GS Phan Huy Lê - Người nặng lòng với dấu tích Thăng Long
Người “đứng mũi chịu sào” đưa ra những kiến nghị đầy tinh thần trách nhiệm, khoa học và đau đáu nỗi lòng với những di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội là GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Kịch sử Việt Nam (các khóa II, III, IV và V từ năm 1990 đến nay).
Thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI được ghi dấu ấn bằng việc phát hiện hàng lọat di tích lịch sử - văn hóa về kinh thành Thăng Long cổ xưa. Đó là những di sản văn hoá vô giá mà bao nhiêu thế hệ tổ tiên đã sáng tạo nên và lòng đất này đã gìn giữ cho đến hôm nay, vì thế việc tiếp tục bảo tồn, phát huy rồi chuyển giao lại cho các thế hệ mai sau phải được thế hệ hôm nay thực hiện với một ý thức trách nhiệm cao nhất.
Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê sinh ngày 23 tháng 2 năm 1934 tại xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là hậu duệ của Thượng thư, nhà ngoại giao Phan Huy Ích, nhà bác học Phan Huy Chú, Thượng thư - nhà văn hóa Phan Huy Vịnh. Thân sinh Phan Huy Tùng (1878- ?) (đỗ Hội nguyên và Tam giáp đồng tiến sĩ khoa Quý Sửu - năm 1913), Lang trung Bộ Hình triều Nguyễn. Mẹ ông là người dòng họ Cao Xuân giàu truyền thống khoa bảng với các danh nhân: Cao Xuân Dục, Cao Xuân Tiếu, Cao Xuân Huy.
Năm 1956, sau khi tốt nghiệp, ông được giữ lại làm trợ lý tập sự tại Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, dưới sự dẫn dắt của vị Giáo sư nổi tiếng Đào Duy Anh. Chỉ hai năm sau, thầy giáo trẻ Phan Huy Lê đã được giao nhiệm vụ làm Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử Việt Nam Cổ - Trung đại và liên tục giữ trọng trách này hàng chục năm liền. Có thể nói cuộc đời của GS Phan Huy Lê gắn liền với Hà Nội, không chỉ vì đây là nơi ông đã sống mà còn vì ông đã gửi gắm tình yêu và cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp nghiên cứu và bảo vệ di sản lịch sử - văn hóa Thăng Long – Hà Nội.
Nghiên cứu dấu tích vùng đất Hà Nội - Hoàng Thành Thăng Long trong tương quan với các kinh đô cổ, GS Phan Huy Lê đã nhận định: Việc phát hiện di chỉ 18 Hoàng Diệu đã đủ chứng tỏ những giá trị vô giá của kinh thành Thăng Long từ nghìn năm trước còn lại trong lòng đất, đủ khiến ta thấy may mắn khi nhờ sự bảo tồn của lòng đất mà ta, và các thế hệ con cháu, sẽ còn nhiều cơ hội nghiên cứu và tìm hiểu lịch sử. Giá trị của khu di tích Hoàng thành Thăng Long (được phát lộ năm 2003) đã được các nhà khoa học trong nước cũng như các chuyên gia quốc tế, kể cả ông tổng giám đốc UNESCO đánh giá rất cao, hoàn toàn xứng đáng để được công nhận là di sản văn hóa nhân loại.
Mỗi cố đô có một hệ giá trị riêng mà chỉ mình nó có, việc so sánh Hoàng thành Thăng Long với các cố đô Cổ Loa, Hoa Lư và Huế chỉ nhằm khẳng định thêm những giá trị cực kỳ quý hiếm của di chỉ Hoàng Thành, cố đô Thăng Long 1000 năm văn hiến.
Theo GS Phan Huy Lê, nếu coi đường Hoàng Diệu như gáy một cuốn quốc sử thì trục Thần đạo với các công trình kiến trúc nổi giống như trang bìa cứng bằng vàng còn khu 18 Hoàng Diệu như những trang sách được mở ra với rất nhiều thông tin chính xác, đặc biệt quan trọng mà chúng ta chưa đủ sức hiểu ngay hết giá trị của chúng.
Đường viền là giới hạn của Cấm Thành Thăng Long (theo hướng mũi tên chỉ là khu di tích 18 - Hoàng Diệu). Đây như một cuốn “quốc sử” mở ra. |
Nhắc đến Hoàng thành Thăng Long là nhắc đến tính liên tục của các lớp văn hóa Lý - Trần - Lê được giấu kỹ dưới lòng đất, mà nếu không có cuộc khai quật bất ngờ năm 2003 tại số 18 Hoàng Diệu thì vẫn là bí mật, vẫn chỉ là những lời văn trong sử liệu, qua những bản đồ khá sơ lược. Đây là “bộ sử bằng di vật” của kinh thành Thăng Long, để từ đó ta hiểu được rất nhiều về kiến trúc, về bản sắc văn hóa, về sự kết hợp thiên nhiên (thích nghi và tận dụng), kết hợp triệt để giao thông đường thủy, xử lý không gian…
Di tích 18 Hoàng Diệu đã đủ chứng tỏ những giá trị vô giá của kinh thành Thăng Long từ nghìn năm trước còn lại trong lòng đất, nhờ vị trí của Cấm Thành không thay đổi qua các triều đại, vì thế dù là “phế tích” nhưng giá trị còn rất rõ, các chuyên gia quốc tế quý Hoàng Thành Thăng Long bởi qua bề dày cả ngàn năm mà còn bảo tồn được như vậy là rất hiếm. Trong lịch sử thành Thăng Long, La thành (hay Đại La thành), Hoàng Thành trải qua khá nhiều thay đổi, nhưng trung tâm của Hoàng Thành, đặc biệt là vị trí, qui mô của Cấm Thành (còn gọi là Cung thành) thì gần như không thay đổi, chỉ có kiến trúc bên trong thì dĩ nhiên qua nhiều lần xây dựng, tu sửa. Chính đặc điểm này giải thích tại sao trên khu di tích 18 Hoàng Diệu, các lớp di tích kiến trúc và di vật chồng lên nhau qua các thời kỳ lịch sử.
Gần đây, việc phát hiện di vật khảo cổ của đoạn thành cổ trong khi thi công đường Hoàng Hoa Thám, một lần nữa GS Phan Huy Lê cùng các nhà khảo cổ học, sử học lên tiếng đưa ra giải pháp để có thể nghiên cứu di tích thu thập di vật thời Lý, Trần, Lê… Theo tư liệu lịch sử, đây là đoạn thành cổ còn lại duy nhất phục vụ cho việc nghiên cứu lịch sử nhiều mặt của Thăng Long-Hà Nội.
Cùng với hoạt động nghiên cứu, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Nhà Sử học Phan Huy Lê còn dành tâm huyết nghề nghiệp của mình truyền lại cho các thế hệ sinh viên. Ông là một trong “Tứ trụ” của nền sử học hiện đại Việt Nam như cách vinh danh của nhiều thế hệ học trò: “Lâm – Lê – Tấn – Vượng” (các giáo sư Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng). Những ai đã từng được nghe ông giảng thì không chỉ “tâm phục khẩu phục’’về kiến thức, tri thức sâu rộng, khúc triết, giọng nói trầm ấm, biểu cảm, mà còn thấy ở ông là một phong cách, một thế ứng xử đầy minh triết, một nhân cách khoa học toàn vẹn.
Ông thường gắn kết những bài giảng của mình với các triết lý nhân văn, thể hiện tinh thần làm việc hăng say, hết mình cho sự thật và niềm đam mê. Những thế hệ học trò khoa Lịch Sử Đại học KHXHNV – ĐHQG Hà Nội được ông và đồng nghiệp đào tạo nay có nhiều người giữ những trọng trách trong các trường Đại học, các Viện Nghiên cứu, những cơ quan quản lý nhà nước ở Hà Nội và nhiều nơi khác. Ông được Nhà nước phong hàm giáo sư đợt đầu tiên (năm 1980); danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (năm 1994); giải thưởng nhà nước (năm 2000). Ông là người Việt Nam đầu tiên được Nhật Bản trao tặng Giải thưởng quốc tế văn hóa châu Á Fukuoka (năm 1996). Và năm 2002, ông được Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Cành cọ Hàn lâm.
Quê hương của GS Phan Huy Lê là vùng Núi Hồng Sông Lam nhưng tri thức và nhân cách của ông mãi là tượng trưng cho Hà Nội “ngàn năm văn hiến”.