GS Đỗ Tất Lợi: Tôi muốn noi gương các vị danh y tiền bối
Nói đến GS-TS Đỗ Tất Lợi là nói đến công trình khoa học - bộ sách quý Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhờ công trình này, ông đã được Hội đồng khoa học tối cao Liên Xô (trước đây) phong tặng học vị tiến sỹ vào năm 1968 và được Nhà nước ta trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ đợt I (năm 1996).
Ông sinh ngày 27.2.1919, trong một gia đình làm nghề nông thuộc xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Thuở nhỏ, tuy nhà nghèo nhưng ông vẫn ham học. Chưa tròn 6 tuổi đã phải xa bố mẹ, theo chú xuống Hải Phòng để đi giao báo, lấy tiền ăn học. Lên cấp 3, ông quay trở lại Hà Nội học, đến năm 1939 được học tại Trường đại học Dược Hà Nội. Lúc ông tốt nghiệp đại học cũng là lúc Nhật đảo chính Pháp, ông trở thành một trong những dược sỹ khoá cuối cùng có tấm bằng dược sỹ thời Pháp thuộc (lúc đó điều kiện đào tạo dược sỹ rất ngặt nghèo, năm 1944, cả Đông Dương chỉ có 6 dược sỹ tốt nghiệp).
Ngay từ nhỏ, ông đã tận mắt chứng kiến những tác dụng chữa bệnh diệu kỳ của các phương thuốc gia truyền và các vị thuốc dân tộc, nhưng ông rất ngạc nhiên là nhiều người Việt Nam lại coi thường nó, trong khi người Pháp lại rất đề cao, vì thế ông quyết định âm thầm tìm hiểu về y dược học cổ truyền. Trong thời gian là sinh viên Trường Dược, là một học trò cưng của cụ lang Lê Văn Sáp - người chữa gãy xương nổi tiếng ở Sóc Sơn, Hà Nội nên ông có điều kiện được thường xuyên cùng lang y Lê Văn Sáp đi thăm khám bệnh nhân và sưu tầm các cây thuốc quý. Ông cũng luôn tranh thủ đọc sách và trò chuyện cùng các vị lang y và thầy thuốc Đông y để thu thập thêm các kiến thức cho mình. Từ đây, mục đích của cuộc đời ông đã được xác định rõ ràng: Kiên quyết thâm nhập vào bí mật của Đông Y. Tốt nghiệp đại học, ông về mở hiệu thuốc Đông y và tự nghiên cứu, chế ra những loại thuốc Đông y dưới dạng thành phẩm hiện đại (đóng ống). Nhiều loại thuốc do gia đình ông chế ra đã có tác dụng tốt, được người dân tin dùng, như: Palmatin (chế từ hoàng đằng) - chữa lỵ trực trùng; cao ích mẫu (cải tiến từ cao hương ngải) - chữa bệnh cho phụ nữ; clorophin (chế từ lá tre) - chữa lành vết thương; HA1 - điều hoà huyết áp và chữa Basedow; neryolin (chế từ lá trúc đào) - điều trị bệnh tim; bột cánh kiến đỏ - nhuộm các tiêu bản bệnh phẩm, thay thế chất nhuộm nhập ngoại… Kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, ông vào quân ngũ và tiếp tục nhiệm vụ bào chế thuốc cho bộ đội ta (chủ yếu bào chế các thuốc Nam từ lá tre, lá táo, dùng để chữa vết thương). Trong thời gian giữ trọng trách Viện trưởng Viện Khảo cứu chế tạo dược phẩm - Cục quân y, ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, ông đã lặn lội khắp rừng sâu, núi thẳm để đi tìm các cây thuốc quý. Vốn là một dược sỹ giỏi, nay lại có điều kiện học hỏi kinh nghiệm của những “ông lang, bà mế” ở các địa phương, được nghiên cứu ở các vùng rừng núi - nguồn cây cỏ cung cấp nguyên liệu chế thuốc vô cùng phong phú (thuộc loại giàu nhất thế giới, nhất là các cây thuốc nhiệt đới), ông đã thu thập được rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm quý giá về các cây thuốc và vị thuốc dân gian Việt Nam. Hoà bình lập lại, ông về làm chủ nhiệm Bộ môn Dược liệu Trường Đại học Y dược Hà Nội. Lúc này, tài liệu giảng dạy Bộ môn Dược liệu hoàn toàn chưa có gì, ông đã dựa trên vốn kiến thức và kinh nghiệm có được để biên soạn nhiều giáo trình phục vụ cho công tác giảng dạy. Bênh cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu của nhân dân, ông đã công bố nhiều công trình khoa học có giá trị. Công trình đầu tiên ông công bố là bài “ Làm thế nào để kết hợp Đông và Tây y?” (Đăng trên báo Dân thanh 31/10/1946). Trong số 10 cuốn sách, 113 công trình khoa học đã được ông công bố có 3 công trình khoa học được các nhà dược học trong và ngoài nước đánh giá cao. Đó là: Giáo trình tổng quát, viết cùng với Đỗ Xuân Hợp (đối với y văn Việt Nam, lần đầu tiên có một giáo trình tóm tắt các phương pháp điều trị và các vị thuốc cây cỏ của Việt Nam); Giáo trình dược liệu học, mô tả rất tỷ mỷ nhiều cây thuốc Việt Nam bằng tên la tinh (Giáo trình này được dùng giảng dạy ở các trường đại học); Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (in lần đầu 6 tập). Đặc biệt, công trình những cây thuốc và vị thuốc Việt Namđã được ông ấp ủ và bắt tay vào thực hiện ý tưởng từ khi còn là sinh viên. Trong đó ông trình bày hơn 750 loại cây thuốc, vị thuốc, một số vị thuốc còn được viết thành chuyện luận hoàn chỉnh. Bộ sách có gần 800 hình vẽ minh học, có đính kèm bản tra cứu bằng tên Việt và tên la tinh của tất cả các cây thuốc được xếp theo họ và xếp theo thứ tự mẫu tự la tinh. Các chuyên gia y học hàng đầu của Liên Xô (trước đây) đã đánh giá: đây là công trình về cây thuốc nhiệt đới có mức độ chính xách và tỷ mỷ, khoa học nhất thế giới từ trước đến nay, với rất nhiều cây thuốc mới lần đầu tiên được công bố. Bộ sách cũng được bình chọn là một trong bảy viên ngọc trong biển sách tại Hội chợ Triển lãm sách quốc tế Matxcơva tháng 9.1983.
Đọc Những cây thuốc và vị thuốc Việt Namngười đọc, cảm nhận được sự say mê nghiên cứu cây cỏ của tác giả, đồng thời có thể tìm thấy những thông tin hữu ích, thiết thực cho đời sống hàng ngày. Cuốn sách này không chỉ có giá trị khoa học cao, mà nó còn mang tính văn hoá, dân tộc, gắn liền với các tập quán, thói quen, kinh nghiệm của cha ông ta từ ngàn xưa trong việc ăn uống và chữa bệnh. Lúc đầu, công trình này chỉ là những cuốn sách nhỏ, nhiều tập, với tên gọi: Dược liệu học và các vị thuốc Việt Nam. Về sau, được xuất bản thành 1 tập với tên gọi Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Đến nay, công trình này đã được tái bán lần thứ 13 (năm 2005).
Với phương châm kết hợp y học cổ truyền dân tộc với y học hiện đại, GS Đỗ Tất Lợi đã đào tạo ra nhiều thế hệ dược sỹ giỏi về sử dụng, bào chế cả thuốc Tây lẫn thuốc Đông y, đào tạo ra nhiều bác sỹ biết sử dụng, kê đơn thuốc y học cổ truyền. Ông còn giúp đỡ, chỉ đạo hoạt động nghiên cứu và giảng dạy cho Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo y dược học cổ truyền thuộc Bộ Y tế. GS Đỗ Tất Lợi thường tâm sự với mọi người: Còn sống, còn thở, tôi còn làm việc hết sức mình theo đúng lương tâm người thầy thuốc, người học trò của Tuệ Tĩnh và Lãn Ông - hai thầy thuốc lớn của nước ta… Tôi muốn noi gương hai vị tiền bối ấy!
Năm nay, ông đã bước sang tuổi 88, sống quây quần giữa một gia đình đầm ấm, hạnh phúc với người vợ đảm đang (88 tuổi) và 6 người con đều rất thành đạt. Tuy sức khoẻ hiện nay không cho phép ông được tiếp tục công việc nghiên cứu, nhưng hàng ngày, ông vẫn được nghe con cháu đọc và thông báo những thông tin mới nhất về thuốc và sức khoẻ, để ông được hoà mình vào thế giới thần kỳ của những cây thuốc và vị thuốc cổ truyền của Việt Nam - thế giới mà ông đã dành trọn cuộc đời say mê nghiên cứu và đã ghi lại nhiều dấu ấn cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Nguồn: T/c Hoạt động khoa học, tháng 2/2006, tr 52, 53