GS.TS.NGND Lê Kim Truyền: Một đời và một nghề, với cả tấm lòng
Gặp GS.TS.NGND Lê Kim Truyền Truyền để bàn công việc, trao đổi về khoa học hay chuyện vui thì dễ, nhưng để viết về ông thì khó. Ông thường bảo: “Nói về mình rất ngại, mà thật ra cả cuộc đời dạy học của mình chỉ là làm theo lương tâm và trách nhiệm, ai cũng có thể làm được”. Còn tôi thì không nghĩ ai cũng có thể làm được như ông. Bởi vậỵ, ấn tượng đầu tiên của tôi về ông là một con người khiêm nhường, đôn hậu. Và, tôi đã gặp được con người ấy vào một chiều đầu mùa hạ, sau nhiều lần lỡ hẹn.
Căn phòng làm việc của ông ở trong khu cao học, trường Đại học Thuỷ lợi. Ông nguyên là Hiệu trưởng trường Đại học Thuỷ lợi, đã nghỉ công tác quản lý từ mấy năm nay nhưng nhà trường vẫn dành cho ông một phòng làm việc tiện lợi. Mặc dù đã hẹn trước nhưng lúc tôi đến ông vẫn đang say sưa hướng dẫn mấy học viên cao học, có vẻ như quên cuộc hẹn với tôi. Ông bảo tôi chờ ông độ dăm phút, nhưng rồi hai mươi phút, nửa tiếng sau tôi mới gặp được ông. Ông cười xoà, nói tôi thông cảm cho thày trò ông. Dẫu vậy, tôi không hề tự ái mà vẫn vui, chợt hiểu thêm một góc nhỏ trong con người giáo sư Truyền...
Quê ông ở làng Hổ Đàm, xã Thiệu Lý, huyện Thiệu Hoá (Thanh Hoá). Đó là một làng nhỏ bên dòng sông Chuthơ mộng, man mác điệu hò xứ Thanh. Thiệu Hoá quê ông là một vùng quê nghèo nhưng có bề dày truyền thống lịch sử văn hoá và cách mạng. Nhiều anh hùng hào kiệt, nhiều bậc khai quốc công thần, nhà yêu nước, nhà sử học như: Dương Đình Nghệ, Đinh Lễ, Nguyễn Quán Nho, Lê Văn Hưu, Lê Công Thanh .v.v. đều sinh ra từ quê hương của người Việt cổ này. Và cũng từ vùng quê núi Đọ, ông sinh ra và lớn lên theo dòng họ Lê Kim. Theo gia phả dòng họ Lê Kim để lại, cụ tổ là Lê Kim Thắng, tự là Phúc Bản phủ quân, theo nghiệp nhà binh dưới triều Lê, được bổ nhiệm đến chức Thiên Tổng tri, là một người yêu nước, có chí lớn.
Xuất thân từ một gia đình nông dân, Lê Kim Truyền may mắn có được một người mẹ hiền lành, tảo tần, hết mực thương chồng con và một người cha mẫu mực, có tư tưởng tiến bộ và chí tiến thủ từ rất sớm. Cả hai cụ đều được kết nạp vào Đảng từ trước năm 1950. Sống trong một gia đình nề nếp, có truyền thống hiếu học nên ngay từ nhỏ, Lê Kim Truyền đã có ý thức vượt khó vươn lên. Từ hồi học cấp 2, Lê Kim Truyền đã phải đi bộ hàng chục cây số mỗi ngày để đi học. Buổi sáng thường phải dậy từ 4 giờ. Đường đến trường gập ghềnh, qua đò sông Chu. Như bao đứa trẻ nông thôn khác, tuổi thơ của Lê Kim Truyền thật nhọc nhằn bên mái tranh nghèo nhưng đầy ắp những kỷ niệm mộng mơ dưới mái đình làng, bên hồ sen ngát hương, quấn quýt suốt một thời chăn trâu cắt cỏ. Buổi sáng đi học, chiều về ra hồ lấy rong bèo nuôi lợn, mò cua bắt ốc, đêm lại đi thả câu bắt cá giúp đỡ bố mẹ, nhưng Lê Kim Truyền vẫn học rất giỏi. Thời còn học phổ thông, năm nào Lê Kim Truyền cũng đạt học sinh giỏi. Ham học và học giỏi là thế nhưng cũng có lúc Lê Kim Truyền định rẽ ngang, bỏ dở học hành để đi làm. Ấy là năm vừa tốt nghiệp cấp 2, Lê Kim Truyền định không học tiếp lên cấp 3 nữa mà quay sang học nghề để đi làm sớm. Tôi hỏi vì sao lúc đó ông lại có ý định như vậy. GS Lê Kim Truyền rơm rớm nước mắt khiến tôi không khỏi xúc động. Ông bảo: “Lúc đó mình chỉ nghĩ đến mẹ, thương mẹ vô cùng. Bố thì đi công tác xa biền biệt, mình mẹ phải quằn lưng để nuôi 5 anh em ăn học nên mình muốn đi làm sớm để đỡ gánh nặng cho gia đình”. Nhưng được bố mẹ động viên, anh chị em xúm tay vào gánh vác, Lê Kim Truyền tiếp tục con đường học hành. Trường cấp 3 Thọ Xuân - “cái nôi” đầu đời của nhiều thế hệ các nhà khoa học, nhà giáo xứ Thanh, trong đó có GS.TS Lê Kim Truyền, đã mở đường cho ông đến với trường Đại học Thuỷ lợi mà sau này, suốt cả cuộc đời ông đã gắn bó sâu nặng, với niềm vui và cả nỗi ưu tư theo dòng đời nhà giáo.
Có một sự tình cờ đầy thú vị trong cuộc đời và sự nghiệp của GS.TS Lê Kim Truyền là năm ông học lớp 10 (hệ 10/10). Lúc đó quê ông vừa hoàn thành trạm thuỷ điện Bàn Thạch trên Hệ thống thuỷ nông sông Chudo Liên Xô giúp ta xây dựng. Một lần, nhà trường tổ chức đi tham quan thuỷ điện Bàn Thạch, ông thích quá, mê mải ngắm công trình không muốn về, cứ nằng nặc đòi ở lại với các chú công nhân vận hành nhà máy đến nỗi suýt bị lớp kỷ luật. Ước mơ trở thành kỹ sư thuỷ lợi - thuỷ điện đã nung nấu trong lòng Lê Kim Truyền từ đó, giúp ông có thêm sức mạnh vượt qua kỳ thi Đại học năm 1964, đỗ vào khoá 6 Đại học Thuỷ lợi một cách dễ dàng. Nhớ lại những ngày đầu vào trường, nhiều bạn bè của GS.TS Lê Kim Truyền vẫn còn nhớ mãi hình ảnh người bạn học xứ Thanh nhỏ bé (lúc đó ông chỉ nặng 37 kg), có giọng nói “ nghe vui tai” nhưng rất nhanh nhẹn, tận tình với mọi người. Năm năm dưới mái trường Đại học Thuỷ lợi, lúc học ở Hà Nội, lúc phải đi sơ tán lên tận Lục Nam (Bắc Giang), ăn sắn thay cơm, vui với núi rừng, muôn vàn gian khó nhưng chàng sinh viên Lê Kim Truyền đã vượt qua tất cả, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập của mình, được nhà trường giữ lại làm công tác giảng dạy tại Bộ môn thi công. Về trường từ giữa năm 1969, sau đó ông được Bộ Thuỷ lợi cũ huy động tăng cường cho Uỷ ban trị thuỷ sông Hồng đi quy hoạch thuỷ lợi vùng sông Mực, Yên Mỹ (Thanh Hoá). Chỉ sau gần một năm đi quy hoạch công trình thuỷ lợi, thày giáo trẻ Lê Kim Truyền đã nắm được nhiều vấn đề thực tiễn, bổ sung cho kiến thức đã học, tự tin bước lên bục giảng. Là một trong 6 sinh viên của K6 tốt nghiệp được về Bộ môn thi công giảng dạy từ đầu năm 1970, nhờ có lòng yêu nghề, ham học hỏi, chịu khó, Lê Kim Truyền sớm phát huy được tài năng, kiến thức của mình. Không phải ngẫu nhiên mà một giáo viên trẻ vừa ra trường chưa đầy 2 năm đã được nhà trường giao cho hướng dẫn tốt nghiệp cho 10 sinh viên khoá 8 ( khoá thi công đầu tiên của Đại học Thuỷ lợi). Trong 10 sinh viên đầu tiên do thày Lê Kim Truyền hướng dẫn tốt nghiệp ấy thì có hai người sau này trở thành PGS.TS – PGS.TS Bùi Văn Vịnh và PGS.TS Nguyễn Văn Huân. Tôi đã gặp nhiều người trong lớp sinh viên năm xưa ấy của thày giáo Lê Kim Truyền. Bao nhiêu năm qua. họ vẫn rất nhớ thầy Truyền với tất cả lòng kính trọng, biết ơn sâu sắc xen trong niềm cảm phục về đức độ, tài năng và nhiệt huyết của người thầy. Họ không bao giờ quên những ngày đói ăn, những đêm thiếu ngủ nhưng thày Lê Kim Truyền vẫn tận tình, say sưa hướng dẫn sinh viên làm đồ án tốt nghiệp, gần gũi với sinh viên như những người thân trong gia đình.
Gắn bó với mái trường Đại học Thuỷ lợi, GS.TS Lê Kim Truyền có thâm niên giảng dạy gần 40 năm. Ông tâm niệm: Đã đứng trên bục giảng thì phải hết lòng thương yêu sinh viên, làm hết trách nhiệm của người thày, làm tròn bổn phận của người đi trước với người đi sau. Và ông đã thực hiện trọn vẹn điều tâm niệm đó trong suốt quãng đời nhà giáo của mình. Từ năm 2005 đến nay, ông luôn có số giờ lên lớp vượt quy định từ 150% - 170%, hướng dẫn tốt nghiệp cho hơn 100 sinh viên, trong đó có 1 sinh viên đạt giải Loa Thành năm 2005. Ngoài ra, ông cũng hướng dẫn được 16 sinh viên nghiên cứu khoa học đạt giải cấp trường. Về đào tạo bậc sau đại học, trong những năm qua, GS.TS Lê Kim Truyền đã hướng dẫn được 6 nghiên cứu sinh và 18 học viên cao học.
GS Lê Kim Truyền (trái) và tác giả. |
Cùng với công tác đào tạo, Lê Kim Truyền cũng là người rất say mê nghiên cứu khoa học. Ông đã tham gia hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp cơ sở. Chỉ tính từ năm 2003 trở lại đây, ông đã chủ trì và tham gia nhiều đề tài có giá trị khoa học và tính thực tiễn cao như các đề tài: “ Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn điều hành cấp nước mùa cạn cho đồng bằng sông Hồng”, “ Nghiên cứu cơ sở thực tiễn quản lý tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông Ba”, “ Đánh giá thực trạng và lập bản đồ phân vùng hạn 5 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên”, “ Nghiên cứu xác định khẩu độ thoát lũ hợp lý của các công trình giao thông, thuỷ lợi trên Quốc lộ 1A thuộc lưu vực sông Thu Bồn”.v.v. Ngoài ra, ông cũng đã làm chủ nhiệm và tham gia nhiều dự án đầu tư phục vụ sản xuất như: Lập báo cáo cơ sở, thiết kế kỹ thuật Hồ Suối Mỡ (Bắc Giang); lập Dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật Hệ thống tiêu úng Cầu Khải; nâng cấp trạm bơm Bắc sông Mã; dự án đê kè Thiệu Hoá (Thanh Hoá).v.v. Đọc hàng loạt các đề tài khoa học, dự án mà ông đã thực hiện, tôi không thể hình dung ra sức làm việc bền bỉ, cần mẫn đến “phi thường” của ông. Tôi cứ nghĩ, nếu chỉ vì miếng cơm manh áo mà không có lòng say mê, tâm huyết với nghề, với đời thì làm sao có thể có được thành quả lao động sáng tạo lớn lao như thế!
Lần giở lại thời gian hơn ba mươi năm về trước, năm 1972, trong một đợt đưa Đoàn sinh viên 10T đi thực tập ở công trường Đồng Mô - Ngải Sơn, thày giáo trẻ Lê Kim Truyền đã cùng với thầy Hồ Sỹ Minh “liều mạng” nhận thực hiện trọn gói thiết kế, thi công một cống luồn qua kênh để ...lấy tiền liên hoan, được bên A và Ban chỉ huy công trường khen ngợi, đánh giá chất lượng và tiến độ tốt. Có lẽ lòng say mê nghiên cứu khoa học của Lê Kim Truyền bắt đầu từ đó. Sau “điểm mốc” ấy, vừa say mê giảng dạy, Lê Kim Truyền vừa tích cực tham gia thiết kế, thi công hàng loạt các công trình khác, được các chủ đầu tư và đồng nghiệp đánh giá cao như: Thiết kế và tổ chức thi công nổ mìn buồng đào móng tràn Núi Cốc; tư vấn thiết kế Hồ Chiến Thắng, đập Đa Đờn...
Nhiều năm làm công tác quản lý xây dựng cơ bản ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tôi càng hiểu hơn một Lê Kim Truyền từ những năm ông vừa đi Nghiên cứu sinh ở Nga về, rồi làm Trưởng Ban Quản lý công trình của Trường Đại học Thuỷ lợi. Những năm 90 của thế kỷ trước, cơ sở vật chất của Nhà trường còn rất khó khăn, nếu không nói là tồi tệ. Lê Kim truyền rất day dứt, rất khổ tâm về điều đó. Tôi nhớ có lần ông tâm sự với tôi: “Lúc này, mình băn khoăn nhất, cảm thấy day dứt nhất là điều kiện ăn ở, học tập của sinh viên. Mình muốn làm một điều gì đó để cải thiện, để thay đổi điều kiện sống và làm việc của sinh viên và cán bộ, giáo viên trong trường”. Niềm day dứt đó đã giúp ông có thêm quyết tâm cùng tập thể Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Nhà trường xây dựng, cải tạo hệ thống điện nước, nhà ở , quy hoạch khu giảng đường, ký túc xá sinh viên, khu giáo dục thể chất.v.v. Từ cuối năm 1994, GS.TS Lê Kim Truyền được bổ nhiệm chức Hiệu phó Trường Đại học Thuỷ lợi, đến năm 2000 ông được tín nhiều bầu làm Hiệu trưởng Nhà trường và giữ chức vụ đó cho đến năm 2005. Theo tôi biết, đó là quãng thời gian Trường Đại học Thuỷ lợi gặp rất nhiều khó khăn nhưng đã cố gắng vươn lên, tiếp tục bứt lên trên con đường đổi mới. Từ khi giữ chức vụ Phó hiệu trưởng Nhà trường, đặc biệt trong 5 năm làm Hiệu trưởng, Lê Kim Truyền càng nhận rõ trọng trách lớn lao của mình đối với việc xây dựng, phát triển của nhà trường. Ông có vai trò to lớn trong việc đề ra chủ trương và động viên, tập hợp lực lượng cán bộ, giáo viên thiết kế lại hệ thống ngành học, tổ chức lại quá trình đào tạo theo xu hướng mới phù hợp với yêu cầu chung và thực tiễn. Bản thân ông đã đề ra cải cách chương trình đào tạo từ 287-289 trình xuống 270 trình, được dư luận hoan nghênh. Ông cũng rất tâm huyết, thường xuyên chú trọng đến việc nâng cao chất lượng giáo trình, chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên. Là một trong những đơn vị đầu tiên nhận khoán lương theo Nghị định 10, thày Truyền là người góp công sức lớn trong việc cải thiện đời sống của cán bộ, giáo viên, đặc biệt đối với những người lương thấp. Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo xứ Thanh, ông càng hiểu hơn và cảm thông, quan tâm nhiều đến đời sống của sinh viên. Bây giờ, mỗi khi có dịp ghé thăm trường cũ, tôi không khỏi xúc động trước những cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, trước nếp nghĩ và cách làm mới của trường, trong lòng thầm cảm ơn các thế hệ lãnh đạo nhà trường, trong đó có thầy Lê Kim Truyền - người đã góp phần không nhỏ để đem lại gương mặt mới, gắn thương hiệu cho Đại học Thuỷ lợi.
Ghi nhận quá trình phấn đấu, thành tích, cống hiến của GS.TS Lê Kim Truyền đối với sự nghiệp giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ, trong những năm gần đây ông đã được Nhà nước phong Giáo sư (năm 2004), tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2004), phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (năm 2006); Thủ tướng Chính phủ công nhận danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc (năm 2005)...
Là một nhà giáo lâu năm, tâm huyết với nghề, với đời, mặc dù đã về hưu nhưng GS.TS Lê Kim Truyền vẫn say mê giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Ngoài việc tham gia giảng dạy, hướng dẫn tốt nghiệp cho sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh, ông vẫn dành thời gian tham gia nghiên cứu khoa học, tham gia tích cực trong Hội Thuỷ lợi Việt Nam, Hội Đập lớn Việt Nam. Ông bảo: “Tuy đã nghỉ hưu nhưng sức vẫn còn khoẻ, trí óc còn minh mẫn lắm. Hơn nữa, công việc, nghề nghiệp đã gắn chặt vào cuộc đời, đã ngấm vào máu rồi nên vẫn muốn làm việc”.