Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 29/12/2008 15:06 (GMT+7)

GS.TS Hoàng Xuân Sính: "Học không biết mỏi, dạy người không biết chán"

Hai mươi năm Đại học Thăng Long, cũng là hai mươi năm cuộc đời Hoàng Xuân Sính đam mê, không biết mỏi, đi cùng chặng đường gập ghềnh, gian khổ, xây dựng Đại học Thăng Long. Câu chuyện bà kể trước hàng nghìn sinh viên, giáo sư, giảng viên… hôm nay gắn với sự tìm tòi, đổi mới giáo dục đại học của đất nước ta. Đại học Thăng Long làm mô hình thí điểm cho những bước đổi mới đó.

Đại học Thăng Long ra đời ngày 15-12-1988- trải qua bồn giai đoạn gắn liền với sự ra đời của các Qui chế đại học dân lập và tư thục mà Nhà nước ban hành.

Giai đoạn 1988- 1994. Trường mang tên Trung tâm Đại học dân lập Thăng Long với sứ mạng quan trọng là thực hiện mô hình cho toàn quốc về đại học tự chủ tài chính. Chữ “dân lập” trường đề nghị, để tránh chữ “tư thục” do xã hội chưa chấp nhận. Chữ “Trung tâm” là một ước mơ, tương lai Thăng Long sẽ là một trung tâm những trường Đại học, nghĩa là có những trường con trong Đại học Thăng Long. Lúc này Nhà nước chưa có qui chế Đại học dân lập. Đại học Thăng Long vừa hoạt động, vừa suy nghĩ, đóng góp vào việc soạn thảo qui chế.

Giai đoạn 1994- 2000. Sau khi xác định mô hình thí điểm Trung tâm Đại học dân lập Thăng Long đạt hiệu quả, Nhà nước ban hành Qui chế tạm thời Đại học dân lập. Từ qui chế này, hàng loạt các trường đại học dân lập đã ra đời trong cả nước. Đại học Thăng Long chính thức mang tên Trường Đại học dân lập Thăng Long.

Giai đoạn 2000 -2007. Đại học Thăng Long cùng một số các trường Đại học dân lập khác, tạo mô hình bền vững, để Nhà nước chính thức ban hành Qui chế trường Đại học dân lập. Qui chế này không khác lắm so với qui chế tạm thời.

Giai đoạn 2007 đến nay. Nhà nước ban hành Qui chế Trường Đại học tư thục. Ngày 31-12- 2007, Đại học Thăng Long là trường “Đại học tư thục” đầu tiên theo chế độ “không vì mục tiêu chia lợi nhuận”. Mục tiêu này được kiểm toán và thuế xác định thường xuyên.

GS Hoàng Xuân Sính nhấn mạnh: “ Sau 20 năm hoạt động, Thăng Long đã hiểu sâu sắc rằng tổ chức của một trường Đại học ngoài công lập có vững mạnh hay không, phụ thuộc rất nhiều vào qui chế. Qui chế có thể giúp trường cất cánh bay hay đưa trường đi tới đóng cửa.”

Hai mươi năm. Đại học Thăng Long trung thành với sứ mạng đề ra ban đầu là hoạt động trên nguyên tắc không vì lợi nhuận, tạo môi trường giáo dục lành mạnh, tôn trọng tính trung thực, tình yêu thương và tinh thần hợp tác. Đào tạo sinh viên ở bậc đại học và sau đại học với chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu nhân lực có tri thức của xã hội, tiếp cận với giáo dục tiến bộ toàn cầu. Triển khai nghiên cứu khoa học trong trường, tạo một đội ngũ nghiên cứu khoa học để giảng dạy tốt. Xây dựng trường thành một Trung tâm văn hóa, khoa học và công nghệ…

Đại học Thăng Long, năm 1988, từ Khoa Toán- Tin chỉ có một lớp với 85 sinh viên, nay đã có các ngành đào tạo: Khoa Toán- Tin: Toán- Tin ứng dụng, Khoa học máy tính, Mạng máy tính và viễn thông, Hệ thống thông tin quản lý… Khoa quản lý: Kế toán, Tài chính- Ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Quản lý bệnh viện… Khoa Ngoại ngữ: Tiếng Anh, Tiếng Nhật, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Ý… Khoa xã hội và Nhân văn: Công tác xã hội, Việt Nam học. Khoa Điều dưỡng. Khoa khoa học sức khỏe: Y tế cộng đồng… với khoảng 7000 sinh viên theo học.

GS.TS Hoàng Xuân Sính trong giờ dạy toán tại trường ĐH Thăng Long năm 1988
GS.TS Hoàng Xuân Sính trong giờ dạy toán tại trường ĐH Thăng Long năm 1988
Đại học Thăng Long không chạy theo số lượng đầu vào. Chú trọng rèn sinh viên học để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Hệ thống tín chỉ giúp sinh viên có thể tận dụng thời gian học để ratrường trước thời hạn, hoặc kéo dài nếu gặp khó khăn. Bạn Đoàn Tiến Đạt (Tài chính- Ngân hàng khóa 18) đoạt hai bằng loại giỏi trong hai năm- “siêu nhân” hiện đã đi làm. Tín chỉ còn giúp sinh viên tựchọn chương trình học hợp khả năng, sở thích. Theo số liệu điều tra sinh viên có việc làm trong ba tháng ra trường là 92,7%, riêng Tin học là 95%. Hội Cựu sinh viên Thăng Long hằng năm đến ngày 15-12về trường tặng học bổng bằng tiền riêng của mình cho đàn em đang học và giúp tạo việc làm… Giám đốc Tài chính công ty CP Dược phẩm UPI, Triệu Đức Hạnh (Toán-  Tin khóa 5) nói: “Trường hay,trường giỏi là nhìn vào sinh viên ra trường”.

Hai mươi năm Đại học Thăng Long. Nhiều sinh viên thành đạt trong đời, người ở lại trường tiếp tục giảng dạy và học thạc sĩ, tiến sĩ, người du học: Pháp, Anh, Mỹ, Úc… Họ tự hào biết ơn Đại học Thăng Long, nhớ từng thầy, cô đã hết lòng dạy và yêu mến, tôn trọng sinh viên, cho họ được tự chủ, sáng tạo, được nhận xét thầy cô, đặc biệt là không ai mua bằng, bán điểm...

Sinh viên Thăng Long luôn được dạy cách làm người trung thực. Giám đốc Công ty Giải pháp phần mềm SSE Trần Duy Tăng (Toán- Tin khóa 10) không quên một lần thi quay cóp bị phạt thẻ vàng, cô Hoàng Xuân Sính gọi lên phòng chia sẻ: “ Mình có sao làm thế, có sao nói thế. Nếu đã một lần nói dối thì sẽ có những lần tiếp theo và cứ thế, mình sẽ sống trong dối trá”. Lời khuyên của cô Sính “Để thành người thì mình không nên trí trá” đã theo Tăng trong đời, giúp anh trở thành người “sống thật” và trưởng thành…

Nhờ giữ đúng mục tiêu “Không vì chia lợi nhuận” Đại học Thăng Long đã chiếm được niềm tin của Nhà nước, nhân dân và các trường đại học nước ngoài. Năm 1990, trường Đại học Quản lý Paris, Đại học Toulouse 1 nổi tiếng về Kinh tế, Đại học Nice nổi tiếng về Tin học, Đại học Sophia, Antipolis… đã đến Đại học Thăng Long, chia sẻ kinh nghiệm, tri thức, máy tính, học bổng cho thầy và trò… Tiến sĩ Toán học Phan Huy Phú, hiện là hiệu trưởng Đại học Thăng Long được nhận học bổng của Đại học Quản lý Paris . Thầy Phú đam mê Toán, vừa làm hiệu trưởng, vừa dạy Toán. Sinh viên kêu Toán rất khó mà vẫn say mê học vì kính trọng thầy, và hiểu giá trị của Toán học sẽ đem lại trí tuệ cho mình và sự phồn vinh cho đất nước…

Giờ lên lớp của sinh viên Thăng Long
Giờ lên lớp của sinh viên Thăng Long
Hai mươi năm, Hoàng Xuân Sính tụ hội được các nhà Toán học, giáo sư, giảng viên, cộng sự… tâm huyết cùng bà mở Đại học Thăng Long bởi chính bà là một tấm gương, một ngọn nến tỏa sáng tưtưởng, tri thức và tình yêu cho giống nòi, từ những nền giáo dục mà bà đã được thụ hưởng: gia đình, Thăng Long- Hà Nội và nước Pháp…

Năm 1959. Hoàng Xuân Sính đỗ thạc sĩ Toán tại Pháp. Cô nữ sinh Hà Nội duyên dáng, giỏi giang, khiến người Pháp kính nể, không mơ cuộc sống giàu sang, đã chọn con đường trở về Tổ quốc. Sau nhiều đêm day dứt, cặp vợ chồng trẻ chia hai ngả. Hoàng Xuân Sính ôm con trai vàng ngọc rời Paris hoa lệ về Hà Nội. Nơi bà đã sinh ra trong một gia đình danh sĩ tại làng Cót –Từ Liêm- Hà Nội. Nơi số nhà 102- Hàng Bông, cha mẹ bà đã mở xưởng dệt mang tên Tấn Thanh. Cụ thân sinh Hoàng Thúc Tấn là một trong năm người khởi xướng, tài trợ cho tờ Thanh Nghị (1941- 1945) tiếng nói của giới trí thức Hà Thành.

Hoàng Xuân Sính say mê dạy Toán và nghiên cứu Toán tại Đại học Sư phạm Hà Nội. Những năm bảy mươi của thế kỷ XX, Hoàng Xuân Sính bảo vệ luận án tiến sĩ Toán trước hội đồng khoa học thế giới tại Pháp, trở thành nữ giáo sư- tiến sĩ Toán học đầu tiên của Việt Nam. Không biết bao nhiêu đêm bà mất ngủ, dưới mái nhà tranh leo lét ánh đèn dầu, xa xa tiếng bom Mỹ bắn phá miền Bắc, để nghiên cứu công trình tiến sĩ Toán. Hoàng Xuân Sính- nhà giáo dục, nhà Toán học nữ “Học không biết mỏi, dạy người không biết chán” (Khổng Tử).

Cả cuộc đời hiến dâng cho Toán học, bà ước mơ: “Tôi muốn góp phần đào tạo một lớp nhà Toán học trẻ ở đất nước tôi. Chúng tôi muốn xây dựng một hệ thống Toán học ở trình độ cao, hoàn chỉnh ngay ở trong nước” (Tinh hoa Hà Nội- NXB Văn hóa Thông Tin- 2006- trang 159). Nay tuổi bảy mươi, thông thái và nhanh nhẹn, Hoàng Xuân Sính miệt mài ngày đêm cùng Toán học. Bà tán đồng nhận xét của Thomas. Friedman trong cuốn Thế giới phẳng của ông: “Giáo dục mang lại sự phồn vinh giàu có cho một quốc gia, nếu sản sinh ra nhiều kỹ sư, nhà khoa học và toán học”. Đại học Thăng Long là nơi bà truyền tình yêu Toán học đến giới trẻ. Trên một tảng đá lớn hình ngọn lửa, đặt trong khuôn viên Đại học Thăng Long mới xây hiện đại, tràn ánh sáng, có dòng chữ khiêm tốn và cảm động: “20 năm vượt muôn vàn khó khăn, gian khổ, chúng tôi, một số nhà Toán học thuở ban đầu, cùng cộng đồng nhà trường và một đội ngũ kỹ sư đã xây dựng nên ngôi trường mang tên Đại học Thăng Long. Cầu mong nơi đây sẽ sản sinh ra những nhân tài cho sự phồn vinh, hạnh phúc của đất nước”.

Khánh thành ngôi trường Đại học Thăng Long nơi cánh đồng Đại Kim thênh thang gió. Ngài Anfred Mahavy nguyên hiệu trưởng Học viện Quản lý Paris (ISG) thuở ban đầu ấy, đã bay sang Hà Nội, xúc động nói chuyện với thầy, trò Thăng Long: “Tôi xem phóng sự về Hoàng Xuân Sính đam mê lập trường Đại học dân lập Thăng Long trên kênh 6 truyền hình Pháp. Nhờ phóng sự này tôi đến Việt Nam . Tháng 3-1990, qua Đại sứ quán Pháp, tôi gặp cô Sính; cô nói: “Ông không nên gặp tôi làm gì. Người nước ngoài đến với tôi nhiều. Họ đã nói rất nhiều và không làm gì cả”. Tôi muốn chứng minh rằng tôi đã làm. Tôi giúp cô Sính lập Khoa Quản lý, cấp học bổng… Chúng tôi giữ liên lạc trong tình bạn mãi mãi. Hai mươi năm thật ấn tượng. Tôi ngưỡng mộ sự nỗ lực, đóng góp của cô Sính và của đội ngũ giáo sư, giảng viên, sinh viên Thăng Long. Đó là một sự nghiệp thật vĩ đại”.

Hoàng Xuân Sính không muốn ai nhắc tên của bà cùng với Đại học Thăng Long. Bà muốn tri ân tất cả những ai đã tham gia vào chặng đường 20 năm của Đại học Thăng Long dù ít hay nhiều. Song sự nghiệp nào cũng phải có người khởi xướng và giữ lửa, truyền ánh sáng.

Thăng Long- Hà Nội nghìn tuổi, có Đại học tư thục Thăng Long- không vì chia lợi nhuận, là mơ ước của Phan Bội Châu và các sĩ phu đầu thế kỷ XX. Phan Chu Trinh- Phan Bội Châu đã sang Nhật Bản học Khánh Ứng Nghĩa Thục- đại học tư thục đầu tiên, do học giả uyên bác thời Minh Trị là Fukuzawa Ykichi (1835-1901) lập 1868. “Nghĩa thục” là “public school” của người Anh, mang ý nghĩa tự cường, độc lập, sáng tạo, óc tháo vát, lòng tự nguyện đóng góp vào các việc công ích, góp phần làm cho sự nghiệp Duy Tân, học tập phương Tây của Nhật Bản thành công, rạng danh nước Nhật. Đầu 1905, các cụ mở trường Đông Kinh Nghĩa Thục tại Hà Nội, được chín tháng, bị thực dân Pháp đóng cửa. Cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, Đại học Thăng Long chắp cánh ước mơ của Thăng Long- Hà Nội. Mọi hy vọng hãy đến với tất cả những ai học tập, giảng dạy, nghiên cứu tại đây.

Xem Thêm

Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.
Phú Yên: Những nữ trí thức góp phần cải thiện đời sống người dân
Trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển của khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nữ trí thức không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo, nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra những ứng dụng thực tiễn giúp cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế.
Tấm gương sáng trong nghiên cứu và bảo tồn di sản lịch sử
Ông sinh năm1948 tại Phường Hồng Hà, thị Yên Bái, là nhà khoa học tâm huyết, là tấm gương sáng về lòng kiên trì, sự đam mê nhiên cứu và cống hiến hết mình cho sử học của tỉnh Yên Bái. Những đóng góp của Nguyễn Văn Quang đối với ngành sử học đã để lại những dấu ấn sâu sắc và có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn di sản lịch sử địa phương nơi có nhiều di tích lịch sử và văn hóa dân tộc vùng cao.

Tin mới

Phú Thọ: Đề xuất xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
Sáng 26/11, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội thảo “Nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đề xuất khâu đột phá và một số nhiệm vụ trọng tâm phục vụ xây dựng dự thảo Văn kiện ĐH Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030” đối với đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà KH thuộc các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Bộ TT&TT làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết việc thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTG
Chiều ngày 27/11, tại trụ sở LHHVN, Đoàn công tác của Bộ TT&TT đã có buổi làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết Quyết định số 362/QĐ-TTG ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương và Phó Chủ tịch LHHVN Phạm Ngọc Linh chủ trì buổi làm việc.
Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Phú Yên: Giải thể 03 tổ chức Hội thành viên
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành các Quyết định số 1471, 1472, 1473/ QĐ-UBND về việc giải thể 03 tổ chức Hội là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú gồm: Hội Kế hoạch hoá gia đình, Hội Phụ sản và Hội Y tế thôn bản. Đây là các Hội không còn hoạt động liên tục mười hai tháng theo quy định.
Cụm thi đua số 3 tổng kết công tác năm 2024
Ngày 22/11, tại thị xã Sa Pa, Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024, triển khai phương hướng nghiệm vụ năm 2025 của Cụm thi đua số 3 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai làm cụm trưởng đã được tổ chức.