Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 11/06/2010 19:08 (GMT+7)

GS-VS Vũ Tuyên Hoàng: Gieo hạt trên cánh đồng vàng

Sinh ra trong một gia đình trí thức Hà Thành, thân phụ là nhà văn hóa Vũ Ngọc Phan, mẹ là nhà thơ Hằng Phương nổi tiếng, nhưng những năm du học, Vũ Tuyên Hoàng lại học ngành Di truyền chọn giống cây lương thực, bởi sớm tìm được niềm vui làm việc hữu ích cho đời. Ông tâm sự với GS.VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam: “Cả nhà đều làm các nghề ở “trên trời”- làm nhà văn, làm nhà thơ và làm họa sĩ, còn mình lại làm nghề “chân đất”, gắn bó với ruộng đồng là sở thích của mình.

Khó có thể tưởng tượng được đôi chân thanh mảnh hào hoa của chàng trai Hà Thành đã lội xuống những cánh đồng lúa nước, một nắng hai sương. Tình yêu lúa, yêu người đã nâng bước chân Vũ Tuyên Hoàng lội đất bùn qua những tháng năm, giữa những “ Cơn mưa trào giọt lệ” (thơ Vũ Tuyên Hoàng). Ông sang Liên Xô mê mải nghiên cứu khoa học về giống, cây trồng, bảo vệ luận án Tiến sĩ, và sau này được phong Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Nông nghiệp Liên bang Nga, và Viện Hàn lâm khoa học các nước thuộc thế giới thứ ba…Ông từng giữ nhiều chức vụ: Viện trưởng Viện cây lương thực, Thứ trưởng bộ Nông nghiệp nông thôn, Đại biểu Quốc Hội… để rồi, ông sống hết mình với cái nghề “chân đất” mà ông đắm say dâng hiến suốt đời.

Ông hướng dẫn tỉ mỉ bà con nông dân cách chăm bón cây trồng

Những năm 60 của thế kỷ trước, Vũ Tuyên Hoàng đã cho ra đời hàng loạt các giống lúa Đông- Xuân chịu rét, sau đó là các giống lúa chịu úng, vàâu yếm gọi tên chúng là: U16, U17… các giống lúa chịu hạn như CH5, CH133. Và những năm gần đây, Vũ Tuyên Hoàng vẫn nâng niu hạt lúa, sản sinh ra các giống lúa có hàm lượng Prôtein cao như: P4, P6.Trong đó giống P6 hiện đang được gieo trồng hàng vạn ha ở đồng bằng sông Hồng và các tỉnh miền Trung. Giống lúa này không chỉ có chất lượng dinh dưỡng cao mà còn cho cơm dẻo, hương vị đậm đà, đangđược những đồng nghiệp và các thế hệ đi sau tiếp tục nhân rộng trong sản xuất. 

Dân gian ngàn đời nhắc nhau: “Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần”. Hôm nay, những đồng nghiệp và học trò của Vũ Tuyên Hoàng nâng bát cơm thơm mùi vị đậm đà của giống P6, lại rưng rưng nhớ thương ông, người gieo hạt trên cánh đồng vàng. Và trong tiết Xuân mưa phùn gió bấc thấm lạnh tim gan, những cây lúa xanh mượt thì con gái rì rào hát thánh ca, tạ ơn Vũ Tuyên Hoàng đã chuyền sức sống ấm nóng cho giống lúa Đông- Xuân đủ sức vượt lên gió rét, mưa hàn, sương giá…

Không chỉ đem lại cho những cánh đồng, cho người nông dân và cho đời những giống lúa mới, GS.VS Vũ Tuyên Hoàng, nhà khoa học tài ba, giàu sáng tạo, còn đưa ra các ý tưởng và các sản phẩm mới về cây trồng, vật nuôi. Theo GS. VS Trần Đình Long giả thuyết về hai nhóm gen quyết định đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng, làm cơ sở cho ngành Di truyền học và tạo giống cây trồng của Vũ Tuyên Hoàng, không chỉ có ý nghĩa đối với nước ta mà nhiều nhà khoa học trên thế giới đã ứng dụng thành công trong sự nghiệp của họ. Giống táo Má Đào do Vũ Tuyên Hoàng tạo ra vừa có mẫu mã đẹp, vừa có chất lượng cao hơn giống táo Thiện Phiến nổi tiếng của vùng Gia Lộc. Vũ Tuyên Hoàng cũng là người đầu tiên đưa khái niệm trồng khoai tây bằng hạt vào Việt Nam . Một nghiên cứu khác ít ai biết, trên cơ sở lý thuyết đồng dạng, ông đã tạo ra giống Vịt Anh Đào được bà con nông dân đánh giá cao…

PGS. TS Nguyễn Trí Hoàn, Viện trưởng Viện Cây lương thực và thực phẩm, ngưỡng mộ GS.VS Vũ Tuyên Hoàng có tầm nhìn xa: “Khi ở Viện, ngay sau khi giải phóng miền Nam, anh đã thành lập một trung tâm nghiên cứu rau và hoa ở Đà Lạt, một trung tâm nghiên cứu lúa ở đồng bằng sông Cửu Long. Những năm 1980, anh đã nghiên cứu các giống cây đặc sản, góp phần bảo tồn nguồn gen, chọn tạo nhiều giống lúa thâm canh, góp phần giải quyết vấn đề lương thực… Trong tám năm làm chủ tịch Liên hiệp Hội khoa học Việt Nam , anh vẫn đau đáu quan tâm đến các đề tài nghiên cứu của Viện”.

Nỗi niềm đau đau về hạt lúa hay chính là tình yêu thương lớn, lo đến sự đói, no, ấm, lạnh của con người, được thăng hoa trong các công trình nghiên cứu khoa học của Vũ Tuyên Hoàng thành cơm thơm, quả ngọt. Nó còn thăng hoa trong thế giới tinh thần cao cả của Vũ Tuyên Hoàng qua họa và thơ. Đôi bàn tay ông nâng hạt lúa, hồn ông ru hạt lúa bằng nhịp điệu thơ ca, và sắc màu hội họa. GS.VS Trần Đình Long viết: “Anh không chỉ là một nhà khoa học tài ba, uyên bác, mà còn là một con người trong sáng, chân tình, vui vẻ, dí dỏm, hòa nhã, bình dị và thanh tao biết nhường nào. Anh là nhà thơ tâm huyết, là họa sĩ của cuộc đời. Mơ ước lớn nhất của cả đời Anh là tạo nên những cánh đồng vàng- cánh đồng lúa nặng trĩu bông vàng- mầu vàng của ấm no, mầu vàng của chính cái tên của Anh: GS.Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng.”

Còn tôi, người viết bài này, đôi ba lần được gặp ông trong dáng vẻ hào hoa, phong nhã, lặng lẽ, khiêm nhường. Ông đến với những người dân lao khổ đang tập Dưỡng sinh Tâm thể cùng má Hai Hương. Ông quên bản thân mình để khích lệ phương pháp Dưỡng sinh tâm thể của má Hai Hương với sự nhạy cảm nặng tình  người. Bởi thế, tôi muốn đọc thơ ông. Bất ngờ trong mùa xuân tưởng niệm Vũ Tuyên Hoàng vào cõi vô hình một năm tròn, ngọn gió Long Thành đã đặt vào tay tôi tờ tạp chí có in bài thơ hạt lúa của ông và những hồi ức của bạn bè về bước chân ông lội xuống bùn đất Việt Nam. Tôi kính trọng ông gấp nhiều lần khi biết ông đã yêu hạt lúa đến tận cùng sự sống của mình. Và tôi gọi ông là “Người gieo giống trên đồng vắng” trong Kinh Thánh.

 Bài thơ Hạt lúacủa ông là hành khúc cuộc đời người dân Việt từ thủa hồng hoang đến mãi mãi mai sau: “Những hạt lúa giữa lòng tay tôi/ giống hạt bầu, giống hạt dài/ Vỏ làm ánh nắng/ Hạt gạo trắng làm cái nôi/ Nôi ru em bé ngủ/ Nôi ấm cho mọi người/ Vì hạt lúa đêm khuya thao thức/ Tôi đi theo trọn đời.

Ôi những hạt lúa vàng/ trăm ngàn bé nhỏ/ những giọt mồ hôi/ những giọt nước mắt/ long lanh như sương/ Sương điểm tóc ai đi trên đường/ Bạc đầu bao thế hệ.

Chọn giống trên cánh đồng vui thế/ Chim gọi nhau phơi phới chiều nay/ Ruộng gặt xong đã sớm đường cày/ Ngày mai lại tiếp tục những mùa gieo hạt/ Lúa sẽ nổi sóng đồng dào dạt/ Mùa trổ bông hoa thắm ru nôi.”

Giờ đây, GS.VS Vũ Tuyên Hoàng đang bay cùng mây thắm trời xanh. Linh hồn ông yêu thương hạt lúa mà trở lại, nhắc chúng ta đừng quên hạt lúa. Nòi giống Việt Nam muôn đời sinh tồn nhờ hạt lúa. Người Việt Nam hôm nay, có ai quên hạt lúa không? Không ai quên.Nhìn những cánh đồng lúa xanh màu lá mạ, mượt mà, bình yên, hẹn mùa vàng ấm no, đang bị vùi lấp trước sự vần xoay chóng mặt của nguy cơ phá hoại môi trường mà lòng chúng ta quặn đau xa xót, muốn kêu một tiếng gọi Đất- Trời.

Mỗi chúng ta sinh ra trên đất Việt Nam này đều là hạt lúa. Hãy tỉnh thức trở lại! Cả dân tộc đồng lòng, quyết chí, cùng nhau gieo hạt lúa, làm nên những cánh đồng vàng. Đó chính là sự bình đẳng, ấm no, tự do, hòa bình, bác ái. Không cần tìm kiếm hạnh phúc ở đâu xa.

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.