GS. Hà Học Trạc - Nhà khoa học có tâm và có tầm
“Chọn mặt gửi vàng” – không phải ngẫu nhiên mà GS. TS Hà Học Trạc được giao phó làm người “đứng mũi chịu sào”, lãnh đạo Liên hiệp hội Việt Nam trong giai đoạn này. Trải qua hơn 30 năm nghiên cứu và giảng dạy, gần 10 năm làm Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội, GS. TS Hà Học Trạc đã thể hiện cái TÂM và cái TẦM của một nhà khoa học đầu ngành, một nhà quản lý có bản lĩnh. Nhớ lại những năm cuối thập niên 1980, đất nước vừa qua chiến tranh chống Mỹ lại phải đương đầu với chiến tranh biên giới, kinh tế khó khăn, hàng hoá khan hiếm, giá cả leo thang, làm sao để thầy trò ổn định đời sống, bảo đảm chất lượng giảng dạy, học tập. Ông Hiệu trưởng luôn cảm thông, chia sẻ khó khăn với anh chị em trong trường, bàn nhau tìm cách mở ra cơ chế triển khai các kết quả nghiên cứu khoa học – công nghệ vào sản xuất nhằm vượt qua những ách tắc của thời kỳ bao cấp, thích nghi với cơ chế thị trường.
Nhiều chuyên gia đầu ngành và các nhà lãnh đạo, quản lý của đất nước đã được đào luyện và trưởng thành từ “cái nôi” Đại học Bách khoa Hà Nội.
Trong khi đang làm Hiệu trưởng của trường Đại học danh tiếng này, GS. TS Hà Học Trạc vẫn dành thời gian tham gia Ban Chấp hành Trung ương Liên hiệp hội Việt Nam khoá V và đảm nhiệm Trưởng ban Phổ biến kiến thức. Từ đó ông đã quan tâm nghiên cứu kinh nghiệm hoạt động của các hội khoa học ở các nước phát triển và các nước đang phát triển, như ở Liên Xô (cũ), Trung Quốc, các nước Âu, Mỹ, các nước ASEAN… ông suy ngẫm nhiều về cách thức tổ chức nhằm tập hợp và phát huy năng lực của đội ngũ trí thức khoa học – công nghệ trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Ở những nước phát triển, các hội khoa học đã có tuổi đời hàng thế kỷ, nhà khoa học với hội như “cá với nước”, rất tự nhiên và thiết yếu trong môi trường lao động trí tuệ. Còn ở nước ta, một số hội khoa học kỹ thuật chuyên ngành cũng đã có truyền thống hàng chục năm trong các hoạt động xã hội - nghề nghiệp và phổ biến kiến thức.
Tại Đại hội nhiệm kỳ II Liên hiệp hội Việt Nam , Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tham dự. Trong bài phát biểu chỉ đạo, đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh: “ Đảng và nhân dân ta tự hào có một đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật đông đảo hàng chục vạn người, lòng đầy nhiệt huyết… Trọng tâm, công tác của hội là tạo ra được phong trào quần chúng hoạt động khoa học – kỹ thuật, góp phần đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất và đời sống.. Với sức mạnh tập hợp liên ngành và cách làm việc hợp tác năng động, Hội cũng có thể đảm đương tốt chức năng phản biện và giám định xã hội…”.
Trong nhiệm kỳ II Liên hiệp hội Việt Nam, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, tại các cuộc gặp gỡ và làm việc với Tổng Bí thư Đỗ Mười cùng một số đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong các ngày 20 – 24/9/1991, GS. TS Hà Học Trạc cùng nhiều nhà khoa học trong Liên hiệp hội Việt Nam và các hội thành viên đã nhất trí cao với đường lối Đổi mới đất nước do Đảng lãnh đạo.
Từ đó đã ra đời nhiều văn bản quan trọng của Đảng và Nhà nước về phát triển khoa học – công nghệ và đẩy mạnh hoạt động của Liên hiệp hội Việt Nam cùng các hội thành viên: Nghị quyết II Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII (12/1996); Chỉ thị 35-CT/TW; Chỉ thị 42-CT/TW của Ban Bí thư (6/10/1998); và đặc biệt là Chỉ thị 45-CT/TW của Bộ Chính trị (11/11/1998) về đẩy mạnh hoạt động của Liên hiệp hội Việt Nam, khẳng định đây là một tổ chức chính trị - xã hội của giới trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam, cùng với các đoàn thể chính trị - xã hội khác tạo thành lực lượng nòng cốt công nhân – nông dân – trí thức trong sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước.
GS. TS Hà Học Trạc nhắc lại kỷ niệm được làm việc với đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười vào thời gian ấy, khi đồng chí cùng tham dự một cuộc họp của Hội đồng Trung ương Liên hiệp hội Việt Nam. Đồng chí Tổng Bí thư dặn: “ Đảng và nhà nước trước sau như một, luôn luôn tin tưởng vào đội ngũ trí thức yêu nước… Về địa phương làm việc với các cấp uỷ Đảng, nếu có ai tỏ ý chưa thực sự thừa nhận tính chất chính trị - xã hội của Liên hiệp hội Việt Nam thì các đồng chí hãy chất vấn: “Là đảng viên, đồng chí có chấp hành Nghị quyết Hội nghị Trung ương 2 và Chỉ thị 45-CT/TW của Đảng hay không?””,
Cái TÂM và cái TẦM của GS. TS Hà Học Trạc còn để lại dấu ấn đậm nét vào thời kỳ mở đầu cho hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội Việt Nam . Đối với đồng nghiệp và cán bộ hội, ông là người nghiêm túc nhưng gần gũi và cởi mở. Hiếm khi ông “cao giọng” với ai. Ông tâm sự là mình luôn học theo lời dạy của học giả Ngô Thì Sỹ thời Hậu Lê: “ Lấy đạo đời thường để cảm hoá lòng người hơn là đem đạo thánh hiền ra quở trách người đời”. Không “đao to búa lớn” nhưng trước khi bắt đầu vào việc ông thường có tác phong nghiên cứu thấu đáo.
Ngay trong nhiệm kỳ II, dưới sự lãnh đạo của GS. TS Hà Học Trạc và Đoàn Chủ tịch, Liên hiệp hội Việt Nam đã tập hợp chuyên gia của các hội thành viên đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện của Đảng và Nhà nước.
Năm 1992, Liên hiệp hội Việt Nam thực hiện tư vấn, phản biện luận chứng kinh tế - kỹ thuật Công trình thuỷ điện Yaly trên sông Sê San (Gia Lai).
Đầu năm 1993, thực hiện việc thẩm tra tài liệu kỹ thuật Đường dây tải điện 500 kV Bắc – Nam do hãng Nippon Koei (Nhật Bản) soạn thảo. Với những đồng nghiệp là chuyên gia hàng đầu của ngành Điện lực nước ta như GS. TSKH Nguyễn Hữu Mai, GS. TSKH Trần Đình Long, từng là sinh viên khoá III Đại học Bách khoa Hà Nội, nhóm tư vấn của Liên hiệp hội Việt Nam do GS. TS Hà Học Trạc lãnh đạo đã xứng đáng với niềm tin cậy của Đảng và Nhà nước.
Thực hiện Hợp đồng 2369 UB/VPTD ngày 16/11/1993 với Hội đồng thẩm tra luận chứng kinh tế - kỹ thuật cấp Nhà nước, Liên hiệp hội Việt Nam cùng các chuyên gia nhiều hội ngành (Điện lực, Thuỷ lợi, Lâm nghiệp, Địa chất…) đã tổ chức “phản biện dự án tiền khả thi công trình thuỷ điện Sơn La”, từ đó công việc tiến hành trong suốt 10 năm qua nhiệm III sang nhiệm kỳ IV (thời gian này do GS. VS Vũ Tuyên Hoàng làm Chủ tịch). Tổ tư vấn tiến hành thẩm định 06 bộ hồ sơ khác nhau về công trình thế kỷ. Qua đó, Liên hiệp hội Việt Nam đã góp phần cung cấp cơ sở khoa học để Chính phủ và Quốc hội quyết định chọn phương án an toàn, quy hoạch xây dựng công trình thuỷ điện Sơn La với 4 bậc thang trên Sông Đà, mực nước dâng bình thường là 215m so với mặt nước biển thay vì phương án cao với mực nước dâng là 265m, tuy có hiệu quả kinh tế nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ khôn lường.
Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội Việt Nam và các hội thành viên diễn ra suốt từ đầu cho đến cuối của những năm 1990 trong điều kiện rất hạn chế về cơ sở vật chất (kinh phí hằng năm chỉ được tính tới vài trăm triệu), song nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, sự thể chế hoá bằng các Nghị quyết của Chính phủ và với sự nỗ lực của hàng trăm chuyên gia, chúng ta đã góp phần đáng kể cho sự nghiệp đổi mới đất nước, được Đảng và Chính phủ biểu dương, khen thưởng.
Giữ cương vị Chủ tịch Liêm hiệp hội Việt Nam trong hai nhiệm kỳ, GS. TS Hà Học Trạc đồng thời là Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương khoá VI, Uỷ viên Trung ương Khoá VII, Đại biểu Quốc hội khoá VII, khoá IX và khoá X; từ năm 1996 đến 2000 lại làm Chủ nhiệm Chương trình Quốc gia nghiên cứu về chiến lược phát triển năng lượng. Ông thật sự là “người của công việc và cống hiến”. Cũng chính nhờ thế, ông có khả năng tập hợp được đông đảo trí thức khoa học – công nghệ trong và ngoài nước hoạt động theo các chức năng của Liên hiệp hội Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.
GS. TS Hà Học Trạc rất quan tâm chỉ đạo các hoạt động hợp tác quốc tế. Cùng với một số Hội chuyên ngành, đặc biệt là Tổng hội Cơ khí, Tổng hội Xây dựng… từ nhiệm kỳ II, Liên hiệp hội Việt Nam đã tham gia vào tổ chức Hiệp hội các kỹ sư của các nước trong khối ASEAN, gọi tắt là AFEO, tiến hành chuẩn bị việc cấp chứng chỉ cho các kỹ sư thực thụ. Tạp chí Khoa học và Tổ quốc – Cơ quan ngôn luận của Liên hiệp hội Việt Nam , diễn đàn của giới trí thức đã ra mắt bạn đọc trong cả nước, do GS. TS Hà Học Trạc làm Chủ tịch Hội đồng biên tập, TS. Phạm Sỹ Liêm làm Tổng biên tập.
Qua một quá trình vận động, Liên hiệp hội Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đến năm 1992 Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (gọi tắt là VIFOTEC) chính thức thành lập. Chủ tịch danh dự của Quỹ VIFOTEC - Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đề ra phương châm hoạt động của Quỹ với 6 chữ vàng: “TRÍ TUỆ - CÔNG MINH - HIỆU QUẢ”. GS. TS Hà Học Trạc được bầu làm Chủ tịch Hội đồng bảo trợ của Quỹ VIFOTEC, cùng với 5 – 6 tiểu ban do các nhà khoa học đầu ngành phụ trách theo dõi, đanh giá các lĩnh vực khoa học – công nghệ mũi nhọn. Qua 13 lần trao giải kể từ năm 1995 đến 2008, Quỹ VIFOTEC đã được xã hội công nhận là giải thưởng danh giá của Việt Nam về mặt khoa học – công nghệ, chỉ sau giải thưởng Hồ Chí Minh.
Có thể nói qua hai nhiệm kỳ lãnh đạo Liên hiệp hội Việt Nam , GS. TS Hà Học Trạc đã có công phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, vượt mọi khó khăn của trí thức khoa học – công nghệ Việt Nam mà GS. VS Trần Đại Nghĩa là một tấm gương sáng, đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ trong các nhiệm kỳ sau do GS. VS Vũ Tuyên Hoàng làm Chủ tịch.
Tháng 12 năm 1989, GS. TS Hà Học Trạc làm việc với Nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng và đồng chí Nguyễn Đức Tâm - Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng, để nhận trọng trách Chủ tịch Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam. Bác Phạm Văn Đồng Chủ tịch danh dự của Hội đồng dặn dò những lời tâm huyết: “Từ điển bách khoa và Bách khoa toàn thư là nền tảng trí thức của mỗi quốc gia, như cây có bộ rễ khoẻ thì mới sinh trưởng, đơm hoa kết trái”. Thế là qua 16 năm 9 tháng lãnh đạo, ông Chủ tịch Liên hiệp hội Việt Nam lại đảm đương thêm công việc lãnh đạo Hội đồng quốc gia biên soạn từ điển, với một đội ngũ các trí thức khoa học và công nghệ, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội - nhân văn hùng hậu nhất cả nước.
Kết quả là vào đúng dịp Quốc khánh năm 2005, chúng ta đã có trọn bộ Từ điển Bách khoa Việt Nam 4 tập, là công cụ tra cứu cho mọi người, mọi nhà, đặc biệt là giới trẻ.
Ở tuổi xưa nay hiếm nhưng GS. TS Hà Học Trạc vẫn chưa chịu ngừng sáng tạo. Với cuốn “ Lịch sử lý luận và thực tiễn biên soạn Bách khoa toàn thư”, GS. TS Hà Học Trạc đã cùng các học giả xây dựng đề cương chi tiết bộ Bách khoa toàn thư 24 tập theo “phương pháp biên soạn phân quyển”, dự định hoàn thành trong 6 – 7 năm. Ưu điểm của phương pháp này là có thể đồng thời tập hợp trí thức của các học giả trong từng lĩnh vực để tiến hành khảo cứu biên soạn, kịp thời phục vụ bạn đọc, rút ngắn được thời gian so với phương pháp biên soạn lần lượt theo thứ tự từ A đến Z mà một số nước đã phải kéo dài hàng nhiều thập niên.
Sau nhiều thời gian ấp ủ nghiên cứu ông còn chuẩn bị cho ra mắt công trình “Phiên chuyển tên riêng nước ngoài sang tiếng Việt”.
Lần này được ngồi đàm đạo với GS. TS Hà Học Trạc - vị trí thức lão thành, đã ở tuổi bát tuần, tôi không khỏi lo ngại rằng ông có đủ sức khoẻ để hoàn thành một công việc trọng đại như thế không. Như hiểu được tâm sự của tôi, khi chia tay, ông cười: “ Tôi tin là chúng tôi sẽ làm được việc này, chắc chắn sẽ làm được”. Vẫn nụ cười ưu thời mẫn thế của vị Chủ tịch Liên hiệp hội Việt Nam ngày nào. Ông đã được Đảng và Nhà nước đánh giá cao và thật sự xứng đáng được trao tặng nhiều Huân chương cao quý, đặc biệt là Huân chương Độc lập hạng Nhất vào trước ngày Quốc khánh năm nay, góp phần tô thêm những điểm son của họ Hà ở Nghệ Tĩnh, vốn giàu truyền thống cách mạng và học vấn.