khoét dẫn đến tử vong, giảm năng suất vào vụ Đông khiến người nông dân chịu thiệt. Vì vậy, ông Long Vân đã tính toán, sáng tạo và xây dựng hệ thống chống giá rét mùa đông tạo ôxi cho vật nuôi, phù hợp với mỗi lần thời tiết thay đổi bất thường ở vùng đất có khí hậu khắc nghiệt như Cửa Lò. Vụ Đông năm 2007-2008, ông là người đầu tiên thực hiện đề tài “ Quy trình nuôi cá lóc đen cao sản trong điều kiện mùa đông ở Nghệ An” nhằm dàn trải thu hoạch và phục vụ nhân dân trong dịp tết Nguyên Đán.
Ban đầu, ông áp dụng lò sưởi trong ao nuôi, tủ bạt tỏa nhiệt như người Trung Quốc từng làm nhưng đợt không khí lạnh và rét đậm rét hại tràn về, cá bị chết 95%, thiệt hại ước tính 30 triệu đồng. 9 hộ nuôi trong vùng chán nản nhưng ông vẫn mạnh dạn thay đổi quy trình chống rét để nuôi tiếp. Ông dùng giếng khoan cộng với máy bơm lấy nước từ lòng đất sâu 6-10m cho vào một đầu ao xây, cuối ao mở van xả nước giá lạnh ra, tùy theo nhiệt độ mà áp dụng thời gian thích hợp, thường từ 20h-1h cho đến 7-8h sáng ngày sau. Đồng thời dùng thuốc kích thích ăn, tăng sức đề kháng cho vật nuôi bằng vitamin các loại, ướp 1-2h với tỷ lệ 1kg thuốc/200kg thức ăn. Cá nuôi phát triển bình thường, năng suất xấp xỉ chính vụ. Đến vụ Đông 2008 nhân rộng mô hình, toàn Hiệp hội cá lóc Nghệ An đã có 130 hộ gia đình nuôi cá lóc qua đông, áp dụng quy trình kỹ thuật trên diện tích nuôi hàng ngàn m 2, mật độ thả giống 60 con/m 2, đến nay các hộ vẫn nuôi và phát triển bình thường như vụ nuôi chính trong năm.
Xét về giá trị khoa học, đây là một công trình có tính mới và sáng tạo của “gừng già” Long Vân. Từ chỗ các tỉnh Bắc Trung Bộ chỉ nuôi được một vụ Hè Thu vì cá lóc đen gặp rét là chết, giờ Doanh nghiệp Long Vân đã nuôi thành công thêm vụ Đông Xuân, áp dụng từng bước tiến bộ khoa học công nghệ, mở ra quy trình nuôi cá lóc đen qua đông cho Nghệ An và các tỉnh Bắc miền Trung. Xét về giá trị kinh tế, nơi vùng đất khô cằn duyên hải Nghệ An, phần lớn trồng cây lấy củi, thu nhập chẳng là bao, với mô hình nuôi cá lóc đã khai thác giá trị 1m 2vùng đất vườn đạt từ 1-1,5 triệu đồng. Từ đây có thể nhân rộng mô hình ra toàn địa phương cũng như các tỉnh lân cận có cùng điều kiện địa lý, khí hậu, nâng cao giá trị cá lóc đen cũng như cải thiện đời sống người dân. Riêng trang trại của Doanh nghiệp Long Vân, theo tính toán, vụ nuôi năm nay, riêng 33.000 con cá, với tỷ lệ hao hụt 50%, sau nuôi, chỉ tính mức bình quân 1kg/con, ông cũng có trong tay khoảng 16,5 tấn cá thịt. Nếu bán được với mức giá 45.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí, tiền lương cho người lao động, ông cũng lãi khoảng 500 triệu đồng. Xét về giá trị xã hội: thực hiện mục tiêu tầm vĩ mô (sản xuất ra nhiều sản phẩm chất lượng cao cung cấp cho thị trường với giá thành hạ), năm 2008, ông đã đưa ra thị trường Nghệ An khoảng 400 tấn cá, hạ giá thành từ 60.000đ/kg năm 2007 xuống còn 45.000đ/kg năm 2008. Vụ Đông năm nay dự tính khối lượng tung ra thị trường nhiều hơn và giá thành sẽ hạ xuống thấp hơn, mở ra mũi kinh tế đất vườn, phù hợp với hoàn cảnh nông dân, giúp họ làm giàu chính đáng bằng sức của mình, góp phần xóa đói giảm nghèo, giảm gánh nặng cho xã hội. Năm 2008, mô hình nuôi cá lóc cao sản đã giải quyết được khoảng 400 lao động toàn tỉnh Nghệ An khi nông nhàn và những người bị thu hồi đất nông nghiệp. Mô hình không chỉ dừng lại ở vùng duyên hải Nghệ An mà đã lan tỏa đến các xã miền núi Tây Hiếu - Nghĩa Đàn, vùng đồng bằng Hưng Nguyên... Cứ tính theo mật độ tham quan trang trại và đăng ký gia nhập hiệp hội, ước tính năm 2009, mô hình nuôi cá lóc đen của ông Long Vân sẽ phát triển gấp 3 lần năm 2008 đến các tỉnh bạn như Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hải Phòng... Mô hình này được đông đảo bà con nông dân hưởng ứng và học tập.
Trăn trở hướng đi trong tương lai
Mô hình nuôi cá lóc ở Cửa Lò mới thực hiện nhưng phát triển rất nhanh, từ 2 hộ nuôi năm 2006, đến 2008 đã có 130 hộ, khó khăn lớn nhất là sản phẩm cá lóc vẫn đang được bán nhỏ lẻ, chưa tìm được đầu mối tiêu thụ lớn. Hiện cá đã đến kỳ xuất bán, là lúc cá ăn rất nhiều nhưng người chăn nuôi lại phải cho ăn cầm chừng. Nhiều hộ do không có vốn đầu tư tiếp nên cá đói ăn, gầy, một số chết dần. Vấn đề đáng nói là bà con đua nhau nuôi ồ ạt mà không tìm hiểu thị trường tiêu thụ, đến lúc cung - cầu lệch nhau lại đứng trước nguy cơ lỗ vốn. Đây không chỉ là trăn trở của riêng cá nhân ông Vân mà còn là nỗi lo ngại chung của bà con nuôi trồng thủy sản.
Với những tìm tòi, sáng tạo trong nuôi trồng như của Doanh nghiệp Long Vân, mô hình nuôi cá lóc ở Cửa Lò năm 2008 đã phát triển rất nhanh, nếu có thị trường tiêu thụ chẳng bao lâu bà con sẽ giàu. Tuy nhiên điều bất cập là ở Cửa Lò chưa có một cơ sở nào thu mua với số lượng lớn, cá lóc lại không cất đông được. Vì vậy, khâu tiêu thụ đang là bài toán khó chưa có lời giải phù hợp. Điều này rất cần sự quan tâm vào cuộc của các cơ quan, đoàn thể, các cấp chính quyền có chính sách hợp lý để hỗ trợ người dân trong sản xuất, tạo đầu ra cho sản phẩm, tìm hướng chế biến xuất khẩu để nâng cao chất lượng, giá trị con cá lóc đen, bảo vệ quyền lợi người sản xuất và người tiêu dùng, từ đó tôn vinh thành quả và phát huy sức sáng tạo của người dân trong sản xuất.
Với một đất nước nông nghiệp như Việt Nam thì ruộng đất vẫn là vấn đề cốt tử đối với nông dân, nhưng ngày nay tồn tại vấn đề bức xúc mang tính thời đại: người nông dân đi lên như thế nào từ ruộng đất quê mình? Vẫn vùng cát pha duyên hải, vẫn thiên nhiên khắc nghiệt, vẫn con bò đi trước chiếc cày chìa vôi, thực khó mà đi lên từ nghề nông thuần túy. Trong gần 20 năm thời kỳ đổi mới, bà con nông dân trăn trở làm nghề gì, trồng cây gì, nuôi con gì, chuyển dịch kinh tế nông nghiệp như thế nào? Cách làm sáng tạo của Doanh nghiệp Long Vân (Hiệp hội cá lóc Nghệ An) đã thực sự mở ra hướng đi mới tích cực, hiệu quả, phù hợp cho các hộ gia đình nông dân phát triển sản xuất ngay trên chính mảnh đất vườn khô cằn của gia đình mình.