GS Võ Quý - một giờ và một đời dành cho Trái đất
Đại sứ “Giờ Trái đất”
GS Võ Quý - Nhà khoa học Châu Á đầu tiên được thưởng Huy chương vàng quốc tế về thành tích bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên khu vực do WWF trao tặng - là một trong ba đại sứ thiện chí được chọn cho chiến dịch tại Việt Nam.
“Giờ Trái đất” là Sáng kiến toàn cầu được Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) khởi xướng. Mục đích của sự kiện này nhằm đề cao việc tiết kiệm điện năng và vì vậy làm giảm lượng khí thải carbon, khí gây ra hiệu ứng nhà kính.
Theo đó, các hộ gia đình và cơ sở kinh doanh tắt đèn điện và các thiết bị điện không ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt trong một giờ đồng hồ vào lúc 8 đến 9 giờ tối (giờ địa phương) ngày thứ Bảy cuối cùng của tháng ba hàng năm (năm 2009 là ngày 28/ 3).
Theo Giáo sư Võ Quý, “Giờ Trái đất” chỉ là khởi đầu, tuy nhiên đó là sự khởi đầu quan trọng nhắc nhở mỗi chúng ta hàng ngày, hàng giờ phải cùng nhau có ý thức bảo vệ môi trường sống.
“Ngày trước còn nhiều ý kiến biện hộ rằng đó chỉ là thiên tai nhưng hiện nay các nhà khoa học đều thống nhất sự nóng lên của trái đất là do tác động của con người”,ông trăn trở.
Ông vẫn đau đáu lo cho sự an toàn của hành tinh: Cả vạn năm từ trước đến nay nhiệt độ trái đất vẫn luôn giữ ở mức trung bình 15 độ; nhưng trong vòng 30, 40 năm gần đây nhiệt độ đã tăng thêm 0,7 độ và chỉ có lên mà không có xuống.
Nếu như tình trạng này cứ tiếp diễn thì trong vòng 30 đến 40 năm nữa, Bắc Cực sẽ không còn băng. Một khi nước biển dâng lên, nông nghiệp sẽ là ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất.
Nếu theo tiêu chí ngập nước thì các nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ là Trung Quốc, Ấn độ, Banglades, Việt Nam và Ai cập. Còn nếu xét theo khía cạnh chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu thì những nước đang phát triển ở vùng nhiệt đới của châu Á sẽ phải hứng chịu hậu quả tồi tệ nhất và Việt Nam cũng ở ”top 5” nước thuộc diện này
“Đây thực sự là một thảm họa từ trước đến nay chưa từng có trong lịch sử loài người, nó ở trước mắt rồi, nó đang rất cấp bách. Chính các nhà khoa học cũng không nghĩ nó đến nhanh như vậy”, GS nhấn mạnh
Điều đáng tiếc theo GS Võ Quý là hiện nay là nhiều cấp lãnh đạo lẫn người dân vẫn nhận thức chưa đầy đủ được hiểm họa khủng khiếp này hoặc chưa có cách ứng xử thích hợp. Mấy lâu nay lũ lụt, hạn hán... mọi người đều nghĩ đây là thiên tai mà không nghĩ đó chính là “nhân tai”, do con người chúng ta phá hoại môi trường mà ra.
“Trong thực tế chúng ta đang hy sinh nhiều quá về môi trường vì các lợi ích kinh tế trước mắt. Chúng ta nói thì nhiều nhưng thực hiện thì quá ít, luật lệ về môi trường của chúng ta cũng không nghiêm minh gì cả”.
Ông dẫn chứng, ngay như Hà Nội trong trận lụt lịch sử vừa rồi, nếu thời gian qua chúng ta không lấp đi nhiều hồ thì chắc đã không đến nỗi bị nước “ngâm” cho cả tuần như thế. TP Hồ Chí Minh thì hiện tượng triều cường đang ngày càng thường xuyên và với mức độ nghiêm trọng hơn.
Điều GS trăn trở nữa là làm sao chúng ta phải thay đổi cách thức và nội dung giáo dục môi trường từ những bậc học nhỏ nhất, bằng những bài học trực quan sinh động, gắn với thực tiễn của môi trường sống hiện nay.
Còn ông, một người cả đời tâm huyết với những vấn đề giữ cho Trái đất xanh vẫn luôn đặt niềm tin vào những thay đổi tích cực trong tương lai khi ý thức của người dân ngày càng được nâng lên.
Anh hùng môi trường
Với những nỗ lực hết mình cho hoạt động vì môi trường chung của thế giới, về an toàn cho nhân loại, năm 2008, GS Võ Quý đã được tạp chí Time bầu chọn là một trong 35 Anh hùng môi trường của thế giới.
Thành tích đầu tiên mà tạp chí Time nêu ra là GS đã có nhiều công lao cho việc nghiên cứu và cải tạo các vùng đất bị nhiễm chất độc da cam dioxin.
Từ năm 1985, GS Võ Quý sáng lập ra Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường trực thuộc Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (nay là Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường trực thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội.
Dự án mới nhất mà GS đang thực hiện là dự án về cải tạo đất bị nhiễm dioxin ở Quảng Trị. Với sự nỗ lực của Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường, nhiều dự án về bảo vệ thiên nhiên và phục hồi những vùng đất bị suy thoái đã dần dần được thực hiện có hiệu quả.
Năm 2003, GS. Võ Quý vinh dự là nhà khoa học Việt Nam đầu tiên và là người châu Á thứ hai được nhận Giải thưởng Hành tinh xanh, giải thưởng quốc tế tương đương giải Nobel về môi trường, do Ashahi Glass Foundation trao tặng.
Hàng năm ông vẫn trích dần số tiền thưởng tị giá 50 triệu yên Nhật (tương đương 6 tỷ đồng) để góp phần cùng với Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường - ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức các lớp bổ túc kiến thức về môi trường cho những người đang làm công tác này và hỗ trợ các hoạt động về đào tạo và nâng cao năng lực đào tạo của Trung tâm.