GS.TS Đặng Thị Kim Chi - Nhà khoa học của làng nghề
Những bước chân bền bỉ
GS.TS Đặng Thị Kim Chi sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học,cha của bà là GS Đặng Vũ Hỷ - một trong những nhà khoa học đầu tiên của Việt Nam được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ (năm 1996).Ngay từ hồi nhỏ, Kim Chi đã được giáo dục tinh thần ham học, yêu sách vở và trong mọi việc đều phải kiên nhẫn, bền bỉ, phải luôn “đi bằng đôi chân của mình”. Năm 1971, Kim Chi tốt nghiệp Khoa Hoá - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội với tấm bằng loại ưu và được giữ lại làm giảng viên, sau đó được cử sang Cộng hoà Dân chủ Đức làm nghiên cứu sinh về chuyên ngành kỹ thuật bảo vệ môi trường. Năm 1983, sau khi về nước, TS Đặng Thị Kim Chi cùng 5 người khác, tạo thành một nhóm chuyên gia về kỹ thuật bảo vệ môi trường đầu tiên của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Trong gần 40 năm làm công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, GS.TS Đặng Thị Kim Chi- nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ, Môi trường, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã làm chủ nhiệm và tham gia 35 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, công bố 61 bài báo khoa học, đồng tác giả của 1 bằng sáng chế (về “Quy trình điều chế chất xúc tác spinel nikel nhôm, sản phẩm xúc tác spinel nikel nhôm sử dụng cho phản ứng khử chọn lọc xúc tác đối với khí NO trong khí thải”). Bà cũng là tác giả và đồng tác giả của nhiều cuốn sách như: “Việt Nam - Môi trường và cuộc sống”, “Giáo trình kinh tế chất thải”, chủ biên cuốn “Làng nghề Việt Nam và Môi trường” “Hoá học môi trường”… |
Vào thời điểm đó, đất nước còn khó khăn về kinh tế, vấn đề môi trường chưa được chú trọng, nhưng chị vẫn quyết tâm đi theo con đường đã chọn vì chị biết rằng, đất nước sẽ rất cần những nhà khoa học, những kỹ sư bảo vệ môi trường khi bước vào thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Năm 1989, Bộ môn Kỹ thuật môi trường (Trường Đại học Bách khoa) được thành lập, tại đây, cùng các đồng nghiệp,giảng viên Kim Chiđã đào tạo cho tới nay hàng trăm kỹ sư kỹ thuật môi trường cho Việt Nam . Chính sự chuẩn bị khá sớm này đã giúp Việt Nam có đội ngũ cán bộ kỹ thuật môi trường được trang bị kiến thức tốt, kịp thời tham gia giải quyết những vấn đề nóng về môi trường khi đất nước bước vào giai đoạn “bùng nổ” kinh tế. Nhắc đến các học trò, GS Chi rất vui, bà thổ lộ: Đó là “những công trình” mà tôi rất tự hào.
Ngoài việc giảng dạy, GS Chi đặc biệt quan tâm tới việc giải quyết các vấn đề về môi trường phục vụ đời sống, sản xuất của người dân. Nghe tin ở đâu có vấn đề bức xúc về môi trường là bà có mặt. Ví dụ, trong chuyến công tác tại Thái Nguyên, khi nghe người dân than thở là gần đây trồng cây gì cũng chết, nguồn nước sinh hoạt có mùi lạ, lập tức bà tìm về tận nơi, lấy mẫu phân tích. Sau khi có kết quả, bà đã thông báo cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh biết để kịp đưa ra phương án giải quyết.
Nhà khoa học của làng nghề
GS.TS Đặng Thị Kim Chi (thứ hai từ trái sang) tham gia giao lưu với các nhà khoa học. |
Một trong những hướng nghiên cứu trọng tâm của GS.TS Đặng Thị Kim Chi là môi trường làng nghề. Bà tâm sự: Càng đi nhiều, càng thấy nước mình có đặc điểm là rất nhiều làng nghề, nhưng sự ô nhiễm trong quá trình sản xuất đang làm mất dần đi vẻ đẹp của nhiều làng quê, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khoẻ của nhân dân.
Một trong những đề tài nghiên cứu mà GS Đặng Thị Kim Chi tâm huyết là đề tài mang mã số KC.09.08: “ Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng các chính sách và biện pháp giải quyết vấn đề môi trường ở làng nghề Việt Nam ” do bà làm chủ nhiệm. Đánh giá về tính sáng tạo và ý nghĩa của đề tài, các nhà khoa học đã nhận định: Đề tài đã mở ra hướng nghiên cứu mới về môi trường ở Việt Nam . Đó là nghiên cứu, cải thiện môi trường tại các cụm công nghiệp vừa và nhỏ nằm trong vùng nông thôn với đặc điểm riêng về truyền thống văn hoá, xã hội tồn tại ở quy mô làng, xã còn gắn với sản xuất nông nghiệp và hệ tư tưởng của người nông dân. Đây sẽ là cơ sở cho việc nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp bảo vệ môi trường cho những cơ sở sản xuất vừa và nhỏ, phù hợp với đặc điểm và điều kiện xã hội của Việt Nam .
Từ kết quả của đề tài, vấn đề môi trường làng nghề đã được quan tâm hơn trước rất nhiều. Gần đây, Đề án bảo vệ môi trường làng nghề của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong Chiến lược bảo vệ môi trường đến năm 2020, Đề án kiểm soát ô nhiễm môi trường làng nghề của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường)… đều tham khảo, sử dụng kết quả của đề tài hoặc trực tiếp mời các nhà khoa học của đề tài tham gia. Đặc biệt, đề tài đã đưa ra các mô hình cải thiện môi trường có thể áp dụng cho 4 loại làng nghề phổ biến ở Việt Nam là tái chế giấy, chế biến gỗ, sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ và chế biến lương thực, thực phẩm. Những mô hình này đã được phổ biến cho bà con ở một số làng nghề, giúp giảm tiêu thụ nguyên, nhiên liệu và xử lý chất thải ô nhiễm, góp phần bảo vệ môi trường và sức khoẻ cộng đồng.
GS Chi cho biết, đặc thù của khoa học môi trường là khoa học liên ngành. Mỗi công trình, đề tài nghiên cứu liên quan đến môi trường đều rất cần sự tham gia của nhiều nhà khoa học ở các chuyên ngành khác nhau như: Sinh học, hoá học, địa chất, địa lý, xây dựng… Do đó, người làm môi trường, ngoài việc tự trau dồi, bổ sung kiến thức còn phải có trình độ quản lý tốt. Trong công việc, phải biết kết hợp hài hoà tinh thần làm việc theo nhóm của phương Tây và sự quan tâm, tình nghĩa của người Á Đông. Đề tài KC.08.09 đã được GS Chi vận dụng hài hoá bí quyết này và đã mang lại thành công. Đề tài đã được Bộ Khoa học và Công nghệ tặng Bằng khen “ Đề tài đạt kết quả nổi bật trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ giai đoạn 2001-2005”. Và trên hết là những kết quả của đề tài vẫn tiếp tục lan toả trong cuộc sống.
Năm nay đã 60 tuổi, song GS Chi vẫn bận rộn với công việc. Bà cho biết: “Môi trường làng nghề còn rất nhiều việc cần các nhà khoa học, công nghệ quan tâm, tham gia giải quyết. Cần phải có ngày càng nhiều các công nghệ ít chất thải áp dụng vào làng nghề nhưng các công nghệ này phải đáp ứng các tiêu chí đặc biệt và phải dung hoà được nhiều vấn đề có tính mâu thuẫn là: Tốt, rẻ, vận hành đơn giản, mang lại hiệu quả kinh tế…”. Hy vọng rằng, với những trăn trở đầy tâm huyết và nhiệt tình của mình, GS.TS Đặng Thị Kim Chi sẽ có nhiều đóng góp hơn nữa cho sự nghiệp bảo vệ môi trường của đất nước nói chung và tại các làng nghề nói riêng.