Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Chủ nhật, 04/01/2009 21:23 (GMT+7)

GS Võ Tòng Xuân: Thao thức với "các mũi giáp công"

Nghỉ hưu nhưng ông vẫn không ngừng thao thức trên con đường khoa học vạn dặm gắn bó với nông thôn nước nhà.

"Anh Ba Xuân" 

Mười năm đầu sau ngày giải phóng (1975), nông dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích gọi giáo sư Võ Tòng Xuân là “anh Ba Xuân”.

Tôi nhớ một ngày cuối năm 1985, trong căn phòng làm việc chật chội ở Đại học Cần Thơ, anh Ba Xuân nói: “Anh nghĩ coi, người nông dân mình ở đây, hễ trời sụp tối là phủi sơ hai bàn chân khô sình đất, leo lên giường. 

Trong lúc đó, ở các nước tiên tiến, người nông dân họ đi giày trong nhà, ngồi trước tivi, lò sưởi hoặc đi câu lạc bộ nông trang. Mà chắc chắn là những dân tộc đó không anh hùng hơn dân tộc mình, tài nguyên của họ không giàu hơn của mình”.

Anh lại đăm chiêu: “Cây lúa ĐBSCL còn bề bộn công việc vây quanh nó. Lúa mùa, đất ngập mặn, nhiễm phèn, trình độ dân trí... Làm sao tìm ra được giống lúa thích hợp kèm theo các kỹ thuật tương ứng? 

Tôi thao thức nhiều về những vùng đất hoang lớn ở đồng bằng này, mà nông dân thì họ bỏ đi, bu bám sống ven quốc lộ với tỉ lệ sinh đẻ quá cao, cứ như phó mặc cho một số phận vô hình nào đó”.

GS Võ Tòng Xuân đến với người nông dân nuôi cá tra ở An Giang (2005)
GS Võ Tòng Xuân đến với người nông dân nuôi cá tra ở An Giang (2005)
Trước đó, những năm 1975-1977, người ta thấy anh và những đồng nghiệp cùng hàng trăm sinh viên say mê khoa học lặn lội qua hàng ngàn hecta ruộng lúa cháy rụi vì dịch rầy nâu, băng qua nhữngcánh rừng tràm xơ xác vì thuốc khai hoang thời chiến tranh, những đồng cỏ năng dày mịt, hoang vắng mênh mông. 

Khi thì lội bì bõm, khi thì lắc lư trên chiếc xuồng nhỏ hoặc ngồi nghêu ngao trên những mui tàu đò; lúc đi xe đạp, lúc chạy xe máy hay đeo cửa một chuyến xe đò cuối cùng nào đó trên một tuyến hương lộ đồng bằng.

Mười năm đầu sau ngày hòa bình 1975, hoạt động khoa học của anh Ba Xuân, hiệu phó Đại học Cần Thơ, chỉ nhằm một hướng: phát triển nông thôn. Anh đã linh động vượt qua nhiều thử thách trong cơ chế bao cấp lúc đó để làm cho được mục tiêu đào tạo kết hợp với nghiên cứu khoa học, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phục vụ sản xuất.

Giáo sư về hưu

Cuối năm 2007, sau ngày giáo sư Xuân nghỉ hưu, tôi gặp lại ông nhân một buổi họp mặt cuối năm. Vẫn là ngọn lửa nhiệt huyết của “anh Ba Xuân” ngày nào, khi nghe ông tâm sự với các nhà báo: 

“Cũng con người này, đất nước này, nhờ có thay đổi chính sách một chút là có cải cách, đổi mới mà từ một đất nước thiếu thốn đủ thứ, phải ăn gạo theo tem phiếu... trở nên một nước xuất khẩu gạo đứng hàng thứ hai trên thế giới, dân mình đã khá hơn xưa. 

Nhưng đến giờ đại bộ phận nông dân vẫn còn nghèo và thua thiệt. Cái chính của thời hội nhập này là Nhà nước phải dám thay đổi thêm chính sách, cải cách mạnh hơn, đổi mới mạnh hơn thì chúng ta mới có thể thắng được giặc nghèo”.


- Dường như thầy vẫn còn thao thức với những dự án đang dang dở?

- Ở trong nước thì dự án kỳ vọng nhất của tôi là xây dựng Đại học An Giang thành một trường đại học có tầm cỡ ở ĐBSCL. Tôi muốn lấy Đại học An Giang làm một mô hình đại học lý tưởng - nơi tạo ra động lực nghiên cứu phát triển cho An Giang và cả ĐBSCL, đồng thời là một nơi ươm mầm nhân tài cho cả vùng này. Chứ nếu vẫn đào tạo theo cách hiện nay thì khó có nhiều người tài giỏi. 

- Chuyện này dường như không chỉ ở An Giang?

- Trăn trở của tôi là đối với cả hệ thống giáo dục Việt Nam từ phổ thông đến đại học. Mỗi trường phải có khả năng cung cấp cho người học nhiều kiểu đào tạo - ngắn hạn, trung hạn, dài hạn; nhiều ngành nghề địa phương cần chứ không phải cứ theo chương trình khung như của Bộ Giáo dục - đào tạo hiện nay. Rồi trong nghiên cứu khoa học cũng phải sao cho đúng tiêu chuẩn quốc tế thì mới đi lên được. 

Muốn thế mỗi trường phải có một hiệu trưởng thật sự có khả năng chuyên môn, và Nhà nước phải cho các đại học quyền tự chủ để quản trị cả con người, chương trình học và tài chính. 

Tôi cũng lo nhất là giáo dục phổ thông của Việt Nam đang quá kém so với các nước quanh ta. Trước 1975, sinh viên vào Đại học Cần Thơ giỏi hơn sinh viên bây giờ rất nhiều. 

Hồi những năm 1960, học sinh đậu tú tài xong có thể làm được nhiều việc; còn bây giờ thi đậu trung học phổ thông rồi mà cứ “ngơ ngơ ngác ngác” không biết làm gì, chỉ lo trả bài xong rồi quên hết, ngoại ngữ thì hầu như không nói được. 

Chương trình “nhồi sọ” đủ các môn trong khi môn chính cũng như các môn phương tiện như vi tính và ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, thì không rành.

Phải biến nông dân thành những người chủ giàu có


GS Võ Tòng Xuân sinh ra trong một gia đình nghèo ở huyện Ba Chúc, An Giang. Lúc nhỏ ông lên Sài Gòn tự lập để phụ cha mẹ nuôi các em và để có tiền đi học đến khi thành tài. Ông từng trải qua một thời bán báo dạo dọc các bến xe đò, đêm đi dạy kèm cho học sinh luyện thi. 

Rồi đến quãng đời làm giám đốc kỹ thuật cho một công ty thuốc trừ sâu. Ông nói: “Sự giàu có của dân lao động các nước nghèo tài nguyên thiên nhiên mà tôi đã đi qua làm tôi nghĩ đến dân mình - những người chủ nghèo sống trên tài nguyên giàu có. Từ đó tôi đã xác định mục đích sống cho đời mình: phải đem hết tri thức để đóng góp cho đất nước, làm sao cho dân mình mau trở thành những người chủ giàu có”.

Chính vì mục đích đó mà ông đã quyết định quay về Việt Nam ngay sau khi trình luận án tiến sĩ nông học ở Nhật, hôm đó chỉ cách 30-4-1975 có 28 ngày.

- Trong nông thôn, nông nghiệp và nông dân, thầy lo nhất chuyện gì?

- Cái nghèo của nông dân Việt Nam ! Nông dân ta cần cù làm ra quá nhiều gạo cho xã hội hưởng, nhưng chính mình thì không giàu lên được. Tại ai? Nông dân Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysiagiàu hơn nông dân mình. Nhìn xa hơn chút, nông dân Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản còn giàu gấp mấy mươi lần nông dân mình. 

Mà con người và tài nguyên của mình không thua ai hết. Chỉ vì mình thiếu một chính sách tốt và cách quản lý tốt. Cách quản lý hiện nay không làm cho mỗi người có thể phát huy hết khả năng. 

Cũng như trong giáo dục, mình đang đào tạo ra cái mà xã hội không cần. Thí dụ, cứ để cho những công ty quốc doanh chỉ chạy theo lợi nhuận, câu kết với nhiều trung gian mà không biết đầu tư cho nông thôn để nông dân sản xuất theo đúng yêu cầu thị trường thì làm sao nông dân khá lên được. Rốt cuộc là nông dân, doanh nghiệp, nhà nước cứ tách rời nhau. Phải có chính sách tốt để ba “người” này dính lại một cách hữu cơ.

Tôi còn lo là nông dân ta, nhất là ở đồng bằng sông Hồng và ĐBSCL, dần dần sẽ thiếu đất sản xuất vì xu thế đô thị hóa không thể dừng lại được. Vì thế tôi đã nghĩ đến việc đưa nông dân Việt Nam làm chuyên gia giúp nông dân Tây châu Phi sản xuất lương thực. Chương trình này đã bắt đầu từ tháng 6-2006, chuyên viên Việt Nam đã sang nước Sierra Leone chuẩn bị cơ sở hạ tầng để đưa nông dân Việt Nam sang. 

Đây là một chương trình mang ý nghĩa lớn tầm cỡ quốc tế vì sự giúp đỡ thành công của chúng ta vào công cuộc an toàn lương thực, xóa đói giảm nghèo cho châu Phi sẽ làm tăng uy thế nước ta trong Liên Hiệp Quốc. 

Rất nhiều quốc gia phương Tây đã tiêu tốn hàng trăm triệu đôla hăng năm giúp châu Phi nhưng đến nay châu lục này vẫn bị đói và nghèo triền miên.

Tôi rất lạc quan về sự thành công của chương trình Tây châu Phi, vì đã thử nghiệm rất có hiệu quả kỹ thuật trồng lúa cao sản của ĐBSCL trên đất châu Phi. Và một độc đáo nữa là chúng ta dùng nông dân làm chuyên gia sang hướng dẫn, kèm cặp nông dân châu Phi sản xuất lúa, theo công thức một nông dân Việt Nam làm với bốn nông dân châu Phi.

- Về hưu nhưng sao thầy vẫn còn nhận nhiều công việc quá vậy?

- Hưu về chức vụ hiệu trưởng, nhưng chuyên môn đâu có nghỉ hưu. Còn sáng suốt và khỏe mạnh thì còn đóng góp được cả ở trong và ngoài nước. Nhiệm vụ tư vấn khoa học tôi vẫn tiếp tục, vì người ta không giới hạn tuổi tác. 

- Vậy thì kinh nghiệm làm việc của thầy là gì?

- Tôi phải học rất căn bản và không ngừng tự cập nhật kiến thức. Tôi truyền đạt cho những cộng sự của tôi, không giấu ai kỹ thuật gì. Khi kiến thức mở mang, mình có thể thấy trước những gì mà người thường chưa thấy. 

Dĩ nhiên đừng bảo thủ, mà trái lại, luôn có sáng kiến mới, rồi truyền đạt nội dung, phương pháp thực hiện, tìm kinh phí và giao công việc cho người khác cùng làm. 

Đồng thời với giao công việc, tôi phải kiểm tra đôn đốc, chỉ đạo không chậm trễ. Quan trọng là cần phải được đào tạo căn bản, sâu và rộng để thấy được cái mới. Không có sáng kiến mới thì không thể cạnh tranh lành mạnh với các đối thủ trong thời hội nhập kinh tế toàn cầu.

Thao thức...

Giáo sư Võ Tòng Xuân sắp bước sang tuổi 69 nhưng nom ông còn khỏe lắm. Ông là người Việt Nam đầu tiên vừa được trao giải thưởng “Dioscoro L. Umali”. 

Đây là giải thưởng quốc tế do Trung tâm Nghiên cứu đào tạo nông nghiệp Đông Nam Á thuộc Tổ chức Bộ trưởng giáo dục các nước Đông Nam Á cùng Viện hàn lâm Khoa học công nghệ Philippines và Quỹ D.L. Umali phối hợp thành lập năm 2008 để tôn vinh những nhà khoa học vùng Đông Nam Á có nhiều thành tích đóng góp cho công cuộc phát triển nông nghiệp của vùng.

Năm 2008, dường như ông làm việc ở nước ngoài nhiều hơn trước. Ông tâm sự: " Các hoạt động khoa học của tôi đã tăng lên gần như đột biến trong nước và quốc tế sau khi tôi chính thức thôi nhiệm vụ quản lý nhà trường.

Tôi đang có kế hoạch xây dựng thương hiệu cho cây tiêu và rượu sim Phú Quốc cũng như cho gạo Sóc Trăng. Nhiều hội thảo về xóa đói giảm nghèo trong nước và quốc tế đã nhờ tôi đến thảo luận, đặc biệt là hội thảo tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc cuối tháng 9-2008 mà Tổng thư ký Ban Ki Moon đã mời tôi gợi đề dẫn thảo luận".

Năm 2008, giáo sư Võ Tòng Xuân đã cùng một nhóm nhà khoa học, doanh nghiệp Việt Nam và Anh quốc có tâm huyết với châu Phi thành lập Công ty TNHH Nông thủy sản Việt Phi (gọi tắt là VAADCO-VN) tại TP.HCM, VAADCO-NG tại Nigeria và VAADCO-UK tại Luân Đôn để giúp một số nước châu Phi gia tăng sản lượng nông nghiệp, góp phần xóa đói giảm nghèo cho họ. 

Với trách nhiệm là tổng giám đốc VAADCO, giáo sư Xuân đang cùng các chuyên gia nông nghiệp của Việt Nam xác định các nội dung phát triển nông nghiệp cho bang Enugu của Nigeria, lên kế hoạch đầu tư để chi nhánh Anh quốc của công ty huy động tài chính để có thể nhanh chóng đưa chuyên gia nông nghiệp Việt Nam sang châu Phi, chuẩn bị điều kiện sản xuất lương thực cho nông dân châu Phi dưới sự hướng dẫn của nông dân Việt Nam.

Ngoài những tổ chức quốc tế đang tham gia từ nhiều năm qua, giáo sư Xuân đã nhận lời tham gia hội đồng tư vấn của Trung tâm phát triển phân bón quốc tế (tại Muscle Shoal, bang Alabama, Mỹ) và của Chương trình kinh tế và môi trường Đông Nam Á (tại Singapore). 

Trong lĩnh vực giáo dục, năm 2008 ông được mời tham gia thành lập trường đại học quốc tế Cần Thơ, Đà Lạt và đại học Tân Tạo. Để làm các công tác này, ông nói: “Tôi phải tham gia khảo sát, tìm đối tác từ một số trường nổi tiếng của Âu, Mỹ”.

Vừa mới “chạm” vào lĩnh vực nông nghiệp - nông dân - nông thôn, giáo sư Xuân lại sôi nổi: “Năm 2008, thấy rõ nhất là sự tiêu thụ đầu ra của nông dân luôn luôn là chuyện đau đầu. Mọi rủi ro đều trút lên đầu người nông dân nghèo. 

Những gì đã xảy ra và đang tiếp tục xảy ra với người nông dân Việt Nam cho thấy mặc dù ai cũng nói quan tâm đến nông dân và nông thôn, nhưng thực tế ít ai chịu tổ chức đồng bộ mọi lực lượng để giúp nông dân và nông thôn đạt mức lợi tức cao. 

Thực trạng nghèo của nông dân và nông thôn là kết quả của tính không ổn định của công cuộc xóa đói giảm nghèo không đồng bộ của ta. Nếu Đảng và Nhà nước không có những chính sách khuyến khích thì phải còn lâu lắm nông dân ta mới giàu lên được”. 

Rồi ông kiến nghị: “Tôi mong rằng các nhà làm chính sách của nước ta không nên chỉ dừng lại với những “định hướng” và “nghị quyết” rồi để ai muốn làm sao thì làm, mà nên tổ chức “các mũi giáp công” để các ngành tham gia cùng tiến tới định hướng ấy một cách thành công”.

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.